5 dấu hiệu “red flag” trong tình yêu mà chúng ta thường vô tình bỏ qua khi gặp gỡ người mới
“Red flag” (cờ đỏ) thường được biết đến như một phép ẩn dụ chỉ những dấu hiệu cảnh báo một người, một mối quan hệ độc hại bạn cần tránh xa. Trong tình yêu, red flag có thể là hành vi bạo lực, thao túng đối phương, chiếm hữu và ghen tuông quá mức… Tuy nhiên, những dấu hiệu cờ đỏ trong tình yêu thường biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau, và không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận diện được những dấu hiệu đáng ngại, nhất là trong lần đầu gặp gỡ người mới.
Lần đầu tiếp xúc với đối phương thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân hay hẹn hò trên mạng, chúng ta thường có xu hướng bật chế độ phòng vệ, xem xét kỹ lưỡng mọi lời nói, cảm xúc và hành động của họ để nắm bắt được phần nào tính cách và con người họ. Tuy vậy, khi vô thức cảm nhận được những tín hiệu có vẻ “bất thường” nhưng lại không thể nhận biết đó chính xác là gì, chúng ta thường bỏ qua chúng hoặc tự thuyết phục bản thân rằng điều đó là hoàn toàn bình thường, hiển nhiên trong tình yêu.
Chẳng hạn, sự thiếu nhất quán trong lời nói, việc thay đổi thái độ đột ngột hay đưa ra những lời nhận xét hạ thấp người khác là những dấu hiệu nhỏ cho thấy đối phương chính là “chiếc cờ đỏ biết đi”, nhưng chúng ta khó có thể nhận biết được điều này chỉ trong lần đầu gặp gỡ. Nhận diện được những dấu hiệu “cờ đỏ” sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những đối tượng độc hại, bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương trong tình yêu và tìm được người phù hợp để xây dựng mối quan hệ tình cảm lành mạnh, bền vững. Vì vậy, hãy cùng ELLE tìm hiểu 5 dấu hiệu bất thường trong tình yêu mà chúng ta thường vô tình bỏ qua khi lần đầu hẹn hò với người mới.
1. Họ không nhận ra dấu hiệu “cờ đỏ” ở bản thân
Trong tình yêu nói riêng và tương tác xã hội nói chung, chúng ta thường có thiên kiến tiêu cực (negativity bias) – khuynh hướng chú ý, ghi nhớ và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn những thông tin tích cực. Điều này lý giải vì sao chúng ta thường có xu hướng đặc biệt chú ý đến dấu hiệu “cờ đỏ” ở đối phương để đề phòng, bảo vệ bản thân như một cơ chế phòng vệ, đồng thời tích cực tìm kiếm những green flag chính hiệu để có thể yên tâm hẹn hò.
Tuy nhiên, trong tình yêu, ai cũng đều có những ưu điểm (green flag) và nhược điểm (red flag) riêng. Nhận biết được red flag và green flag của chính mình là yếu tố quan trọng giúp chúng ta tích cực cải thiện và hoàn thiện bản thân trong tình yêu. Vì vậy, nếu một người không nhận thức được những biểu hiện, hành vi… của mình có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của đối phương, họ không thể xây dựng một mối quan hệ lâu dài và bền vững cho đến khi họ chịu công nhận và cải thiện những tín hiệu “cờ đỏ” ấy. Nếu tiếp xúc với một người trong thời gian dài và bạn nhận ra họ không nhận thức được những hành động, lời nói của mình đang tác động tiêu cực đến người khác, đó là lúc bạn nên nhìn nhận lại mối quan hệ.
2. Họ bình thường hóa sự gia trưởng trong một mối quan hệ
Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy người đàn ông mà bạn chuẩn bị hẹn hò là một “cờ đỏ” chính hiệu. Bởi lẽ, việc bình thường hóa ảnh hưởng của tính gia trưởng đến một mối quan hệ đồng nghĩa với việc anh ta đang đi ngược lại với những giá trị bình đẳng về quyền lực, vai trò và tôn trọng tự do cá nhân mà xã hội hiện đại đang hướng đến. Những người có tính cách gia trưởng thường tìm cách kiểm soát, giành quyền ra quyết định thay người khác và có xu hướng sử dụng bạo lực để đạt được mục đích của mình.
Mối quan hệ không lành mạnh này không chỉ kìm hãm sự phát triển cá nhân của cả hai, làm bạn tổn thương về thể chất, tinh thần mà còn có nguy cơ để lại di chứng nặng nề, khiến bạn hoàn toàn đánh mất niềm tin vào tình yêu và cuộc sống. Vì vậy, trong lúc chuyện trò, bạn hãy nâng cao cảnh giác khi đối phương liên tục đưa ra những quan điểm nhằm nỗ lực phủ nhận hay ngó lơ những tác động tiêu cực của tính gia trưởng trong một mối quan hệ.
3. Họ chỉ nhìn cuộc đời qua lăng kính trắng đen
Tư duy trắng đen còn được gọi là tư duy phân cực, tư duy tuyệt đối và tư duy hoặc-có-tất-cả-hoặc-không-gì-hết (all or nothing thinking). Đây là lối suy nghĩ cực đoan, chỉ nhìn mọi thứ một cách tuyệt đối như đúng – sai, tốt – xấu, thành công – thất bại, trắng – đen mà không có vùng xám, không có không gian để tiếp nhận những phức tạp, sự đa dạng của cuộc sống.
Việc chỉ nhìn cuộc đời qua lăng kính trắng đen không chỉ khiến họ gặp nhiều giới hạn về tư duy và tổn thương về cảm xúc, mà còn là nguyên nhân khiến họ khó có thể đặt mình vào vị trí của người khác để đồng cảm, thấu hiểu và yêu thương – những yếu tố cơ bản nhất của tình yêu. Những khác biệt cực đoan trong quan điểm sẽ khiến cả hai khó lòng giao tiếp, đối thoại sâu để khám phá những khía cạnh thú vị và thấu hiểu đối phương, mà chỉ gây ra những xung đột không đáng có, những cuộc cãi vã không hồi kết khiến trái tim và lòng tự trọng của đôi bên tổn thương.
Xem thêm
• 8 dấu hiệu tình yêu cho thấy đối phương là người phù hợp để kết hôn
• 8 điều người phụ nữ thông minh không chấp nhận trong tình yêu
• 7 cặp đôi diễn viên Hàn nổi tiếng giúp bạn có thêm niềm tin vào tình yêu
4. Họ biết rõ những điều mình không thích ở người yêu, nhưng lại chưa xác định được điều mình thực sự mong muốn trong tình yêu
Việc hiểu rõ những tính cách, thói quen, hành động và lời nói mình không thích ở người yêu là điều hoàn toàn bình thường, cho thấy đối phương là một người có những tiêu chuẩn rõ ràng trong tình yêu. Tuy nhiên, điều này sẽ trở thành một dấu hiệu bất thường nếu như họ đồng thời không thể chỉ ra điều họ thực sự mong muốn ở người mình yêu.
Chẳng hạn, một người nói rằng họ không thích yêu một người hay nói đối, nhưng lại không thể định nghĩa rõ ràng thế nào mới là người chân thật, đối phương cần phải chia sẻ với họ điều gì, và đâu là những khía cạnh cần phải minh bạch trong mối quan hệ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ vẫn còn bị ảnh hưởng từ những trải nghiệm yêu đương trong quá khứ, là nguyên nhân dẫn đến việc họ chỉ có thể né tránh những điều không mong muốn, nhưng lại khó xác định được mong muốn thật sự của bản thân ở hiện tại. Đây đồng thời là hành vi cho thấy họ có xu hướng phòng thủ, bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương và gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp những cảm xúc ngổn ngang để mở lòng đón nhận tình cảm của bạn ngay lúc này.
5. Họ không có những người bạn để cùng nhau phát triển, bứt phá khỏi những giới hạn của bản thân
Những mối quan hệ xung quanh người ấy cũng có thể giúp bạn nhận biết liệu họ có phải là “cờ đỏ” hay không. Nếu xung quanh họ không có những người bạn luôn động viên, giúp họ phát triển bản thân mà chỉ là những mối quan hệ khuyến khích họ sa đà vào những cuộc vui không lành mạnh, điều này cho thấy họ rất có thể là những người vô cùng nhạy cảm với những lời nhận xét, kể cả khi lời nhận xét đó mang tính xây dựng. Trái lại, họ chỉ muốn nghe thấy những điều mình nghĩ, hay những điều làm họ cảm thấy mát lòng, mát dạ thay vì được góp ý chân thành để thay đổi tích cực.
Vì vậy, họ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt động lực, khát vọng phát triển bản thân, luôn ở trong trạng thái giậm chân tại chỗ, không muốn thay đổi và e ngại những thử thách mới mẻ. Xây dựng mối quan hệ với típ người này sẽ chỉ khiến bạn vô tình trở thành người duy nhất nỗ lực vun đắp cho tình yêu, dễ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính mối quan hệ của mình, đồng thời đánh mất đi động lực yêu và phát triển. Vì thế, hãy tỉnh táo và sáng suốt để không vô tình bỏ qua dấu hiệu này, bạn nhé.
Bài: Khánh Hà
Tham khảo: Your Tango.