Languishing: Cảm xúc chủ đạo của năm 2021

Đăng ngày:

Thời gian gần đây, nếu bạn cảm thấy tâm trạng của mình luôn lơ lửng, không có cảm xúc đau buồn lẫn hạnh phúc, có thể bạn đang trải qua trạng thái languishing.

Sau hai năm đương đầu với đại dịch COVID-19, cuộc sống chợt trở nên choáng ngợp và nhàm chán cùng một lúc. Chúng ta dần mất đi động lực rời khỏi giường mỗi sáng để thực hiện chuỗi hoạt động lặp đi lặp lại. Những làn sóng thông tin liên tục ập đến khiến chúng ta hoang mang và chật vật với mớ cảm xúc hỗn độn. Song, chúng ta vẫn phải duy trì những gì mình đang có, chẳng hạn như sức khỏe, công việc hay các mối quan hệ. Đó là khi chúng ta rơi vào trạng thái languishing.

Languishing là gì?

Languishing là “đứa con thứ bị lãng quên” của sức khỏe tinh thần. Cảm giác này nằm lửng lơ giữa cảm xúc thăng hoa và tuyệt vọng. Bạn không có triệu chứng của các căn bệnh tâm lý như rối loạn lo âu hay trầm cảm, nhưng tinh thần cũng không hoàn toàn khỏe mạnh. Nói một cách đơn giản, languishing là trạng thái tâm lý uể oải, trống rỗng và thiếu hứng thú với cuộc sống.

Languishing không phải một chứng bệnh, nhưng cũng không vô hại. Languishing kéo giảm động lực và khả năng tập trung của bạn. Bạn không thể phát huy 100% công suất của mình. Vì vậy, mọi việc đều trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đại dịch. Tệ hơn, trạng thái này nếu kéo dài dễ “trượt dốc” thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm trong tương lai.

trạng thái cảm xúc languishing là gì

Ảnh: Pexels / alleksana

Biểu hiện của languishing

Ở mỗi người, languishing biểu hiện khác nhau với các cường độ khác nhau. Nhưng nhìn chung, trạng thái tâm lý này sẽ thay đổi hành vi và cảm xúc của bạn đối với bản thân, mọi người và thế giới. Ví dụ, bạn từ chối tham gia một hoạt động mà bạn vốn yêu thích. Bạn không tìm thấy động lực tham gia, nhưng cũng không hiểu vì sao mình không muốn.

cô gái có cảm xúc lửng lơ

Ảnh: Pexels / Jill Burrow

Một số biểu hiện thường thấy của languishing là:

– Tâm trạng bình bình, không vui cũng không buồn

– Thường xuyên cảm thấy thiếu động lực, thiếu mục đích sống

– Cảm thấy bồn chồn nhưng không quá lo âu

– Khó tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể

– Cảm thấy xa rời cuộc sống, công việc hoặc các mối quan hệ nhưng không phải vì chán ghét

– Không tìm thấy hứng thú với bất cứ điều gì, kể cả đam mê và sở thích trước đây

– Cảm thấy trì trệ, mệt mỏi và kiệt sức

Làm thế nào để vượt qua cảm giác languishing?

Chúng ta vẫn chưa biết khi nào cuộc sống sẽ trở lại bình thường, nhưng cũng không thể mãi trôi nổi trong cảm xúc lửng lơ của languishing. Như đã đề cập, trạng thái tâm lý này nếu kéo dài sẽ để lại các tác động tiêu cực. Vì vậy, chúng ta chỉ còn cách đương đầu với chúng.

Dưới đây là một số việc bạn có thể làm để thoát khỏi cảm giác languishing.

Hãy tập trung

Trong bài viết trên tờ The New York Times, nhà tâm lý học Adam Grant cho rằng trạng thái dòng chảy có thể đưa chúng ta thoát khỏi languishing. Trạng thái dòng chảy xảy ra khi bạn tập trung toàn bộ năng lượng vào việc mình đang làm, đến nỗi quên đi không gian và thời gian. Nó sẽ giúp bạn tránh cảm giác mệt mỏi và duy trì sự hào hứng.

trạng thái dòng chảy có thể khơi lại sự hào hứng và cảm xúc

Ảnh: Pexels / Ron Lach

Tuy nhiên, bạn khó có thể đưa tâm trí vào dòng chảy nếu mất tập trung. Khi giãn cách, dù đã tạm rời xa đồng nghiệp và cấp trên, công việc của chúng ta vẫn bị gián đoạn bởi lũ trẻ và những nhiệm vụ quanh nhà. Vì vậy, bạn cần tạo cho mình những khoảng thời gian liên tục. Hãy loại bỏ mọi tác nhân phân tán để có thể hoàn toàn tận hưởng việc mình làm.

Trải nghiệm các hoạt động mới

Để kích thích khả năng tập trung của não bộ, bạn có thể học thêm gì đó. Có rất nhiều khóa học khác nhau có sẵn trên mạng cho bạn khám phá, từ kỹ năng nấu ăn cho đến kiến thức bổ trợ cho công việc. Trong quá trình học tập, hãy đặt ra những mục tiêu nho nhỏ và hoàn thành chúng. Cảm giác thành tựu luôn đi cùng niềm vui và động lực.

Các hoạt động sáng tạo cũng có tác dụng tương tự. Bạn cũng có thể thử qua liệu pháp nghệ thuật. Đây là liệu pháp giúp bạn khám phá cảm xúc của bản thân mà không cần nói thành lời.

các trải nghiệm mới có thể loại cảm xúc lửng lơ

Ảnh: Unsplash / Roman Melnychuk

Dành thời gian nghỉ ngơi khi có thể

Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng một khi bạn thấy chán nản hoặc không có động lực làm việc, đã đến lúc bạn nên dừng lại và thực sự thư giãn. Bộ não của chúng ta tựa như một cỗ máy vậy. Sau khi làm việc liên tục, nó sẽ trở nên quá nóng. Để nó không “bị hỏng”, chúng ta phải tắt nó đi, để nó nguội xuống, sau đó mới khởi động lại.

Bạn có thể xin nghỉ việc vài ngày hoặc ít nhất là gạt hết công việc sang một bên vào cuối tuần. Vào ngày nghỉ, hãy chỉ làm những việc bạn thích, ví dụ như xem phim hay chơi đùa với thú cưng. Việc này sẽ xua tan cảm giác nặng nề đang chiếm lấy tâm trí bạn. Nhờ đó, bạn có thể quay lại làm việc với một tinh thần hoàn toàn sảng khoái.

dành thời gian nghỉ ngơi giúp loại bỏ cảm xúc languishing

Ảnh: Pexels / Sam Lion

Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên, ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo năng lượng của bạn.

Thay đổi môi trường

Việc “mắc kẹt” trong một môi trường quen thuộc quá lâu có thể đã khiến bạn chán ngán. Vì vậy, bạn nên cân nhắc thay đổi không gian quanh mình.

Bạn có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ, ví dụ như làm việc ngoài ban công thay vì trong phòng ngủ, dời máy tính đến cạnh cửa sổ để ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài… Bạn cũng có thể sơn lại phòng ngủ hoặc cắm hoa tươi trên bàn làm việc.

thay đổi môi trường tạo cảm xúc mới mẻ

Ảnh: Unsplash / Spacejoy

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nếu bạn đã thử qua các phương pháp trên nhưng tâm trạng vẫn không tốt hơn, hãy cân nhắc liên hệ với các chuyên gia trị liệu tâm lý. Các liệu pháp sẽ giúp bạn điều chỉnh các suy nghĩ, hành vi tiêu cực, đồng thời tìm hiểu cách đối phó lành mạnh hơn với trạng thái tinh thần của mình.

tìm chuyên gia giúp đỡ nếu mắc kẹt trong trạng thái cảm xúc languishing

Ảnh: Pexels / Polina Zimmerman

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Uyên

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more