Tóc bạc là hiện tượng xảy ra khi nang tóc ngừng sản xuất melanin – sắc tố quyết định màu tóc. Thông thường, tình trạng này bắt đầu từ sau tuổi 30 và gia tăng theo thời gian. Tuy nhiên, nếu tóc bạc xuất hiện khi bạn còn rất trẻ, đó có thể là dấu hiệu của di truyền, bệnh lý hoặc sự thiếu hụt dưỡng chất.
“Với tôi, mái tóc muối tiêu giống như ánh trăng dịu nhẹ, phủ bạc lên buổi tối của cuộc đời” – Cựu Giáo hoàng John Paul.

Cơ chế bạc màu của tóc
Không như chúng ta thường nghĩ, tóc không thể tự chuyển màu từ đen sang bạc. Màu sắc của tóc được quyết định bởi nang tóc. Nếu sợi tóc nguyên bản có màu nâu, đen, đỏ hoặc vàng hoe thì sợi tóc sẽ không bao giờ thay đổi màu sắc – trừ khi bạn tẩy, nhuộm.
Tuy nhiên, theo thời gian hoặc gặp những yếu tố kích thích nang tóc sẽ sản sinh ít màu hơn. Vì thế theo chu trình tự nhiên tóc gồm chết đi và tái tạo, tóc đen dần chuyển sang trắng – đặc biệt là từ 35 tuổi, hoặc sớm hơn.
Nguyên nhân gây tóc bạc sớm ở người trẻ
1. Căng thẳng
Một nghiên cứu năm 2020 ở chuột được công bố trên tạp chí Nature cho thấy căng thẳng có thể khiến lông chuột bạc đi. Tuy nhiên, vì cơ chế sinh học giữa người và chuột có sự khác biệt, nên kết quả này chưa đủ thuyết phục để khẳng định mối liên hệ trực tiếp giữa căng thẳng và tóc bạc ở người.
Theo bác sĩ Robert H. Shmerling trên Harvard Health Publishing, phần lớn trường hợp tóc bạc không bắt nguồn từ căng thẳng. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài có thể gây rối loạn telogen effluvium – một tình trạng khiến tóc rụng gấp ba lần bình thường. Dù tóc có thể mọc lại, quá trình rụng và tái tạo bị rối loạn có thể ảnh hưởng đến sắc tố tóc, đặc biệt ở người trung niên.
Ngoài ra, khi căng thẳng, cơ thể tiết ra hormone norepinephrine. Loại hormone này có thể khiến các tế bào hắc tố (melanocyte) – vốn chịu trách nhiệm sản xuất melanin, rời khỏi nang tóc. Thế nên, các nhà nghiên cứu phỏng đoán đây có thể là cơ chế gián tiếp khiến tóc bạc sớm do stress.
2. Gen di truyền
Gen di truyền là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tóc bạc sớm. Mã di truyền ADN sẽ quyết định khi nào (hoặc liệu) bạn có tóc bạc hay không. Nếu như trong gia đình có cha mẹ hoặc ông bà bị bạc tóc và anh chị em trong dòng họ bị tóc bạc sớm, có thể bạn cũng có nguy cơ như họ.
Yếu tố di truyền rất khó can thiệp. Vì thế, việc đảo ngược tóc bạc thành tóc đen gần như không thể, trừ khi bạn nhuộm tóc.
BÀI LIÊN QUAN
3. Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn cũng có thể gây ra tình trạng tóc bạc sớm. Đây là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào của chính nó. Trong trường hợp rụng tóc và bạch biến, hệ thống miễn dịch có thể tấn công tóc và gây mất sắc tố. Hậu quả là da bị mất sắc tố và tóc từ đen chuyển thành trắng.
4. Rối loạn tuyến giáp
Những thay đổi về hormone do vấn đề tuyến giáp gây ra, chẳng hạn như cường giáp hoặc suy giáp, cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng “tóc muối tiêu” sớm. Tuyến giáp là tuyến hình bướm nằm ở gốc cổ. Tuyến này giúp kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể như quá trình trao đổi chất. Sức khỏe của tuyến giáp cũng có thể ảnh hưởng đến màu tóc. Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc kém hoạt động có thể khiến cơ thể bạn sản xuất ít melanin hơn.
5. Thiếu hụt vitamin B12
Tóc bạc sớm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu chất, trong đó thường thấy nhất là vitamin B12. Nhóm vitamin B12 có công dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể và góp phần vào sự phát triển khỏe mạnh của sợi tóc và màu tóc.
Thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ác tính. Cơ thể cần vitamin B12 để các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và nhờ thế mới vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể, bao gồm cả tế bào tóc. Sự thiếu hụt có thể làm suy yếu các tế bào tóc và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melanin.
Liệu có thể ngăn chặn quá trình làm tóc bạc đi?
Tóc bạc sớm rất khó điều trị. Hiện tại, không có phương pháp điều trị y khoa hiệu quả nào giúp tóc bạn trở lại màu sắc ban đầu. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bạc là do bệnh lý hoặc thiếu vitamin thì bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn khắc phục vấn đề và màu tóc có thể đen trở lại.
BÀI LIÊN QUAN
Tóc bạc là một biểu hiện tự nhiên của quá trình lão hóa. Nếu cảm thấy thiếu tự tin với tình trạng này, bạn có thể nhuộm tóc để cải thiện diện mạo. Tuy nhiên, không nên nhổ tóc bạc, vì hành động này có thể làm tổn thương nang tóc. Những sợi tóc mới mọc lên tại vùng nang bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục bạc màu, thậm chí có thể mọc xoăn, rối và kém thẩm mỹ. Thói quen này còn có thể khiến mật độ tóc giảm, khiến vùng da đầu trở nên thưa mỏng theo thời gian.
Hiện tượng tóc đổi màu – đặc biệt là ở người trẻ, có thể hồi phục trong một vài trường hợp hiếm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát căng thẳng hay điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem tóc bạc có thể đảo ngược được hay không.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.