Đây là lý do chúng ta thấy đau lòng khi bộ phim yêu thích kết thúc

Đăng ngày:

Trên mạng xã hội, ta luôn bắt gặp những lời cảm ơn, những bài viết đẫm nước mắt của người hâm mộ khi phải nói lời chia tay với một loạt phim dài mà họ yêu thích. Ngay bản thân mình cũng vậy, ai chẳng có lần buồn bã, đau lòng khi xem xong tập cuối của bộ phim mình đã trung thành ủng hộ suốt mấy năm trời. Có bao giờ bạn tự hỏi lý do đằng sau thứ cảm xúc mất mát mãnh liệt chỉ-vì-một-bộ-phim ấy là gì chưa?

Nửa đầu năm 2019 đã trôi qua một cách khó khăn với nhiều người hâm mộ điện ảnh Âu Mỹ. Người ta sụt sùi ở rạp phim khi chặng đường lịch sử một thập kỷ của vũ trụ Marvel khép lại với Avengers: Endgame (Hồi kết). Người chết lặng, người tức giận đùng đùng với kết cục của series đình đám Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) sau 8 mùa phim. Người ta đau lòng chia tay với “món ăn tinh thần” The Big Bang Theory (Vụ nổ lớn) sau 12 năm theo dõi, với Supernatural (Siêu nhiên) sau 15 phần phim – độ dài kỷ lục của truyền hình Mỹ.

Dàn cast The Big Bang Theory khóc

Đoàn làm phim The Big Bang Theory khóc nức nở trong buổi đọc kịch bản tập phim cuối cùng, khép lại hành trình 12 năm. (Bên trái: Kaley Cuoco vai Penny; Bên phải: Johnny Galecki vai Leonard). Ảnh: Instagram diễn viên.

Sau rất nhiều tập phim, rất nhiều năm tháng gắn bó, khi đi đến hồi kết của một bộ phim, người hâm mộ, diễn viên và cả đoàn làm phim đều có chung cảm xúc: tự hào, biết ơn đi kèm với đau lòng, mất mát. Đó là những phản ứng tâm lý hoàn toàn tự nhiên. Con người có trải nghiệm cảm giác mất mát trước nhiều hình thức truyền thông khác nhau, và đoạn kết của bộ phim yêu thích là một trong số đó.

Dưới đây, các chuyên gia sức khỏe tâm lý sẽ lý giải về nỗi buồn mà người hâm mộ vẫn thường cảm thấy khi bộ phim yêu thích của mình kết thúc.

Bạn có mối liên kết với câu chuyện và nhân vật trong phim

Lý do đầu tiên, hiển nhiên, cho cảm giác đau lòng của bạn khi bộ phim kết thúc là vì có một mối liên kết vô hình đã hình thành giữa bạn với câu chuyện và tuyến nhân vật trong phim. “Cả khi đó chỉ là giả tưởng, con người thực sự quan tâm đến kết cục của bộ phim và trạng thái của nhiều nhân vật khác nhau”, Tiến sĩ tâm lý Brian Kong – chuyên gia nghiên cứu về giao thoa giữa trị liệu tâm lý và văn hóa đại chúng – cho biết.

Mối liên kết cá nhân với câu chuyện và nhân vật hư cấu là lý do vì sao nhiều người thấy cần phải chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của họ về kịch bản và hành động của nhân vật trong phim. Sợi dây liên kết này sẽ còn đặc biệt mạnh mẽ với những bộ phim dài, với các nhân vật được yêu thích và thương nhớ.

Tập 5 trong mùa cuối của Game of Thrones với quyết định gây sốc của “Mẹ Rồng” Daenerys Targaryen được chấm rating cực kỳ thấp, vì rất nhiều khán giả không thể chấp nhận nổi sự thay đổi tính cách nhân vật đột ngột như thế. Hay trailer bộ phim Sonic the Hedgehog (Siêu nhím Sonic) làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tạo hình… gây ác mộng của chú nhím hoạt hình gắn liền với tuổi thơ của nhiều người.

Ký tên kiến nghị làm lại Game of Thrones phần cuối

Hàng triệu người hâm mộ bất bình đã ký tên vào kiến nghị đòi HBO làm lại phần 8 của Game of Thrones với “những biên kịch thạo việc hơn”. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo Tiến sĩ Kong, hai trường hợp trên chứng minh cho sự tồn tại của mối liên kết mạnh mẽ giữa khán giả và bộ phim họ thích. Tình tiết, nhân vật phim là hư cấu, nhưng phản ứng của người xem lại rất thật, rất mãnh liệt, gần như một loại cảm giác chiếm hữu.

Khán giả có quyền chia sẻ ý kiến, cả tích cực lẫn tiêu cực, về sản phẩm truyền thông mà họ tiếp nhận. Phản hồi của khán giả chính là một hình thức khẳng định các bộ phim có khả năng kết nối với khán giả tốt đến mức nào.

Bộ phim là chốn an toàn để bạn trốn thế giới

Nhiều người hâm mộ thấy đau lòng, mất mát khi một bộ phim kết thúc vì với họ, việc thường xuyên theo dõi bộ phim dài kỳ ấy là biện pháp tạm thời trốn khỏi những gì đang xảy ra trong thế giới thực, theo chuyên gia tâm lý Kristen Diou và Anna Zapata từ chương trình podcast Pop Culture Therapists.

“Xem phim là cách chúng ta tách ra khỏi những vấn đề, những rắc rối của chính mình. Chúng ta có thể sống đơn giản hơn, không cần phải suy nghĩ gì cả. Viễn cảnh phải từ bỏ chốn an toàn đó để trở lại thế giới thực có thể trở nên hơi đáng sợ một chút với nhiều người”, Diou nhận định.

Dàn sao Harry Potter khóc trong ngày cuối quay phim

Bộ ba Harry Potter gồm Rupert Grint (vai Ron Weasley), Emma Watson (vai Hermione Granger) và Daniel Radcliff (vai Harry Potter) ôm nhau khóc sau ngày quay phim cuối cùng. Ảnh: Warner Bros.

Một chương trình truyền hình phát sóng đều đặn hàng tuần dần trở thành một điều tốt đẹp, hay ho nhỏ bé trong tuần mà ta có thể trông mong đến, giữa bộn bề công việc phải hoàn thành, bộn bề vấn đề cần giải quyết. Không ai muốn mất đi chốn an yên, vui vẻ riêng tư trong cuộc sống của mình cả, cho dù “nơi chốn” ấy là một con người hay một bộ phim.

Vai trò của một bộ phim quan trọng với bạn đến mức nào còn phụ thuộc vào những gì bạn đang phải đối diện trong thực tế. Cảm thấy đau lòng, mất mát sâu sắc khi phải nói lời chia tay với điều gì đó mình trân trọng là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu nhận thấy các bộ phim hay hình thức truyền thông khác đang dần thay thế vị trí của những mối quan hệ xã hội thông thường, đã đến lúc bạn cần đánh giá và cân chỉnh lại vai trò của chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Độ dài loạt phim là cả một quãng đời đã qua của bạn

Như với Game of Thrones chẳng hạn. Bộ phim đã lên sóng từ năm 2011, có những lúc người hâm mộ phải chờ đợi dài cả cổ vì mấy tháng mới lại có một tập mới để xem. Vô tình hay hữu ý, Game of Thrones cũng đã chiếm lấy một khoảng lớn trong đời sống của người xem, vì vậy mà cảm giác trống vắng, đau lòng khi phim kết thúc là không tránh khỏi.

Theo Tiến sĩ Kong, trong khoảng thời gian dài 8 năm (độ dài của Game of Thrones), 7 năm (độ dài của Pretty Little Liars) hay chỉ 5 năm (độ dài của Breaking Bad), cuộc sống của mỗi khán giả xem phim đều trải qua rất nhiều, rất nhiều biến động, đổi thay. Giữa những chuyển biến không ngừng đó lại tồn tại một hằng số nhất quán không đổi: bộ phim dài kỳ mà chúng ta xem mỗi ngày, mỗi tuần.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Sansa, Thank you for teaching me resilience, bravery and what true strength really is. Thank you teaching me to be kind and patient and to lead with love. I grew up with you. I fell in love with you at 13 and now 10 years on.. at 23 I leave you behind, but I will never leave behind what you’ve taught me. To the show and the incredible people who make it, thank you for giving me the best life and drama lessons I could have ever asked for. Without you I wouldn’t be the person I am today. Thank you for giving me this chance all those years ago. And finally to the fans. Thank you for falling in love with these characters and supporting this show right through till the end. I’ll miss this more than anything.

Bài viết do Sophie Turner (@sophiet) chia sẻ vào

Chính vì vậy mà bộ phim yêu thích trở thành cách chúng ta hồi tưởng về những chuyện đã xảy ra trong nhiều năm qua, suy ngẫm xem cuộc đời mình đã tiến triển thế nào song song với hành trình của bộ phim. “Bộ phim nhắc chúng ta nhớ về dòng chảy của thời gian, về nơi chốn ta đã ngồi xem phim, về những người ta đã xem phim cùng”.

Bạn sẽ nhớ trải nghiệm được xem và bàn luận về bộ phim ấy

Mọi trải nghiệm thực tế khi xem một bộ phim – cho dù nó liên quan đến hội nhóm bạn bè cùng bàn luận về phim, một bữa ăn trong ngày hay truyền thống quây quần xem phim của gia đình – đều góp phần “trầm trọng hóa” sự buồn bã, đau lòng của bạn khi phim kết thúc.

Chuyên gia tâm lý cho rằng các cuộc thảo luận, bàn tán sau mỗi tập phim cũng là nguyên nhân khiến người ta thấy mất mát phần nào khi bộ phim yêu thích không chiếu nữa. “Bộ phim trở thành một dạng trải nghiệm cộng đồng được chia sẻ, như cách mọi người cùng theo dõi một giải thể thao hay sự kiện đặt chân lên mặt trăng chẳng hạn. Chúng ta xem phim theo nhóm, và cho dù có xem một mình thì ta cũng sẽ đưa ra các giả thuyết, phán đoán cùng nhau”, Kong nhìn nhận.

Dù sự xúc động, đau lòng về cái kết của một bộ phim dài tập là chuyện bình thường, nếu bạn cảm thấy đó là nỗi mất mát cực lớn lao và sâu sắc, nhìn nhận lại “chức năng” của bộ phim đó trong cuộc đời mình là việc quan trọng phải làm.

Nhập viện vì khóc không ngừng khi xem Endgame

Báo chí khắp nơi đưa tin về một fan nữ người Trung Quốc phải nhập viện vì khóc không ngừng khi xem Avengers: Endgame. Ảnh: 24h.

Phim ảnh phục vụ như một yếu tố kết nối cộng đồng. Khán giả có thể kết nối với bạn bè để biến việc tụ tập xem phim thành một nghi thức truyền thống của nhóm, hay bước hẳn vào một cộng đồng hoàn toàn mới bằng cách xem một bộ phim mới. Tuy nhiên, nếu phim ảnh đóng vai trò lớn lao hơn nữa và những cảm xúc đau buồn khi phim kết thúc trở nên nghiêm trọng, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải nói chuyện với ai đó, tìm đến những người mình tin tưởng để được giúp đỡ.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Huffpost

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more