Bạn có đang gặp bế tắc trong công việc hiện tại?

Đăng ngày:

Có lúc, cảm giác bế tắc chỉ len lỏi khẽ khàng trong tâm trí và khiến bạn rùng mình đôi chút. Lúc khác, bạn lại thấy chúng lao ầm xuống đè bẹp mình trong tích tắc, như thể sao chổi vừa rụng trúng đầu. Nằm bẹp dưới gánh nặng ngàn tấn vô hình, tiến chẳng được mà lùi cũng không xong, nỗi bế tắc trong công việc khiến bạn mất động lực và bi quan về sự nghiệp của mình.

Không có động lực phát triển, có cảm tưởng mình chẳng tiến bộ thêm được chút nào trong công việc có thể biến cuộc sống của chúng ta thành một chuỗi khoảng xám nối tiếp nhau. Khi công việc đi vào ngõ cụt, bao nhiêu giờ làm việc ở công ty là chừng đó thời gian ta chán nản, suy tư vu vơ mãi về cái ngõ cụt ấy rồi tự làm mình buồn.

Tuy nhiên, cảm thấy bế tắc và căm ghét công việc của mình là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Hiểu được sự khác biệt giữa chúng sẽ giúp bạn kiểm soát quỹ đạo sự nghiệp. Bạn có thể nghĩ đến chuyện “nhảy việc” nếu thực sự không thích, không chịu đựng nổi. Nhưng nếu bạn vẫn yêu công việc đang làm, chỉ là thấy mình bị đình trệ và dậm chân tại chỗ một chút thôi, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển nghề nghiệp đấy.

Cùng ELLE trả lời 5 câu hỏi dưới đây để xem bạn có đang gặp phải bế tắc trong công việc không nhé!

1. Bạn có cần một thử thách?

Ở văn phòng, bạn là một “ngôi sao”. Dù nhắm mắt ngủ thì bạn cũng hoàn thành được mọi việc mà không có một sai sót. Cấp trên hài lòng với thể hiện của bạn. Mỗi ngày đi làm là một ngày nhẹ nhàng, trôi chảy. Nghe qua thì tưởng đời đang đẹp như mơ, nhưng sự thật không hoàn toàn như thế.

Làm tốt công việc của mình đương nhiên là điều tốt, nhưng quá thoải mái với nó lại là dấu hiệu của sự đình trệ. Để sự nghiệp tiến triển, bạn phải là người phát triển trước tiên. Hãy tiếp tục học hỏi cái mới để trưởng thành hơn, cho dù công ty không cung cấp những cơ hội đó.

Bạn có thể đăng ký các khóa học online để biết thêm kỹ năng mới, xung phong hỗ trợ công việc của các ban khác khi không quá bận rộn, hoặc thậm chí là đề xuất tiến hành một dự án mới với cấp trên.

2. Bạn thấy mình cần sự tôn trọng?

Chẳng mấy thứ khiến chúng ta bực bội, khó chịu như việc mình không được tôn trọng trong công việc. Bạn có thể cảm thấy bế tắc nếu nhận ra những ý kiến của mình không được lắng nghe, sự đóng góp, cống hiến của mình không một ai thừa nhận.

Một nhân viên sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển nếu không nhận được sự ủng hộ và công nhận xứng đáng. Nếu bạn thường xuyên bị ngắt lời trong các cuộc họp, không ai đoái hoài tới trong chuỗi email hay thâm niên làm việc không được đồng nghiệp xem trọng, phải làm gì đó để thay đổi ngay thôi! Nói chuyện thẳng thắn với đồng nghiệp, cấp trên hoặc mạnh dạn chuyển việc. Vì nếu không có sự tôn trọng, bạn sẽ không thể nào thăng tiến trong môi trường đó.

bạn gái ở văn phòng

Ảnh: Susanna Howe

3. Bạn cần được thăng chức?

Cảm giác đình trệ có thể xuất hiện nếu đánh giá công việc hàng năm cứ đến và đi với kết quả tích cực mà không có lấy một đề nghị tăng lương, thăng chức nào. Nếu bạn thấy mình xứng đáng, đừng chờ đợi người khác nữa, hãy mạnh dạn đứng lên đòi quyền lợi cho mình.

Thu thập “chứng cứ” chứng minh bạn đã đủ sẵn sàng, xứng đáng nhận mức lương cũng như những trách nhiệm cao hơn. Gom góp mọi số liệu cho thấy bạn hoàn thành xuất sắc công việc được giao phó. Sau đó, hãy hẹn một buổi nói chuyện riêng với sếp để bày tỏ mong muốn của mình.

Nếu lời đề nghị bị từ chối, bạn đứng trước hai lựa chọn. Một là ghi nhận phản hồi, lời khuyên của cấp trên về lý do bạn chưa đủ điều kiện thăng tiến và tiếp tục nỗ lực. Hai là, nếu công ty không đưa ra được một lý do công bằng và rõ ràng, có lẽ đã đến lúc bạn đi tìm công việc mới.

4. Bạn muốn thay đổi?

Bạn cứ tưởng mình biết đâu là giấc mơ của đời mình, đâu là con đường sự nghiệp mình mong muốn. Nhưng những điều ta quan tâm, yêu thích sẽ luôn biến đổi theo thời gian. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi.

Hãy phân tích thật kỹ những điểm bạn yêu và ghét ở công việc hiện tại, sau đó đến bước nghiên cứu về ngành nghề, vị trí mới mà bạn đang hứng thú. Tìm và trò chuyện với những người có nhiều kinh nghiệm hơn về công việc đó trên LinkedIn. Cơ hội mới có phù hợp với điều bạn yêu ở công việc hiện tại không? Có cách nào để bạn chuyển giao kỹ năng đang có sang vị trí mới không?

Trong một số trường hợp, bạn thậm chí không cần chuyển sang một công ty khác để thay đổi nghề nghiệp. Nhiều công ty sẵn lòng thuyên chuyển nhân viên trong nội bộ để lấp vào các vị trí trống đang tuyển dụng nếu phù hợp, nên hãy trao đổi thẳng thắn với cấp trên của mình.

laptop và cốc cà phê trên bàn làm việc

Ảnh: Danielle Moss

5. Bạn cần được nghỉ ngơi?

Ngủ gục ngay tại bàn làm việc? Sợ hãi tiếng chuông báo thức mỗi sáng? Uống đến cốc cà phê thứ ba trong ngày mà vẫn chịu không nổi? Có thể bạn cảm thấy bế tắc, trì trệ đơn giản vì bạn đã kiệt sức rồi.

Từ tuổi lên 6 đến lúc trưởng thành, bạn hết hối hả học tập ở trường lại đến hối hả tìm việc làm, hối hả leo cao hơn nữa trên nấc thang sự nghiệp. Làm việc không ngừng nghỉ với khối lượng nặng, cường độ cao khiến chúng ta kiệt sức nhanh chóng.

Đến lúc nghỉ ngơi rồi! Bắt đầu bằng việc đảm bảo mình có thời gian nghỉ trưa mỗi ngày, đến lên kế hoạch cho kỳ nghỉ trong mơ của bạn. Nếu thật sự cần “tái khởi động”, bạn có thể xin nghỉ một thời gian để học thêm kỹ năng mới, hoặc thậm chí là tìm công việc khác.

Quy tắc làm việc thời nay không còn cứng nhắc như ngày trước nữa. Hãy chủ động, can đảm làm những việc bạn thấy cần để duy trì sức khoẻ và sự nghiệp của mình tốt nhất có thể. Những quãng nghỉ hợp lý là cực kỳ cần thiết để bạn tái tạo sức sáng tạo và nâng cao năng suất đấy.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Everygirl

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more