ELLE Vietnam – Tạp chí Thời trang, Làm đẹp & Phong Cách Sống

Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

4 thói quen xấu gây nọng cằm và cách khắc phục hiệu quả

Một chiếc cằm kém thon gọn đôi khi đủ khiến bạn ngập ngừng trước gương và mất đi sự tự tin vốn có.

Nọng cằm là tình trạng mỡ thừa tích tụ dưới cằm, khiến khuôn mặt kém thon gọn. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng phần mỡ thừa này gây mất thẩm mỹ, khiến bạn thiếu tự tin. Ngoài yếu tố tăng cân, nọng cằm còn có thể hình thành từ thói quen sinh hoạt. Trong bài viết này, ELLE sẽ cùng bạn khám phá những nguyên nhân phổ biến gây nọng cằm và gợi ý cách khắc phục hiệu quả để lấy lại đường nét thanh thoát cho khuôn mặt.

Cô gái với gương mặt Vline, không có nọng cằm.
Nọng cằm là vấn đề thẩm mỹ phổ biến có thể khiến nhiều người cảm thấy tự ti về ngoại hình. Ảnh: Instagram @yxivera.

Các thói quen xấu khiến cằm kém thon gọn

1. Tư thế gập người về phía trước

Việc ngồi cúi gập người, đi lại với tư thế khom lưng và liên tục nhìn xuống điện thoại đã trở thành thói quen của nhiều người. Trong quá trình thực hiện động tác này, chúng ta thường vô tình vươn cổ về phía trước để nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, việc duy trì tư thế này sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với cơ thể. Theo chuyên gia thần kinh học Amit Shankar, đây chính là “tư thế gập người về phía trước” – động tác khiến cơ cổ bị căng thẳng và ảnh hưởng xấu đến cơ platysma – cơ nối liền cổ và cằm. Khi cơ này yếu đi, vùng da và cổ sẽ trở nên kém săn chắc, bắt đầu chảy xệ và hình thành nọng cằm.

“Tư thế xấu như cúi đầu nhìn điện thoại, có thể làm yếu cơ cổ và cằm, dẫn đến nọng cằm”, nhà nắn chỉnh xương Nadia Alibhai. 

Không chỉ gây mất thẩm mỹ, tư thế này còn có thể dẫn đến các tình trạng như “cổ rùa”, thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống nếu kéo dài.

Người phụ nữ đang ngồi đọc sách tác động đến vùng cổ và gây nọng cằm.
Tư thế ngồi cúi gập người hoặc nhìn xuống điện thoại lâu dài làm suy yếu cơ cổ và tạo điều kiện cho nọng cằm hình thành. Ảnh: Pexels.

2.  Chế độ ăn không lành mạnh

Theo chuyên gia thể hình Chris Dempers, khi tăng cân, mỡ thừa sẽ phân bố đều khắp, bao gồm cả vùng mặt và cằm. Những chế độ ăn giàu calo nhưng thiếu dưỡng chất tạo điều kiện cho việc tích tụ mỡ thừa, đặc biệt khu vực như cằm – nơi lớp mỡ tích tụ không thể nhận thấy ngay nhưng lại dần hình thành nọng cằm. Thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn và các món ăn giàu chất béo không lành mạnh cũng góp phần gia tăng lượng mỡ dưới da mặt. Các thực phẩm này làm cơ thể giữ nước, gây bọng mắt và khiến cằm đôi rõ hơn.

3. Chăm sóc da sai cách

Dù không tăng cân hay do mỡ thừa, nọng cằm vẫn có thể xuất hiện nếu bạn không chú ý đến thói quen chăm sóc da mặt. Một trong những sai lầm thường gặp là hành động rửa mặt, massage hay thoa mỹ phẩm theo hướng vuốt xuống dưới. Những động tác này vô tình tạo áp lực lên các mô và cơ vùng cằm, khiến da mất đi độ đàn hồi tự nhiên và dần trở nên chùng nhão. Việc kéo da ngược lại với cấu trúc tự nhiên còn phá vỡ và làm suy yếu các sợi collagen và elastin – những yếu tố quan trọng duy trì vẻ đẹp căng mịn và trẻ trung cho làn da.

Cô gái đang rửa mặt sai cách gây ra nọng cằm.
Rửa mặt hoặc massage theo hướng vuốt xuống dưới sẽ khiến da vùng cằm mất đi độ đàn hồi tự nhiên và kém săn chắc theo thời gian. Ảnh: Pexels.

4. Thở bằng miệng và kê gối cao khi ngủ

Giấc ngủ tưởng chừng là thời gian để thư giãn, nhưng thực tế lại là tác nhân âm thầm gây ra nọng cằm. Thói quen thở bằng miệng khi ngủ buộc cơ thể phải mở miệng để hít thở dễ dàng hơn, khiến phần hàm có xu hướng bị kéo xuống. Tình trạng thiếu cân bằng này làm suy yếu các cơ quanh cằm và cổ, từ đó làn da vùng cằm sẽ trở nên chảy xệ và mất đi độ thon gọn tự nhiên. Chuyên gia giấc ngủ Michael Breus chia sẻ: “Thở bằng miệng không những làm tăng khả năng hình thành nọng cằm mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây ra các vấn đề về hô hấp và tuần hoàn”.

Cô gái với tư thế ngủ không đúng gây ra nọng cằm.
Thói quen thở bằng miệng và gối quá cao khi ngủ khiến da vùng cằm và cổ bị chảy xệ và kém thon gọn. Ảnh: Pexels.

Tương tự, việc kê gối quá cao suốt đêm cũng tác động không nhỏ đến vẻ ngoài của bạn. Khi gối quá cao, cổ thường cúi xuống hoặc gập lại, dần dần sẽ tích tụ mỡ thừa dưới cằm và thay đổi rõ rệt cấu trúc khuôn mặt. 

>> Xem thêm:

Điểm qua những phương pháp giảm nọng cằm phổ biến nhất hiện nay

5 phút tập cơ mặt mỗi ngày đánh tan nỗi lo về nọng cằm

Cách nào hóa giải nỗi buồn mang tên “mặt nọng hai cằm”?

Cách cải thiện nọng cằm hiệu quả tại nhà

1. Chỉnh sửa tư thế 

Chú ý đến tư thế là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện tình trạng nọng cằm. Khi nhận thấy mình đang ngồi, đứng hay di chuyển sai cách, hãy điều chỉnh ngay để giảm căng thẳng cho các cơ và duy trì sự cân bằng cho cơ thể. Sử dụng đai chỉnh hình là một gợi ý lý tưởng để hỗ trợ và duy trì tư thế đúng suốt ngày dài.

Bên cạnh đó, tư thế khi ngủ cũng vô cùng quan trọng. Nếu bạn thấy mình đang ngủ với gối quá cao hoặc quá thấp, hãy điều chỉnh gối sao cho đầu và cổ được nâng đỡ một cách thoải mái và thẳng hàng.

2. Massage bằng đá Gua Sha

Gua Sha là phương pháp sử dụng đá lăn massage, giúp kích thích lưu thông bạch huyết và làm săn chắc làn da. Chuyên gia nắn chỉnh xương khớp Eric Chun cho biết, Gua Sha có tác dụng cải thiện đường nét khuôn mặt và giảm nọng cằm hiệu quả.

Cô gái đang massage bằng đá Gua Sha để gimar nọng cằm.
Massage bằng đá Gua Sha giúp cải thiện đường nét khuôn mặt. Ảnh: Pexels.

Để thực hiện, bạn chỉ cần lăn công cụ Gua Sha dọc theo đường viền hàm, từ cằm đến tai, vuốt theo chiều lên để nâng cơ và làm săn chắc vùng cằm. Tiếp tục với các khu vực khác trên khuôn mặt như xương gò má, trán và luôn vuốt theo chiều lên. Phương pháp này giúp thon gọn khuôn mặt, thư giãn mang lại làn da tươi trẻ, săn chắc và đầy sức sống mà không cần liệu pháp tiêm thẩm mỹ.

3. Áp dụng bài tập giảm nọng cằm/làm thon gọn mặt

Bài tập Pucker-up

  • Giữ tư thế thẳng lưng, ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
  • Chu môi lại như thể bạn đang hôn trần nhà, bạn sẽ cảm thấy cơ dưới cằm căng ra.
  • Giữ tư thế này từ 5 đến 20 giây.
  • Lặp lại 15 lần nữa để hoàn thành một set.
  • Thực hiện bài tập này hai lần mỗi ngày để giúp cải thiện cơ cằm và vùng cổ.

Bài tập Straight Jaw Jut

  • Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
  • Đẩy hàm dưới ra phía trước cho đến khi bạn cảm nhận được sự căng ở dưới cằm.
  • Giữ tư thế này trong 10 giây.
  • Thả lỏng cơ hàm và đưa đầu trở lại vị trí trung lập.
  • Lặp lại bài tập này 10 lần để cải thiện vùng cằm và cổ.

Nhóm thực hiện

Bài: Khánh Nguyên

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)