Bệnh vảy nến: nên bổ sung và tránh bổ sung những thực phẩm nào?

Đăng ngày:

Vảy nến là tình trạng viêm da mãn tính rất phổ biến với tỷ lệ mắc phải chiếm 2-3 % dân số thế giới. Một số loại thực phẩm có thể làm bùng phát bệnh vảy nến, trong khi những loại khác có thể chế ngự hoặc ngăn ngừa chúng.

Một phần khiến bệnh vảy nến trở thành một tình trạng khó giải quyết là vì bạn không bao giờ biết khi nào bệnh bùng phát và nguyên nhân dẫn đến điều đó. Sự bùng phát của bệnh có thể được gây ra bởi một loạt các tác nhân như thời tiết xấu, căng thẳng quá mức và có thể do một số loại thực phẩm.

Bệnh vảy nến và các loại thực phẩm nên tránh

Ảnh: Freepik.

Một số loại thực phẩm dường như kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh vảy nến, trong khi đó một số loại khác thì thực sự có thể giúp khắc phục các dấu hiệu của bệnh. Nhưng Annie Gonzalez, MD, FAAD, một bác sĩ da liễu được hội đồng chứng nhận tại Riverchase Dermatology ở Miami, Florida cho biết:

“Ảnh hưởng của thực phẩm đến mọi người là không giống nhau. Thực phẩm gây bùng phát bệnh vảy nến đối với người này có thể sẽ không ảnh hưởng đến người kia. Vì vậy hãy chú ý đến tình trạng của bản thân để lựa chọn thực phẩm phù hợp.”

Hãy cùng ELLE tìm hiểu bệnh vảy nến là gì và những loại thực phẩm nào nên ăn hoặc hạn chế ăn để ngăn ngừa việc bùng phát bệnh nhé.

Bệnh vảy nến là gì?

Đây là một bệnh viêm da mãn tính rất phổ biến. Bệnh có nguyên nhân không rõ ràng, thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức làm tăng tốc độ phát triển tế bào da.

Loại bệnh vảy nến phổ biến nhất (80% -90% số người bị bệnh vảy nến có loại này) được gọi là bệnh vảy nến thể mảng. Nó biểu hiện bởi các mảng da có màu đỏ, nổi lên và có vảy trắng bạc. Những mảng này có thể phát triển ở bất cứ đâu nhưng có xu hướng xuất hiện trên khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu.

Các triệu chứng bùng phát vảy nến có thể kể đến như:

  • Vẩy óng ánh bạc trắng hơi nhô lên bề mặt da với rìa đỏ hay hồng

  • Xuất hiện những vết nứt gây ngứa hoặc đau

  • Da khô, nứt, có thể chảy máu

  • Đỏ da và lở loét da

  • Sưng và cứng khớp

Nguyên nhân gây bùng phát bệnh

Một số tác nhân gây bùng phát bệnh vảy nến phổ biến có thể kể đến như:

  • Thời tiết

  • Căng thẳng

  • Nhiễm trùng (chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn)

  • Thuốc lá, rượu bia

  • Một số loại thuốc nhất định (ví dụ như như những loại thuốc để điều trị huyết áp cao)

  • Một số loại thực phẩm

Trong đó, thực phẩm cũng được cho là có vai trò thúc đẩy bệnh vảy nến bùng phát. Cụ thể, thực phẩm gây viêm (hay còn gọi là thực phẩm gây viêm trong cơ thể) được cho là thủ phạm phổ biến, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm về điều này.

“Lời khuyên là nếu bạn nhận thấy làn da của mình trở nên tệ hơn sau khi ăn một số loại thực phẩm, thì bạn nên tránh và ngừng ăn chúng để quan sát xem điều gì sẽ xảy ra”, Tiến sĩ Gonzalez nói.

Ảnh hưởng thực phẩm đến bệnh vảy nến

Ảnh: Pexels.

Thực phẩm nên ăn nếu bạn bị bệnh vảy nến

Với bệnh vẩy nến, chế độ ăn nhiều thực phẩm chống viêm có thể giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vậy nên hãy ưu tiên một chế độ ăn uống cân bằng có nhiều trái cây, rau quả và chất béo lành mạnh. Điều này sẽ giúp bạn tiêu thụ một loạt các chất dinh dưỡng cùng chất chống ôxy hóa giúp ngăn ngừa và giảm viêm.

Trái cây và rau quả

Hầu như tất cả các chế độ ăn chống viêm đều bao gồm trái cây và rau quả. Trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa, là những hợp chất làm giảm căng thẳng và chống viêm. Ngoài ra, trái cây còn chứa nhiều vitamin A, C, E giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa, bảo vệ da khỏi các tác động từ bên ngoài, cung cấp nước và độ ẩm cần thiết cho da. Đồng thời, vitamin cũng giúp phục hồi tổn thương trên da hiệu quả.

Rau quả là thực phẩm nên ăn khi bị vảy nến

Ảnh: Unplash.

Thực phẩm nên ăn bao gồm: 

  • Các loại rau xanh như cải xoăn, rau bina, cải thìa, cải xanh và bồ công anh
  • Cam, quýt, bưởi, chanh
  • Cà chua
  • Ớt chuông, ớt hiểm
  • Quả việt quất, dâu tây, quả mâm xôi, nho và các loại trái cây
  • Hương liệu như hành tây, tỏi, hẹ và hành lá

Chất béo lành mạnh

Chất béo có lợi cho tim mạch và axit béo omega-3 có đặc tính chống viêm có thể giúp giảm viêm để giảm bớt hoặc ngăn ngừa các triệu chứng vảy nến.

Thực phẩm nên ăn bao gồm: 

  • Cá hồi tươi và đóng hộp, cá mòi, cá tuyết
  • Các loại hạt
  • Dầu ô liu, dầu dừa, dầu hạt lanh, dầu cây rum
  • Quả bơ
Chất béo thực phẩm nên ăn khi bị vảy nến

Ảnh: Unplash.

Các loại thảo mộc và gia vị

Các hương liệu này cũng được cho là có vai trò trong việc điều trị chứng viêm.

  • Nhục đậu khấu
  • Nghệ
  • Quế
  • Tiêu đen
  • Húng quế
  • Rau kinh giới
  • Hương thảo
  • Rau thơm
  • Húng tây
Gia vị là thực phẩm nên ăn khi bị vảy nến

Ảnh: Pexels.

Bổ sung các chất dinh dưỡng khác

Dầu cá, vitamin D, vitamin B-12 và selen đều đã được nghiên cứu và cho thấy có tác dụng cải thiện bệnh bệnh vẩy nến tốt. Lợi ích của việc bổ sung các chất dinh dưỡng này có thể bao gồm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.

Thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế nếu bạn bị bệnh vảy nến

Nên lưu ý rằng không phải mọi thực phẩm trong danh sách này chắc chắn sẽ làm bùng phát bệnh vảy nến. Nhưng nếu bạn nhận thấy rằng chế độ ăn uống đang ảnh hưởng đến làn da của bạn, thì những thực phẩm gây viêm này có thể là nguyên nhân và việc tránh hoặc hạn chế ăn chúng có thể hữu ích.

Gonzalez chia sẻ: “Các loại thực phẩm thường được biết đến như nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến bao gồm trứng, thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, đồ hộp, thực phẩm đóng gói.”

Các loại thịt đỏ hoặc thịt được chế biến sẵn

Trong thịt đỏ chứa nhiều arachidon có thể làm tăng tình trạng viêm, khiến bệnh trở nên nghiêm trọng. Thịt chế biến sẵn thường chứa chất bảo quản, chất phụ gia và các chất điều vị khác có thể có ảnh hưởng tương tự.

Thực phẩm chế biến sẵn không nên ăn khi bị bệnh vảy nến

Ảnh: Pexels.

Thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế:

  • Thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt trâu,…)
  • Xúc xích, lạp xưởng
  • Thịt xông khói
  • Thịt nguội
  • Pepperoni và salami

Thức ăn nhanh

Đồ ăn nhanh hoặc đồ hộp chứa nhiều các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, loại thức ăn này thường chứa nhiều dầu mỡ cũng không tốt cho người bệnh. Vì thế người bị vẩy nến cũng nên hạn chế ăn.

Thức ăn nhanh là thực phẩm người bệnh vảy nến không nên ăn

Ảnh: Pexels.

Gluten

Một số nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh vẩy nến cũng có thể nhạy cảm với gluten, một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen.

Gluten là thực phẩm không nên ăn khi bị bệnh vảy nến

Ảnh: Unplash.

Thực phẩm nên tránh hoặc hạn chế:

  • Lúa mì và các sản phẩm làm từ lúa mì
  • Men bia
  • Bánh mì và đồ nướng
  • Các loại ngũ cốc khác

Rượu, bia và các chất kích thích

Đây là những loại nước uống không tốt cho sức khỏe, đặc biệt với căn bệnh vảy nến. Sử dụng rượu bia thường xuyên ảnh hưởng nhiều đến chức năng thải độc gan, khi đó những độc tố có hại sẽ đi vào máu và kích thích giải phóng histamin, khiến bệnh bùng phát.

Đồ ngọt, sữa và các chế phẩm từ sữa

Tương tự như trong thịt đỏ, trong loại thực phẩm này cũng chứa nhiều chất arachidon kích thích phản ứng viêm. Sữa hay các chế phẩm như phô mai, sữa chua, kem,… đều nên kiêng khi bị bệnh vảy nến. Thêm vào đó, người bệnh còn cần kiêng đồ ngọt và những thực phẩm nhiều đường, chúng gây ra các bệnh như tiểu đường, mỡ máu và gây khó khăn trong quá trình chuyển hóa chất.

Đồ ngọt là thực phẩm không nên ăn khi bị bệnh vảy nến

Ảnh: Unplash.

Mọi người đều khác nhau và mỗi cơ thể sẽ phản ứng khác nhau với một số loại thực phẩm. Hãy thử ghi lại những loại thực phẩm có vẻ ảnh hưởng đến làn da của bạn để theo dõi hoặc tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về chế độ ăn uống của mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Tâm Tú
Nguồn: Tạp chí thời trang ELLE
Tham khảo: Goodhousekeeping
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more