10 dấu hiệu cho thấy bạn đang cư xử quá tốt với mọi người

Đăng ngày:

Làm một người tốt bụng và tử tế chắc chắn không phải là một điều xấu. Dù thế, nếu bạn cư xử quá tốt với mọi người, lòng tốt của bạn đôi khi lại mang đến những rắc rối không ngờ.

Tiến sĩ tâm lý học hành vi Robin Buckley cho biết: “Việc cư xử quá tốt với mọi người cũng đồng nghĩa với việc bạn không muốn rơi vào trạng thái lo lắng vì làm người khác thất vọng”. Tâm lý không thoải mái này thường đến từ một trải nghiệm trong quá khứ khi lời từ chối của bạn vô tình dẫn đến một hệ quả không mong muốn. Nó cũng có thể bắt nguồn từ việc bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ không lành mạnh trong gia đình. Từ đó, bạn vô tình cho rằng việc luôn đồng ý với mọi đề nghị một cách thân thiện là một việc cần làm của người tử tế. 

Tuy nhiên, “gồng mình” tỏ ra tử tế như thế về lâu dài có thể khiến bạn kiệt sức, thậm chí uất hận. Cư xử quá tốt với mọi người đôi khi cũng có thể châm ngòi cho một cuộc “khủng hoảng” bên trong chúng ta. Tiến sĩ Angelo – nhà trị liệu hôn nhân và gia đình – cho rằng: “Khi bạn vô tình hình thành thói quen ‘luôn ở đó khi người khác cần’, bạn vô tình đánh mất đi chính mình, những gì mình thực sự mong muốn và cả cảm xúc của bản thân. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn, khiến chúng trở nên kém lành mạnh”. 

Cùng điểm qua 10 dấu hiệu bên dưới để kiểm chứng xem liệu bạn có đang cư xử quá tốt với mọi người mà vô tình tổn hại đến bản thân mình không nhé. 

1. Bạn liên tục nói lời xin lỗi

dấu hiệu bạn cư xử quá tốt với mọi người

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Những người quá tử tế thường nói xin lỗi trong tất cả mọi chuyện như một phản xạ tự nhiên. Dù thế, cũng như lời cảm ơn, lời xin lỗi nên được dùng đúng lúc, đúng chỗ, cho đúng đối tượng để không đánh mất ý nghĩa thực sự của nó.

Nếu bạn lỡ lời, phải hủy lịch vào phút chót hay mắc phải sai lầm nào đó, bạn chắc chắn nên nói lời xin lỗi. Trong những trường hợp không cần thiết phải nói lời xin lỗi, người khác có thể sẽ hiểu rằng bạn vừa gây ra một lỗi lầm nào đó trong khi bạn không hề làm thế. 

Bạn có thể hạn chế việc liên tiếp nói lời xin lỗi bằng cách thử đếm số lần nói “xin lỗi” của mình trong một ngày. Nhìn thấy những con số cụ thể đôi khi là cách hiệu quả giúp bạn giảm thiểu số lần nói “xin lỗi” của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử thay đổi cách phản hồi. Ví dụ, khi trễ hẹn, thay vì nói “xin lỗi”, bạn có thể cảm ơn người bạn của mình vì đã kiên nhẫn chờ đợi mà không phàn nàn. 

2. Nhu cầu của bạn ít khi được đáp ứng

Những người quá tử tế thường dễ bị người khác lợi dụng lòng tốt. Đôi khi, vì quá tốt tính, bạn dễ bị những người xung quanh, từ bạn bè, người thân cho đến đồng nghiệp liên tục nhờ vả đến mức bạn phải gác lại những nhu cầu của bản thân. Giúp đỡ người khác khi họ cần là một việc làm tốt. Dù thế, bạn nên tỉnh táo cân nhắc lại mối quan hệ của mình với những người bạn từng giúp đỡ nếu họ “biến mất” vào lúc bạn cần họ nhất. 

Việc cư xử quá tốt với người khác tước đi năng lượng của bạn, khiến bạn cảm thấy không gian và thời gian dành cho bản thân dần trở nên eo hẹp. Điều này cũng vô tình tạo nên thói quen dựa dẫm cho những người xung quanh bạn bởi họ biết bạn sẽ không bao giờ để họ thất vọng.

Vì lẽ đó, bạn nên thành thật với chính mình và biểu lộ những nhu cầu của bản thân. Hãy để những người xung quanh biết rằng bạn cũng cần được giúp đỡ và hỗ trợ khi gặp khó khăn. Song song đó, bạn cũng cần ưu tiên hạnh phúc của bản thân. Trong khi giúp đỡ người khác, bạn cũng nên lưu tâm đến chính mình. Hãy ưu tiên hoàn thành những việc quan trọng của bản thân trước khi đồng ý giúp đỡ một ai khác. Việc này sẽ cần một chút thời gian để làm quen nhưng một khi đã làm được, cuộc sống của bạn sẽ khác đi rất nhiều. 


Xem thêm

9 thói quen giúp bạn giảm thời gian lướt mạng xã hội

10 lời khuyên hữu ích giúp bạn vượt qua sự tự ti

Bài đăng trên trang cá nhân mạng xã hội tiết lộ điều gì về bạn?


3. Bạn cảm thấy không thoải mái sau khi nói lời đồng ý

dấu hiệu bạn cư xử quá tốt với mọi người

Ảnh: Unsplash/Den Trushtin

Nếu bạn thường xuyên có suy nghĩ rằng “người khác chỉ thích mình khi mình trao cho họ một giá trị nào đó”, hãy tỉnh táo và nhìn sự việc này bằng góc nhìn khác lạc quan hơn. Theo chuyên gia tâm lý Allison Gervais, đây có thể được xem là một “lời thoại” quen thuộc những người quá tốt bụng áp dụng như một cách để giảm bớt sự lo lắng. Bạn thường dễ dàng chấp thuận lời đề nghị của người khác chỉ vì lo sợ rằng mình sẽ bị đánh giá hay bị ghét bỏ. Việc làm này lại vô tình tích tụ sự phẫn uất cho chính bạn. 

Sống không thành thật với bản thân không bao giờ khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Bạn nên học cách nói lời từ chối thường xuyên hơn. Trước khi đồng ý một việc gì đó, hãy nghĩ đến những việc quan trọng xung quanh mình và để dành lời đồng ý đó cho những việc cần ưu tiên. 

Thời gian đầu khi luyện tập nói lời từ chối, bạn sẽ có xu hướng tìm cách tự giải thích để không cảm thấy “có lỗi” với đối phương và cảm giác lo lắng liệu đối phương sẽ xoay xở thế nào khi bị bạn từ chối sẽ xuất hiện. Trong những trường hợp như thế, hãy tránh xa đối phương ngay khi từ chối, hãy nghĩ đến quỹ thời gian của bản thân và những việc cá nhân quan trọng, bạn sẽ nhanh chóng quên đi cảm giác “có lỗi” đó và tập trung vào việc của bạn. 

4. Bạn thường bị kéo vào những việc bản thân không muốn làm 

Hãy dành thời gian suy nghĩ về những nhóm bạn của bạn. Liệu bạn có đang cảm thấy bản thân thường xuyên bị kéo vào những “cuộc vui” mà chính bạn lại không cảm nhận được niềm vui trong đó không? Nếu tình trạng này xảy ra liên tục, đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang cư xử quá tử tế khi không dám nói lời từ chối. Tình trạng này xảy ra có lẽ vì bạn chưa mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình. Tâm lý gia Cynthia Hallow cho biết, người cư xử quá tốt thường cảm thấy rất ngại để bày tỏ những mong muốn của mình và thường bỏ qua nhu cầu của bản thân để nương theo ý thích của người khác. 

Tình trạng gượng ép bản thân tham gia vào những cuộc vui của người khác kéo dài hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy buồn chán và mệt mỏi. Do đó, nếu cảm thấy không thoải mái, bạn nên từ chối một cách lịch sự những lời mời tham dự những buổi gặp mặt hoặc tiệc tùng cùng bạn bè. Nếu là những người bạn thật sự, họ sẽ luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến của bạn và sẽ mời bạn tham dự những cuộc vui phù hợp với bạn hơn.

5. Bạn bác bỏ những ý tưởng của chính mình 

Đã bao giờ bạn tự bác bỏ hay thậm chí xem nhẹ ý kiến của chính mình? Những người cư xử quá tốt thường dễ rơi vào các tình huống như thế bởi họ có xu hướng nghĩ rằng mình không đủ tốt để đạt đến tiêu chuẩn như người khác mong đợi. Đó là lý do tại sao họ tự đánh giá thấp những ý tưởng của bản thân và tự cho rằng điều đó khiến họ trông dễ gần và dễ mến hơn.

Đây là một thói quen kém lành mạnh bạn nên từ bỏ ngay hôm nay. Vào lần tiếp theo, khi bạn dự định thốt ra những lời tự hạ thấp những ý tưởng của bản thân, hãy tỉnh táo và gạc bỏ những ý định đó. Bạn nên ý thức luyện tập điều này thường xuyên để triệt để chấm dứt thói quen ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần này. 

 

6. Người khác thường xuyên nói lời không hay về bạn

cô gái bị mọi người nói lời không hay

Ảnh: Unsplash/Benigno Hoyuela

Khi những người xung quanh bắt đầu nói những lời không hay, hoặc tìm đến bạn để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực mà không mảy may quan tâm đến việc bạn đang cảm thấy như thế nào, đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn đang cư xử quá tốt với mọi người. 

Khi bạn quá tử tế, bạn vô tình trở thành “nơi tiếp nhận” những tâm trạng tồi tệ, những bình luận ác ý và phán xét của mọi người. Họ sẽ không dám nói những điều đó với người khác nhưng lại chia sẻ với bạn bởi lẽ họ biết bạn sẽ không phán xét họ và sẽ nhanh chóng cho qua.

Trong những tình huống như thế, các chuyên gia khuyên rằng bạn nên vạch ra một giới hạn cho những người thường xuyên tìm đến bạn để giải tỏa sự tiêu cực. Bạn nên kiên quyết tỏ thái độ không hài lòng và bày tỏ cảm xúc của bản thân khi liên tục tiếp nhận những lời nói, câu chuyện không hay từ họ để bảo vệ sức khỏe tinh thần cũng như nguồn năng lượng tích cực của bản thân. 

7. Bạn không thành thật với chính mình

Liệu bạn có đang cảm thấy rằng lời bạn nói, cách bạn chọn hành xử không thực sự là những gì bạn muốn làm? Về điều này, nhà trị liệu tâm lý Melissa Fulgieri, người có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trị liệu tinh thần tại New York, cho biết: “Đôi khi, chúng ta cảm thấy khó chịu, tức giận hoặc ghen tị, nhưng lại có biểu hiện hoàn toàn ngược lại. Về cơ bản, đó là một cơ chế phòng thủ mà những người “tử tế” sử dụng để tự trấn an mình”.

Bạn nên hiểu rằng bày tỏ chính kiến không có gì sai trái cả. Thực chất, khi bạn sống thật với chính mình, điều đó giúp bạn thu hút được những mối quan hệ cùng tần số cũng như gạt bỏ được những người không cùng suy nghĩ với mình. Vì vậy, khi cảm thấy không thoải mái với những điều không vui, đừng cố tỏ ra vui vẻ mà hãy bày tỏ với đối phương những gì bạn đang thật sự cảm nhận. Khi bạn sống đúng với chính mình, những người thật sự yêu thương và trân trọng bạn sẽ không bao giờ rời đi. 

 

8. Bạn cảm thấy kiệt quệ

cô gái và dấu hiệu cư xử quá tốt với mọi người

Ảnh: Pexels/Ali Karimiboroujeni

Nếu bạn luôn cố làm hài lòng người khác, chịu đựng người khác vào những lúc họ chịu hay luôn cố gắng hoàn thành vai trò của “một người tử tế”, bạn sẽ sớm rơi vào trạng thái kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. 

Bạn nên phân biệt rõ giữa việc cư xử tốt với mọi người và trở thành một người tử tế đúng cách. Tử tế không đồng nghĩa với việc nỗ lực mang lại những điều tốt nhất cho người khác mà là cho họ những gì họ xứng đáng có được và sẵn sàng để họ nhận lấy hậu quả cho những gì đã làm. Dù thế, hãy chăm lo và ưu tiên cho bản thân mình. Khi bạn càng trân quý bản thân, bạn sẽ càng có thêm nhiều năng lượng để sống hạnh phúc hơn. 

9. Bạn ngại đối đầu

Hạn chế tranh cãi và né tránh những cuộc xung đột là một điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn đương đầu với vấn đề chỉ vì bạn không dám nói lên chính kiến của mình và e sợ rằng người khác sẽ đáp trả bạn thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đối xử quá tốt với mọi người xung quanh. 

Bạn có thể hạn chế tình trạng này tiếp tục diễn ra bằng cách luyện tập sự quyết đoán cả trong suy nghĩ và biểu hiện của mình. Quyết đoán không đồng nghĩa với việc trở nên xấu tính hay thô lỗ. Nó đơn giản là đứng lên vì chính mình. Đây là điều bạn có thể thực hành từng chút thông qua các hoạt động trong cuộc sống thường ngày. Bạn cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của các nhà trị liệu để trở nên quyết đoán hơn. 


Xem thêm

7 mẹo phong thủy cho năm mới thật sung túc

7 phong cách cắm hoa phổ biến phù hợp cho mọi dịp quan trọng

6 mẹo giúp bạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình


10. Bạn vô tình trở thành “nhu cầu” của người khác 

cô gái cư xử quá tốt với mọi người

Ảnh: Unsplash/Toni Frost

Khi bạn đối xử quá tốt với mọi người, bạn vô tình cho họ thấy rằng bạn không ngần ngại chấp nhận bất cứ điều gì mỗi khi họ cần đến bạn. Điều đó vô tình cho họ suy nghĩ rằng bạn cũng có một phần trách nhiệm trong các vấn đề mà họ gặp phải. Việc bạn đã và đang đối xử quá tốt với mọi người khiến họ phụ thuộc vào bạn, trông cậy và kỳ vọng vào bạn. 

Do đó, khi những người xung quanh bắt đầu kéo bạn vào các vấn đề của họ một cách thái quá, bạn nên tự vấn rằng liệu mình có đủ thời gian và năng lượng để giúp họ giải quyết các vấn đề này hay không và đặt ra giới hạn cho mình. Bạn nên bày tỏ rằng bạn cảm thấy trân trọng vì được họ tin tưởng và chọn để chia sẻ câu chuyện, dù thế bạn không thể lúc nào cũng giúp họ giải quyết các vấn đề cá nhân. Việc này có thể sẽ cần một chút thời gian để cả bạn và họ làm quen bởi cả hai đã vô tình tạo nên sự ràng buộc khá sâu sắc. Đặt ra những giới hạn cụ thể là điều bạn nên làm để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình. Việc này đồng thời cũng giúp những người thường phụ thuộc vào bạn trở nên độc lập và vững vàng hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Tham khảo: Bustle 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more