Trust issue: Cách khắc phục việc mất niềm tin trong cuộc sống

Đăng ngày:

Lòng tin là yếu tố thiết yếu giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho các mối quan hệ. Khi tin tưởng ai đó, bạn có thể dễ dàng chia sẻ mọi suy nghĩ, cảm xúc của bản thân một cách cởi mở và chân thành. Tuy nhiên, thật khó để mở lòng khi bạn từng trải qua nhiều ký ức không tốt đẹp trong quá khứ, khiến bạn nảy sinh cảm giác không an toàn, sợ bị tổn thương và khó buông bỏ sự phòng bị hoàn toàn với các mối quan hệ. Các dấu hiệu này có thể cho thấy bạn đang có trust issue – vấn đề về lòng tin.

Tin tưởng là chìa khóa để xây dựng hạnh phúc lâu dài và bền chặt trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, người có vấn đề về niềm tin (trust issue) thường có xu hướng nghi ngờ mọi hành vi của đối phương, khiến mối quan hệ không thể phát triển một cách lành mạnh và trọn vẹn. Hãy cùng ELLE tìm hiểu dấu hiệu và làm thế nào để vượt qua trust issue nhé!

Vì sao con người lại có vấn đề với niềm tin?

Dưới góc độ tâm lý học, việc con người đánh mất lòng tin trong cuộc sống thường bắt nguồn từ những ám ảnh hay những trải nghiệm tiêu cực họ đã trải qua trong quá khứ. Tận sâu đáy lòng, họ lo sợ bản thân sẽ bị tổn thương một lần nữa, để rồi chọn cách tự bảo vệ chính mình bằng cách lập nên những bức tường vô hình ngăn cách họ với thế giới bên ngoài. Đối với những người có vấn đề với lòng tin, dưới đây có thể là một số nguyên nhân tiêu biểu dẫn đến tình trạng này:

  • Sự phản bội trong chuyện tình cảm: chịu đựng nỗi đau vì đối phương ngoại tình, lừa dối khi hai người còn trong mối quan hệ. Đồng thời, tình trạng gaslight trong quá khứ có thể  dẫn đến trust issue. Một khi đã trải qua tổn thương tâm lý về chuyện tình cảm, họ không còn hy vọng đến việc bắt đầu mối quan hệ mới vì sợ bản thân sẽ bị phản bội lần thứ hai. 
  • Xung đột giữa các thành viên trong gia đình: các cuộc cãi vã giữa bố mẹ, anh chị em bất hòa… là những vấn đề có thể để lại tổn thương sâu sắc cho một người. Những vết thương tinh thần từ thuở thơ ấu có thể ám ảnh họ đến khi trưởng thành.  
  • Bị mọi người xung quanh xa lánh: bị một nhóm nhỏ cô lập, dè bỉu khiến họ nghi ngờ bản thân và cho rằng bản thân là nguyên nhân của mọi sai lầm. Đồng thời họ không dễ dàng tin tưởng vào những mối quan hệ xã hội.
  • Ở môi trường sống tiêu cực: con người dễ mất đi niềm tin vào cuộc sống khi phải chứng kiến quá nhiều sự việc tiêu cực và cho rằng điều xui rủi luôn bủa vây cuộc sống họ. Dần dần, họ nghi ngờ về bản chất tốt đẹp của cuộc sống và đánh mất niềm tin vào những giá trị đạo đức.
  • Sức khỏe tinh thần không ổn định: mắc phải một số tình trạng bệnh lý như  rối loạn lo âu (social anxiety disorder), rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) hay rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)… Khi gặp phải những vấn đề về sức khỏe tâm thần, con người thường khó mở lòng để chia sẻ cùng người khác.
đánh mất niềm tin 1

Ảnh: Unsplash/Motoki Tonn

Dấu hiệu của Trust issue

Về cơ bản, trust issue không chỉ gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xung quanh, nó còn châm ngòi cho những cuộc cãi vã, xung đột và gây cản trở trong việc hòa giải mâu thuẫn. Để có thể khắc chế trust issue, bạn cần nhận biết một số dấu hiệu tâm lý bản thân đang gặp phải. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của tình trạng niềm tin:

  • Luôn tỏ thái độ ngờ vực với mọi người xung quanh
  • Cảm thấy không thể tha thứ cho đối phương khi họ phạm sai lầm
  • Tự cô lập bản thân khỏi xã hội
  • Muốn kiểm soát mọi thứ một cách thái quá 
  • Gặp khó khăn trong việc giao tiếp
cô gái có dấu hiệu trust issue đứng cạnh cành hoa đào

Ảnh: Unsplash/Natalia Sobolivska


Xem thêm

7 dấu hiệu bạn có vấn đề lòng tin trong các mối quan hệ 

5 dấu hiệu cho thấy bạn là người hướng trung (Ambivert)

9 cách cải thiện cảm xúc và tinh thần cho người hướng nội 


Cách khắc phục Trust issue hiệu quả 

1. Dành nhiều thời gian tìm hiểu bản thân (Self-discovery)

Để khắc phục tình trạng trust issue, bạn cần dành nhiều thời gian cho bản thân và tự hỏi rằng đâu là điều khiến bạn mất đi niềm tin trong cuộc sống. Bạn có thể tìm ra nguyên do phát sinh thông qua việc đi tham vấn tâm lý hay các liệu pháp thiền định, chánh niệm hay viết nhật ký . Khi cảm thấy lo âu, căng thẳng quá mức, bạn nên tạm thời gác mọi suy nghĩ sang một bên và thực hiện một số hoạt động giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh như hít thở thật sâu, đi bộ chậm hay vận động nhẹ nhàng. 

2. Giao tiếp, trao đổi với những người thân yêu 

Thay vì chìm đắm trong những trăn trở mông lung, mơ hồ, bạn nên mạnh dạn chia sẻ những vấn đề của bản thân với gia đình hay bạn bè thân yêu. Giao tiếp được xem là chìa khóa giúp bạn gỡ bỏ nút thắt trong lòng và chữa lành vết thương tâm hồn một cách hiệu quả. Bằng cách chia sẻ những tâm tư thầm kín, bạn không chỉ trút bỏ đi gánh nặng tinh thần cho bản thân, mà còn tạo cơ hội để đối phương hiểu rõ bạn hơn. 

hai cô gái nằm trên bãi cỏ trò chuyện về trust issue

Ảnh: Unsplash/Anna Keibalo

3. Học cách chấp nhận những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai 

Cuộc sống luôn biến đổi không ngừng theo từng ngày và chứa đựng vô vàn những điều không ai ngờ tới. Do đó, việc học cách chấp nhận sự thay đổi trong cuộc sống sẽ giúp bạn thích nghi và trở nên mạnh mẽ hơn trước sự việc bất ngờ có thể xảy ra. Việc liên tục hồi tưởng lại chuyện đã rồi chỉ khiến bản thân chuốc thêm đau đớn, nhấn chìm bản thân trong quá khứ và không thể bước tiếp. 

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thư

Tham khảo: Verymindwell

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more