12 cách duy trì sức khỏe tinh thần trong lĩnh vực sáng tạo

Đăng ngày:

Ngành công nghiệp sáng tạo là một mảnh đất màu mỡ để những ý tưởng táo bạo ươm mầm và nở hoa. Đây luôn là lĩnh vực năng động, hấp dẫn và truyền cảm hứng. Tuy nhiên, mọi người lại thường bỏ qua vấn đề sức khỏe tinh thần khi làm việc trong môi trường khắc nghiệt này.

Ngày càng có nhiều người trẻ dấn thân vào ngành công nghiệp sáng tạo thông qua các công việc hấp dẫn như nhiếp ảnh, biên tập video, truyền thông – quảng cáo, sáng tạo nội dung, quản lý nghệ thuật, thiết kế đồ họa – thời trang – nội thất…Thế nhưng, đây cũng là môi trường rất khắc nghiệt, áp lực và đầy tính cạnh tranh. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho biết, có đến 79% họa sĩ minh họa thừa nhận rằng họ cảm thấy lo lắng cho sự nghiệp của mình. Vậy làm thế nào để duy trì sức khỏe tinh thần trong môi trường làm việc căng thẳng của lĩnh vực này? Dưới đây là 12 lời khuyên hữu ích ELLE dành tặng bạn.

làm việc trong lĩnh vực sáng tạo

Ảnh: Unsplash

1. Định nghĩa lại về thành công và thất bại

Theo đuổi lĩnh vực sáng tạo là một quyết định táo bạo và mạo hiểm. Bởi trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, các xu hướng mới liên tục xuất hiện và thay đổi cách thức thế giới vận hành. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể liên tục đưa ra ý tưởng mới mẻ? Chắc chắn công việc sẽ trì trệ ngay lập tức và bạn phải đối mặt với những lời chê bai, chỉ trích hoặc thậm chí là sự từ chối của khách hàng. Lúc đó, liệu bạn có nghĩ sự nghiệp của mình đã rơi vào bế tắc?

Hãy bình tâm và nhìn nhận các trải nghiệm đó tương tự như những-lần-chưa-thành-công. Trải qua những-lần-chưa-thành-công, bạn sẽ rút ra nhiều “bài học xương máu”, từ đó học hỏi chuyên môn và trau dồi bản lĩnh.

Thất bại là một dạng tiềm năng của thành công. Vì vậy, đừng để những cảm xúc tiêu cực làm bạn phân tâm. Hãy tập trung vào mục tiêu lâu dài và làm việc kiên trì, chăm chỉ. Theo thời gian, bạn sẽ đạt được thành công.

“Dành trọn trái tim, tâm trí và tâm hồn vào từng hành động của bạn, dù là nhỏ nhất. Đó chính là bí mật của sự thành công” – Swami Sivananda.

không gian làm việc sáng tạo

Ảnh: Unsplash

2. Chấp nhận sự hoài nghi là một phần tất yếu

Khi vấp phải khó khăn, đa số mọi người bắt đầu hoài nghi, do dự, thậm chí nản lòng. Tuy nhiên, bạn hãy chấp nhận sự nghi ngờ như một phần tất yếu. Bởi nó thể hiện mức độ quan tâm của chúng ta đối với một vấn đề cụ thể và giúp cân nhắc rủi ro. Khi nghi ngờ bản thân, bạn có cơ hội thúc đẩy chính mình phát triển để đạt được những cột mốc mới mẻ.

3. Đặt nhiều câu hỏi hay

Đứng trước những nhiệm vụ mới, thay vì suy nghĩ tiêu cực kiểu “Tôi có thể làm được việc này không?”, bạn nên chủ động đưa ra nhiều câu hỏi tích cực mang tính xây dựng như “Làm thế nào để tôi hoàn thành tốt điều này?”.

Bên cạnh đó, hãy luôn tự tạo động lực cho bản thân bằng cách trả lời vài điều sau: “Tôi đã có những thành công nào trong quá khứ?”, “Thế mạnh của tôi là gì?”, “Tôi cần học hỏi những gì?”, “Tôi nên bắt đầu rèn luyện từ đâu?”… Các câu hỏi gợi mở ấy có khả năng kích thích sự tò mò, khơi gợi trí tưởng tượng và góp phần khai phá tiềm năng vô hạn của mỗi người.

cô gái làm công việc sáng tạo

Ảnh: Unsplash

4. Vạch rõ ranh giới giữa công việc và cuộc sống

Hiện nay, có một luật ngầm là nguồn nhân lực của ngành sáng tạo phải thường xuyên làm việc ngoài giờ mà không được nhận thêm lương. Bên cạnh đó, nhiều công ty chỉ quan tâm đến tiến độ và kết quả công việc mà không màng đến sức khỏe của nhân viên. Vì thế, nếu phải thức khuya dậy sớm liên tục để hoàn thành deadline, bạn nên quản lý thời gian hiệu quả hơn hoặc tìm kiếm một đối tác mới.

Khi chúng ta bị quá tải, công việc sẽ có khả năng mắc phải sai sót. Chúng ta sẽ bị suy nhược tinh thần, suy giảm sức khỏe, bỏ bê gia đình, thậm chí mất đi niềm vui, động lực trong cuộc sống. Nhà thần kinh học Matthew Walker của Đại học California Berkeley (Hoa Kỳ) nhận định việc thiếu ngủ sẽ rút ngắn tuổi thọ của chúng ta. Sự đột tử của nhiều nhân viên văn phòng ở Nhật Bản đã và đang gióng lên hồi chuông đáng báo động về tình trạng làm việc quá sức trong giới trẻ.

Bạn định nghĩa như thế nào về thành công? Thực tế, bạn cần kiếm bao nhiêu tiền để sống một cuộc đời thư thái và hạnh phúc? Hãy đưa ra một ranh giới rõ ràng giúp bạn cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Làm việc kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý sẽ nâng cao chất lượng và năng suất công việc.

5. Tìm kiếm một cộng đồng sáng tạo phù hợp

Kết nối và hợp tác đang là một trong những xu hướng chủ đạo của thời hiện đại. Lĩnh vực sáng tạo cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. Chúng ta nên tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng trong lĩnh vực của mình để thường xuyên chia sẻ kiến thức và học hỏi kinh nghiệm. Vì làm việc cùng ngành sáng tạo, các bạn có thể thấu hiểu, đồng cảm và giúp đỡ nhau gỡ rối nhiều vấn đề trong công việc cũng như cuộc sống. Bên cạnh đó, đôi khi, những buổi cà phê đầy ngẫu hứng có thể là khởi nguồn của nhiều ý tưởng độc đáo đấy.

nhóm người làm việc sáng tạo

Ảnh: Unsplash

6. Học cách lắng nghe cơ thể

Đã bao nhiêu lần bạn mải mê làm việc đến nỗi bỏ bê ăn uống? Bạn có thường xuyên đau đầu, mệt mỏi và mất tập trung không? Hãy dành thời gian xem xét lối sống của mình. Chúng ta đều biết cơ thể và tâm trí có ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Một tinh thần lạc quan, minh mẫn là biểu hiện của một thể chất cân đối, khỏe mạnh. Vì vậy, hãy chăm sóc cơ thể và nuôi dưỡng tâm trí thật tốt. Khi ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, bạn sẽ trở nên năng động và sáng tạo hơn trong công việc.

7. Cam kết thực hiện các kế hoạch

Nếu làm việc theo kiểu ngẫu hứng, tùy tâm trạng, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt hậu trong công việc cũng như bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá trong cuộc sống. Để quản lý thời gian tốt hơn, chúng ta nên viết danh sách công việc cần làm ra giấy và cam kết thực hiện. Hãy bắt đầu thói quen hữu ích này bằng cách đưa ra các nhiệm vụ đơn giản rồi lần lượt gạch bỏ chúng khi bạn đã hoàn thành. Từ đó, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, tự hào và có thêm động lực làm việc.

Tuy nhiên, đừng liệt kê quá nhiều nhiệm vụ vào cùng một danh sách. Bởi chúng sẽ làm bạn bị choáng ngợp với một lịch trình quá tải và phi thực tế. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần chia nhỏ những phần quan trọng để dễ dàng quản lý và thực hiện từ từ.

8. Lên lịch cho các dự án cá nhân

Khi đang làm việc, thỉnh thoảng chúng ta sẽ nghĩ ra một vài ý tưởng phá cách. Nhưng bạn đang đắm mình trong bão deadline và vẫn phải tập trung cao độ vào công việc của mình. Lúc đó, hãy viết ra các ý tưởng táo bạo vào một cuốn sổ tay hoặc ghi chú nhanh bằng điện thoại rồi quay lại làm việc. Đến lúc rảnh rỗi, chúng ta có thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện những điều mình ấp ủ bấy lâu. Khi đầu tư hết lòng cho những ý tưởng và dự án cá nhân, bạn sẽ có thêm nguồn cảm hứng để sáng tạo mỗi ngày.

cuốn sổ tay sáng tạo

Ảnh: Unsplash

9. Thực tế hơn trong vấn đề tiền bạc

Có nhiều người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo vì theo đuổi đam mê mà không quá chú trọng lương bổng. Thực ra, chúng ta cần sống thực tế hơn. Tất cả mọi người đều phải chi trả hóa đơn hàng tháng. Sự đảm bảo về mặt tài chính giúp chúng ta an tâm và tập trung hơn vào cuộc sống cá nhân. Chúng ta phải cố gắng cân bằng giữa công việc yêu thích và nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, bạn có thể nhận thêm các dự án khác hoặc làm việc bán thời gian, miễn sao bạn vẫn duy trì tốt sức khỏe và chất lượng công việc.

10. Ngưng so sánh bản thân với người khác

Thật tuyệt vời khi chúng ta được truyền cảm hứng trong công việc và cuộc sống bởi các đồng nghiệp tài năng và những người thầy tận tụy. Thế nhưng, liệu bạn có đang đặt bản thân và các nghệ sĩ khác lên cùng một bàn cân? Có phải bạn đang bị ám ảnh bởi sự thành công của họ và tự ti về năng lực của mình?

Vậy thì, hãy tắt ngay điện thoại và dành thời gian lắng nghe tiếng nói từ trái tim mình. Bạn là ai? Bạn có yêu thích công việc hiện tại không? Bạn cần làm gì để hoàn thiện kỹ năng? Bạn khác họ như thế nào?

Bạn nên nhớ rằng, mỗi người đều đang sống cuộc đời của riêng mình: độc đáo và duy nhất. Hơn nữa, mọi người chỉ chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc viên mãn lên mạng xã hội mà thôi. Phía sau thành tích vẻ vang hoặc sự thành công, danh tiếng ấy có thể là biết bao lần thất bại, đắng cay, cô đơn và buồn tủi.

không gian làm việc cho người sáng tạo

Ảnh: Unsplash

11. Rèn luyện sự tự tin

Chúng ta thường có một quan niệm sai lầm rằng sự tự tin vốn là tính cách tự nhiên, có sẵn. Thật ra, sự tự tin có thể được xây đắp và rèn giũa. Hãy luôn cư xử như thể bạn đang rất tự tin: hít thở sâu, ngẩng cao đầu, mỉm cười rạng rỡ và suy nghĩ tích cực. Trong phút chốc, bộ não sẽ bị những cử chỉ ấy đánh lừa và khiến bạn trở nên tự tin hơn hẳn.

Bên cạnh đó, sự tự tin giúp chúng ta nhận thức đúng đắn ưu – nhược điểm của chính mình và nhắc nhở mỗi người rằng không một ai hoàn hảo, chỉ là chúng ta đang dũng cảm đón nhận thử thách mà thôi. Vì vậy, bạn nên hỏi nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh trong trường hợp cần thiết. Đừng để cái tôi và sự tự phụ gây nhầm lẫn và cản đường bạn.

12. tử tế với phiên bản mới của chính mình trong tương lai

Bạn sẽ thay đổi như thế nào trong vòng 5 – 10 năm nữa? Lúc ấy, bạn trở nên xinh đẹp và thành đạt ra sao? Hãy thường xuyên suy nghĩ nghiêm túc về bản thân trong tương lai để thay đổi ngay từ bây giờ, trong chính khoảnh khắc này. Tương lai tươi sáng hoàn toàn nằm trong tầm tay mỗi người, là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và phấn đấu bền bỉ bắt đầu từ ngày hôm nay. Do đó, hãy đặt ra những mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch thực hiện ngay nhé.

Hãy luôn kiên định theo đuổi sự ưu tú. Một ngày nào đó, bạn sẽ vô cùng hài lòng về phiên bản xuất sắc của chính mình ở tương lai.

cô gái đi biển

Ảnh: Unsplash

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Mai

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Creative Boom

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more