Nhận diện 4 kiểu trầm cảm phổ biến trong cuộc sống

Đăng ngày:

Hầu hết mọi người đều từng nghe đến từ “trầm cảm”, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu và phân biệt được các loại trầm cảm điển hình.

Để hiểu hơn về các kiểu trầm cảm mà bạn có thể trải qua hoặc gặp phải, cùng ELLE tìm hiểu nguyên nhân và bản chất của bốn loại trầm cảm sau đây.

Kiểu 1: Trầm cảm do hoàn cảnh

Bạn có cảm thấy bị cô lập và chán nản khi bị cách ly COVID-19 không? Bạn đã bao giờ khóc trong một tuần và vật lộn để rời khỏi giường sau khi chia tay? Bạn đã bao giờ có ý nghĩ tiêu cực sau khi bị từ chối khỏi một trường đại học mà bạn mong ước?

trầm cảm cô gái và đồng cỏ

Ảnh: Pexels

Nếu đã từng trải qua những nỗi buồn như vậy, có thể bạn đang mắc kẹt trong trạng thái trầm cảm tình huống (situational depression). Là một con bình thường, ai cũng biết buồn, biết vui và đôi lúc sẽ cảm thấy chán nản. Một biến động hay cú sốc lớn trong đời có thể khiến chúng ta dần trở nên khép kín và cô lập bản thân hơn với thế giới xung quanh. Đây đều là những cảm giác tự nhiên của con người.

Tuy nhiên, sau vài tuần trôi qua, nếu ý nghĩ đau buồn vẫn còn dằn vặt bạn thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang dần rơi vào trầm cảm. Loại trầm cảm này phổ biến đến mức đa số mọi người đều đã trải qua, và khi thoát khỏi trạng thái này, sẽ có một số người tự xem mình là “chuyên gia” trong việc đưa ra lời khuyên để giúp đỡ người khác thoát khỏi tình huống tương tự. Trên thực tế, hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau, do đó, những lời khuyên mơ hồ trên có thể khiến người trong cuộc cảm thấy ngày càng chán nản hơn.

Chẳng hạn, nỗi buồn mất việc của bạn khác nỗi buồn mất người thân của người khác, và vị trí của người đó trong lòng của mỗi người cũng khác nhau. Do đó, những lời khuyên như “đừng cảm thấy có lỗi với bản thân, bạn không làm gì sai cả”, hay “có những người khác khổ hơn bạn nhiều” chỉ khiến những người mắc bệnh trầm cảm cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân mình. Hãy để họ yên tĩnh một thời gian, sau đó hãy sẻ chia và tìm ra phương hướng chữa trị tốt nhất.

Kiểu 2: Trầm cảm sinh học

Nguyên nhân của trầm cảm sinh học thường là do sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền dây thần kinh (như Serotonin và Norepinephrine – liên quan đến cảm xúc và rối loạn tâm trạng) hoặc hormone (như estrogen, progesterone và thyroxine – hormone tuyến giáp), gây ảnh hưởng đến tâm lý và tâm trạng của chúng ta.Trong một số trường hợp, những thay đổi trong chất dẫn truyền thần kinh và hormone có thể trực tiếp dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và chứng loạn trương lực cơ – rối loạn vận động.

cô gái nằm trên máy tính chán nản

Ảnh: Pexels

Còn trong những trường hợp khác, sự thay đổi sinh hóa có thể tạo ra trạng thái sinh lý như chứng suy giáp – tuyến giáp do không sản xuất đủ các hormone quan trọng, gây ra chứng trầm cảm nhẹ – gọi là trầm cảm sinh học. Triệu chứng của loại trầm cảm này là mọi người dễ cảm thấy mệt mỏi và không có sức lực để hoàn thành công việc. Nếu không điều trị kịp thời, chứng trầm cảm này sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực và đem lại những suy nghĩ độc hại cho họ.

Kiểu 3: Trầm cảm tâm lý

Loại trầm cảm thứ ba được gọi là trầm cảm tâm lý, bởi vì kiểu này có liên quan đến các nhân tố tâm lý như đánh mất quan điểm, kỳ vọng không thực tế và thường xuyên độc thoại tiêu cực.

Đối với hầu hết mọi người, việc ước mơ và hy vọng liên tục bị nghiền nát bởi thực tế phũ phàng là một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất mà chúng ta có thể chịu đựng. Do đó, một số người sẽ chọn cách từ bỏ hy vọng để không phải chịu đựng thêm bất kỳ sự thất vọng hay tổn thương nào nữa. Tuy nhiên, đây không phải là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân bởi điều này có thể dẫn đến sự thờ ơ và vô vọng với mọi thứ trong cuộc sống.

bệnh tâm lý cô gái cầm sách

Ảnh: Pexels

Bên cạnh đó, sự chia ly, phụ thuộc và lạm dụng cũng là những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mỗi người.

Kiểu 4: Trầm cảm hiện sinh

Trong khi “chiếc cò” kích hoạt kiểu trầm cảm tình huống là các sự kiện tiêu cực thì “chiếc cò” của trầm cảm hiện sinh lại là những sự kiện tích cực: thường là những điều mà một người mong chờ trong thời gian dài.

Đối với hầu mọi người, khi ở tuổi vị thành niên, chúng ta thường cống hiến hết mình với hy vọng cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn và giấc mơ được thực hiện. Những giấc mơ này có thể là thành tựu trong nghề nghiệp, gia đình hạnh phúc hay những chuyến du lịch lý tưởng. Chúng ta kỳ vọng và tin tưởng rằng việc đạt được giấc mơ sẽ đem lại hạnh phúc mãi mãi và niềm thỏa mãn mà chúng ta khao khát. Nhưng thực tế, khi dành cả đời để theo đuổi một mục tiêu và rồi nhận ra chúng ta thực sự không hạnh phúc đã vô tình đẩy mọi người vào cuộc khủng hoảng hiện sinh.

trầm cảm chàng trai cõng cô gái

Ảnh: Pexels

Có phải tôi đã lãng phí cả cuộc đời mình? Nếu những điều này không đem lại hạnh phúc cho tôi, vậy thì nó có ý nghĩa gì? Tôi sẽ đi đâu về đâu? Những câu hỏi trên diễn ra khi một người rơi vào trạng thái trầm cảm hiện sinh, lúc này họ bắt đầu tự vấn về những điều mà mình tự cho là đúng. Hy vọng không còn ý nghĩa, cuộc sống mơ ước không đem lại niềm vui, họ cảm thấy lạc lõng khi nhìn về tương lai phía trước.

Đây cũng là kiểu trầm cảm khó chữa trị nhất bởi việc sử dụng thuốc chỉ là giải pháp tạm thời và không thể giúp họ tìm thấy mục đích hay khám phá ra ý nghĩa của cuộc sống. Thay vào đó, các bác sĩ tâm lý khuyên rằng họ nên tham gia các buổi trị liệu tinh thần hay khám phá các hoạt động nhóm, bắt đầu một sở thích mới, trải nghiệm các văn hóa và lối sống khác nhau…

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Psychology Today

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more