Trong lĩnh vực kinh tế học hành vi (behavioral economics), những quyết định cá nhân liên quan đến tiền bạc, bao gồm cách chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư hoặc vay mượn… đều có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính dài hạn của một người.
Từ góc độ thực tiễn, có thể thấy những người duy trì được sự ổn định về tài chính không chỉ dựa vào các quyết định đúng đắn về đầu tư, mà còn ở việc họ tránh lặp lại những hành vi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế cá nhân. Việc nhận diện các thói quen chi tiêu, vay mượn hoặc lựa chọn tài chính thiếu bền vững là một bước quan trọng để từng bước xây dựng khả năng quản lý tài chính hiệu quả. Dưới đây 11 thói quen của người có kinh tế ổn định thường chủ động hạn chế để bảo vệ mức chi tiêu hợp lý theo thời gian.
Chi tiêu vượt quá khả năng
Đôi khi, tất cả những gì bạn cần làm để tiết kiệm đó là… tránh chi tiêu quá tay. Điều này thoạt nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế lại cho thấy nhiều người không làm được điều đó. Một nghiên cứu do LendingTree – nền tảng cho vay trực tuyến tại Mỹ, công bố vào năm 2025 cho thấy, tổng nợ thẻ tín dụng tại nước này đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD. Đáng chú ý, 47% người dùng thẻ tín dụng đang phải “gồng gánh” khoản nợ này từ năm này sang năm khác, chịu mức lãi suất cao và áp lực tài chính ngày một tăng.

Lý do chính nằm ở tâm lý tiêu dùng “trả sau”, để đổi lấy cảm giác hài lòng tức thì. Hành vi quẹt thẻ mua sắm liên tục khiến nhiều người ngộ nhận rằng mình đang có nhiều tiền hơn thực tế. Nhưng sự “sở hữu tức thời” đó lại để lại hệ quả dài hạn gồm những khoản thanh toán tích tụ, lãi suất chồng lãi suất, và cảm giác lo lắng, bối rối mỗi khi nhận thông báo đến hạn thanh toán từ ngân hàng.
Nợ nần không chỉ là vấn đề về tài chính, mà còn gây ra áp lực tâm lý len lỏi vào mọi quyết định chi tiêu hằng ngày. Vì vậy, tự do tài chính không chỉ được đo bằng mức thu nhập, mà còn nằm ở khả năng kiểm soát dòng tiền và biết nói “không” với những lựa chọn hấp dẫn nhưng không cần thiết. Đôi khi, một lời từ chối đơn giản hôm nay chính là nền tảng cho một cuộc sống ít lo nghĩ hơn trong tương lai của bạn.
Hào phóng mặc dù bản thân đang gặp khó khăn
Trong văn hóa Á Đông nói chung, sự hào phóng và sẻ chia thường được xem như biểu hiện của lòng tốt, của “nghĩa tình” và đạo đức, do đó, các bài học về cho đi thường được đưa vào giáo dục ở trường học, sách vở hay phim ảnh. Thế nhưng, khi việc cho đi trở thành một hành vi vô tội vạ và thiếu nhận thức, nó có thể khiến bạn lâm vào cảnh nguy khó hay thậm chí bị lợi dụng.
Khi bạn đang ở trong trạng thái thiếu thốn, chẳng hạn như tài chính không ổn định, tinh thần mệt mỏi hoặc sức lực cạn kiệt, việc cố gắng giúp đỡ người khác có thể trở thành gánh nặng khiến bạn thêm kiệt quệ. Từ bên ngoài, hành động ấy có thể được xem là cao cả, là điều nên làm. Nhưng từ bên trong, bạn đang phải gồng lên vượt qua sức chịu đựng của bản thân. Sự hy sinh trong lúc chính mình đang yếu đuối có thể khiến bạn mất đi khả năng hồi phục, từ đó bạn dễ cảm thấy hụt hẫng, buồn bã, đặc biệt là khi lòng tốt ấy không được ghi nhận hay đáp lại như mong đợi.
BÀI LIÊN QUAN
Nếu bản thân bạn vẫn đang chật vật về tài chính, tinh thần hoặc sức khỏe, điều bạn cần ưu tiên lúc này không phải là cố gắng duy trì sự hào phóng bằng mọi giá, mà là học cách quay về chăm sóc chính mình một cách chủ động và có trách nhiệm. Trong hoàn cảnh ấy, việc “cho đi” nếu thiếu cân nhắc có thể trở thành hành vi mang tính cảm tính, như một cách xoa dịu mặc cảm hơn là xuất phát từ sự vững vàng và đủ đầy nội tâm.
Mặt khác, bạn nên thiết lập những ranh giới cá nhân rõ ràng trong các mối quan hệ cá nhân. Không phải lời đề nghị giúp đỡ nào đều sẽ xứng đáng để bạn đánh đổi thời gian, năng lượng hay cảm xúc, nhất là khi chính bạn chưa đủ khả năng để gánh thêm bất kỳ áp lực nào. Dám từ chối không đồng nghĩa với vô tâm. Đó là biểu hiện của hiểu biết về giới hạn của bản thân, đồng thời là một cách để bạn tôn trọng chính mình và người khác.
Làm nhiều hơn để được công nhận
Làm nhiều hơn không có nghĩa là bạn sẽ luôn được đánh giá cao hơn. Trong nhiều môi trường làm việc hay học tập, khi bạn thể hiện tốt, người khác dễ mặc định rằng đó là trách nhiệm của bạn, thậm chí đòi hỏi bạn cần phải làm nhiều hơn nữa. Hãy thử tưởng tượng một nhân viên luôn cố gắng làm thay phần việc của cả nhóm vì sợ bị đánh giá thấp. Ban đầu có thể là do bạn tự nguyện, nhưng dần dần điều này sẽ trở thành mặc định. Tất cả đều nghĩ rằng: “Việc đó để người ấy làm là chắc ăn nhất” chỉ vì… họ chưa từng nói “không”.
Mặt khác, nếu quá phụ thuộc vào lời khen, bạn sẽ dần mất đi khả năng hiểu mình thực sự cần gì, thích gì. Bạn không còn học hay làm việc vì đam mê, mà chỉ cố gắng để được công nhận. Ví dụ, một sinh viên giành được học bổng có thể rất vui, nhưng nếu cá nhân này chỉ học vì muốn được tán dương, niềm vui đó sẽ nhanh chóng tan biến khi không còn ai quan tâm.
Việc bạn không được công nhận, không nhận được lời khen hay sự chú ý sau những nỗ lực của mình, không có nghĩa là bạn kém cỏi hay làm chưa đủ tốt. Đánh giá từ bên ngoài đôi khi không thể phản ánh đúng giá trị thực tế của một cá nhân, nó có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố bạn không thể hoặc không nên cố kiểm soát. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần xây dựng cho mình một hệ quy chiếu riêng để tự đánh giá nỗ lực và tiến bộ. Bạn hãy nhớ rằng, “đủ” là khi bạn cảm thấy bản thân đang trưởng thành hơn mỗi ngày, đang tiến gần đến điều mình mong muốn.
Mua sắm theo trào lưu
Trong đời sống hiện đại, thời trang không còn đơn thuần là phương tiện thể hiện gu thẩm mỹ ăn mặc, mà ngày càng được nhìn nhận như một yếu tố góp phần định hình hình ảnh cá nhân và vị thế xã hội. Điều này phần nào lý giải xu hướng gia tăng chi tiêu cho quần áo, phụ kiện của số đông, ngay cả ở những nhóm người có điều kiện tài chính không thực sự dư dả.
Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã khiến việc so sánh bản thân với người khác trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Khi bạn thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh chỉn chu, thu hút được chia sẻ bởi người nổi tiếng mỗi ngày, bạn có thể mang cảm giác FOMO (Fear Of Missing Out) – hội chứng sợ bị bỏ lỡ, và liên tục chạy theo xu hướng để bản thân không bị “tụt lại”. Bạn có thể đưa ra quyết định mua sắm một cách vội vàng, chỉ vì lo ngại rằng nếu không sở hữu món đồ đang “hot”, bạn sẽ bị xem là lỗi thời hoặc không bắt kịp nhịp sống hiện đại. Dần dần, thói quen này khiến việc mua sắm của bạn không còn dựa trên nhu cầu thực tế, mà bị chi phối bởi cảm xúc và kỳ vọng từ môi trường xung quanh.
Thêm vào đó, thuật toán của các nền tảng mạng xã hội được thiết kế để ưu tiên hiển thị những nội dung hấp dẫn, hình ảnh đẹp mắt và lối sống đáng mơ ước. Điều này vô tình củng cố cảm giác rằng mọi người đều đang sống tốt hơn, mặc đẹp hơn và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn bạn, dù thực tế không phải như vậy. Từ đó, bạn dễ rơi vào áp lực phải bắt kịp các giá trị hào nhoáng bên ngoài, trong khi khả năng tài chính hay hoàn cảnh sống của bạn không thật sự cho phép.
Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán linh hoạt như trả góp hoặc “mua trước, trả sau” có thể khiến bạn dễ dàng sở hữu những món đồ đắt tiền mà không cần cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng chi trả thực tế. Điều này có thể khiến bạn rơi vào trạng thái hài lòng tạm thời, nhưng lại kéo theo áp lực tài chính trong dài hạn.
Luôn có mặt ở mọi cuộc vui
Liên tục xuất hiện tại những buổi hội họp có thể phần nào cho thấy bạn là người hòa đồng, nhiệt tình và sẵn sàng kết nối. Nhưng nếu nhìn từ góc độ tài chính, đây lại là một thói quen dễ khiến bạn rơi vào trạng thái tiêu tiền không kiểm soát. Mỗi buổi cà phê, một lần đi ăn tối hay những chuyến đi chơi cuối tuần đều khiến bạn tiêu tốn một khoản không nhỏ. Những khoản chi này ban đầu có thể không đáng kể, nhưng khi cộng dồn lại theo tuần, theo tháng, bạn sẽ bất ngờ vì số tiền đã chi ra chỉ để “không bỏ lỡ” các cuộc vui. Quan trọng hơn, điều này khiến bạn có xu hướng tiêu tiền cho hiện tại, quên mất những kế hoạch dài hạn, như tiết kiệm, đầu tư, hoặc đơn giản là để dành cho những việc thật sự có ý nghĩa với cuộc sống của mình.
Ngoài chuyện tiền bạc, việc luôn cố gắng hiện diện ở mọi cuộc hẹn còn tạo ra áp lực tinh thần. Bạn có thể thấy mình mệt mỏi nhưng vẫn không muốn từ chối vì sợ bị lạc nhịp với bạn bè, sợ đánh mất mối quan hệ. Có những lúc bạn phải đi vì phép lịch sự, vì ngại từ chối, hoặc vì cảm giác “nên có mặt”. Điều đó khiến bạn không chỉ mất tiền mà còn tiêu hao năng lượng cho những cuộc gặp không cần thiết. Từ đó, theo thời gian, bạn sẽ thấy bản thân bị kiệt sức, không còn khả năng tài chính để chăm sóc cho chính mình.
Bỏ bê sức khỏe
Khi cơ thể không được chăm sóc đúng cách, chẳng hạn như ngủ không đủ giấc, ăn uống thất thường hoặc thiếu vận động, sức đề kháng sẽ suy giảm rõ rệt. Điều này khiến bạn dễ bị ốm vặt, mệt mỏi kéo dài, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng làm việc và duy trì thu nhập. Một người thường xuyên trong trạng thái thiếu năng lượng sẽ khó đảm đương công việc hiệu quả, dễ bỏ lỡ các cơ hội nghề nghiệp quan trọng và không thể theo đuổi mục tiêu dài hạn một cách bền bỉ.
Ngoài ảnh hưởng đến năng suất lao động, vấn đề sức khỏe còn gây ra những chi phí phát sinh khiến bạn không thể chủ quan. Từ các buổi khám định kỳ cho đến thuốc men, xét nghiệm hay điều trị chuyên sâu, tất cả đều là những khoản chi không nhỏ và thường xuất hiện vào lúc tài chính của bạn chưa sẵn sàng. Nếu tình trạng sức khỏe xấu đi theo thời gian, bạn có thể sẽ phải nghỉ làm, mất đi nguồn thu nhập chính và buộc phải sử dụng đến khoản tiền dự phòng lẽ ra có thể dành cho những mục tiêu quan trọng hơn.
Chính vì vậy, chăm sóc sức khỏe không nên được xem là việc tùy hứng, nó cần được chú trọng như một phần trong chiến lược tài chính cá nhân. Một chế độ sinh hoạt điều độ, chế độ dinh dưỡng hợp lý và thói quen vận động đều đặn sẽ giúp bạn duy trì thể lực, tăng khả năng chống chịu với áp lực công việc và nâng cao chất lượng sống. Khi sức khỏe ổn định, bạn có thể chủ động với thu nhập của mình, giảm thiểu rủi ro phát sinh chi phí y tế và xây dựng được nền tảng vững chắc cho các kế hoạch tương lai.
Đưa ra những quyết định tài chính bốc đồng vì sợ bỏ lỡ
Đưa ra quyết định chi tiêu dựa trên nỗi sợ hãi là một trong những sai lệch cảm xúc phổ biến nhất trong quản lý tài chính cá nhân. Nỗi sợ ở đây không chỉ là lo lắng bị đánh giá là keo kiệt hay thiếu hòa đồng, mà còn bắt nguồn từ tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out) – nỗi sợ bỏ lỡ. Khi bạn thấy bạn bè đang tận hưởng một kỳ nghỉ, mua sắm những món đồ thời thượng hay đầu tư vào một xu hướng mới, bạn dễ rơi vào trạng thái “phải làm điều gì đó ngay” để không bị tụt lại. Những quyết định được đưa ra trong trạng thái đó thường thiếu cân nhắc, không dựa trên nhu cầu thực tế, chỉ nhằm xoa dịu cảm giác bất an hoặc mong muốn được công nhận từ sâu thẳm bên trong.
Càng chi tiêu vì sợ bị bỏ lỡ hay thua kém người khác, bạn càng dễ rơi vào vòng lặp mua sắm để thấy đủ đầy, rồi lại thấy trống rỗng vì chẳng điều gì thực sự khiến bạn hài lòng. Để thoát khỏi vòng xoáy đó, điều quan trọng là bạn phải xây dựng cho mình nội tại vững vàng. Hãy tập thói quen tự hỏi: “Mình có thật sự muốn điều này không, hay chỉ đang sợ bị tụt hậu?”. Nhận diện được FOMO là bước đầu tiên để lấy lại sự chủ động trong các quyết định tài chính. Bên cạnh đó, việc đặt mục tiêu rõ ràng như tiết kiệm để đầu tư học tập, nâng cao kỹ năng, hoặc chuẩn bị cho một kế hoạch dài hạn sẽ giúp bạn dễ dàng nói “không” với những chi tiêu bốc đồng. Khi bạn biết rõ điều gì là đủ với bản thân, những xao nhãng bên ngoài sẽ không còn chi phối bạn quá nhiều. Từ đó, bạn không chỉ kiểm soát được ví tiền, mà còn làm chủ được hướng đi của chính mình.
Tích trữ nhưng không đầu tư
Tích trữ tiền là một hành vi tài chính phổ biến của nhiều người muốn cảm thấy an toàn, đặc biệt khi họ từng trải qua những giai đoạn bất ổn hoặc thiếu thốn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc giữ tiền trong tài khoản mà không đưa dòng tiền ấy vào vận động, bạn đang để vốn của mình mất giá theo thời gian. Lạm phát là một yếu tố không thể tránh khỏi trong nền kinh tế, mỗi năm trôi qua, giá trị thực của số tiền không sinh lời sẽ giảm dần, đồng nghĩa với việc sức mua của bạn ngày càng thấp hơn và để lại hậu quả lại kéo dài.
Việc không đầu tư đồng thời sẽ khiến bạn bỏ lỡ cơ hội xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. Trong khi người khác sử dụng dòng tiền nhàn rỗi để tạo ra thu nhập thụ động từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc các hình thức kinh doanh phù hợp với khả năng của họ, bạn lại chỉ giữ tiền ở trạng thái tĩnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tài sản cá nhân, mà còn giới hạn khả năng thích ứng với những thay đổi lớn trong cuộc sống như lập gia đình, mua nhà, khởi nghiệp hoặc nghỉ hưu sớm. Về lâu dài, sự thụ động trong tài chính có thể dẫn đến cảm giác bị tụt lại, không phải vì bạn không kiếm được tiền, mà vì bạn đã không để tiền làm việc cho mình.
Phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất
Việc trung thành với một nơi làm việc trong thời gian dài từng là một chuẩn mực được đánh giá cao, bởi nó thể hiện sự tận tụy, ổn định và đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động hiện đại, nếu sự gắn bó ấy không đi kèm với cơ hội học hỏi, thăng tiến và đãi ngộ tương xứng, nó có thể trở thành rào cản cho sự phát triển tài chính cá nhân. Khi ở lâu trong một môi trường quen thuộc, chúng ta dễ rơi vào trạng thái thụ động, ít tìm kiếm cái mới, ít đặt câu hỏi về giá trị bản thân trên thị trường lao động và thường chấp nhận mức tăng lương theo định kỳ dù chưa chắc phản ánh đúng năng lực hoặc đóng góp thực tế.
Một hệ quả nghiêm trọng hơn chính là sự phụ thuộc vào duy nhất một nguồn thu nhập. Khi toàn bộ cuộc sống tài chính của bạn gắn chặt với một công việc toàn thời gian, mọi rủi ro từ phía công ty như cắt giảm nhân sự, tái cấu trúc, biến động thị trường… đều có thể ảnh hưởng trực tiếp và tức thì đến cuộc sống của bạn. Việc không xây dựng các nguồn thu phụ như đầu tư, làm nghề tay trái hoặc kinh doanh nhỏ khiến bạn không có vùng đệm khi khủng hoảng xảy ra. Thậm chí, bạn có thể rơi vào thế bị động khi đàm phán, bởi cảm giác “không thể mất công việc này” khiến bạn ngần ngại lên tiếng cho quyền lợi của mình, hoặc bỏ lỡ những cơ hội tốt hơn chỉ vì quá quen thuộc với hiện tại.
Sự trung thành trong công việc chỉ thật sự có giá trị khi nó đi cùng với sự phát triển bền vững của cả đôi bên. Nếu nơi bạn đang làm mang lại cho bạn không gian để học hỏi, thử thách để trưởng thành và thu nhập phản ánh đúng năng lực, đó là một mối quan hệ đáng duy trì. Nhưng nếu bạn nhận ra mình đang chỉ bám víu vào nó chỉ để “ổn đỉnh”, bạn có thể bắt đầu hành động ngay từ lúc này. Bạn không nhất thiết phải rời bỏ công việc hiện tại, nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động xây dựng những nguồn thu khác, mở rộng kỹ năng, kết nối với những môi trường mới. Khi bạn không còn phụ thuộc vào một con đường duy nhất, bạn sẽ tự do và bản lĩnh hơn trong cả sự nghiệp lẫn tài chính.
Vay tiền để chi tiêu cho những thứ không cần thiết
Một kỳ nghỉ có thể giúp bạn chữa lành tinh thần. Nhưng nếu phải trả bằng những tháng ngày ngập trong nợ nần, cái giá ấy liệu có xứng đáng?
Đằng sau mỗi lần quẹt thẻ tín dụng hoặc vay tiêu dùng là một khoản nợ đi kèm lãi suất âm thầm tăng lên từng ngày. Trong nhiều trường hợp, số tiền bạn trả sau cùng cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của món đồ đã mua, chưa kể món đồ ấy có thể không còn mang lại cảm giác hứng thú như lúc đầu.
Điều đáng nói là việc vay nợ để tiêu dùng thường không đến từ nhu cầu thực sự, nó thường đến từ cảm xúc tức thời, gồm: cảm giác muốn bắt kịp người khác, muốn chứng tỏ bản thân hoặc đơn giản là muốn xoa dịu sự mệt mỏi, căng thẳng thường ngày bằng việc mua sắm. Nhưng khi những món chi tiêu không thiết yếu trở thành nợ phải trả hằng tháng, chúng dần tạo ra áp lực tâm lý và làm suy yếu khả năng tài chính của bạn. Bạn không còn linh hoạt trong việc quản lý dòng tiền, không thể tiết kiệm một cách chủ động và luôn trong trạng thái “trả nợ xong rồi tính tiếp”. Điều này khiến bạn khó xây dựng được các kế hoạch dài hạn như đầu tư, mua nhà hoặc chuẩn bị cho những giai đoạn quan trọng trong cuộc sống.
Xem thêm
•7 thói quen cần từ bỏ để thăng tiến trong sự nghiệp
•7 cách tiết kiệm để cải tạo bất kỳ căn phòng nào trong một ngày
•8 địa điểm du lịch tiết kiệm nhất châu Á bạn không nên bỏ qua trong năm 2024
Mắc kẹt trong một công việc không phù hợp với bản thân
Khi công việc không còn mang lại cảm hứng, không phù hợp với giá trị sống hoặc không khai thác đúng năng lực cá nhân, bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài, chán nản và làm việc một cách đối phó. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, mà còn khiến bạn dần đánh mất sự tự tin, mất đi cảm giác chủ động và bị lệ thuộc vào một guồng quay không còn khiến mình phát triển.
Về tài chính, hệ quả của việc ở lại quá lâu trong một công việc không phù hợp thường thể hiện ở tốc độ tăng trưởng thu nhập chậm, ít cơ hội thăng tiến hoặc đổi mới kỹ năng. Bạn có thể an toàn trong một thời gian, nhưng về lâu dài, bạn đang đánh mất cơ hội đầu tư vào chính bản thân mình – điều kiện tiên quyết để cải thiện thu nhập trong tương lai. Ngoài ra, tâm lý bức bối khi làm công việc không phù hợp cũng dễ khiến bạn tiêu tiền theo cách thiếu kiểm soát như một hình thức tự xoa dịu.
Tệ hơn nữa, khi bạn ở lại chỉ vì “đã quen” hoặc “chưa dám thay đổi”, bạn đang tạo ra một vùng an toàn giả. Thị trường lao động ngày nay liên tục biến động và yêu cầu kỹ năng mới mỗi ngày. Nếu bạn không học hỏi thêm, không thử sức ở những môi trường khác, giá trị của bạn trên thị trường sẽ dần đi xuống, khiến việc tìm cơ hội mới trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nếu nhận thấy mình đang mắc kẹt trong tình trạng này, điều đầu tiên bạn cần làm không phải là từ chức ngay, mà là cho bản thân thời gian để nhìn lại điều gì đang khiến bạn không còn phù hợp với công việc. Khi bạn làm đúng việc, thứ bạn nhận được sẽ không chỉ đến từ thu nhập hằng tháng, mà còn từ năng lượng, sự kết nối và những cánh cửa mới được mở ra. Ngược lại, ở lại sai chỗ quá lâu có thể khiến bạn tiêu hao những thứ quý giá nhất có thể bạn không nhận ra: thời gian, sự tin tưởng vào bản thân và khả năng bước ra khỏi vùng an toàn.
Nhóm thực hiện
Bài: Tiêu Ngọc
Tham khảo: Yourtango