7 cách giúp người hướng ngoại “sống sót” trong giai đoạn cách ly
Thời gian vừa qua, vấn đề làm việc tại nhà cũng như hạn chế giao tiếp trong giai đoạn cách ly vì đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn lối sinh hoạt của mọi người, đặc biệt là những người hướng ngoại.
Tại sao cách ly xã hội là “cơn ác mộng” đối với người hướng ngoại?
Theo nhà tâm lý học Carl Jung, sự khác biệt cơ bản giữa hai loại tính cách này bắt nguồn từ cách thức tiếp nhận năng lượng trong cuộc sống. Người hướng ngoại thích nạp đầy khối óc và trái tim thông qua sự tương tác xã hội trong khi người hướng nội cần nhiều thời gian một mình để phục hồi cảm xúc, tái tạo tinh thần. Vậy tại sao người hướng ngoại thích vận động, giao tiếp còn người hướng nội thích trầm ngâm, im lặng? Cấu trúc của bộ não sẽ giúp chúng ta giải đáp câu hỏi này.
Các nhà khoa học cho biết, bộ não của con người chứa 2 chất dẫn truyền thần kinh quan trọng là Dopamine và Acetylcholine.
Dopamine đem lại cảm giác thỏa mãn ngay lập tức khi chúng ta phản ứng linh hoạt, nhanh chóng. Tuy lượng Dopamine trong não của người hướng ngoại và người hướng nội tương đương nhau nhưng người hướng ngoại ít nhạy cảm với Dopamine hơn. Họ cần thêm nhiều Dopamine để cảm thấy vui vẻ, hài lòng. Do đó, những người này thích gặp gỡ, trò chuyện, di chuyển liên tục để tự tạo ra cảm xúc hân hoan, tươi mới. Ngược lại, vì đặc biệt nhạy cảm với Dopamine, người hướng nội cảm nhận rõ ràng sự bất ổn diễn ra bên trong cơ thể khi tương tác quá nhiều. Lượng Dopamine tăng cao sẽ khiến họ mệt mỏi và lo lắng.
Bên cạnh đó, Acetylcholine mang đến cảm giác an toàn, thư thái khi chúng ta dành thời gian chăm sóc bản thân cũng như kết nối với thế giới nội tâm. Người hướng nội luôn cảm thấy được an ủi, vỗ về và bình tâm khi yên tĩnh đọc sách hoặc cần mẫn học tập một mình trong khi người hướng ngoại khó đạt được trạng thái mãn nguyện, thoải mái dưới tác động của Acetylcholine.
Đây là nguyên nhân chính khiến những người hướng ngoại trở nên vô cùng buồn bã, bức bối khi bị mắc kẹt ở nhà nhiều ngày liền trong giai đoạn cách ly này. Họ vốn đã quen thuộc với nhịp sống năng động và tràn ngập sắc màu. Sự xa cách xã hội đã và đang hút cạn nguồn năng lượng tinh thần của họ.
7 bí quyết giúp người hướng ngoại nạp đầy năng lượng tinh thần giữa cơn bão cách ly
1. Gọi điện, nhắn tin, chat video
Tuy không thể so sánh với những cuộc gặp gỡ trực tiếp nhưng việc liên lạc qua điện thoại, tin nhắn, video call đang là phương thức giao tiếp tiện lợi và phổ biến nhất. Đây chính là thời điểm mọi người cần thường xuyên kết nối để nâng đỡ nhau vượt qua những tháng ngày cách ly buồn chán.
Thật tuyệt vời nếu mỗi ngày, chúng ta nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi hỏi han chân tình, ấm áp từ những người thân thương và ngược lại, đúng không nào? Ngoài ra, với đầu óc linh hoạt, nhạy bén, bạn hoàn toàn đủ sức sáng tạo ra nhiều trò vui độc đáo để mang đến hàng tá bất ngờ thú vị cho người thân, bạn bè.
2. Tự chăm sóc bản thân
Trong mùa đại dịch, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải bảo vệ sức khỏe chính mình thật tốt. Điều này bắt nguồn từ sự yêu thương và chăm sóc bản thân nghiêm túc, đúng mực. Bạn nên ăn uống đầy đủ, làm việc điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập luyện thể thao, đắp mặt nạ, tắm bồn thư giãn… Chỉ khi thực sự khỏe mạnh cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, bạn mới đủ sức vượt qua giai đoạn cách ly hiện tại. Hơn nữa, việc cuốn bản thân vào các hoạt động chăm sóc cá nhân có thể giúp bạn tạm quên đi khao khát giao tiếp xã hội đấy.
3. Viết nhật ký
Viết nhật ký cũng là một cách nuôi dưỡng cảm xúc và chữa lành tâm hồn hữu hiệu. Không cần viết về những điều hay ho, hoa mỹ, chúng ta chỉ cần ghi lại các cung bậc cảm xúc hỗn độn cùng những chiêm nghiệm sâu sắc mà mỗi người nhận thấy trong khoảng thời gian đầy ắp biến động vừa qua. Khi bình tĩnh trải lòng cùng con chữ, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thêm nhẹ nhõm và bình yên.
4. Theo đuổi sở thích cá nhân
Chắn hẳn mỗi người đều có rất nhiều sở thích khác nhau nhưng vì bận rộn công việc mà nhiều lần bỏ bê, trì hoãn. Vậy tại sao bạn không tranh thủ tái khởi động mọi dự định dang dở của bản thân trong thời gian này? Vẽ tranh, làm gốm, nấu ăn, xếp giấy, may vá, viết lách, xem phim, yoga, tập thể hình… hãy biến khoảng lặng hiện tại thành một chuỗi ngày hào hứng khi bạn được sống trọn vẹn với những điều mình yêu. Bạn cũng có thể đặt ra thử thách 14 ngày, mỗi ngày đều đăng một thành quả thú vị lên mạng xã hội. Bạn sẽ thấy thời gian trôi nhanh hơn mình tưởng đấy.
5. Kết nối với những người thân yêu qua các chương trình trực tuyến
Hiện nay, có rất nhiều khóa học, tour du lịch, buổi chiếu phim, chương trình biểu diễn đặc sắc và miễn phí trên các nền tảng trực tuyến. Chúng ta có thể rủ rê gia đình, bạn bè cùng học, cùng chơi, cùng thưởng thức nghệ thuật từ xa. Bên cạnh đó, bạn cũng dễ dàng tương tác, chia sẻ, thảo luận với những người thân yêu về các chương trình trực tuyến này. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị và vô cùng độc đáo.
6. Dọn dẹp nhà cửa
Chất lượng của không gian sống ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của mỗi chúng ta. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để mọi người bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Điều này không chỉ đơn thuần giúp ngôi nhà thân yêu thêm sạch sẽ, thoáng mát mà còn là cơ hội tuyệt vời để bạn sắp xếp lại ngăn tủ trái tim, hong khô nỗi buồn cũng như cởi mở đón chào những niềm vui mới. Việc bật một ca khúc sôi động, vui tươi hay gọi điện thoại tâm sự cùng hội bạn thân trong khi dọn dẹp có thể tiếp thêm năng lượng giúp bạn hăng hái hơn đấy!
7. Thiền định
Có lẽ khi đọc đến đây, bạn sẽ đặt ngay câu hỏi: Liệu thiền định có phù hợp với những người hướng ngoại nhanh nhẹn và hoạt bát? Thực ra, đây là bộ môn dành cho tất cả mọi người. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích tinh thần kỳ diệu của phương pháp này.
Những ngày ở nhà tránh dịch, chúng ta có thể lựa chọn một góc ấm áp và yên tĩnh của ngôi nhà để thực tập thiền định. Đối với những người hướng ngoại, ban đầu, đây sẽ là một thử thách tương đối khó khăn. Nhưng xin hãy nhớ rằng, khi xây dựng thành công thói quen thiền định mỗi ngày, bạn sẽ đạt đến sự bình an trong tâm hồn cũng như có khả năng thấu tỏ bản thân.
Tổng hợp: Xuân Mai
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE