Tập luyện thế nào để có vóc dáng vận động viên?
Mỗi kỳ thế vận hội tới gần, chủ đề chế độ tập luyện, dinh dưỡng của các “Olympians” sẽ lại thu hút sự chú ý không chỉ của những người yêu thích thể thao. Ngày nay, rất nhiều vận động viên (VĐV) trẻ lựa chọn và chia sẻ về chế độ ăn uống, tập luyện phong phú hơn để đạt được sự cân bằng tinh thần – thể chất trước khi bước vào những trận thi đấu tại Olympic – Sự kiện thể thao lớn nhất và cũng áp lực nhất.
CÂN BẰNG CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG
Không phải VĐV nào cũng có chế độ ăn gây bão với 12.000 kcal mỗi ngày như kình ngư người Mỹ Michael Phelps, người nắm giữ 23 huy chương vàng Olympic. Các VĐV Olympic trẻ ngày nay không còn trói buộc mình vào những chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt đến nỗi có thể dẫn đến bulimia (chứng cuồng ăn) như trước kia. Điều họ hướng đến là sự cân bằng và tính bền vững.
Đơn cử như nhà vô địch thế giới về bơi lội người Canada, chủ nhân của huy chương vàng tại Olympic Tokyo 2020 Maggie Mac Neil. Cô giữ phong độ đỉnh cao cùng thân hình đáng ngưỡng mộ nhờ việc cân bằng chế độ dinh dưỡng cho tập luyện mà vẫn cho phép mình thưởng thức các nền ẩm thực khác nhau trong mỗi lần đi thi đấu quốc tế. Cũng giống nhiều cô gái khác như VĐV thể dục dụng cụ Suni Lee, VĐV trượt băng Kaori Sakamoto hay VĐV nhảy xa Tay-Leiha Clark đều mê mẩn món kem, Maggie cũng tự cho phép mình thưởng thức một chút kem khi có thể.
Ở độ tuổi 21, ngôi sao trẻ trong làng thể dục người Mỹ Suni Lee đã gặt hái vô vàn thành công. Không chỉ sở hữu huy chương vàng Olympic, Suni còn tham dự chương trình Dancing With The Stars cũng như có BST kết hợp với thương hiệu thời trang giới trẻ PrettyLittleThing khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Để giữ được vóc dáng và thể lực của một Olympian chính hiệu, Suni theo đuổi một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phong phú. Cô luôn nạp đủ protein trong bữa sáng với trứng và xúc xích, hoặc protein shake. Cô sẽ ăn nhẹ bằng salad vào bữa trưa và “nạp thêm năng lượng” với những món ăn vặt đa dạng như chuối chiên, phô mai que, thịt nguội, hạnh nhân và cả bánh xốp protein. Bữa tối là bữa quan trọng với Suni vì sau khi tập luyện, cô cần bổ sung một lượng lớn protein với bít tết và rau xanh. Đôi khi cô cũng sẽ ăn pizza hay uống sinh tố như những người trẻ tuổi khác.
Bên cạnh Suni Lee, huyền thoại thể dục người Mỹ Simone Biles đã từng trả lời phỏng vấn rằng cô không theo dõi lượng calo nạp vào. Thay vào đó, Simone vẫn ăn những gì khiến cô cảm thấy ngon miệng từ pizza, sushi cho đến bánh quy một cách có kiểm soát để không ăn quá no. Chứng rối loạn ăn uống đã là nỗi ám ảnh không xa lạ với các VĐV qua hàng thập kỷ. Việc duy trì mối quan hệ lành mạnh với thực phẩm không chỉ giúp Simone tránh được vết xe đổ của những thế hệ đi trước mà còn trở thành thần tượng của giới trẻ thế giới.
Ngoài chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh hơn, ngày càng có nhiều tuyển thủ Olympic hướng tới chế độ dinh dưỡng thuần chay nhờ lợi ích về mặt tinh thần lẫn thể chất cũng như các tác động tích cực với môi trường. Kaylin Whitney, huy chương vàng chạy tiếp sức 4 x 400m ở Thế vận hội Tokyo, đã nói rằng ăn chay là “điều tuyệt vời nhất” mà cô từng làm. Chế độ thuần chay giúp Kaylin cảm thấy nhẹ nhàng hơn và đạt thành tích cao hơn. Ăn chay không có nghĩa là nhàm chán. Kaylin vẫn có thể thưởng thức hoa quả khô như xoài, chà là, cháo yến mạch cùng chuối và bơ đậu phộng để nạp năng lượng. Cả yến mạch và chuối đều có chứa các loại đường phức tạp, tiêu hóa chậm và là món ăn trước khi tập luyện tuyệt vời dành cho những VĐV điền kinh. Rất nhiều chiến binh, cựu tuyển thủ Olympic khác cũng đang chọn theo chế độ thuần chay như tuyển thủ bóng đá Alex Morgan, VĐV điền kinh Morgan Mitchell hay VĐV cricket Mady Villiers.
TẬP LUYỆN PHỐI HỢP
Nhắc đến những thiên thần ở Olympic Tokyo cách đây 4 năm, chắc hẳn nhiều người còn nhớ đến Valentina Acosta Giraldo, VĐV bắn cung người Columbia. Với gương mặt xinh xắn như búp bê và thân hình siêu nóng bỏng, Valentina hoàn toàn đốn gục người hâm mộ toàn thế giới. Có thể bạn không biết, bắn cung không chỉ đòi hỏi thân trên khỏe mạnh mà còn yêu cầu sức khỏe toàn thân để giữ được sự cân bằng, sức bền dẻo dai và có thể thi đấu trong một khoảng thời gian dài. Nếu theo dõi Valentina trên các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ biết cô ấy là một gymmer thực thụ với những set tập bài bản được chia sẻ trên tài khoản YouTube của chồng cô, Jerry Tran.
Không chỉ Valentina, nhiều VĐV khác cũng kết hợp luyện tập chuyên môn cùng những buổi rèn luyện thể lực (strength training) hay tập luyện kháng lực (resistance training) để phát triển toàn diện và nâng cao thành tích cá nhân.
Alica Schmidt, nữ VĐV điền kinh người Đức, còn được biết với tên gọi VĐV quyến rũ nhất hành tinh, đã vượt qua vòng loại để thi đấu tại Olympic Paris 2024. Thân hình bốc lửa, mái tóc vàng luôn được buộc cao cùng gương mặt đẹp hút hồn, Alica không chỉ là đại diện cho các nhãn hàng lớn mà tài khoản Instagram và TikTok của cô cũng thu hút hàng triệu người theo dõi. Nếu theo dõi Alica, bạn sẽ thấy nữ VĐV điền kinh này cũng tập strength training. Đây là điều nhiều người theo đuổi môn điền kinh hay bỏ sót. Strength training giúp cải thiện phối hợp thần kinh cơ để bạn có thể chạy nhanh hơn, đồng thời cải thiện sức mạnh và sức bền của cơ, không chỉ nâng cao hiệu suất mà còn hỗ trợ phòng ngừa chấn thương. Những bài strength training Alica thường tập như squat, deadlift, lunge giúp tăng cường cơ mông và các nhóm cơ lõi, không chỉ giúp thể hình đẹp hơn mà còn tăng sức bật, sự cân bằng và sức bền… Đó là những điều cần thiết của một VĐV chạy nước rút hàng đầu thế giới.
Cùng với sự phát triển của khoa học dinh dưỡng và thể thao, những điều từng được cho là đúng như cân nặng nhẹ hơn sẽ nhanh hơn hay các phương pháp siết cân quá đà gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm – sinh lý của phái đẹp đã dần trở thành dĩ vãng. Thế hệ VĐV trẻ ngày nay đề cao sức khỏe tinh thần, tập luyện toàn diện để phòng chấn thương, đồng thời bảo vệ sức khỏe trên đường dài.
Bài: Minh Clarke
Ảnh: Tư liệu