6 sai lầm dễ mắc phải nơi công sở

Đăng ngày:

Nếu đang làm việc nơi công sở, chắc chắn bạn đã và sẽ mắc phải ít nhất một trong những sai lầm sau đây.

Nếu bạn nghĩ việc thích ứng với môi trường trung học và đại học trong những ngày đầu tiên là khó khăn thì ở nơi công sở còn khó khăn hơn thế rất nhiều lần. Luôn có những quy tắc giống như thước đo chuẩn mực để đánh giá từng vấn đề. Nếu bạn đã nắm rõ được vị trí của mình sau một thời gian nhưng vẫn cảm thấy không phù hợp, hãy xem xét lại những việc mình làm trước khi đi đến kết luận. Dưới đây là một vài điều bạn có thể đang làm sai trong công việc, gây ảnh hưởng đến cảm giác của bạn ngay cả khi bạn đang hài lòng với công việc của mình.

1. Bạn không muốn nghe chỉ trích dù đó là góp ý chân thành

Nghe những lời chỉ trích hay luôn bị cấp trên giám sát vì bạn làm việc không theo kế hoạch ban đầu hay vi phạm một vài lỗi nhỏ là chuyện hết sức bình thường nơi công sở. Có thể bạn đã khóc hoặc cố gắng không khóc trong lần đầu tiên nhận chỉ trích vì những lỗi lầm ấy không phải do bạn gây ra. Nhưng nếu việc này cứ lặp đi lặp lại, bạn chắc chắn phải xem lại mình.

Khi bạn được giao một nhiệm vụ và bắt đầu nhận được góp ý về những lỗi sai, hãy vui vẻ tiếp nhận. Hãy mạnh dạn nói “đó là lỗi của tôi” thay vì “tôi không gây ra lỗi này”. Điều này không có nghĩa là bạn không trung thực, chỉ là bạn đang cố gắng để những cuộc tranh luận đi đến kết quả tốt nhất và công việc được đảm bảo. Ngay cả khi bạn không quen với các phản hồi mang tính xây dựng, điều cực kỳ quan trọng là bạn tìm ra cách để tiếp nhận một cách chuyên nghiệp. Nếu cứ bảo vệ quan điểm của mình theo hướng tiêu cực thì bạn sẽ chẳng nhận được lời khuyên chân thành từ bất cứ ai. Hãy nhớ, mỗi lời khuyên là một bài học quý giá.

Bạn không muốn nghe những chỉ trích dù đó là góp ý chân thành

Ảnh: serbaunik.net

2. Bạn thường xuyên nói chuyện phiếm trong giờ làm việc

Tham gia cùng đồng nghiệp trong những cuộc nói chuyện về những thứ “chẳng ra đâu” sẽ không đem lại cho bạn lợi ích gì, chưa kể bạn còn mất thời gian và không tập trung vào công việc. Tất nhiên, bạn vẫn có thể trò chuyện cùng đồng nghiệp vào giờ nghỉ hoặc thỉnh thoảng đùa vui đôi ba lời, nhưng đừng biến mình thành “gossip girl”. Những câu chuyện phiếm cũng “có cánh” để bay. Khi cùng nhau nói xấu một ai đó, các bạn là đồng minh, nhưng khi quay về bàn làm việc, bạn sẽ không biết điều gì có thể xảy ra từ những cuộc nói chuyện này. Hãy dành thời gian nơi công sở để học hỏi, làm những việc thực sự có ích và đem lại hiệu quả cao.

Bạn thường xuyên nói chuyện tầm phào

Ảnh: coemi.jp

3. Hứa hẹn quá nhiều nhưng thực hiện không được bao nhiêu

Thật dễ dàng để trở thành một người làm việc quá sức, đặc biệt khi bắt đầu công việc mới, và điều này thường trở thành một sai lầm rất lớn. Phấn đấu vì công việc chắc chắn là điều tốt, nhưng khi bắt đầu, bạn đừng quá hứa hẹn hoặc thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Mọi thứ sẽ trở nên lộn xộn mà bạn không thể kiểm soát được. Thổi phồng năng lực bản thân sẽ khiến bạn đánh mất niềm tin mà người khác dành cho mình. Đừng nhận quá nhiều việc với những hứa hẹn mà chính bạn cũng không biết mình có làm được hay không. Hãy tập nói “không” khi cần thiết.Bạn hứa hẹn quá nhiều nhưng thực hiện không được bao nhiêu

Ảnh: bestcatcher.com

4. Bạn không biết cách đặt câu hỏi

Khi nhận một công việc mới tinh hay được thăng chức lên một vai trò mới, bạn sẽ không biết tất cả mọi thứ ngay từ đầu. Cách tốt nhất là đặt câu hỏi khi cần thiết. Trước khi đặt câu hỏi, hãy dành thời gian để suy nghĩ về những gì bạn đang băn khoăn và tự đi tìm câu trả lời. Nếu vẫn không tìm được câu trả lời, hãy tìm sự trợ giúp của đồng nghiệp và cấp trên. Cấp trên hay đồng nghiệp của bạn sẽ không chê cười đâu, ngược lại, họ sẽ nghĩ rằng bạn đang thực hiện công việc của mình một cách nghiêm túc. Các câu hỏi chính là chìa khóa để đi đến thành công.

Bạn không biết cách đặt câu hỏi

Ảnh: rislah.com

5. Bạn phàn nàn quá nhiều về công việc mình đang làm

Bạn chán nản vì chỉ làm một việc lặp đi lặp lại hoặc cảm thấy mình đang quá tải và không được trả công xứng đáng? Đem sự chán nản đó làm đề tài để bàn tán trên mạng xã hội hay kể với đồng nghiệp, bạn có đang làm những việc như vậy không? Nếu có, bạn đang từng bước kết thúc cơ hội làm việc của mình đấy. Thay vì phàn nàn, hãy ngồi lại và vạch ra những điều khiến bạn không hứng thú với công việc và tìm cách cải thiện nó. Nói chuyện một cách chân thành với cấp trên để được giao những công việc phù hợp hơn cũng là một cách hay.

Bạn phàn nàn quá nhiều về công việc mình đang làm

Ảnh: http: bizphit.co.uk

6. Lựa chọn thực phẩm không phù hợp

3 giờ chiều là khoảng thời gian bạn mệt mỏi nhất trong ngày. Những lúc như vậy, nếu nạp thêm năng lượng cho cơ thể bằng đồ ăn, thức uống không đảm bảo cho sức khỏe, bạn còn khiến cơ thể mệt mỏi hơn rất nhiều. Theo National Sleep Foundation, carbohydrate chứa một axit amin gọi là tryptophan, làm bạn cảm thấy buồn ngủ. Vì vậy, thay vì ăn thức ăn nhanh, hãy chọn một số loại rau xanh, trái cây như chuối và các loại thực phẩm có múi giúp tăng cường năng lượng và giữ cho bạn cảm thấy khỏe khoắn trong suốt cả ngày.

Việc lựa chọn thực phẩm của bạn đang làm bạn chậm chạp hơn

Ảnh: workingcarers

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ngân Trần (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Elite Daily)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more