Học cách nói “không” với 6 điều sau để xây dựng cuộc sống bình yên

Đăng ngày:

Đối với bạn, bình yên mang dáng hình gì? Là một người bạn yêu thương, một bữa ăn ngon, một căn phòng ấm áp, một quyển sách hay hay tách cà phê thơm lừng vào mỗi sớm thức dậy? Dù bình yên của bạn mang bất kỳ hình thái gì, nó nên xuất phát từ bên trong tâm hồn bạn thay vì hiện hữu ở một người, một vật nào đó.

Khi trong lòng nhiều lo âu, sóng gió, bạn sẽ không thể cảm thấy bình yên, dù có rời xa phố thị đến một vùng đất an lành hay ở bên một người mà bạn trân trọng. Vì thế, bình yên nội tại là điều yếu tố cần thiết để chúng ta tìm được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ những thiền sư hoặc bậc thầy yoga mới có thể đạt được điều đó. Thế nhưng, một cuộc sống bình yên, một tâm hồn tự do, vững chãi sẽ không phải là món quà xa xỉ nếu chúng ta có thể học cách nói “không” với những thói quen tiêu cực dưới đây.

1. Tự nhìn nhận tiêu cực về bản thân

Tôi không thể làm điều này”, “Tôi hoàn toàn thất bại”, “Tất cả là lỗi của tôi’, “Có lẽ mình rất tệ trong mắt mọi người”… là những câu tự đánh giá đầy tiêu cực, phá vỡ sự bình yên và niềm hạnh phúc nội tại của bạn. Cách chúng ta nhìn nhận và tự trò chuyện với chính mình sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bản thân. Càng nói rằng mình không thể làm điều gì đó, bạn sẽ càng có xu hướng tin vào nó. Một cách vô tình, theo thời gian, bạn đã trở thành kẻ bắt nạt tồi tệ nhất của chính cuộc đời mình.

Vì vậy, dù sẽ mất nhiều thời gian nhưng đã đến lúc bạn cần điều chỉnh lại thói quen này. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đối xử tử tế với bản thân hơn, thay thế những ý nghĩ tiêu cực bằng những lời tự khẳng định tích cực như: : “Mình sẽ làm được, “Mình đã có thêm kinh nghiệm sau lần thất bại này”, “Cảm xúc chỉ là nhất thời”, “Mình đã rất tuyệt vời theo cách của riêng mình”…

bình yên cuộc sống

Ảnh: Unsplash/Jubéo Hernandez

Bạn cũng có thể tự phản biện lại những lời nói tiêu cực đang xuất hiện trong tâm trí. Hãy tự hỏi nguyên nhân vì đâu lại có ý nghĩ này, điều đó có hoàn toàn đúng với bản thân bạn hay không. Phần lớn những lời tự nhìn nhận tiêu cực về bản thân thường là sự cường điệu, vì vậy, việc tự phản biện chính mình sẽ có thể giúp bạn loại bỏ tác động tai hại từ những ý nghĩ ấy.

Ngoài ra, bạn cũng nên dành thêm thời gian để trau dồi kiến thức, khám phá những thế mạnh của bản thân và học thêm một kỹ năng mới. Khi bản thân ngày càng phát triển, những ý nghĩ tiêu cực trong bạn cũng sẽ dần lùi về phía sau. Nhân vô thập toàn, con người không ai là hoàn hảo. Vì vậy, bạn không nên quá khắc nghiệt với bản thân, đừng để những điều tiêu cực phá vỡ sự bình yên bên trong bạn.

2. Những mối quan hệ độc hại

Doanh nhân người Mỹ Jim Rohn đã từng nói rằng: “Bạn là trung bình cộng của năm người mà bạn dành nhiều thời gian ở cùng với họ nhất”. Bạn thường tiếp xúc nhiều với kiểu người nào, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng và có xu hướng dần trở nên giống với kiểu người ấy.

tìm lại bình yên

Ảnh: Unsplash/Katharina Roehler

Chúng ta ai cũng muốn có cho mình những mối quan hệ chân thành, lâu dài và tốt đẹp. Nhưng việc gặp phải các mối quan hệ độc hại, kém lành mạnh cũng là điều không thể tránh khỏi. Bất kỳ mối quan hệ nào khiến bạn dần cảm thấy tồi tệ hơn là cảm thấy tốt lên đều là mối quan hệ độc hại. Đây có thể là những mối quan hệ lãng mạn, nhưng cũng có thể là tình bạn, đồng nghiệp và thậm chí cả thành viên trong gia đình. Họ không ủng hộ những ước mơ, mục tiêu, dự định của bạn, không cảm thấy hạnh phúc vì những thành tựu mà bạn đạt được. Các mối quan hệ độc hại cũng có thể khiến bạn cảm thấy như đang kiệt sức, nghi ngờ giá trị cũng như khả năng của bản thân. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc hạn chế tiếp xúc hoặc chấm dứt những mối quan hệ này để bảo vệ đời sống sức khỏe tinh thần của chính mình. 

Đôi khi, từ bỏ cũng là cách để chúng ta tự yêu thương bản thân. Nếu chúng ta biết ưu tiên cảm xúc của bản thân hơn một chút, trân trọng tình cảm của chính mình hơn một chút, có lẽ sẽ không một ai có thể làm tổn thương chúng ta theo cách mà họ muốn.

3. So sánh bản thân với người khác

Con người thường có tâm lý so sánh bản thân với một ai đó khi thấy đối phương có nhiều điểm tốt hơn mình. Nếu việc so sánh được áp dụng một cách tích cực và mang tính xây dựng, nó sẽ giúp bản thân có thêm động lực để học hỏi và phát triển mỗi ngày. Thế nhưng, nếu bạn thường tự cho rằng mình kém cỏi và cảm thấy tự ti trước cuộc sống hoàn hảo của những người xung quanh, có lẽ bạn đã để sự so sánh ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân. Có thể nói, sự so sánh lúc này đã cướp đi niềm vui và sự bình yên trong tâm hồn bạn.

Đặc biệt hơn, trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, con người càng dễ rơi vào cái bẫy của sự so sánh hơn bao giờ hết khi ai cũng đều cố xây dựng cho mình một vỏ bọc hoàn hảo. Tuy nhiên, mạng xã hội chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chúng ta thường chỉ thể hiện những điều mà bản thân muốn cho người khác thấy và sau chiếc màn hình điện thoại, ai cũng đều phải đối diện với những vấn đề của riêng mình trong cuộc sống.

ngưng so sánh để bình yên trong cuộc sống

Ảnh: Unsplash/Klara Kulikova

So sánh bản thân với người khác cũng đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ qua cả quá trình nỗ lực không ngừng của bản thân, những tiến bộ mà bạn đạt được cùng những năng khiếu và tài năng độc đáo giúp bạn trở nên khác biệt. Vì vậy, thay vì cứ mãi so sánh bản thân với mọi người, bạn có thể từ bỏ thói quen này bằng cách tập trung nhiều hơn vào con đường phát triển của riêng mình. Khi càng tập trung vào bản thân, bạn sẽ thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn, nhiều niềm vui hơn và thành tựu của người khác cũng dần trở nên ít quan trọng hơn.


Xem thêm

• BTV ELLE gợi ý những loại cây cảnh phong thủy thúc đẩy năng lượng tích cực trong cuộc sống

• 5 sự kiện trong cuộc sống giúp bạn thức tỉnh tâm linh

• 7 nỗi trăn trở trong cuộc sống chỉ người hướng nội mới hiểu


4. Thói trì hoãn

Có lẽ tất cả chúng ta đều đã từng gặp phải tình huống này: bạn có một nhiệm vụ phải hoàn thành, nhưng bằng cách nào đó, bạn lại say sưa xem một bộ phim truyền hình dài tập hoặc dành thời gian cho việc lướt mạng xã hội. Có thể thấy, trì hoãn là một thói quen xấu mà ai trong chúng ta cũng nhiều lần mắc phải.

Sự trì hoãn không chỉ là biểu hiện của sự  lười biếng hay thiếu kỷ luật, nó còn là cách để chúng ta tránh đối mặt với những điều khiến bản thân khó chịu hoặc lo lắng. Thế nhưng, việc trốn tránh, trì hoãn sẽ không giúp vấn đề của bạn được giải quyết, nó vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện trong tâm trí và dần khiến bạn cạn kiệt năng lượng sống. 

giá trị của sự bình yên

Ảnh: Unsplash/Євгенія Височина

Bạn có thể bắt đầu chinh phục sự trì hoãn bằng cách thừa nhận nó. Sau đó, bạn có thể tự hỏi bản thân tại sao lại muốn trì hoãn công việc này để tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết. Đôi khi, vấn đề không nằm ở nhiệm vụ công việc mà nằm ở suy nghĩ của chính chúng ta. Bên cạnh đó, việc tìm ra ý nghĩa của công việc đang thực hiện cũng là cách để bạn ngưng thỏa hiệp với tính trì hoãn. Bạn có thể viết ra lý do tại sao điều đó lại quan trọng, như hoàn thành đúng giờ sẽ có ích cho người khác hoặc tránh những hậu quả gì. Làm như vậy sẽ giúp bạn cảm thấy gắn bó hơn với công việc và ít có khả năng trì hoãn hơn. Cuối cùng, đừng quên tự thưởng cho bản thân mỗi khi hoàn thành xong một kế hoạch nào đó. Việc này sẽ giúp bạn có thêm động lực làm việc và phấn đấu nhiều hơn trong tương lai.

5. Ôm đồm quá nhiều thứ

Đôi khi, vì muốn làm hài lòng người khác, ta thường chọn nói “có” với tất cả mọi lời mời, dự án hoặc yêu cầu giúp đỡ. Để rồi trong quá trình nỗ lực mang lại niềm vui cho mọi người, chúng ta lại quên mất hạnh phúc của chính mình.

Những người luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người thường được đánh giá là một người hào phòng và tốt bụng, nhưng việc ôm đồm quá nhiều việc để giúp người khác hạnh phúc có thể khiến bản thân cảm thấy kiệt sức và căng thẳng. Vậy nên, đừng cố làm hài lòng tất cả mọi người, điều này có thể khiến bản thân rơi vào hoàn cảnh khó khăn và nhận về phần thiệt thòi. Nói “không” với người khác cũng có nghĩa là nói “có” với chính mình.

ôm đồm khiến bạn không bình yên

Ảnh: Unsplash/Kailey Sniffin

Bạn có thể bắt đầu bằng việc thiết lập ranh giới rõ ràng, nếu có ai đó yêu cầu trợ giúp quá nhiều, hãy cho họ biết rằng điều đó đã vượt quá giới hạn những gì bản thân bạn sẵn sàng đảm đương, nêu rõ bạn có thể giúp gì và không thể giúp gì. Thay vì nói “có” ngay lập tức, hãy cho bản thân thời gian suy nghĩ thật kỹ xem mình có thực sự muốn nhận công việc này hay không. Bạn cũng nên tập nói không với những yêu cầu bản thân không muốn và mạnh dạn bày tỏ ý kiến ​​của mình, kể cả bằng văn bản hay lời nói. Ban đầu bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi từ chối những lời mời hoặc cơ hội, nhưng điều đó là cần thiết để lấy lại sự bình yên nội tại cho chính bạn.

Nếu việc làm hài lòng tất cả mọi người khiến bạn gặp khó khăn trong việc theo đuổi hạnh phúc của riêng mình thì đó không phải là một điều tốt. Vì vậy, đừng quên dành thời gian cho những kế hoạch riêng và đặt ưu tiên này lên trên việc làm hài lòng tất cả mọi người. Bạn luôn xứng đáng có thời gian cho dành cho chính mình. Chúng ta không thể làm cho cả thế giới thích mình, cũng giống như việc mình cũng không thể thích tất cả mọi người.

6. Quá cầu toàn

Đối với nhiều người, tính cầu toàn luôn là một điểm cộng trong công việc. Nó là động lực giúp bạn làm việc chăm chỉ và phấn đấu hết sức cho những mục tiêu của bản thân. Tuy nhiên, việc theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo hoặc cầu toàn quá mức có thể sẽ là một sợi dây vô hình khiến chúng ta mắc kẹt tại chỗ, không thể tiến về phía trước. Đôi lúc, việc phấn đấu đạt đến sự hoàn hảo có thể không khiến chúng ta cảm thấy thành công hơn, thay vào đó nó lại khiến ta luôn cảm thấy thiếu thốn và không bao giờ hài lòng về những kết quả mà mình đã đạt được. Khi không biết đủ, tâm trí chúng ta sẽ không thể nào bình yên và vui vẻ.

cô gái tận hưởng cuộc sống bình yên từ bên trong

Ảnh: Unsplash/Raphael Nast

Từ bỏ lối sống cầu toàn không đồng nghĩa bạn phải từ bỏ mục tiêu của mình, điều đó có nghĩa là bạn đã tìm được cách thức lành mạnh hơn, cân bằng hơn để tiếp tục theo đuổi ước mơ của bản thân. Trước tiên, bạn nên dành thời gian xác định lại các tiêu chuẩn của bản thân. Thay vì hướng tới những điều không thể đạt được, bạn có thể tập trung phấn đấu để khắc phục những điểm yếu và tiến bộ hơn từng ngày. Sau đó, hãy nâng niu và ăn mừng cho những chiến thắng nhỏ của mình, học hỏi từ những thất bại, luôn nhắc nhở bản thân rằng mình đang trong quá trình hoàn thiện và điều đó hoàn toàn ổn. Buông bỏ sự hoàn hảo, bạn cũng sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống, những điều mà bấy lâu nay bạn đã nhiều lần bỏ lỡ, vì mải mê theo đuổi những mục tiêu của riêng mình. Càng đơn giản, chúng ta sẽ càng hoàn thiện.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Tham khảo: Hack Spirit

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more