Lifestyle / Bí quyết sống

4 khoảnh khắc bạn nên tin vào trực giác của chính mình

Một sáng đầu tuần như bao ngày, bạn mở máy tính, hộp thư sáng lên với một email mời hợp tác từ một thương hiệu. Mọi thứ dường như hoàn hảo: ngân sách hấp dẫn, lộ trình rõ ràng, lời hứa chuyên nghiệp. Thế nhưng bạn vẫn chần chừ, không phải vì thiếu thông tin, mà vì một điều gì đó mơ hồ không ổn trong lòng.

Cảm giác ấy không lý giải được bằng lý trí, cũng chẳng có bằng chứng cụ thể nhưng đủ mạnh để khiến bạn ngập ngừng. Trong đời sống hiện đại, tình huống này không hề hiếm. Và trạng thái ấy có một tên gọi quen thuộc: trực giác mách bảo, hay gut feeling, linh cảm, hay đôi khi còn được gọi bằng cái tên rất thơ: giác quan thứ sáu.

Từ lâu, trực giác được xem là món quà bí ẩn mà tạo hóa ban tặng cho con người. Nó xuất hiện trong những khoảnh khắc quan trọng, đặc biệt là khi ta đứng trước ngã rẽ, khi thông tin không đủ đầy, khi lý trí còn đang lưỡng lự. Nhưng trực giác có đáng tin không? Liệu đó là sự nhạy bén sâu thẳm bên trong, hay chỉ là cái bẫy ngọt ngào của cảm xúc, được bọc đường bằng nỗi sợ và sự bất an?

1. Trực giác – Lặng lẽ nhưng sắc bén tựa bản năng thứ hai

Trong tâm lý học xã hội, trực giác (intuition) không chỉ là một khái niệm mơ hồ hay hiện tượng tâm linh, mà còn là một lĩnh vực nghiên cứu nghiêm túc và sâu rộng.

Theo nhà tâm lý học Daniel Kahneman – tác giả cuốn sách kinh điển Thinking, Fast and Slow (tựa Việt: Tư duy Nhanh và Chậm), bộ não con người hoạt động theo hai hệ thống:

•Hệ thống 1: phản ứng nhanh, cảm tính, tự động.

•Hệ thống 2: phân tích chậm rãi, lý trí, có chủ đích.

Và trực giác, theo ông, chính là sản phẩm của hệ thống 1 – nơi não bộ sử dụng kinh nghiệm đã tích lũy từ quá khứ để phản ứng với tình huống hiện tại, nhanh đến mức chúng ta không kịp nhận ra mình đang “phân tích”.

Cô gái ôm bó hoa hồng ở bãi biển suy nghĩ khi nào nên tin vào trực giác
Ảnh: Pexels/ Alexander Mass

Quan điểm này cũng được củng cố bởi Gary Klein, chuyên gia trong lĩnh vực ra quyết định trong môi trường áp lực. Trong nghiên cứu của mình, ông gọi trực giác là cách não bộ nhận diện những mẫu hình lặp lại mà ta từng gặp trong đời sống và đưa ra phản ứng gần như ngay lập tức.

Nói cách khác, trực giác không phải là “ma thuật nữ tính” như định kiến phổ biến. Đó là một dạng thông minh cảm xúc ở cấp độ vô thức, một năng lực não bộ tinh vi – nơi ký ức, cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân giao thoa để tạo thành một cảm nhận sắc bén về điều nên làm hoặc nên tránh.

2. Khi nào bạn không nên phớt lờ trực giác của mình

Nếu bộ não là một “cỗ máy dự báo” bẩm sinh liên tục đối chiếu những gì đang diễn ra với dữ liệu từ quá khứ, làm sao để biết khi nào nên tin vào tín hiệu đó? Liệu cảm giác bồn chồn, hồi hộp, bất an trong lòng là cảnh báo thực sự hay chỉ là một phản ứng cảm xúc thoáng qua?

Dưới đây là những thời điểm mà trực giác có thể chính là tiếng chuông cảnh báo bạn cần lắng nghe:

1. Khi trực giác lên tiếng về sự an toàn của bạn

Khi bước vào một không gian hay một môi trường mới, chắc hẳn bạn đã từng có những phản ứng cơ thể khó lý giải như tay đổ mồ hôi, tim đập nhanh, bụng cồn cào, thậm chí nổi da gà… Dù chưa có điều gì cụ thể xảy ra, bạn vẫn cảm thấy bất an một cách kỳ lạ.

Theo nghiên cứu từ đại học Harvard, các dấu hiệu này bắt nguồn từ mối liên kết chặt chẽ giữa não bộ và hệ thống thần kinh ruột – nơi các nhà khoa học thường gọi là “bộ não thứ hai”. Hệ thần kinh ruột chứa hàng trăm triệu tế bào thần kinh và có khả năng “giao tiếp” với não bộ thông qua trục não-ruột (gut-brain axis). Chính cơ chế này là lý do vì sao chúng ta cảm thấy điều gì đó bất ổn trong lòng trước khi có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào.

Và khi trực giác lên tiếng trong những khoảnh khắc như vậy, bạn đừng vội xem nhẹ. Bởi cơ thể và tiềm thức luôn có cách riêng để bảo vệ bạn, ngay cả khi lý trí chưa kịp lên tiếng.

Cô gái tóc vàng đầm ren trắng ngồi ở bãi cỏ suy nghĩ khi nào nên tin vào trực giác
Ảnh: Pexels/ Anastasiia Chaikovska

2. Khi trực giác lên tiếng về sức khỏe của bạn

Đã bao giờ bạn cảm thấy bất ổn trong người dù không có triệu chứng rõ ràng? Có thể là cảm giác mệt mỏi bất thường, một nỗi bồn chồn không tên, hay một suy nghĩ lặp đi lặp lại rằng mình nên đi kiểm tra sức khỏe, dù mọi xét nghiệm gần đây đều bình thường.

Trực giác về sức khỏe thường xuất hiện như một tín hiệu thầm lặng không ồn ào, không dữ dội, nhưng dai dẳng. Nó đến từ sự kết nối sâu sắc giữa cơ thể và tiềm thức. Cơ thể là nơi lưu trữ những tín hiệu vi tế nhất về sự thay đổi, và đôi khi trực giác sẽ cảm nhận được điều đó trước khi bạn đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Nhiều người chia sẻ rằng, chính “một linh cảm mơ hồ” đã khiến họ đi khám sớm và kịp thời phát hiện những vấn đề nghiêm trọng mà chưa hề có biểu hiện bên ngoài.

Vì thế, khi cơ thể bạn lên tiếng, đừng vội gạt đi hay trì hoãn. Đôi khi, sự tự lắng nghe chính là liều thuốc đầu tiên của sự chữa lành.

3. Khi bạn cảm thấy không yên tâm trong một mối quan hệ

Có những mối quan hệ, nơi mọi thứ đều đạt tiêu chuẩn một cách hoàn hảo: cùng gu, hợp tính, không mâu thuẫn lớn, thậm chí, người ấy luôn nói những điều đúng mực. Nhưng kỳ lạ thay, sâu bên trong, bạn vẫn thấy mình đang phải chật vật, căng thẳng để trong mối quan hệ ấy. 

Dù lý trí có thể viện đủ lý do để bào chữa, vẫn có một điều gì đó trong bạn không yên. Một khoảng lặng kéo dài giữa hai người, một sự chông chênh vô hình. Và có thể, trực giác của bạn đang lên tiếng rằng năng lượng giữa cả hai đang có sự lệch pha.

Hai cô gái đang chơi cò biết khi nào nên tin vào trực giác
Ảnh: Unsplash/ Maria Balan

Không phải mọi khoảng cách đều có thể đo đếm bằng lời. Có những vết nứt rất nhỏ, nhưng đủ khiến bạn phải thu mình lại. Và chính trong những vết nứt ấy, trực giác – tiếng nói dịu dàng nhưng kiên định bên trong bạn – là điều duy nhất đủ dũng cảm để gọi tên những gì bạn còn đang chần chừ thừa nhận. Bởi trực giác không lên tiếng để khiến bạn sợ, mà để nhắc rằng: an toàn không nằm ở sự hợp lý, mà nằm ở cảm giác được là chính mình.

4. Khi bạn hoài nghi về chính mình

Khi đứng trước những ngã rẽ lớn trong đời: một công việc mới, một mối quan hệ mới, hay đơn giản là một lựa chọn nằm ngoài vùng an toàn, chúng ta thường dễ rơi vào cảm giác nghi ngờ năng lực của chính mình.

Những suy nghĩ như “Liệu mình có đủ giỏi?”, “Mình có xứng đáng với cơ hội này không?” bắt đầu âm ỉ và chính sự hoài nghi ấy giống như một quả tạ vô hình, kéo bạn tụt lại phía sau những điều mà lẽ ra bạn đã có thể với tới. Ngay lúc này, trực giác, tiếng nói bên trong bạn, xuất hiện như một vị cứu tinh thầm lặng. Không ồn ào, không rầm rộ, nhưng nó lại đủ sáng suốt để nhắn nhủ: “Đừng đánh giá thấp chính mình”.

Trực giác không chỉ là lời cảnh báo khi có điều gì đó không ổn, đôi khi, nó chính là lời động viên dịu dàng nhất, khơi dậy sự tự tin đã bị che khuất bởi nỗi sợ. Và nếu tâm trí bạn đủ tĩnh lặng, bạn sẽ nghe thấy nó – một nhịp tim vững vàng giữa hỗn độn.

Cô gái đang ôm bản thân suy nghĩ khi nào nên tin vào trực giác
Ảnh: Pexels/ Карина Каржавина

Xem thêm

7 khoảnh khắc trong cuộc sống bạn nên lắng nghe trực giác của mình

6 cách thanh tẩy aura để thu hút năng lượng tích cực và tỏa sáng từ bên trong

6 dấu hiệu cho thấy chàng là đối tượng hẹn hò lý tưởng thông qua tin nhắn


3. Nhưng không phải lúc nào trực giác cũng luôn đúng

Không thể phủ nhận rằng trực giác đã và vẫn luôn giúp con người đưa ra những quyết định nhanh, chuẩn và đôi khi còn cứu chúng ta khỏi những tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc mọi linh cảm đều chính xác tuyệt đối.

Bởi suy cho cùng, trực giác cũng là sản phẩm của não bộ và và như bất kỳ cỗ máy phức tạp nào, nó cũng có thể mắc sai lầm. Đặc biệt khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi những định kiến cá nhân, kinh nghiệm tiêu cực trong quá khứ, hoặc đơn giản là trạng thái cảm xúc bất ổn ở hiện tại. Khi đó, những điều bạn tưởng là “linh cảm sâu sắc” có thể thực chất chỉ là phản chiếu méo mó của nỗi sợ, tổn thương hoặc định kiến vô thức. 

Cô gái đầm trắng đội nón giữa những tán cây suy nghĩ khi nào nên tin vào trực giác
Ảnh: Unsplash/ Ling Hua

Không những vậy, con người còn có một xu hướng phổ biến trong tâm lý học nhận thức: tự tin thái quá về khả năng cảm nhân của bản thân. Chính sự tự tin này khiến chúng ta thường dễ dàng bỏ qua những bằng chứng trái chiều và chỉ để duy trì niềm tin ban đầu của bản thân. Và từ đó, những phán đoán sai lầm rất dễ xảy ra, dù ta vẫn nghĩ mình đang “nghe theo trực giác”.

Do đó, việc lắng nghe trực giác không có nghĩa là bạn sẽ tin tưởng nó một cách mù quáng. Nhưng bạn cần biết lắng đọng đủ lâu để suy xét những tín hiệu mà cơ thể và cảm xúc đang gửi đến. Bởi cuối cùng, không ai sống trong cơ thể này ngoài bạn và chỉ có bạn mới hiểu rõ nhịp đập trái tim mình. Và cũng chỉ bạn là người sẽ sống cùng mọi lựa chọn bạn đưa ra.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Vi

Tham khảo: Verywell Mind

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)