Trên hành trình chữa lành, sẽ có những thời khắc bạn cảm thấy mình chững lại, nghi ngờ những nỗ lực đã bỏ ra hoặc bất an trước những cảm xúc tưởng chừng đã được xoa dịu. Thế nhưng, chính những giây phút chông chênh ấy lại là chất liệu cần thiết để tâm hồn lớn lên và trưởng thành hơn theo cách rất riêng.
Đừng quá khắt khe với bản thân mỗi khi bạn cảm thấy không ổn. Bởi chữa lành không nhằm hướng đến một trạng thái hoàn hảo, mà là quá trình trở về với sâu thẳm bên trong để bạn thực sự kết nối với cảm xúc, cơ thể và bản ngã của mình.
Dưới đây là 9 trải nghiệm thường gặp trong quá trình chữa lành. Hãy cùng ELLE khám phá đó là gì nhé!
Mất động lực
Sẽ có những ngày bạn khởi đầu với tinh thần tích cực, cảm thấy tràn đầy năng lượng để viết nhật ký, đi bộ đủ số bước cần thiết, lựa chọn ăn các thực phẩm lành mạnh và duy trì các thói quen chăm sóc cơ thể một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, có những ngày bạn chỉ muốn gác lại mọi thứ.
Bạn có thể cảm thấy bối rối khi không hoàn thành được danh sách công việc của bản thân, khi bỏ lỡ một buổi thiền sáng hoặc khi ăn một bữa không đúng như chế độ đã đặt ra. Tuy nhiên, những khoảnh khắc như vậy không làm giảm giá trị của toàn bộ quá trình.
Trên thực tế, cảm hứng sẽ có tính chu kỳ và không duy trì ở mức ổn định tuyệt đối. Cơ thể con người không được thiết kế để vận hành với cùng một nhịp độ mỗi ngày. Những thay đổi về nội tiết tố, áp lực đến từ công việc hoặc sự mệt mỏi tích tụ về mặt tinh thần đều có thể khiến năng lượng của một người bị suy giảm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn đang từ bỏ nỗ lực của mình. Đó chỉ đơn giản là một lời nhắc rằng bạn cần được nghỉ ngơi. Đồng thời, điều này không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hay thất bại. Trái lại, đó chính là tín hiệu cho thấy cơ thể và tâm trí đang lên tiếng, yêu cầu được nghỉ ngơi và hồi phục.
Cảm giác đầy bụng
Theo y học thần kinh và tâm lý học hiện đại, hệ tiêu hóa và não bộ kết nối chặt chẽ với nhau thông qua trục ruột – não (Gut-Brain Axis). Điều này có nghĩa là khi bạn đang trong trạng thái căng thẳng tâm lý, hồi phục cảm xúc hoặc thay đổi tâm trạng đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu hóa, gây ra cảm giác đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa tạm thời.
Vì vậy, nếu bạn chuyển từ một lối sống cũ sang lối sống lành mạnh hơn, chẳng hạn như tăng cường chất xơ, ăn nhiều rau củ, uống nhiều nước hoặc sử dụng các thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa, cơ thể cần thời gian để thích nghi. Trong quá trình này, hệ tiêu hóa có thể phản ứng bằng cách tạo cảm giác đầy hơi, chướng bụng, đặc biệt nếu bạn từng có chế độ ăn thiếu cân bằng trước đó.
Đối với riêng phụ nữ, cảm giác đầy bụng có thể xuất hiện đều đặn theo chu kỳ kinh nguyệt do sự thay đổi của hormone. Ngoài ra, khi bạn bắt đầu tập thiền, ngủ đủ giấc hoặc quản lý căng thẳng tốt hơn, nội tiết tố trong cơ thể có thể bắt đầu điều hòa trở lại, tạo nên những thay đổi sinh lý tạm thời, trong đó có cả cảm giác đầy bụng.
Không có ngày nào thật sự “hoàn hảo”
Bản chất của chữa lành là một quá trình chuyển động liên tục, không cố định trong khuôn khổ của bất kỳ quy trình nào. Mỗi ngày trôi qua sẽ mang đến những biến động khác nhau về cảm xúc, thể chất và năng lượng. Sẽ có ngày bạn cảm thấy hứng khởi và làm được rất nhiều điều tích cực, nhưng có ngày bạn chỉ có thể làm một việc nhỏ hoặc đơn giản muốn nằm nghỉ ngơi, và điều đó hoàn toàn ổn. Khi bạn chấp nhận trạng thái không hoàn hảo, bạn đang cho mình cơ hội sống một cách không phán xét và từ đó tạo ra một nền tảng ổn định để chữa lành từ bên trong.
Trên hành trình chữa lành, không phải việc bạn thực hiện đủ mọi bước trong ngày như thiền định, ăn uống lành mạnh, vận động nhẹ nhàng hoặc viết nhật ký… sẽ khiến cảm xúc tiêu cực sẽ tự động biến mất. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Kristin Neff, phó giáo sư tại Khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Texas (Mỹ), yếu tố thực sự giúp con người vượt qua khủng hoảng nội tâm không nằm ở sự kỷ luật tuyệt đối mà ở khả năng thực hành lòng từ bi với chính mình.
Thực tế cho thấy bạn không thể duy trì một hình mẫu sống lý tưởng vào mọi thời điểm trong ngày. Ngay cả những cá nhân thường được xem là nguồn cảm hứng tích cực trên mạng xã hội vẫn có lúc cảm thấy kiệt sức, trì trệ hoặc thiếu định hướng trong một số giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, những khoảnh khắc này thường không được chia sẻ công khai, khiến bạn dễ có cảm giác rằng cuộc sống của người khác luôn ổn định, tích cực và trọn vẹn. Khi bạn tin rằng mình cần phải trở thành một phiên bản “đủ tốt” theo những tiêu chuẩn phổ biến trên mạng, điều đó có thể tạo ra áp lực tâm lý không cần thiết và làm xói mòn cảm giác hài lòng với chính mình.
Việc bạn hiểu rõ giới hạn cá nhân và chấp nhận tiến trình phát triển của bản thân bằng thái độ trung thực, thấu hiểu và nhất quán là nền tảng quan trọng giúp duy trì sự ổn định về mặt tinh thần. Thay vì theo đuổi những chuẩn mực không phản ánh đầy đủ thực tế, bạn cần học cách lắng nghe bản thân, điều chỉnh kỳ vọng và chấp nhận rằng mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng. Khi bạn chọn đồng hành với chính mình bằng sự tỉnh táo và nhân ái, hành trình chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ trở nên bền vững và đúng với nhu cầu thực sự của bạn hơn.
Cân nặng thay đổi thất thường
Trong quá trình chữa lành, nhiều người bắt đầu thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và nhịp sinh hoạt với mong muốn cải thiện sức khỏe toàn diện. Tuy nhiên, một điều thường xảy ra là cân nặng không ổn định, có lúc giảm nhẹ, có khi lại tăng lên một vài ký mà không rõ nguyên nhân. Đây không phải là điều bất thường, mà là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước những điều chỉnh từ bên trong.
Cân nặng là một chỉ số dễ dao động do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nội tiết tố, mức độ tích nước, hoạt động của hệ tiêu hóa và chu kỳ sinh học. Đặc biệt ở nữ giới, những thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra hiện tượng giữ nước, khiến trọng lượng cơ thể tăng nhẹ trong vài ngày, sau đó trở lại bình thường. Ngoài ra, những người mới bắt đầu vận động nhẹ nhàng hoặc tập thể dục có thể tích cơ và giữ nước trong cơ bắp nhiều hơn, dẫn đến cảm giác tăng cân dù vóc dáng có thể đã cải thiện.
BÀI LIÊN QUAN
Không chỉ yếu tố thể chất, trạng thái cảm xúc và tâm lý cũng tác động đến cân nặng. Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến hormone cortisol, làm thay đổi cảm giác thèm ăn và khả năng trao đổi chất. Trong những giai đoạn chữa lành tâm lý, cơ thể thường cần thời gian để thiết lập lại cân bằng nội tiết và cảm xúc, do đó những dao động về trọng lượng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Điều đáng lưu ý là cân nặng không phải là thước đo duy nhất phản ánh quá trình hồi phục. Một giấc ngủ sâu, một buổi sáng tỉnh táo, một ngày không còn tự phán xét cơ thể cũng là những tiến bộ rất thực tế nhưng thường bị bỏ qua khi bạn chỉ tập trung vào con số. Khi bạn dành thời gian kết nối lại với chính mình, ăn uống có ý thức, vận động theo khả năng và điều chỉnh suy nghĩ tích cực, cơ thể sẽ từ từ thích nghi và ổn định theo cách riêng. Cân nặng, nếu có thay đổi, nên được xem như một biểu hiện tạm thời chứ không phải là kết luận.
Hoài nghi về bản thân
Có một điều ít ai dám nói ra nhưng chúng ta đều từng trải qua, đó chính là cảm giác ngờ vực chính mình khi bắt đầu một điều mới. Bạn thử tham gia vào một lớp yoga và nhận thấy cơ thể mình lóng ngóng hơn người ngồi bên cạnh. Bạn học cách thiền nhưng tâm trí cứ mãi trôi đi đâu đó. Hoặc, bạn bắt đầu viết nhật ký biết ơn nhưng lại cảm thấy gượng ép và vô nghĩa. Tuy nhiên, dù là vụng về, thiếu tự tin hay thậm chí là bối rối, những cảm giác này đều hoàn toàn bình thường, và là một phần tự nhiên trong quá trình trưởng thành.
Thực tế, không có một khuôn mẫu nào cho hành trình chăm sóc bản thân hay chữa lành. Những phương pháp lan truyền trên mạng xã hội, từ các bài tập thở đến thực hành lòng biết ơn, có thể sẽ hiệu quả với người này, nhưng chưa hẳn sẽ phù hợp với người khác. Điều quan trọng không nằm ở việc bạn đang “làm đúng” hay là không, mà là bạn đang mở lòng, đang khám phá và từng bước đi ra khỏi vùng an toàn của mình.
Đừng để những hình ảnh lung linh trên mạng khiến bạn cảm thấy bản thân tụt lại so với người khác. Những nhà sáng tạo nội dung kia trông thật tự tin khi chia sẻ buổi thiền lúc ban sáng hoặc những bước skincare cẩn thận vào mỗi tối, nhưng bạn lại không nhìn thấy được hành trình họ từng bắt đầu ra sao, từng vấp váp và mất rất nhiều thời gian để hình thành được lối sống tuyệt vời như vậy. Chữa lành không cần phải hoàn hảo từ bước đi đầu tiên, mà nó nên đến từ sự kiên nhẫn và can đảm khi cho phép bản thân mình được học hỏi và sai sót.
Quên uống thực phẩm bổ sung
Có thể bạn vẫn thường bắt đầu buổi sáng với một lọ collagen, một thìa protein pha cùng nước điện giải và vài viên vitamin tổng hợp. Những sản phẩm ấy dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen chữa lành và chăm sóc cơ thể mà bạn luôn tin tưởng. Nhưng rồi có ngày bạn vô tình ngủ quên, vội vã ra khỏi nhà với chiếc bụng đói và chẳng kịp cầm theo thứ gì. Hoặc bạn đi du lịch vài hôm và nhận ra mình đã để quên toàn bộ “kho tàng” dưỡng chất ấy ở nhà. Dù là vì lý do gì, việc đãng trí là chuyện ai cũng có thể gặp phải, và điều đó không có nghĩa là bạn đang bỏ bê bản thân.
Thực phẩm bổ sung, đúng như tên gọi của nó, chỉ đóng vai trò “bổ sung” cho cơ thể của bạn. Chúng không thay thế được một chế độ ăn cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng, cũng không thể giúp bạn có giấc ngủ chất lượng nếu như bạn không chủ động đi ngủ đúng giờ. Vì thế, việc bạn bỏ lỡ một vài ngày hay thậm chí cả tuần không bổ sung những dưỡng chất này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, miễn là bạn vẫn duy trì sự lắng nghe và kết nối với cơ thể của mình.
Xem thêm
•3 thói quen hiệu quả giúp bạn xây dựng “soft life” – phong cách sống cân bằng và hạnh phúc
•Quy tắc 10-10-10: Bí quyết giúp phụ nữ thành công bứt phá trong sự nghiệp
•8 bài học chữa lành sau chia tay từ những người nổi tiếng
Trong hành trình chữa lành, không phải lúc nào bạn cũng cần phải “trả bài” đủ liều và làm theo những công thức. Có những lúc, bạn chỉ cần lùi lại một chút để tự hỏi: “Cơ thể mình đang cần gì nhất lúc này?” Việc tạm dừng một số loại thực phẩm bổ sung, hay bất kỳ bài thực hành chữa lành nào, cũng có thể giúp bạn thoát khỏi tâm lý phụ thuộc, tạo ra khoảng trống cần thiết để bản thân cảm nhận rõ hơn sự thay đổi thực sự từ bên trong. Bởi lẽ, việc chăm sóc bản thân không phải là chạy đua với quy trình, mà là nghệ thuật sống chậm, sống đủ và hài lòng với chính mình.
Không chữa lành theo khuôn mẫu
Từ bao giờ việc chăm sóc bản thân lại trở nên phức tạp và mệt mỏi đến thế? Những chuỗi quy trình kéo dài như dưỡng da 10 bước hay thiền định đúng giờ đã vô tình biến khái niệm chữa lành trở thành một danh sách việc cần làm thay vì một trạng thái tinh thần khỏe mạnh từ bên trong. Khi việc thiền, yoga hay detox trở thành việc “phải làm” thay vì điều bạn muốn làm, có lẽ đã đến lúc bạn cần nhìn lại quan niệm của mình về “self-care”.
Đôi khi, chính việc ngồi xem một bộ phim yêu thích hay dành một buổi tối bên bạn bè, nhâm nhi một ly matcha latte và cười thỏa thích mới là thứ thực sự nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Chăm sóc bản thân không cần phải là một khoảnh khắc thiêng liêng, hay diễn ra trong không gian của tinh dầu và ánh nến. Nó có thể đơn giản, chân thật và gần gũi, miễn là điều đó khiến bạn cảm thấy thư giãn, được là chính mình và thực sự kết nối với cuộc sống.
Chữa lành không đồng nghĩa với việc bạn phải theo đuổi một tiêu chuẩn lý tưởng nào đó. Mỗi người sẽ có một nghi thức riêng để chăm sóc chính mình. Với bạn, đó có thể là một buổi dạo phố, một bản nhạc cũ, hay một cuộc trò chuyện sâu với người thân yêu.
Điều chỉnh hành trình chữa lành cho riêng mình
Sự thay đổi trong năng lượng, nhịp sinh học, hoàn cảnh sống hay những ưu tiên mới có thể khiến bạn không còn hào hứng với những điều từng giúp bạn cảm thấy “tốt” cho bản thân. Có thể bạn sẽ chuyển từ yoga sang chạy bộ, từ chế độ ăn thuần chay sang ưu tiên protein, hoặc từ thói quen dậy lúc 5 giờ sáng sang trân trọng những buổi ngủ sâu và đủ giấc. Những điều này không có nghĩa bạn đang thụt lùi hay lạc lối trên hành trình chữa lành, mà là bạn đang đưa ra những quyết định trưởng thành hơn, biết cách quan sát và lựa chọn điều gì phù hợp với bản thân ở thời điểm hiện tại.
Thay đổi thói quen không đồng nghĩa với sự bất ổn hay tùy hứng, ngược lại, đó là biểu hiện của sự linh hoạt và tỉnh thức. Một nghiên cứu đăng trên Nature Neuroscience vào năm 2020 cho thấy việc làm mới thói quen hằng ngày có thể kích hoạt hoạt động thần kinh, tăng cường cảm giác hạnh phúc và tạo ra sự kết nối tích cực với hiện tại.
Trên hành trình chữa lành, điều quan trọng không phải là duy trì một công thức cố định, mà là biết lắng nghe những thay đổi, cả trong cơ thể lẫn tâm trí.
Nhóm thực hiện
Bài: Tiêu Ngọc
Tham khảo: The Everygirl