8 chiến thuật thao túng cảm xúc bạn nên biết

Đăng ngày:

Lạm dụng thể chất hay ngôn từ đều rất dễ nhận biết vì bạn có thể nhìn và nghe thấy. Tuy nhiên, đối với hành vi lạm dụng khác như thao túng cảm xúc thì lại rất khó để nắm bắt. 

Ở một số thời điểm trong cuộc đời, chúng ta có thể đã từng chứng kiến hoặc là nạn nhân của thao túng cảm xúc. Vì vậy, chúng ta cần phân biệt được các chiến thuật thao túng cảm xúc khác nhau để có thể bảo vệ bản thân cũng như mọi người xung quanh khỏi hình thức lạm dụng này.

thao túng cảm xúc bàn tay cô gái

Ảnh: Unsplash

Tại sao thao túng cảm xúc là hình thức lạm dụng tồi tệ nhất

Thao túng không phải là một dạng lạm dụng ngẫu nhiên hoặc bộc phát từ sự tức giận và thất vọng mà được lên kế hoạch và chuẩn bị từ trước. Do đó, đây là loại lạm dụng tồi tệ nhất, dễ để lại vết sẹo sâu mà chỉ những cá nhân mạnh mẽ mới có thể chịu đựng được. Bên cạnh đó, họ không lạm dụng bạn về mặt thể xác mà thường lợi dụng tính cách, cảm xúc và điểm yếu của bạn để khiến bạn tự vấn về mọi thứ và nghi ngờ giá trị của bản thân. Bạn dường như không nhận ra mình đang bị thao túng cảm xúc cho đến khi điều ấy tổn thương bạn nhiều lần và khiến bạn trở nên mất kiểm soát hơn bao giờ hết. 

1. Dễ dàng thân thiết

Những người sử dụng chiến thuật thao túng cảm xúc thường có xu hướng hành động như thể họ rất yêu mến bạn. Nếu chỉ là mối quan hệ xã giao thông thường, họ sẽ tìm mọi cách khiến bạn tin rằng họ chính là người bạn tốt nhất mà bạn có. Và rồi họ bắt đầu tâm sự với bạn về những điều thầm kín của mình và hành động như thể bạn là người duy nhất biết nó. Theo lẽ tự nhiên, bạn cũng sẽ kể cho người ấy những bí mật của mình. Sau đó, họ có thể lạm dụng những bí mật này để thao túng bạn.

lạm dụng cảm xúc cô gái cầm hoa

Ảnh: Unsplash

2. Đánh tráo sự thật

Những người thao túng cảm xúc người khác chính là những kẻ tài ba trong việc dắt mũi sự thật. Họ sẽ không trực tiếp đưa ra lời nói dối nào cả mà thay vào đó là phóng đại sự thật và giả vờ như mình là một kẻ ngây ngô. Qua miệng lưỡi của họ, những điều chưa xảy ra đều có thể xảy ra và họ sẽ có được điều mình muốn mà không cần phải chịu trách nhiệm.

thao túng cảm xúc tượng cầm cân

Ảnh: Unsplash

3. La hét

Dấu hiệu này rất dễ nhận biết, khi họ muốn nhận được lời xin lỗi hoặc sự chú ý từ bạn. Họ sẽ sử dụng chiến thuật đánh lạc hướng và đe dọa bằng giọng nói để có được điều mình muốn. Đối với những người này, chỉ cần bạn nhân nhượng thì họ sẽ tiếp tục lấn tới và từ lạm dụng giọng nói có thể chuyển sang lạm dụng ngôn từ. Vì thế, khi họ đe dọa bỏ đi và hành động như trẻ con, hãy để họ rời xa và khiến họ nhận ra ai mới là người sai.

4. Quyết định vội vã

Những kẻ thao túng cảm xúc biết rằng hành động của họ sẽ làm tổn thương bạn cho nên cách dễ dàng nhất để hỏi ý kiến bạn chính là lợi dụng sự vội vã để bạn mất cảnh giác. Họ sẽ đưa ra những câu hỏi khi vội vàng đi ra ngoài hay trong thời gian nghỉ ngơi ngắn và kể cả trong những cuộc thảo luận không liên quan.

5. Lạm dụng từ “bất an”

Đây cũng là một trong những chiến thuật lạm dụng vô lý nhất. Giả dụ, trong một mối quan hệ tình cảm, bạn thấy tức giận vì họ đang tán tỉnh người khác nhưng họ sẽ phủ định lại hành động của mình và cho rằng bạn chỉ đang cảm thấy bất an và tức giận vô cớ. Chỉ bởi vì bạn không muốn mối quan hệ của mình bị rạn nứt không có nghĩa là bạn đang trong trạng thái bất an. Điều này mang ý nghĩa bạn là một người tuân thủ đạo đức và sống chuẩn mực. Vì vậy, đừng để hình thức thao túng cảm xúc này khiến bạn nghi ngờ về tiêu chuẩn của bản thân.

lạm dụng tinh thần ngắm hồ

Ảnh: Unsplash

6. Rời đi

Một người thao túng cảm xúc sẽ lựa chọn rời đi khi họ nhận ra mình không có hội thắng trong một cuộc tranh cãi. Về nghĩa bóng, họ muốn bạn phải đuổi theo họ cũng như rơi vào trạng thái lo lắng, thấp thỏm. Thông thường, họ chỉ làm vậy nếu đây là mối quan hệ thân thiết và bạn không muốn mất đi nó. Do đó, chiến thuật thao túng cảm xúc này thường là hình thức tàn nhẫn nhất để hành hạ cảm xúc của ai đó nhưng cũng là cách thức lãng phí thời gian nhất. Vì vậy, hãy cố gắng giữ bình tĩnh khi điều này xảy ra, suy xét những gì họ đã làm tổn thương đến mình thay vì mù quáng van nài họ ở lại.

7. Giả ngốc

Dấu hiệu của chiến thuật này là khi bạn nói với ai đó về ranh giới của mình, họ vẫn phá vỡ nó và giả vờ như là không hiểu bạn nói gì. Hoặc, họ có thể bảo rằng mình đã quên dù luôn cố nhớ về điều đó. Và điều này giúp họ rũ bỏ trách nhiệm khỏi hành động của mình. Để thoát khỏi trò thao túng cảm xúc trên, bạn phải thật thông minh và luôn cho họ thấy rằng bạn đang để ý đến từng hành động, cử chỉ của họ. Khi ấy, họ sẽ phải dè chừng bạn.

8. Vào vai nạn nhân

Có một số người không bao giờ học được cách tôn trọng những ranh giới và tiêu chuẩn của bạn. Khi họ làm tổn thương và khiến bạn tức giận, họ sẽ vào vai nạn nhân và nói rằng mình không hề cố ý. Đương nhiên, họ vẫn trân trọng mối quan hệ này nhưng họ muốn bạn tin tưởng và yêu thương họ hơn. Lần tới, hãy kiên định trong việc đặt ra những ranh giới và trở nên cứng rắn khi họ muốn phá vỡ nó.

thao túng cảm xúc hàng rào xanh

Ảnh: Unsplash

Hãy bình tĩnh, đừng để người khác có được điều mình muốn và tước đi giá trị của bạn. Bạn có thể chứng minh cho họ thấy rằng bạn mạnh mẽ đến nhường nào và không sợ mất đi những người như họ.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Learning Mind

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more