Những điều cần ghi nhớ khi lần đầu tiên đón Tết ở nhà chồng

Đăng ngày:

Đón Tết ở nhà chồng có điểm gì đặc biệt? Những nàng dâu mới phải chú ý điều gì để khởi đầu năm mới trọn vẹn, suôn sẻ hơn?

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua” vì mình đã có chồng và thêm cả gia đình chồng. Đây chắc chắn sẽ là kỷ niệm đáng nhớ đối với các nàng dâu mới. Tuy nhiên, “nhập gia tùy tục”, các nàng dâu mới cũng phải học cách thích nghi với lối sống, truyền thống đón Tết của nhà chồng. Để đón Tết trọn vẹn, vui vẻ trong vai trò mới, bạn hãy chú ý những điều sau.

1. Sắp xếp thời gian

Tết đầu tiên có nàng dâu mới nên gia đình chồng chắc chắn muốn con dâu có mặt trong nhà vào dịp năm mới. Hai vợ chồng cần bàn bạc trước để sắp xếp thời gian đón Tết bên nội, bên ngoại cho hợp lý. Cho dù bạn có muốn ăn Tết ở nhà bố mẹ mình như thời còn độc thân thì cũng nên lùi lại, ưu tiên nhà chồng để đẹp lòng mọi người. Không nên đặt ra vấn đề hơn – thua, công bằng ở đây, sẽ dễ gây căng thẳng với chồng và gia đình chồng.

Tuy nhiên, bạn cũng nên nói chuyện thẳng thắn về quan điểm của mình với chồng để anh ấy không mặc định là “lấy chồng phải theo chồng” hoặc “lấy chồng chỉ biết gia đình nhà chồng”. Không chỉ có chuyện ăn Tết mà hôn nhân truyền thống châu Á còn rất nhiều quan niệm khác cũng đang dần thích nghi với thời đại. Bạn dành nhiều thời gian đón Tết đầu tiên ở nhà chồng, đồng thời cũng nên đề nghị chồng làm quen với việc đón Tết ở gia đình vợ.

đón tết ở nhà chồng 2

Ảnh: topsimages.com

+ Nếu vợ chồng và cha mẹ ở cùng nơi, nên ưu tiên thời gian ở nhà chồng nhiều hơn nhà vợ.

+ Nếu vợ chồng và cha mẹ ở xa, ưu tiên về quê chồng trước, năm sau sẽ về quê ngoại. Hoặc đón giao thừa, mùng 1 ở nhà chồng rồi bắt đầu từ mùng 2 sang nhà vợ. Nếu khoảng cách quá xa thì đón Tết ở nhà chồng trước, các kỳ nghỉ dài khác trong năm sẽ dành cho nhà vợ.

+ Vợ chồng phải thông báo kế hoạch đón Tết trước với hai bên bố mẹ. Khi đã hứa thì phải giữ lời về quê như kế hoạch, tránh để bố mẹ thất vọng, buồn bã.

+ Nếu không đón Tết ở nhà chồng hoặc nhà vợ, cả hai phải liên lạc bằng điện thoại, video call cho bố mẹ vào ngày giao thừa, đầu năm để chúc Tết, hỏi han tình hình nhà cửa năm mới để bố mẹ không buồn khi vắng mặt con cái.

+ Nếu vợ chồng có ý định du lịch năm mới, nên bắt đầu khởi hành từ mùng 3 – sau khi đã hoàn thành các lễ nghĩa của dịp Tết. Đối với nhiều gia đình người Bắc, ngày Tết sẽ kết thúc vào lúc làm cỗ hóa vàng tiễn gia tiên về trời sau khi đã ăn Tết với con cháu. Đó là thời điểm vợ chồng son có thể thoải mái thực hiện kế hoạch riêng như đi chơi, gặp gỡ bạn bè…

+ Hai vợ chồng nên luôn đi cùng nhau khi ở nhà nội, nhà ngoại để hỗ trợ trong những tình huống cần thiết. Vợ chồng phải có trách nhiệm giúp người kia làm quen với môi trường mới. Bạn không nên đi về hay ở lại nhà chồng một mình.

+ Nếu vợ chồng bạn đã có con nhỏ, hãy chọn nơi đón Tết tùy theo tình hình sức khỏe của con. Nếu bé còn quá nhỏ thì không nên đi xa để tránh tàu xe ngày Tết vất vả.

2. Thống nhất tài chính

Hai vợ chồng nên cùng nhau lên kế hoạch chi tiêu kĩ lưỡng cho việc mua sắm Tết, biếu tiền/quà Tết cho cha mẹ, anh em, lì xì… Nàng dâu mới nên giữ tay hòm chìa khóa, nhân dịp chi tiêu mua sắm này để gần gũi hơn với các thành viên trong gia đình nhà chồng.

đón tết ở nhà chồng 4

Ảnh: Shutterstock

+ Mua sắm Tết: Hãy cùng đi mua sắm đồ dùng ngày Tết với mẹ chồng hoặc thành viên khác trong gia đình chồng để biết được thói quen, sở thích, địa điểm… yêu thích của họ. Bạn nên gửi biếu trước mẹ chồng một khoản tiền để bà có thể thoải mái mua sắm theo sở thích của mình. Nếu bà từ chối không nhận, bạn tìm cách rủ bà đi mua sắm rồi giành phần trả tiền.

+ Quà Tết: Bạn không nên chọn các món quà quá đắt đỏ để ảnh hưởng đến tài chính nhưng cũng không nên chọn quà kém chất lượng, xấu xí. Những món đồ thiết thực như bánh mứt, trái cây, cây cảnh, giỏ quà biếu… sẽ làm vui lòng cha mẹ chồng và có dịp khoe với mọi người về sự quan tâm của con cái đối với gia đình.

+ Lì xì: Ngày Tết thường rất đông người trong gia đình cũng như họ hàng, người quen… nên bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện mọi người để lì xì cho đúng. Bạn có thể “đẩy” nhiệm vụ mừng tuổi người già và trẻ em cho chồng để rảnh rỗi thời gian chăm lo công việc bếp núc vào ngày Tết sum họp. Bạn có thể chuẩn bị nhiều loại bao lì xì với mệnh giá khác nhau để mừng tuổi riêng cho ông bà, cha mẹ. Với các cháu nhỏ thì có một loại bao lì xì chung với mệnh giá mức trung bình. Bạn nên tham khảo ý kiến của chồng vì anh ấy là người hiểu rõ số lượng và mối quan hệ với các thành viên.

3. Nhập gia tùy tục

Mỗi gia đình có một phong tục đón Tết khác nhau nên bạn cần có sự quan sát, ghi nhớ, học hỏi với tinh thần vui vẻ. Hãy xác định đây là một trải nghiệm thú vị mà bất cứ nàng dâu mới nào cũng sẽ trải qua để tránh cảm giác khó chịu, ngột ngạt, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với tất cả mọi người.

đón tết ở nhà chồng 3

Ảnh: Shutterstock

+ Trước ngày Tết, bạn có thể hỏi han chồng cũng như các thành viên khác về thói quen sinh hoạt dịp năm mới để biết những điều kiêng kị, thói quen, sở thích… của gia đình. Chú ý ghi nhớ những điều gia đình chồng cho là kiêng kị để tránh mất vui đầu năm mới.

+ Bạn nên thường xuyên túc trực ở bếp cùng mẹ chồng để phụ giúp bà mọi công việc từ lớn đến nhỏ. Lưu ý là bạn phải hỏi han, quan sát trước khi làm bất cứ việc gì để tránh bị sai sót. Cách đặt câu hỏi với tinh thần cầu thị sẽ khiến mọi người dễ mở lòng chia sẻ với bạn.

+ Bạn nên quan sát để biết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng nhà chồng. Luôn tỏ ra xởi lởi với mọi người nhưng tránh thân thiết quá mức, đặc biệt với những người không nên thân – những người trước đó có khúc mắc với gia đình chồng, mẹ chồng… để tránh rắc rối không đáng có.

+ Bạn cũng có thể chia sẻ với các thành viên một vài món ăn hoặc những câu chuyện về ngày Tết quen thuộc của gia đình mình để mọi người hiểu nhau hơn. Nguyên tắc tối thượng là không chê bai, so sánh, gièm pha bất kì bên nào mà luôn tôn trọng sự khác biệt, độc đáo của đôi bên.

+ Bạn không nên sa đà vào các cuộc tranh luận về quan điểm sống hoặc những câu hỏi có tính chất riêng tư: “Bao giờ sinh con?”, “Thu nhập vợ chồng thế nào?”, “Ai là người giữ tiền?”… Bạn nên suy nghĩ hoặc sưu tập sẵn một số câu trả lời kiểu vô thưởng vô phạt hoặc hài hước để đánh trống lảng cho qua chuyện.

+ Nếu có con nhỏ, bạn nên chủ động giành phần chăm con để đảm bảo sức khỏe của bé tốt nhất, tránh việc vì bận rộn ngày Tết mà bỏ bê con cái. Bạn sẽ được ưu tiên hàng đầu khi đang thực hiện nhiệm vụ bỉm sữa. Tuy nhiên, cũng đừng vì lý do này mà bê trễ việc nhà. Thỉnh thoảng, bạn cũng cần hỏi han mọi người để nắm được tình hình chuẩn bị Tết.

+ Bạn có thể tranh thủ ghi chú, chụp ảnh, quay phim lại không khí đón Tết, cách làm các món ăn… để làm kỉ niệm và cũng là lưu trữ lại cho những năm sau. Khi đó, chỉ cần mở hình, video ra thì các kiến thức đón Tết cùng nhà chồng sẽ ào về nhanh chóng sau một năm bận rộn với công việc.

4. Trang phục ngày Tết

+ Trong những dịp họp mặt gia đình có nhiều thành viên lớn tuổi, nhất là ngày Tết vui vẻ, bạn nên chọn trang phục có màu sắc tươi tắn, nổi bật, duyên dáng. Cách trang điểm cũng nhẹ nhàng, trong sáng. Tránh mặc quần áo có màu sắc u buồn, hở hang, trang điểm sắc đậm, lòe loẹt, phá cách.

+ Nếu gia đình chồng ở miền Trung, Bắc, có khí hậu ngày Tết lạnh hơn miền Nam, bạn nên chuẩn bị đủ trang phục ấm áp, đẹp mắt từ trước. Không nên đợi lúc ra đến nơi mới đi mua vì sẽ ảnh hưởng đến công việc gia đình và không chọn được trang phục ưng ý do mua vội.

đón tết ở nhà chồng 5

Ảnh: Daria Shevtsova/Pexels

+ Nếu có con nhỏ, bạn nên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho con. Vào ngày Tết, các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa nên những nhu yếu phẩm cần thiết cho bé như bỉm, sữa… nên được chuẩn bị đầy đủ từ trước, nhất là khi về quê không có đồ đạc cần thiết cũng như bạn không biết chỗ để mua.

5. Giữ gìn sự tươi tắn

Cho dù bận rộn thế nào, bạn cũng cần dành khoảng thời gian riêng cho bản thân để có được vẻ ngoài rạng rỡ nhất trong ngày Xuân mới.

đón tết ở nhà chồng 1

Ảnh: Nikola Saliba/Unsplash

+ Nếu gia đình chồng ở xa, vợ chồng nên sắp xếp thời gian về trước ngày 30 càng sớm càng tốt để bạn có thời gian lấy lại sức sau quãng đường dài, làm quen với môi trường mới.

+ Trong ngày Tết, cần tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi tối đa để luôn giữ được sự tươi tắn, vui vẻ. Bạn cũng nên thường xuyên bổ sung nước, chất xơ trong trái cây, rau củ, các loại vitamin để hỗ trợ hệ miễn dịch, tiêu hóa… trong những ngày Tết bận rộn với việc nhà, ăn uống dễ gây khó tiêu, cảm cúm, mệt mỏi.

+ Bạn có thể thư giãn bằng cách đơn giản nhất là đắp mặt nạ trước khi ngủ để làn da luôn hồng hào, xinh xắn.

+ Nếu gia đình chồng ở xa, lại khác vùng miền với thói quen ăn uống khác biệt, bạn có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi vì không hợp khẩu vị. Hãy bù năng lượng bằng những thực phẩm quen thuộc có thể để dài ngày mang theo sẵn trong vali hoặc “cứu nguy” cấp tốc bằng sữa, bánh trái, các loại hạt, ngũ cốc… giàu chất dinh dưỡng khác.

Chúc bạn một năm mới vui vẻ và đón Tết trọn vẹn với vai trò mới của mình.

Xem thêm

Chuẩn bị đón Tết với những bí quyết chăm sóc giày thể thao hiệu quả

Tự tin đón Tết với bài tập thể dục giảm mỡ bụng chỉ mất 15 phút

 

Nhóm thực hiện

Bài: An An

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more