Hỏi đáp về quản lý tài chính: Có nên công khai tiền tiết kiệm với chồng?

Đăng ngày:

Bạn e ngại khi mở thẻ tín dụng, cần lời khuyên khi mới bắt đầu đầu tư hay băn khoăn không biết có nên công khai số tiền phòng thân cho chồng?… ELLE sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.

Sau cuộc trò chuyện với Chung Vũ Thanh Uyên – Đại sứ tại Việt Nam của The New Savvy (một nền tảng giáo dục điện tử và ứng dụng điện tử trong việc lập kế hoạch tài chính cá nhân), ELLE Việt Nam nhận được rất nhiều câu hỏi thú vị của bạn đọc, xoay quanh các vấn đề quản lý tài chính và đầu tư. Chị Thanh Uyên đã dành thời gian trả lời câu hỏi của độc giả, hy vọng đã giải đáp được phần nào những trăn trở của các bạn.

Em muốn mở thẻ tín dụng nhưng lại sợ nếu không quản lý được thì sẽ dẫn đến nợ nần. Chị có bí quyết nào không ạ?

Là người sử dụng thẻ tín dụng hơn 10 năm qua, tôi rút ra được những nguyên tắc:

1. Cần có kỷ luật trong việc thanh toán đúng kỳ hạn.

2. Mức tín dụng không nên trên 2-3 tháng lương của bạn (đặc biệt đối với những người có mức kỷ luật thấp).

3. Mua sắm đúng chừng mực và theo mức bạn đặt ra (ví dụ: bao nhiêu phần trăm trên lương tháng? cho mục tiêu gì?).

Nếu thực hiện đúng các nguyên tắc trên, thẻ tín dụng là một tiện nghi rất tốt để sử dụng mọi lúc mọi nơi cũng như được hưởng nhiều lợi ích từ thẻ như tích điểm hoặc trả góp.

sử dụng thẻ tín dụng

Ảnh: Unsplash

Chị có công khai số tiền phòng thân, tiền tiết kiệm (10% thu nhập) cho chồng biết không? Chị nghĩ phụ nữ nên thông báo những khoản tiền nào cho chồng?

Có! tôi có chia sẻ và việc chia sẻ này phải 2 chiều. Giữa vợ chồng tôi, việc chia sẻ thông tin và minh bạch tài chính gần như 99% (chỉ 1% giữ cho riêng mình).

Điều này cũng tùy thuộc vào tính cách của mỗi người. Đối với tôi, việc minh bạch tài chính là nền tảng tốt cho 2 vợ chồng. Ngay từ khi mới quen nhau, tôi đã không ngại hỏi anh làm lương bao nhiêu và chia sẻ lại những gì tôi có.

Tất nhiên, không phải phương pháp nào cũng thích hợp với tất cả mọi người. Cuối cùng bạn vẫn phải tự trả lời câu hỏi là bạn dùng tiền vào mục đích gì. Ví dụ, khi tôi muốn giúp đỡ một người bạn, nếu việc chia sẻ không đóng góp (hoặc không gây ảnh hưởng) cho mối quan hệ, tôi cũng không cần chia sẻ với chồng. Hay những lúc không cùng quan điểm, nếu tôi vẫn quyết định chi tiền, tôi sẽ sử dụng khoản tiền riêng của mình và tự chịu trách nhiệm cho việc đó.

Đối với tiền tiết kiệm, thông thường, các gia đình sẽ xây dựng một quỹ (tài khoản) chung, cả vợ lẫn chồng đều đóng góp như nhau. Nhưng, cũng có những gia đình mà hai bên sẽ thỏa thuận tự đóng góp tùy vào khả năng của mình. Điều quan trọng là hai bạn phải thống nhất phương pháp nào và nghiêm túc thực hiện.

công khai tài chính với chồng

Ảnh: Unsplash

Theo chị, hiện nay, hình thức đầu tư tốt nhất là gì? Làm sao để xác định đươc những rủi ro khi đầu tư và chuẩn bị được phương án giải quyết? 

Đầu tiên, đừng đầu tư vào bất cứ điều gì bạn không hiểu. Tôi không bao giờ đầu tư nếu không bỏ thời gian nghiên cứu và nắm rõ những rủi ro. Tuyệt đối không đầu tư kiểu hùa theo mà không có sự tìm hiểu sâu. Vậy nên, sẽ không có “hình thức đầu tư tốt nhất”. Việc này phụ thuộc vào kế hoạch tài chính của bạn.

Ví dụ, bạn đã có số tiền đầu tư, hoặc bạn trích một phần từ lương của mình để đầu tư, các con số sẽ khác nhau và ảnh hưởng đến hình thức đầu tư. The New Savvy có thể giúp bạn trau dồi kiến thức chứ không thể trả lời bạn nên đầu tư vào cái gì, vì chúng tôi không phải nhà tư vấn tài chính.

Tuy nhiên, tôi có một lời khuyên là bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt để tận hưởng sức mạnh của lãi kép. Lãi kép (compound interest) có khả năng chuyển đổi một lượng tiền nhỏ từ nỗ lực tiết kiệm thành một giá trị lớn hơn trong tương lai. Bằng cách để dành tiền càng sớm, bạn sẽ càng tạo ra lợi nhuận cao hơn cho đồng tiền của mình với tốc độ nhanh hơn.

Hiện nay, có các máy tính tự động trên mạng để bạn sử dụng tính toán và đặt mục tiêu (ví dụ, bạn sẽ tính được nếu tiết kiệm 300 USD mỗi tháng với lãi suất 8%, bạn sẽ có 1 triệu USD sau… 40 năm. Không có lãi kép này thì sau 40 năm, bạn chỉ dành dụm được 144.000 USD mà thôi – đây là số tiền thật sự bạn bỏ ra dành dụm).

Lãi kép phát sinh khá giống như hiệu ứng quả cầu tuyết. Hơi khó để tiết kiệm tiền ngay thời gian đầu, nhưng một khi bạn tiết kiệm được vài kỳ hạn, tiền tiết kiệm của bạn sẽ tạo ra lãi suất và sau đó lãi mẹ đẻ lãi con, và thực tế tiền lãi sẽ tăng cấp số nhân.

Em có nên sử dụng các app quản lý tài chính để quản lý chi tiêu hiệu quả hơn không? Chị có thể gợi ý một số ứng dụng phổ biến hiện nay được không ạ?

Tại sao không? Giờ đây, khi điện thoại thông minh hoạt động như một chiếc ví ảo, hầu như tất cả các chức năng quản lý tiền đều có thể được tích hợp và vận hành từ thiết bị di động. Nếu biết cách sử dụng, chúng có thể giúp bạn tiết kiệm và đầu tư tốt hơn

Có khá nhiều app để bạn sử dụng như SGX Mobile App, AXS Payment, Bloomberg Business, Pocket Expense Personal Finance, Renko Charts, StockTracker, iXpeneseIt, HomeBudget, MoneyBook, Money Journal Lite, Tradehero, iCurrencyPad, EZ Financial Calculators, SG Condo Buyers…

Bạn cũng có thể lên thenewsavvy.com để tìm hiểu thêm thông tin về tài chính, đầu tư và tiết kiệm. Website này có một thư viện miễn phí gồm rất nhiều tài liệu và bài viết cho phụ nữ trên toàn châu Á. Sắp tới, The New Savvy sẽ có trang tiếng Việt để phục vụ cộng đồng phụ nữ Việt Nam.

sử dụng app quản lý tài chính

Ảnh: Unsplash

Em đang có trong tay hơn 50 triệu và muốn đầu tư nhưng bạn không biết nên đầu tư lĩnh vực gì và đầu tư như thế nào. Chị có thể cho em lời khuyên không?

Không phải là số tiền vì số nào cũng có cách bắt đầu tiết kiệm hay đầu tư được, mà câu hỏi là nên đầu tư gì để đạt được lợi nhuận cao nhất trong độ chấp nhận rủi ro của bạn, và trong thời gian bạn giới hạn cho việc đầu tư này.

1. Bỏ tiền vào ngân hàng (gần với tiết kiệm hơn đầu tư)
2. Hùn vốn đầu tư vào khởi nghiệp
3. Hùn vốn đầu tư bất động sản
4. Mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh…
5. Đầu tư vàng, tiền tệ…

Độ chấp nhận rủi ro của bạn thế nào (ví dụ có thể chịu mất hết cho lãi suất rất cao, hay độ rủi ro vừa, hoặc muốn rủi ro gần bằng không)?. Thời gian bạn muốn thấy tiền sinh lời là 1 tháng, 3 tháng, 1 năm, 3 năm? Và kế tiếp chọn phương thức đầu tư sẵn có trên thị trường mà bạn đã tìm hiểu và nắm rõ.

Dù đầu tư gì, bạn cũng cần tìm hiểu và thông suốt hết về kênh đầu tư này, tuyệt đối không chỉ nghe theo mà không có sự tìm hiểu từ phía bạn. Đó là kinh nghiệm cá nhân của tôi.

ELLE sẽ tiếp tục đăng tải phần hỏi đáp về quản lý tài chính trong các bài sau. Nếu bạn đang có thắc mắc về vấn đề tiết kiệm và đầu tư, đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho ELLE tại form dưới đây:

Chung Vũ Thanh Uyên từng được biết đến là Á hậu Áo dài 1995 và là thành viên tứ ca Ngẫu Nhiên cùng với Trương Ngọc Ánh, Trịnh Kim Chi và Minh Anh. Tuy nhiên, sau khi học về tài chính ở Mỹ và hoạt động trong ngành ngân hàng hơn 10 năm tại các nước châu Á, Thanh Uyên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, ngoại hối và lưu ký cho các ngân hàng trong khối châu Á. Hiện tại, cô đang là đại sứ tại Việt Nam của The New Savvy.

chung vũ thanh uyên nói về quản lý tài chính

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: NVCC, Unsplash

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more