Lifestyle / Bí quyết sống

5 dấu hiệu cho thấy bạn đang bị tắc nghẽn cảm xúc trong mối quan hệ

Tắc nghẽn cảm xúc là một tình trạng phổ biến xảy ra khi chúng ta kìm nén hoặc chối bỏ cảm xúc của mình. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Những rào chắn cảm xúc có thể khiến bạn mắc kẹt trong những khuôn mẫu, ngăn cản bạn có những trải nghiệm kết nối với những người bạn yêu thương. Bằng cách nhận thức rõ các dấu hiệu này và thực hiện các bước để chữa lành, bạn có thể bắt đầu phá vỡ những rào cản đó và mở lòng đón nhận những mối quan hệ sâu sắc, trọn vẹn hơn.

Bạn bị thu hút bởi những mối quan hệ không có quá nhiều ràng buộc 

Sự ràng buộc trong một mối quan hệ theo nghĩa tích cực là những kết nối tình cảm sâu sắc, cam kết và trách nhiệm của cả hai bên. Khi bạn không hứng thú với những mối quan hệ đòi hỏi sự đầu tư về mặt cảm xúc, có thể bạn đang cố gắng tránh né những gì phức tạp bên trong, chưa sẵn sàng đối diện những vết thương cũ. Điều này thường được biểu hiện qua việc bạn sẽ có xu hướng vướng vào những mối tình từ xa, với những người đang trong quá trình tìm kiếm bản thân hoặc đơn giản là chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc. Trong khi đó, những người chân thành, sẵn sàng mở lòng lại thường bị bạn từ chối. Có thể sâu thẳm bên trong, bạn đang sợ bị tổn thương. Bằng cách lựa chọn những người không hết lòng với mối quan hệ, bạn đang tạo ra một ranh giới rõ ràng, nơi họ không thể làm tổn thương bạn. Đây không phải là một quyết định có chủ ý, mà là một cơ chế tự vệ của tâm lý mang đến cho bạn cảm giác an toàn, dễ dự đoán. Tuy nhiên, chính sự an toàn đó lại trở thành rào cản ngăn bạn trải nghiệm tình yêu đích thực.

cô gái soi gương tự chủ cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Bạn hay rơi vào những mối quan hệ độc hại lặp đi lặp lại 

Khi bạn liên tục vướng vào các mối quan hệ độc hại, bạn không được đối phương trân trọng hay được họ dành sự tôn trọng là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp phải tình trạng tắc nghẽn cảm xúc. Bởi những mối quan hệ này thường phản ánh các tổn thương, nỗi sợ hãi và bất an chưa được chữa lành trong quá khứ. Từ đó, thay vì giải quyết và tìm cách vượt qua, bạn lại vô thức tìm kiếm những người mang lại cho bạn cảm giác quen thuộc dù bạn hiểu rõ bản thân không hạnh phúc nếu tiếp tục chịu đựng nỗi đau họ mang lại. Thật không may, cho đến khi bạn xác định và giải quyết được nguyên nhân gốc rễ, bạn mới có thể vượt ra khỏi tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này. Học cách chấp nhận cảm xúc của bản thân đang có vấn đề và cho mình thời gian, không gian riêng để “thiết kế” lại cuộc sống là bước đầu tiên để bạn thoát khỏi vòng xoáy này và tiến tới một mối quan hệ tình cảm lành mạnh hơn trong tương lai.

Bạn thường xuyên “soi mói” đối phương trong những cuộc hẹn hò 

Nếu bạn nhận thấy bản thân luôn để ý đến mỗi cử chỉ, lời nói, thậm chí cách ăn uống của họ và ngầm phê bình khi không vừa ý hoặc đúng với tiêu chuẩn của bạn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang có nỗi bất mãn sâu kín, thường xuất phát từ nhu cầu kiểm soát, thiếu tự tin và sợ thân mật. Điều này có thể bắt nguồn từ việc bạn đã từng bị lừa dối hoặc phản bội trong quá khứ, và dặn lòng không nên chấp nhận một ai đó hoàn toàn để giảm bớt tổn thương. 

Những điều nhỏ nhặt, vốn không đáng kể trong bức tranh tổng thể, bỗng trở thành mục tiêu để bạn soi mói. Bằng cách tập trung vào khuyết điểm của đối phương, bạn vô tình tạo ra khoảng cách, tự bảo vệ mình khỏi sự gần gũi. Nói cách khác, bạn đang tự mình từ chối trước khi bị từ chối – một nỗi sợ tiềm ẩn trong tâm thức. Nếu bạn thường xuyên có xu hướng “mổ xẻ” người khác, bạn nên tự vấn liệu đó có phải là cách tốt nhất để né tránh tổn thương hay không. Khi câu trả lời là có, điều quan trọng là bạn cần nhận diện và đối diện với nỗi sợ này. Chỉ khi chấp nhận và xử lý những cảm xúc tiềm ẩn, bạn mới có thể mở lòng đón nhận các mối quan hệ lành mạnh, sâu sắc hơn. Ngược lại, nếu việc soi mói chỉ là biểu hiện của việc kiểm soát trong vô thức, bạn có thể cần điều chỉnh lại một số quan điểm của mình để tương thích với người bạn yêu. Việc này sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ dựa trên sự thấu hiểu và chấp nhận lẫn nhau, thay vì tập trung phán xét tiểu tiết, khuyết điểm của họ.

cô gái đi trên bậc thang tàu điện
Ảnh: Unsplash/Andrei R. Popescu

Bạn không bộc lộ cảm xúc thật

Bạn có thường xuyên giả vờ khi ở bên cạnh người mình quan tâm không? Có lẽ bạn hành xử theo cách bạn nghĩ họ sẽ thấy hấp dẫn, hoặc che giấu những khía cạnh bạn sợ sẽ khiến bản thân “mất điểm” và đánh mất mối quan hệ này.

Khi bị tổn thương về mặt cảm xúc, thật khó để biểu hiện là chính mình bởi nỗi sợ bị từ chối hoặc cảm thấy không đủ tốt. Bạn có thể cố gắng biến mình thành hình mẫu người khác mong đợi, nhưng điều này chỉ dẫn đến việc đánh mất chính mình và không hài lòng trong mối quan hệ. Nếu bạn không sống thật với bản thân, bạn sẽ luôn cảm thấy bị ràng buộc bởi những kỳ vọng của người khác và khó có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự. Sự chân thật là chìa khóa để xây dựng những mối quan hệ sâu sắc, ý nghĩa, trường hợp bạn không thể hiện rõ con người thật của mình, đó là dấu hiệu cho thấy có một rào cản cảm xúc đang tồn tại.


Xem thêm

• Trắc nghiệm: Hình ảnh bạn nhìn thấy đầu tiên tiết lộ bạn là người hành động theo lý trí hay cảm xúc

• “Love Next Door”: Phim rom-com “đọc vị” nhiều cảm xúc thẳm sâu trong tâm hồn bạn

• 6 cách hiệu quả giúp bạn thải độc cảm xúc


Bạn có lòng tự trọng thấp

Một số dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy một người có sự tự tôn thấp là họ luôn tìm kiếm sự công nhận từ người khác để cảm thấy có giá trị, thường so sánh bản thân với ai đó và cảm thấy thua kém, hay ngại thử những điều mới mẻ vì sợ thất bại hoặc e ngại bản thân không đủ khả năng. Lòng tự trọng thấp thường là gốc rễ của những trở ngại về cảm xúc. Nếu bạn cảm thấy bản thân không xứng đáng được yêu thương, thật khó để tin rằng ai đó đang thực sự quan tâm đến bạn. Điều này có thể dẫn đến việc phá hủy các mối quan hệ, hoặc khiến bạn có xu hướng chọn những người bạn đời không trân trọng giá trị của bạn, đồng thời đẩy những người thực sự quý trọng bạn ra xa.

cô gái mặc váy trắng ngồi  trên đường tự chủ cảm xúc
Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

Mang nỗi tự ti bước vào một mối quan hệ sẽ làm bạn cảm thấy bản thân như phải chứng minh giá trị của mình cho đối phương thấy rõ và công nhận, điều này có thể dẫn đến những suy nghĩ và hành vi không lành mạnh khi bạn liên tục tìm kiếm sự xác nhận hoặc cố gắng yêu cầu họ chứng minh tình yêu. Nhận ra điều này và bắt đầu xây dựng, nâng cao lòng tự trọng là điều quan trọng để phá vỡ những rào cản cảm xúc, cho phép bản thân bạn mở lòng hoàn toàn với tình yêu và không đánh mất chính mình vì ai khác.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Huyền

Nguồn: Thought Catalog

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)