Để giúp nam giới và nữ giới lắng nghe, thấu hiểu nhau hơn, ELLE Việt Nam mở ra một góc đối thoại cùng Minh Red. Là Thạc sĩ Tâm lý học tại King’s College London, Minh Red luôn trăn trở về nội tâm con người và mong muốn thu hẹp khoảng cách khác biệt trong tư duy giữa hai giới. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi giải mã những điều chưa nói đằng sau hai từ “tùy anh”.
Theo anh, hai từ “tùy anh” thường xuất hiện trong giai đoạn nào của một mối quan hệ? Và ở từng giai đoạn, nó có mang những ý nghĩa khác nhau hay không?
Câu nói này có thể xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của mối quan hệ. Ví dụ, nếu câu “tùy anh” xuất hiện ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên, đó có thể là một tín hiệu khả quan: cô ấy tin tưởng và thoải mái để đối phương đưa ra quyết định, hoặc khi đó, cô ấy chưa muốn bộc lộ quá nhiều về bản thân. Đây là một kiểu chiến lược hẹn hò, giữ không gian cho đối phương dẫn dắt mối quan hệ.
Điều quan trọng không phải là nó xuất hiện khi nào, mà là nó đi kèm với thái độ nào. Đôi khi, cách thể hiện sẽ quyết định thông điệp mà câu nói chứa đựng. Ngay cả trong buổi hẹn hò đầu tiên, nếu cô gái nói “tùy anh” nhưng với giọng điệu lạnh nhạt, thiếu quan tâm, ta có thể cảm nhận được sự xa cách; giọng điệu nhẹ nhàng, vui vẻ thể hiện sự tin tưởng, thoải mái; nhưng giọng lạnh lùng, bực bội lại mang hàm ý khó chịu, thậm chí là thất vọng. Điều này cũng tương tự với những giai đoạn sau của mối quan hệ. Điểm mấu chốt là người nghe có thể nhận ra thái độ đằng sau câu nói hay không. Đây là một khía cạnh của sự nhạy cảm trong giao tiếp – không chỉ nghe lời nói, mà còn phải đọc được tín hiệu phi ngôn ngữ: biểu cảm, cử chỉ, ánh mắt, giọng điệu…
Một số người cho rằng câu trả lời “tùy anh” là một hình thức trừng phạt của phụ nữ. Anh nghĩ thế nào về nhận định này?
Tôi nghĩ chúng ta đừng nên vội vàng “dán nhãn” ngay cho câu nói này. Thay vì ngay lập tức quyết định câu nói là tiêu cực hay tích cực, chúng ta nên xây dựng một hệ thống giúp phân loại các tình huống, đặt chúng vào bối cảnh phù hợp. Điều này giúp ta tránh hai sai lầm: đơn giản hóa quá mức và thiên kiến cá nhân. Nếu chỉ xét câu “tùy anh” dưới một góc nhìn duy nhất, chẳng hạn như “đây là sự trừng phạt”, ta có thể bỏ qua những cách diễn giải khác, trong khi tâm lý con người thì phức tạp, luôn thay đổi theo bối cảnh và trải nghiệm cá nhân.
Ví dụ, từ góc nhìn “đầu tư cảm xúc”, nếu một người cảm thấy mối quan hệ này không đáng để tiếp tục, họ sẽ dần rút lui. Khi đó, câu “tùy anh” có thể là dấu hiệu của việc họ không muốn đặt thêm tâm tư vào mối quan hệ. Còn nếu xét theo góc độ “trừng phạt”, câu nói này có thể xuất phát từ nhu cầu muốn đối phương nhận ra lỗi sai hoặc mong chờ một sự bù đắp nào đó. Nhìn chung, thay vì chỉ chọn một cách diễn giải, chúng ta nên xem xét sự liên kết giữa các yếu tố khác nhau theo thời gian để hiểu rõ hơn điều gì thực sự đang diễn ra. Vội vàng dán nhãn sẽ dẫn đến những phản ứng sai lầm. Ví dụ, nếu một cô gái chỉ đơn giản là quá mệt để đưa ra quyết định, nhưng bạn trai lại cảm thấy đây là một sự trừng phạt, thì phản ứng của anh ấy có thể tạo nên sự căng thẳng không đáng có cho mối quan hệ.
Vậy, làm thế nào để các chàng trai tránh rơi vào “cái bẫy trừng phạt” và hiểu đúng ý nghĩa ẩn sau câu nói này?
Cách an toàn nhất là lần ngược theo thời gian và kiểm tra các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm trạng đối phương, có thể là 6 tiếng, 12 tiếng, một ngày, vài tháng, thậm chí là cả những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Ví dụ, hãy thử đặt câu hỏi xem hôm nay có phải một ngày mệt mỏi của cô ấy (cô ấy có nhắc đến cuộc họp quan trọng hay buổi thuyết trình nào trong hôm nay không)? Sáng nay mình có nói điều gì khiến cô ấy không vui? Ngoài ra, nếu để ý, ta có thể nhận thấy những tình huống tương tự đã từng xảy ra trước đó: cô ấy có thể không bị xuống tâm trạng vào cùng một thời điểm trong tháng, hoặc trong những giai đoạn căng thẳng giống nhau. Khi đó, việc xử lý dữ liệu và đưa ra phán đoán sẽ giúp nam giới ứng xử tốt hơn thay vì rơi vào trạng thái bối rối hoặc phản ứng sai cách.
Nếu cô ấy đang mệt, “tùy anh” có thể đơn giản là cô ấy không muốn mất thời gian suy nghĩ hay lựa chọn. Nếu trước đó đối phương đã nhắc đến một chuyện nhạy cảm, “tùy anh” có thể mang nghĩa “không, em không thích”. Nếu mới hẹn hò lần thứ hai, thứ ba, có thể đây là một phép thử: “anh có nhớ em thích gì không?”. Nếu cô ấy không quan tâm, “tùy anh” chỉ là một phản ứng vô thưởng vô phạt. Nếu cô ấy thực sự cần giúp đỡ, câu nói này lại có thể là một lời nhờ vả gián tiếp: “Em không biết nên làm gì, anh có thể gợi ý giúp em không?”. Vậy nên, câu “tùy anh” không nhất thiết lúc nào cũng mang hàm ý tiêu cực hay là sự trừng phạt.
Có cách nào để các chàng trai xác định được mong muốn thực sự của người phụ nữ đằng sau câu nói này không?
Cách duy nhất chính là giao tiếp. Để tìm được lời giải chính xác cho “bài toán này”, nam giới phải nâng cao khả năng thu thập và xử lý dữ liệu của mình. Nếu không chắc chắn, chúng ta cần đặt câu hỏi để xác nhận. Và sự xác nhận này phụ thuộc vào việc đối phương có muốn hợp tác hay không. Nếu họ sẵn sàng chia sẻ, chúng ta sẽ có thêm dữ kiện để “học” và rút kinh nghiệm, nhưng nếu họ không muốn hợp tác, lúc này, câu “tùy anh” có thể là một “báo động đỏ”. Nếu một người liên tục né tránh vai trò trong mối quan hệ, tạo khoảng cách và để đối phương tự xoay sở, đó là một trong những dấu hiệu của sự rạn nứt.
Theo anh, áp lực “phải đoán đúng” đang phản ánh nhu cầu gì của nam giới? Và làm sao để vượt qua áp lực này?
Đó là một biểu hiện liên quan đến vai trò giới (gender role). Nam giới thường có xu hướng muốn chứng tỏ bản thân và nhận lãnh vai trò dẫn dắt trong mối quan hệ. Giống như trong một điệu nhảy, họ phải là người định hình nhịp điệu và hướng đi. Họ tin rằng trách nhiệm của mình là đưa ra quyết định đúng đắn để giữ cho “điệu nhảy” diễn ra một cách suôn sẻ. Nếu đưa ra những lựa chọn sai, họ có thể cảm thấy mất kiểm soát hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của đối phương. Điều này có thể tạo ra một áp lực vô hình khiến họ lo lắng mỗi khi phải đưa ra lựa chọn.
“Chìa khóa” để nam giới vượt qua áp lực này chính là: chấp nhận sai. Hãy chấp nhận rằng mình có thể sai, và sai nhiều lần. Nếu cứ đặt kỳ vọng rằng “mình phải đúng” thì mỗi lần chọn sai sẽ trở thành một thất bại cá nhân, khiến họ càng căng thẳng hơn trong những lần sau. Nhưng nếu họ xem sai lầm như một phần của quá trình hiểu nhau, họ sẽ bớt lo lắng và dễ dàng chuyển từ trạng thái “đối phó” sang “hợp tác” trong giao tiếp.
BÀI LIÊN QUAN
Bí quyết sống: Đừng làm nô lệ tâm lý
Việc phá vỡ sự mơ hồ trong giao tiếp rất quan trọng. Tuy nhiên, cách nói bóng gió, gián tiếp lại là một nét đặc trưng của văn hóa Á Đông. Đôi khi nó thể hiện sự ý tứ thú vị trong một cuộc trò chuyện. Liệu có phải nói thẳng lúc nào cũng tốt?
Điều bạn vừa nói khiến tôi nghĩ đến một khái niệm rất thú vị: “Nói gần”. Tức là, thay vì nói thẳng hay nói vòng vo, ta có một cách giao tiếp ở giữa. Nói gần không phải là né tránh sự thẳng thắn, mà là một cách diễn đạt tinh tế, giúp đối phương không cảm thấy bị ép buộc hay ngột ngạt trong cuộc trò chuyện. Nó giống như việc duy trì một điệu nhảy trong giao tiếp: có sự đẩy đưa, có khoảng không để cảm nhận, nhưng vẫn có định hướng rõ ràng.
Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ tính tập thể – nơi con người thường tránh đối đầu trực diện với nhau. Một trong những đặc trưng của nền văn hóa này là giữ thể diện. Chúng ta không muốn khiến người khác cảm thấy bị thách thức hoặc trách móc trực diện mà sẽ dùng cách nói khéo léo, gián tiếp. Khi phụ nữ nói “tùy anh”, đôi khi đó không phải là giữ thể diện cho bản thân họ, mà là đang giữ thể diện cho người đàn ông. Cách nói vòng vo, ẩn ý không chỉ giúp nữ giới kiểm tra sự quan tâm của đối phương mà còn có thể trao quyền quyết định cho nam giới một cách tinh tế. Đây là một dạng quyền lực ngầm của phụ nữ Á Đông. Họ hoàn toàn có thể đưa ra quyết định, nhưng thay vì vậy, họ nhường lại quyền dẫn dắt cho nam giới.
Ví dụ, nếu ai đó hỏi: “Hôm nay ăn gì?”, người trả lời có thể nói cụ thể: “Hôm nay em thích ăn bún hoặc lẩu” – đây là cách nói rõ ràng, trực diện. Nhưng với cách nói gần, họ có thể đáp: “Hôm nay trời lành lạnh, anh nghĩ có món gì ấm nóng mà cả hai cùng thích không?”. Khi đó, thay vì chỉ đặt câu hỏi hoặc trả lời đơn thuần, cuộc hội thoại trở thành một bản song tấu đầy thú vị và có chiều sâu. Đối phương sẽ có cơ hội hồi đáp và thể hiện bản thân chứ không còn chỉ tiếp nhận một thông tin đơn lẻ. Điều này giúp duy trì kết nối, biến cuộc đối thoại thành một điệu nhảy giao tiếp, nơi mà cả hai đều có thể dẫn dắt và điều chỉnh nhịp điệu theo cách riêng của mình.
Vậy, với những cặp đôi đang gặp khó khăn trong việc hiểu nhau, anh có lời khuyên nào giúp họ giao tiếp hiệu quả hơn?
Hãy trả lời những câu hỏi: Chúng ta đến với nhau vì điều gì? Chúng ta bị thu hút bởi điều gì ở nhau? Động lực ban đầu của chúng ta là gì? Hiện tại, điều gì đang cản trở sự kết nối của chúng ta? Khi một cặp đôi bắt đầu cảm thấy xa cách, có thể do sự gắn kết ban đầu đang bị lỏng lẻo. Vậy thì điểm mấu chốt là làm sao để “động lực” lớn hơn “trở lực”.
Việc quay lại với những ngày đầu có thể giúp họ nhớ lại những gì quan trọng nhất trong mối quan hệ. Nó cũng có thể giúp họ nhận ra những dấu hiệu về nhu cầu của đối phương mà trước đây họ không chú ý đến hoặc đã quên. Và quan trọng nhất, nó có thể là một khởi đầu để mỗi người chủ động thay đổi bản thân trước khi mong chờ sự thay đổi từ đối phương.
Cảm ơn anh đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: NVCC