Lifestyle / Bí quyết sống

5 cách hiệu quả giúp bạn nâng cao giá trị bản thân để thu hút những điều tốt đẹp

Mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống - từ hạnh phúc cá nhân, sự nghiệp viên mãn đến những mối quan hệ tử tế - đều khởi nguồn từ cách bạn thấu hiểu, yêu thương và đối đãi với chính mình. Khi bạn thấu hiểu giá trị của bản thân, bạn không cần gượng ép tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài. Khi bạn thật sự yêu mình, tâm hồn bạn sẽ trở thành chốn bình yên để những điều đẹp đẽ ghé vào. Và từ đó, cuộc sống không còn là một hành trình để chứng tỏ, mà là một không gian để bạn tự do tỏa sáng theo cách riêng.

Giá trị bản thân không phải là điều bạn cần chứng minh để nhận được những lời tán dương, ánh nhìn ngưỡng mộ hay sự công nhận từ ai đó. Giá trị ấy chưa bao giờ tách rời bạn, nó vẫn luôn ở đó – âm thầm, bền bỉ và là phần cốt lõi tạo nên chính con người bạn. Đó là sức mạnh của một cá nhân biết rõ mình là ai. Không ồn ào, không phô trương, nhưng vững vàng đến mức không điều gì có thể lay chuyển.

Bài viết này là một lời thủ thỉ dành cho bạn, người đang muốn yêu bản thân mình hơn một chút mỗi ngày. Cùng ELLE khám phá 10 cách giúp bạn từng bước nâng cao giá trị bản thân, từ đó mở ra cánh cửa đón nhận những cơ hội, mối quan hệ và trải nghiệm tuyệt vời hơn trong cuộc sống.

1. Nhận diện thiên kiến xác nhận và nhẹ nhàng thoát ra khỏi nó

Cô gái thấu hiểu giá trị bản thân
Ảnh: Pexels/duhews dfbas

Khi bạn chung sống với lòng tự trọng thấp trong thời gian dài, việc tin vào những điều tích cực về bản thân có thể trở nên vô cùng khó khăn. Lời khen có thể sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối, thành công nhỏ thường xuyên bị bạn xem nhẹ, một lỗi lầm nhỏ cũng đủ ám ảnh tâm trí bạn một thời gian dài… Điều này thường bắt nguồn từ một cơ chế tâm lý gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias).

Theo tâm lý học, thiên kiến xác nhận (hay thiên kiến thiên lệch) là một khái niệm chỉ trạng thái vô thức tìm kiếm những thông tin nhằm củng cố cho niềm tin hoặc giả thuyết của chính mình ở một người. Khi bạn vô thức kể cho chính mình một câu chuyện rằng “bản thân tôi không đủ tốt”, “tôi luôn đối diện với thất bại”, tâm trí bạn bắt đầu chủ động tìm kiếm những bằng chứng để củng cố niềm tin đó. Từ đây, những điều tốt đẹp hiển nhiên bị bỏ qua, còn những vấp ngã lại được ghi nhớ dai dẳng.

Điều bạn cần làm lúc này không phải là gồng mình để trở nên tích cực, mà dịu dàng bước chậm lại để lắng nghe câu chuyện đang được kể với chính mình, một câu chuyện có thể đã bị nhuốm màu bởi thói quen suy nghĩ thiên lệch. Những lời thì thầm ấy không phải là sự thật, chúng chỉ là vết hằn của những trải nghiệm cũ, của những niềm tin giới hạn mà bạn từng tiếp nhận trong vô thức. Hãy thử dừng lại một nhịp và tự hỏi: “Liệu tôi có đang nhìn nhận bản thân qua một lăng kính méo mó không?” . Khi bạn bắt đầu đối thoại với chính mình bằng sự trung thực và khách quan, bạn sẽ nhận ra rằng: Bên dưới lớp bụi mờ của sự nghi ngờ là một con người đầy giá trị đang chờ được chúng ta công nhận và nâng niu.

2. Thực hành chánh niệm

Bạn có xu hướng sống vội, nghĩ nhanh và thường xuyên phản ứng theo thói quen? Bạn vô thức chạy theo guồng quay của cuộc sống bộn bề và không thật sự dừng lại để hỏi ngay lúc này bản thân đang cảm thấy thế nào? Chính vì thế, những cảm xúc bị bỏ quên, những suy nghĩ tiêu cực dần trở thành làn sóng âm ỉ kéo chúng ta ra xa khỏi sự an yên vốn có của tâm hồn. Lúc này, chánh niệm chính là chiếc cầu nối đưa bạn quay về với bản ngã của mình mà không phán xét, không né tránh, chỉ đơn thuần là nhận biết.

Kristin Neff – nhà nghiên cứu tiên phong về lòng tự trắc ẩn – cho rằng: chánh niệm chính là bước đầu tiên để bạn nhận ra khi nào chúng ta đang tự làm tổn thương chính mình, để từ đó học cách đối xử dịu dàng hơn với bản thân. Bởi nếu bạn không nhận biết được rằng mình đang tự tổn thương, làm sao bạn có thể chữa lành?

Các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Monash, Michigan hay Edinburgh đều đã đưa những bài thực hành chánh niệm và lòng biết ơn vào chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần. Điều này đủ để thấy chánh niệm không còn là điều gì đó mang tính chất tâm linh, xa xỉ hay mơ hồ, mà là một phần thiết yếu trong hành trình sống tỉnh thức, yêu thương và vững vàng.


Xem thêm

11 dấu hiệu của người phụ nữ thấu hiểu giá trị của bản thân

5 dấu hiệu cho thấy bạn đang dần đánh mất giá trị bản thân

7 cách giúp bạn nâng cao khả năng tự nhận thức bản thân và mở khóa tiềm năng của chính mình


3. Nuôi dưỡng cơ thể bằng chế độ sống lành mạnh

Cô gái có lối sống lành mạnh
Ảnh: Pexels/Marina Ryazantseva

Cơ thể không chỉ là ngôi nhà bạn cư trú, mà còn là người bạn đồng hành thầm lặng luôn cố gắng hết mình để giữ bạn sống, thở, cảm nhận và chuyển động mỗi ngày. Vì vậy, cách bạn chăm sóc cơ thể cũng chính là cách bạn thể hiện tình yêu và sự trân trọng đối với giá trị của bản thân.

Thói quen ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn tác động sâu sắc đến cảm nhận của bạn về chính mình. Nếu bạn đang mang theo sự không hài lòng về cân nặng hay ngoại hình, hoặc có một hình ảnh méo mó về cơ thể, cảm giác mệt mỏi và thiếu tự tin rất dễ bủa vây. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến mối quan hệ độc hại với việc ăn uống, thậm chí là rối loạn ăn uống. Nhưng điều tích cực là bạn có thể bắt đầu lại từ những điều đơn giản và đầy yêu thương như: học nấu một vài món ăn lành mạnh, lựa chọn thực phẩm tươi sạch, thêm nhiều rau củ, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hằng ngày… kết hợp cùng các hoạt động thể chất phù hợp.

Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc chính là yếu tố thiết yếu giúp phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần. Giấc ngủ không chỉ giúp cơ thể tái tạo năng lượng, mà còn giúp tinh thần bạn trở nên cân bằng, cảm xúc ổn định và giảm nguy cơ rơi vào vòng xoáy của những dòng suy nghĩ tiêu cực. Một người được ngủ đủ và ngủ sâu sẽ có khả năng đối diện với áp lực tốt hơn, đồng thời duy trì sự bình tĩnh, sáng suốt trong cuộc sống.

Và nếu sự tự ti hay mệt mỏi vì ngoại hình đang ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của bạn, đừng ngần ngại tìm đến chuyên gia để được đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ đúng cách.

4. Phát huy tư duy cầu tiến

Tư duy cầu tiến (growth mindset) là niềm tin vững chắc rằng bạn có thể học hỏi, phát triển và thay đổi theo thời gian, rằng bạn không bị giới hạn bởi hoàn cảnh hiện tại hay những “nhãn dán” bạn (hoặc người khác) từng gán cho mình. Điều tuyệt vời là tư duy cầu tiến không đòi hỏi bạn phải làm điều gì đó to lớn. Đôi khi, nó bắt đầu từ những thay đổi rất nhỏ: Là khi bạn dám thử điều mình chưa từng làm, là khi bạn tự động viên, bạn chọn kiên trì thay vì bỏ cuộc dù con đường phía trước chưa rõ ràng…

Phát huy tư duy cầu tiến cũng là cách để bạn thể hiện sự tôn trọng với chính hành trình của bản thân. Thay vì thúc ép bản thân phải thành công nhanh chóng, bạn nên trao quyền cho mình được phát triển theo nhịp điệu riêng – vững vàng, tự tin và đầy kiên định. Giá trị bản thân không nằm ở việc bạn đã đến đâu, mà nằm ở việc bạn không ngừng tin rằng bạn còn có thể tiến xa hơn những gì mình tưởng tượng.

5. Chấp nhận bản thân

Cô gái nâng cấp giá trị bản thân
Ảnh: Pexels/Anastasiia Chaikovska

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất xuất hiện ở người có giá trị bản thân vững vàng đó là khả năng nhìn nhận cả những phần sáng lẫn những góc khuất của bản thân. Bạn không né tránh khuyết điểm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác vì những điều chưa trọn vẹn. Thay vào đó, bạn chọn chấp nhận bản thân như một bản thể đang trên hành trình hoàn thiện, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình.

Chấp nhận bản thân không có nghĩa là thỏa hiệp và hài lòng với tất cả, đó là khi bạn nhìn thấy mình một cách toàn vẹn với cả những điều đã làm được và cả những phần dở dang. Từ sự chấp nhận ấy, bạn sẽ có đủ can đảm để thay đổi, để tốt hơn, để đi xa hơn, không vì ai khác, mà vì chính bạn.

Nhóm thực hiện

Bài: Thiên Thanh

Tham khảo: Future Learn, PositivePsychology

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)