Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Công thức pha trà detox từ hoa khô cho làn da khỏe và cơ thể nhẹ nhàng

Tận dụng các loại hoa khô như hoa hồng, hoa cúc… để pha trà detox không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn hỗ trợ làm đẹp da, giảm stress hiệu quả.

Bạn yêu thích những tách trà hoa thơm nhẹ, tự nhiên và tốt cho sức khỏe? Nếu đang tìm một phương pháp detox nhẹ nhàng và thư giãn, trà từ hoa khô chính là lựa chọn lý tưởng. Trong bài viết sau, ELLE sẽ gợi ý những công thức đơn giản, dễ thực hiện tại nhà cùng những lưu ý khi chọn hoa khô chất lượng.

Cô gái thưởng thức ly trà hoa khô ngoài trời trong một buổi sáng thư giãn
Một ly trà hoa khô thanh mát đủ để bạn yêu cơ thể mình hơn. Ảnh: Instagram @yusuyn.

Tại sao nên chọn trà hoa khô để detox cơ thể?

Thay vì sử dụng các loại detox dạng viên hoặc nước ép đóng chai, nhiều người đang có xu hướng tìm đến trà thảo mộc từ hoa khô như một lựa chọn nhẹ nhàng và lành tính hơn. Trà hoa khô không chứa caffeine, ít calo, phù hợp với người ăn chay hoặc theo đuổi lối sống cân bằng tự nhiên.

Các loại hoa sấy khô như hoa hồng, hoa cúc hay lavender mang hương thơm dễ chịu và chứa nhiều hoạt chất quý như flavonoid, polyphenol và chất chống oxy hóa. Những hoạt chất này giúp hỗ trợ đào thải độc tố trong gan, cải thiện tiêu hóa, làm dịu hệ thần kinh và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh từ bên trong.

Đặc biệt, trà hoa khô dễ kết hợp với các nguyên liệu khác như gừng, chanh, mật ong. Chúng tạo nên những công thức detox đa dạng phù hợp với nhiều nhu cầu: giảm stress, dưỡng da, điều hòa nội tiết hoặc đơn giản là thư giãn tinh thần.

5 công thức trà detox đơn giản từ hoa khô

1. Trà nhãn, hoa hồng khô

Hoa hồng giúp làm dịu thần kinh, điều hòa nội tiết và làm đẹp da. Trong khi đó, nhãn (long nhãn) giàu glucose, sắt và vitamin B, hỗ trợ bổ máu, cải thiện giấc ngủ, tăng cường năng lượng tinh thần. Sự kết hợp này mang đến loại trà có hương ngọt nhẹ, thích hợp dùng vào buổi chiều hoặc tối để thư giãn và dưỡng nhan.

Nguyên liệu:

  • 1-2 thìa hoa hồng khô
  • 3-4 quả nhãn tươi (hoặc long nhãn khô ngâm mềm, hoặc mứt nhãn)
  • 5ml nước cốt chanh hoặc tắc
  • Đường: tùy khẩu vị
  • Đá viên vừa đủ

Cách pha: Ủ hoa hồng khô trong nước nóng (120ml) khoảng 5–7 phút, sau đó để nguội. Cho trà hoa hồng đã ủ vào ly, thêm nhãn, nước chanh và đường nếu thích. Khuấy đều, thêm đá và thưởng thức ngay khi lạnh.

Nếu bạn thích vị đậm đà và nhanh gọn hơn, có thể tham khảo video sau để thay hoa hồng khô bằng khoảng 20ml mứt hoa hồng – dạng cô đặc từ cánh hoa hồng và đường trái cây. Khi dùng kết hợp với 30ml mứt nhãn, món trà trở nên ngọt dịu, dễ uống và phù hợp để thưởng thức như món giải khát mát lạnh.

@phacheviet Công thức pha chế Trà Nhãn Hoa Hồng thơm ngon, dịu nhẹ#nguyenlieuphache #nguyenlieuphachesg #tratac #trungthu#tratraicay #phacheviet #congthucphache #nguyenlieutrasua #trahoanggia #tratraicaytuoi #xuhuong ♬ nhạc nền – ND Music🎧

Lưu ý: Với người đang ăn kiêng hoặc cần kiểm soát đường huyết, nên ưu tiên hoa hồng khô nguyên bản thay vì dùng mứt. Tránh dùng quá nhiều nhãn hoặc đường bổ sung để đảm bảo tính thanh mát và detox nhẹ nhàng cho cơ thể.

>> Xem thêm:

Thói quen uống nước giúp bạn cải thiện giấc ngủ

Trà và những công dụng tuyệt vời với phái đẹp

Những loại trà chống lão hóa phái đẹp nên biết

2. Trà hoa cúc và cam thảo

Hoa cúc (chrysanthemum) hỗ trợ giải nhiệt, thanh lọc gan và chống viêm. Trong khi cam thảo giúp tiêu hóa, gừng tăng tuần hoàn máu và giữ ấm. Công thức này rất phù hợp cho buổi tối sau ngày dài năng động.

Nguyên liệu: 1 thìa hoa cúc khô, 1 lát cam thảo, 1 lát gừng tươi.

Cách pha: Hãm 7-10 phút, uống sau bữa ăn tối.

3. Trà lavender và hoa nhài

Lavender có tác dụng an thần, cải thiện giấc ngủ và giảm viêm. Hoa nhài chứa chất chống oxy hóa, kháng khuẩn, hỗ trợ hệ miễn dịch và cải thiện tâm trạng. Hai loại hoa này kết hợp hài hòa, vừa giúp cân bằng cảm xúc, vừa tăng hiệu quả giải độc từ tinh thần.

Tách trà oải hương với lát chanh và hoa lavender khô.
Trà lavender và hoa nhài hỗ trợ cân bằng tinh thần. Ảnh: Pexels.

Nguyên liệu: 1 thìa lavender, 1 thìa hoa nhài.

Cách pha: Hãm 5 phút, uống trước khi đi ngủ hoặc khi cần thư giãn.

4. Trà atiso đỏ (hibiscus), chanh và mật ong

Atiso đỏ chứa nhiều anthocyanin và polyphenol giúp thanh lọc gan, giảm cholesterol, hỗ trợ giảm huyết áp và ổn định đường huyết. Đồng thời, chanh tăng tổng hợp vitamin C và mật ong làm tăng hấp thu chất. Vì vậy, thức uống rất phù hợp để giải độc giữa ngày hay sau bữa ăn.

Nguyên liệu: 1 thìa atiso đỏ, 1 lát chanh tươi, 1 thìa cà phê mật ong.

Cách pha: Hãm 5-7 phút, có thể uống nóng hoặc lạnh.

5. Trà tứ hoa – thanh lọc cơ thể, làm dịu tinh thần

Trà tứ hoa là sự kết hợp hài hòa giữa bốn loại hoa khô giàu dưỡng chất: cúc vàng, nụ hồng, nụ nhài và đậu biếc. Không chỉ nổi bật về hương thơm và màu sắc, loại trà này còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: thanh lọc cơ thể, làm dịu tinh thần, hỗ trợ làm đẹp da và tăng cường miễn dịch.

Tách trà hoa khô, tứ hoa
Tách trà tứ hoa với sắc xanh từ hoa đậu biếc.

Nguyên liệu:

  • 1 thìa hoa cúc vàng
  • 1 thìa nụ hồng
  • 1 thìa nụ nhài
  • 1 thìa hoa đậu biếc
  • 200–300ml nước sôi 80–90 °C

Cách pha: Cho tất cả nguyên liệu vào ấm hoặc bình thủy tinh, rót nước sôi vào và ủ trong khoảng 7-10 phút. Có thể dùng nóng hoặc thêm đá để uống mát tùy theo thời tiết.

Gợi ý thêm: Bạn có thể thêm một lát chanh tươi sau khi pha để trà đổi màu sang tím hồng bắt mắt hơn, đồng thời tăng hiệu quả thanh lọc và vitamin C tự nhiên.

Cách chọn và bảo quản hoa khô chất lượng

Để pha được những tách trà hoa khô vừa ngon vừa có lợi cho sức khỏe, việc chọn nguyên liệu là yếu tố then chốt. Dưới đây là những lưu ý bạn nên biết khi chọn mua và bảo quản hoa khô:

Cách chọn hoa khô chất lượng:

  • Nguồn gốc rõ ràng: Ưu tiên các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ, ghi rõ nơi sản xuất, ngày đóng gói và hạn sử dụng. Tránh hoa không nhãn mác hoặc không có thông tin kiểm định.
  • Hình thức tự nhiên: Hoa khô nên có màu sắc tự nhiên, không quá sặc sỡ (dễ bị nhuộm màu), cánh hoa không vụn nát, không có mùi lạ, không ẩm mốc.
  • Không tẩm hương liệu: Tránh các loại hoa có mùi thơm quá đậm. Đó có thể là mùi hương nhân tạo, gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi pha nóng.
Các loại hoa khô nguyên bản được phân loại và pha trà thủ công.
Chọn hoa khô có màu tự nhiên, không vụn nát và bảo quản kỹ. Ảnh: Pexels.

Cách bảo quản hoa khô:

  • Dụng cụ bảo quản: Sử dụng hũ thủy tinh hoặc túi zip có khóa kín, tránh hở khí. Tuyệt đối không dùng túi giấy hoặc bao nilon mỏng để chứa hoa khô lâu ngày.
  • Nơi bảo quản: Đặt hoa khô ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao. Có thể đặt thêm gói hút ẩm vào hũ đựng nếu cần.
  • Thời gian sử dụng: Nên dùng trong vòng 3–6 tháng kể từ khi mở gói. Không nên trữ quá lâu để tránh giảm chất lượng và mất hương.

Mẹo nhỏ: Khi mở nắp lọ, nếu thấy hoa mất mùi hoặc đổi màu bất thường, hãy bỏ ngay để tránh gây kích ứng hoặc ảnh hưởng tiêu hóa.

Lưu ý khi sử dụng trà hoa khô hàng ngày

Dù trà hoa khô là thức uống lành tính, bạn vẫn cần sử dụng đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn:

  • Uống vừa đủ: 1–2 ly mỗi ngày là phù hợp. Dùng quá nhiều có thể gây mất cân bằng cơ thể.
  • Chọn hoa theo thể trạng: Hoa cúc, đậu biếc có tính mát. Hoa hồng, nhài thiên về ấm. Tùy cơ địa mà điều chỉnh.
  • Không dùng tùy tiện: Phụ nữ mang thai, người đang điều trị bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Không thay thế nước lọc: Trà hoa khô chỉ nên là thức uống hỗ trợ, không dùng thay hoàn toàn nước mỗi ngày.
  • Dùng đúng thời điểm: Tránh uống khi đói hoặc quá muộn (sau 19h), nhất là với trà có tính mát hoặc trà xanh.

Lắng nghe cơ thể và dùng vừa phải là chìa khóa để tận dụng tốt lợi ích của trà hoa khô trong lối sống hiện đại.

Nhóm thực hiện

Bài: Sam Sam

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)