Tình trạng trí nhớ kém và “sương mù não” do ảnh hưởng của đại dịch

Đăng ngày:

Trong khoảng thời gian trải qua đại địch Covid, bạn dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu. Những điều này sẽ khiến cơ thể sản sinh nhiều hormone corticosteroid, làm tăng tổn thương tế bào não và sẽ khiến các nơ ron thần kinh phải làm việc nhiều hơn, gây ra tình trạng quá tải về mặt thần kinh, ảnh hưởng đến trí nhớ.

Hội chứng “Brain fog” hay còn được gọi là “sương mù não” là một tập hợp các triệu chứng bao gồm rối loạn chức năng tập trung, học tập và trí nhớ, gây ra sự nhầm lẫn, mất phương hướng trong một thời gian ngắn. Một số chuyên gia cũng mô tả “sương mù não” là sự mệt mỏi về tinh thần. Trí nhớ kém và suy nghĩ thiếu mạch lạc cũng đã được ghi nhận là một trong những triệu chứng suy nhược do tình trạng đại dịch Covid-19 kéo dài. 

Trí nhớ kém do ảnh hưởng đại dịch

Ảnh: Pexels.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến trí nhớ và não

Tình hình đại dịch diễn ra và kéo dài quá lâu khiến phần lớn chúng ta cảm thấy lo lắng, bất an và cộng thêm việc “work from home” dẫn đến sự xáo trộn trong giờ giấc sinh hoạt, căng thẳng hay mất ngủ. Đây đều là những nguyên nhân có thể gây ra hội chứng “sương mù não”. Trí não bạn sẽ tạm thời “đình công” và như có lớp sương mù phủ lên tâm trí bạn. Những biểu hiện phổ biến có thể kể đến như:

  • Trí nhớ kém
  • Không thể tập trung đủ lâu vào công việc, cuộc trò chuyện hoặc thậm chí là những từ bạn đang đọc
  • Không thể suy nghĩ và diễn đạt một cách mạch lạc
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị đau đầu, có vấn đề về thị lực hoặc thậm chí là buồn nôn
Đại dịch ảnh hưởng đến trí nhớ

Ảnh: Pexels.

Sự mất tập trung thường xuyên khiến các thông tin không thể lưu giữ một cách chắc chắn trong não bộ của bạn, vì vậy nên bạn không thể nhớ ra chúng dù có mơ hồ cảm nhận được. Ngoài ra, sự căng thẳng, lo âu cũng khiến bạn suy nghĩ quá nhiều thứ trong đầu. Khi những suy nghĩ này chồng chéo và trở nên hỗn loạn, chúng sẽ khiến bạn hoang mang và… quên mất chúng.

Theo Sabina Brennan – chuyên gia về thần kinh học, một trong những lý do chính khiến mọi người gặp phải tình trạng “sương mù não” là do thiếu thói quen. Brennan nói rằng:

“Trước khi đại dịch xảy ra, khoảng 40% hành vi của chúng ta là dựa theo thói quen, và đây là điều cần thiết để não của chúng ta hoạt động hiệu quả.”

Điều này là do bộ não phụ thuộc vào các “khuôn mẫu”. Qua cuộc trao đổi video với CNBC, Brennan giải thích rằng não là cơ quan năng lượng cao, sử dụng khoảng 1/4 lượng chất dinh dưỡng mà chúng ta tiêu thụ. Vỏ não, còn được gọi là “phần suy nghĩ của não”, là nơi tiêu thụ năng lượng nhiều nhất. Để xử lý năng lượng này một cách hiệu quả, não liên tục quét các “mẫu có sẵn”. Điều này để nó có thể thực hiện “hành vi một cách tự động và sử dụng ít tài nguyên hơn”, cô nói.

Phần suy nghĩ của não chỉ thực sự tham gia vào lúc bắt đầu và kết thúc một hoạt động, trong khi phần cảm xúc, hoặc limbic (hệ thống limbic là một nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người) của não đảm nhận phần còn lại. Brennan nói thêm:

“Có thể hiểu nó như là một tính năng “tự động hoá” của bộ não. Chúng ta phải dành một chút thời gian cho việc “tự động hoá”, nếu không bộ não của chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi rất nhiều luồng thông tin.”

Những thói quen buổi sáng

Sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến hầu hết mọi người đều phải làm việc tại nhà. Điều đó ít nhiều góp phần xáo trộn thói quen thường ngày của chúng ta.

Quy trình thức giấc mỗi sáng của chúng ta được hình thành từ những thói quen. Ví dụ: dậy lúc 7 giờ, ăn sáng xong lúc 8 giờ và não của bạn sẽ ý thức được là 8 giờ 30 phải có mặt ở công ty. Khi làm việc tại nhà, bạn sẽ có xu hướng ngủ muộn hơn và dậy trễ hơn trước kia. Các hành vi, thói quen của chúng ta sẽ trở nên “thất thường” trong giai đoạn này và khiến bộ não khó khăn trong việc xác định đâu là “khuôn mẫu” để có thể “tự động hoá”.

thói quen buổi sáng ảnh hưởng đến trí nhớ

Ảnh: Pexels.

Vậy nên, bước quan trọng đầu tiên để khắc phục tình trạng “sương mù” là thiết lập lại thói quen. Các bạn nên tạo ra một thời gian biểu linh hoạt và phù hợp với chu trình ngủ – thức của mình, sau đó thực hiện nó một cách đều đặn để bộ não có thể dần nhận biết và thiết lập lại được “khuôn mẫu”.

Thiếu ngủ

Brennan nói rằng ngủ đủ giấc là rất quan trọng trong việc chống lại tình trạng “sương mù não”, vì não bộ có thể có thời gian để loại bỏ độc tố trong lúc chúng ta ngủ. Trên thực tế, ở nhà quá lâu khiến một số trong chúng ta hình thành thói quen ngủ vào lúc rạng sáng và dậy khi trời về chiều. Đây là một thói quen vô cùng có hại và ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ mỗi người.

Thiếu ngủ dẫn đến trí nhớ kém

Ảnh: Unplash.

Chất lượng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của não bộ. Khi bạn ngủ quá ít có thể dẫn đến kém tập trung và suy nghĩ không rõ ràng. Ngoài ra, nếu không ngủ đủ giấc, những ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán, tình trạng này làm cho thông tin ký ức bị lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. Tốt nhất, bạn nên cố gắng ngủ từ 8 – 9 giờ mỗi đêm để đảm bảo sự minh mẫn cho não bộ.

Căng thẳng, lo âu

Đại dịch khiến đa số chúng ta đều cảm thấy vô cùng căng thẳng và lo âu. Khi tình trạng căng thẳng kéo dài có thể gây tăng huyết áp, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và dẫn đến bệnh trầm cảm. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến cho tinh thần của bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Khi não bộ bị kiệt sức, các khả năng như suy nghĩ, lập luận và tập trung sẽ trở nên khó khăn hơn.

Căng thẳng dẫn đến trí nhớ kém

Ảnh: Pexels.

Thói quen ăn uống

Chế độ ăn uống hàng ngày cũng được xem là 1 trong những yếu tố chính liên quan đến tình trạng “sương mù não”. Vitamin B12 có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là khả năng tăng cường các chức năng của não bộ. Khi cơ thể bạn thiếu hụt vitamin B12, nó có thể dẫn đến hiện tượng sương mù não.

Cách để cải thiện trí nhớ và thoát khỏi tình trạng “sương mù”

Các biện pháp khắc phục tại nhà giúp cải thiện hiện tượng “sương mù não”, bao gồm:

  • Thiết lập các thói quen tốt và tuân thủ chúng để bộ não có thể giữ những thông tin đó một cách chắc chắn
  • Đảm bảo ngủ đủ từ 8 – 9 giờ vào mỗi đêm
  • Kiểm soát sự căng thẳng bằng cách hạn chế hoặc tránh uống quá nhiều rượu hay caffeine
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Cố gắng duy trì việc tập trung trong khoảng thời gian ít nhất là 20-30 phút cho một việc gì đó, việc này sẽ giúp bạn rèn luyện sự tập trung cho não
  • Tham gia vào một số hoạt động thú vị giúp giải tỏa căng thẳng
  • Tăng cường bổ sung protein, rau, trái cây và các chất béo lành mạnh
Cải thiện trí nhớ kém

Ảnh: Pexels.

Nhóm thực hiện

Bài: Tâm Tú
Nguồn: Tạp chí làm đẹp ELLE
Tham khảo: Cnbc.com
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more