Hiểu rõ về 2 chế độ ăn chay: vegetarian và vegan

Đăng ngày:

Bạn có bao giờ nghe nói về sự khác biệt giữa những người ăn chay (vegetarian) và thuần chay (vegan) chưa? Nếu bạn đang có ý định chuyển sang ăn chay thường xuyên vì lý do sức khỏe, bảo vệ môi trường hay tôn giáo, tín ngưỡng, đây là bài viết giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn về hai chế độ ăn này.

Đâu là sự khác biệt giữa chế độ ăn chay (vegetarian) và ăn thuần chay (vegan)?

Chế độ ăn chay (Vegetarian) là gì?

Chế độ ăn chay

Ảnh: Pexels/Roman Odintsov

Theo Hiệp hội ăn chay, người ăn chay (vegetarian) là người không ăn thịt, gia cầm, động vật có vú, cá, động vật có vỏ hoặc các sản phẩm phụ từ quá trình giết mổ động vật.

Chế độ ăn chay bao gồm nhiều loại trái cây, rau củ, ngũ cốc, đậu, quả và hạt. Việc sử dụng các thực phẩm chứa sữa, mật ong và trứng còn tuỳ thuộc vào từng chế độ chay khác nhau.

Những loại hình chay phổ biến nhất gồm:

  • Chế độ ăn chay Lacto-ovo: Không ăn thịt động vật nhưng có thể dùng các thực phẩm từ sữa và trứng.
  • Chế độ ăn chay Lacto: Không tiêu thụ thịt và cả trứng động vật, nhưng vẫn dùng được các sản phẩm sữa.
  • Chế độ ăn chay Ovo: Không ăn bất kì loại thực phẩm nào có nguồn gốc từ động vật trừ trứng.
  • Chế độ ăn thuần chay (vegan): Không dùng tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoặc được thử nghiệm trên động vật.

Những người không ăn thịt đỏ hoặc thịt gia cầm nhưng vẫn ăn cá được xếp vào nhóm pescatarians, còn những người ăn chay bán thời gian thường được gọi là flexitarians. Mặc dù đôi khi vẫn được xem là những loại hình ăn chay, nhưng người thuộc các nhóm pescatarians và flexitarians lại ăn thịt động vật. Vì vậy, về cơ bản, những người thuộc hai chế độ ăn này không phải là những người ăn chay.

Chế độ ăn thuần chay (Vegan) là gì?

Cô gái ăn thuần chay

Ảnh: Pexels/Anna Shevchuk

Ăn thuần chay được định nghĩa là chế độ ăn nhằm mục đích khai trừ mọi hình thức bóc lột và tra tấn động vật, bao gồm việc khai thác động vật để làm thực phẩm hay bất kỳ hình thức hành hạ nào khác. Nó có thể được coi là mức độ cao hơn của chế độ ăn chay (vegetarian).

Chế độ ăn thuần chay không chỉ loại trừ thịt động vật mà còn cả sữa, trứng và các nguyên liệu khác từ động vật, bao gồm gelatin, mật ong, carmine, pepsin, shellac, albumin, tinh bột, đạm váng sữa, casein và một số loại vitamin D3.

Những người ăn chay và thuần chay thường tránh tiêu thụ các sản phẩm từ động vật vì những lý do giống nhau. Sự khác biệt lớn nhất là mức độ mà họ tiếp nhận các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ, cả người ăn chay và thuần chay đều loại bỏ thịt khỏi chế độ ăn uống của họ vì lý do sức khỏe hoặc môi trường, nhưng người ăn chay có thể chấp nhận việc tiêu thụ một số sản phẩm từ động vật như sữa hoặc trứng, còn người ăn thuần chay thì không. Có thể hiểu rằng, ăn thuần chay được xem là hình thức ăn chay nghiêm ngặt nhất.

Mặt khác, những người ăn thuần chay tin rằng động vật nên được giải thoát khỏi những nhu cầu của con người, cho dù là để cung cấp lương thực, quần áo, nghiên cứu khoa học hay giải trí. Do đó, bất kể động vật được nuôi nhốt trong điều kiện như thế nào, họ vẫn tìm cách ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm có nguồn gốc hay thử nghiệm trên động vật.


Xem thêm

9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn

Nghiên cứu chỉ ra 8 lợi ích không ngờ của thói quen đọc sách

Thiết lập ranh giới để bảo vệ sức khỏe tinh thần


Những lưu ý về cân bằng dinh dưỡng đối với chế độ ăn chay và thuần chay

cô gái dã ngoại bên bờ biển

Ảnh: Unsplash/Freddie Addery

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn chay và thuần chay thường chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol, tuy nhiên, hai chế độ ăn này bổ sung rất nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và các hợp chất thực vật lành mạnh. Các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng đến từ các thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên cám, quả hạch, hạt và sản phẩm từ đậu nành.

Nhưng nếu bạn ăn chay cực đoan, thiếu khoa học và không bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể, mức độ hấp thụ dinh dưỡng của bạn sẽ thấp đi rất nhiều, đặc biệt là các dưỡng chất sắt, canxi, kẽm và vitamin D.

Cả hai chế độ ăn trên cũng không cung cấp đủ hàm lượng vitamin B12 và axit béo omega-3 chuỗi dài, cụ thể hàm lượng các chất này trong chế độ ăn thuần chay lại thấp hơn so với chế độ ăn chay. Vitamin B12 và axit béo omega-3 chuỗi dài chủ yếu tồn tại ở nội tạng động vật, thịt, trứng, cá, tôm… do đó, khi không tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, những người ăn chay dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt các dinh dưỡng trên. Việc thiếu hụt các dưỡng chất như axit béo omega-3, canxi và vitamin D và B12 có thể tác động tiêu cực đến các khía cạnh khác nhau của sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, bạn có thể bổ sung các chất này bằng thực phẩm bổ sung và viên vitamin mà không cần quan ngại về việc phải thay đổi chế độ ăn của bản thân.

Ngoài ra, không phải thực phẩm chay nào cũng hoàn toàn lành mạnh. Bánh quy, khoai tây chiên, kẹo và thậm chí cả kem làm từ hạt… có thể dùng cho chế độ ăn chay và thuần chay nhưng chứa rất nhiều carbohydrate tinh chế, đường hoặc chất béo. Vì vậy, dù bạn đang theo đuổi chế độ ăn nào, bạn cần quan tâm đến thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà mình tiêu thụ, gia giảm lượng đường hóa học và đồ ăn được chế biến với nhiều dầu mỡ.

Cả hai loại hình ăn chay này đều có thể được coi là an toàn cho mọi giai đoạn trong cuộc đời mỗi người, thậm chí ăn thuần chay có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và giúp bạn sống xanh, giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường típ 2, tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với cả người ăn chay và thuần chay là phải tuân theo một kế hoạch ăn uống khoa học để tránh các biến chứng sức khỏe về lâu dài.

Nhóm thực hiện

Bài: Như Quỳnh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Healthline

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more