Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Khi lo âu và sợ hãi quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, vẫn tiếp tục ngay cả khi mối lo thực tế đã kết thúc thì nó có thể trở thành bệnh lý. Ám ảnh lo âu khiến trí não chúng ta cứ mải mê suy nghĩ về những điều tồi tệ thay vì tận hưởng những niềm vui của cuộc sống hiện tại. Nó khiến trí não mãi loanh quanh trong những cảm xúc tiêu cực mà không thể nghĩ ra được giải pháp để cải thiện tình hình. Nếu bạn đang gặp ám ảnh lo âu, hãy cân nhắc áp dụng những phương pháp sau để dần rũ bỏ suy nghĩ tiêu cực nhé.
1. Học cách tự nhận thức về chính mình
Những thói quen trong cư xử hằng ngày chính là tiền đề tạo ra thói quen suy nghĩ. Cũng giống như thói quen cắn móng tay hay liên tục vào mạng xã hội bất kỳ lúc nào có thời gian rảnh, tất cả đều xảy ra một cách vô thức. Vậy nên, bước đầu tiên để phá vỡ thói quen chính là nhận thức được nó. Ngay khi những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu xuất hiện và bạn cảm thấy bản thân đang dần rơi vào vòng lẩn quẩn của ám ảnh lo âu, hay tự nhắc mình “Dừng lại!”. Ban đầu, bạn có thể nói ra thành tiếng để tạo cho não thói quen phản xạ. Khi ấy, não của bạn sẽ “bước lùi” lại và nhìn vào vấn đề của chính mình. Một vài bệnh nhân tập thay đổi thói quen suy nghĩ bằng cách hình ảnh hóa nó: Họ tưởng tưởng rằng họ đang cố gắng lôi một suy nghĩ tiêu cực nào đó ra khỏi não bộ và ném nó vào thùng rác. Bằng cách này, dần dần, bạn sẽ làm chủ được suy nghĩ của mình và hạn chế được cảm giác lo âu trong vô thức.
2. Hãy tìm cho nó một tên gọi
Sự xuất hiện của ám ảnh lo âu thường đi kèm với nỗi sợ về một điều tồi tệ vô hình nào đó sắp xảy ra. Bạn có thể trở nên lo lắng quá mức chỉ vì một lỗi nhỏ xảy ra tại cơ quan, một cuộc cãi vã với bạn bè hay khi bạn tự hình dung rằng cuộc sống của bạn đang đi chệch hướng. Hãy cố gắng tóm gọn tất cả những lo lắng của mình lại và tìm cho nó một tên gọi, ví dụ “mình đang sợ bị mất việc” hay “mình đang bực bội với đứa bạn vì cách nó đối xử với mình”. Bạn có thể giành lại sự kiểm soát suy nghĩ của mình bằng việc chỉ ra tình huống thật sự. Một khi bạn đã tìm ra được đâu là nguồn cơn của những mối lo âu, hãy hỏi chính bản thân rằng: “Điều tồi tệ nào sẽ xảy đến? Khi đó, mình có giải quyết được nó hay không?”. Thông thường, câu trả lời sẽ là có. Gọi tên chính là cách tạo cho mình một đích đến. Khi biết được đích đến, bạn sẽ dễ tìm thấy hướng đi hơn là cứ loay hoay trong mê cung suy nghĩ của mình.
3. Sống cho hiện tại
Đây là lối sống chủ động chú ý vào những gì đang diễn ra ở hiện tại, ngay lúc này. Chúng ta thường dành quá nhiều thời gian vào việc nhìn ngắm những lỗi lầm trong quá khứ hay mải lo lắng về những chuyện chưa xảy thay vì suy nghĩ cho hiện tại. Sống chậm lại có thể giúp chúng ta giảm bớt việc dành quá nhiều thời gian cho những suy nghĩ về bản thân mà thay vào đó là “cảm nhận” về chính mình. Thay vì để cuộc sống hiện đại bận rộn cuốn bạn vào guồng quay của nó, hãy thử dừng lại, để ý vào những gì bạn đang thấy, đang nghe, đang nếm và cảm nhận. Việc này có thể giúp bạn nhìn thấy được bản thân mình của thì hiện tại và giảm dần tần suất của những ám ảnh lo âu. Nếu bạn có bắt gặp bản thân đang lang thang trong những suy nghĩ của quá khứ hay tương lai, hãy nhẹ nhàng dắt những suy nghĩ đó quay về hiện tại và nhớ rằng: Quá khứ đã qua, không thể thay đổi, còn tương lai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.
4. Học cách chấp nhận
Hãy thử dành thời gian để suy nghĩ về nguồn cơn của nỗi ám ảnh lo âu. Có phải bạn đang kỳ vọng vào bản thân (và mọi người) quá nhiều? Có phải bạn đang “đứng núi này trông núi nọ”? Học cách chấp nhận thực tại, hài lòng với những gì đang có có thể giúp bạn suy nghĩ nhẹ nhàng hơn và bớt đặt gánh nặng lên vai mình.
5. Lên lịch cho những lo âu
Có phải bạn thường mất ngủ vì trằn trọc suy nghĩ về một điều gì đó suốt cả đêm? Có phải mỗi lần lên giường, bạn lại không ngừng được những suy nghĩ về các mối quan hệ, suy nghĩ của người khác về hình ảnh của mình, sự nghiệp, tài chính, tương lai hay đơn giản chỉ là nghĩ về chuyện ăn gì, mặc gì vào ngày mai? Điều này tất nhiên sẽ khiến bạn kiệt sức và mỏi mệt. Nếu vậy, sao bạn không thử “lên lịch” cho những lo âu của mình. Mỗi ngày, hày dành ra khoảng 15-30 phút “thời gian dành cho lo âu” và viết ra hết những suy nghĩ trong đầu mình. Khi đi ngủ, nếu những suy nghĩ này kéo đến, hãy tự nhủ “bây giờ không giải quyết được gì, mình sẽ nghĩ về nó vào ngày mai”. Đây có thể xem là cách “sống chung” với vấn đề của mình. Dần dần, bạn có thể học cách kiểm soát và giành lại quyền tự chủ cho tâm trí của mình.
Hãy kiên nhẫn với chính mình và nhớ rằng bạn không cần phải làm được tất cả trong cùng một lúc. Đừng cảm thấy rằng bạn đã thất bại nếu những suy nghĩ lo âu và sợ hãi quay trở lại. Thực ra thì, đôi lúc, một chút sợ hãi và lo lắng lại là điều cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, nếu những suy nghĩ chứa đầy nỗi ám ảnh lo âu này cứ mãi xen ngang vào cuộc sống của bạn và thử những cách trên cũng không hiệu quả, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Họ sẽ có những liệu trình phù hợp giúp bạn vượt qua “căn bệnh” này.
—
Xem Thêm:
Kiểm soát suy nghĩ: Thói quen tuy khó mà dễ!
Phải làm gì khi chúng ta gặp phải triệu chứng lo âu xã hội?
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Nhã Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Theeverygirl Ảnh: Uplash