Lifestyle / Bí quyết sống

11 điều bạn nên hạn chế chia sẻ nơi công sở để tránh rước họa vào thân

Trong môi trường công sở, giao tiếp là cầu nối nhưng đồng thời có thể trở thành “ngòi nổ” của những hiểu lầm không đáng có. Việc bạn chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ hay đời sống cá nhân với đồng nghiệp là điều rất đỗi tự nhiên, thế nhưng, chia sẻ đúng người, đúng thời điểm và đúng nội dung sẽ thể hiện kỹ năng ứng xử tinh tế. Vì đôi khi, chính sự kín đáo và biết giữ lại cho mình một phần riêng tư lại là cách giúp bạn thể hiện sự thông minh và bản lĩnh của mình tại nơi làm việc.

Môi trường công sở vốn là một hệ sinh thái thu nhỏ. Tại đây, sự chuyên nghiệp không chỉ thể hiện qua năng lực chuyên môn mà còn nằm ở cách bạn kiểm soát lời nói, thái độ và những điều bạn chọn để chia sẻ. Có những điều tưởng chừng như vô thưởng vô phạt khi bạn nói ra, nhưng trong bối cảnh đầy tính kết nối và quan sát dày, chúng hoàn toàn có thể trở thành lý do khiến bạn trở thành tâm điểm của sự chú ý, gây ảnh hưởng không ít đến hình ảnh cá nhân và chặng đường phát triển sự nghiệp của bạn sau này.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện 11 điều nên hạn chế chia sẻ nơi công sở để vừa giữ được sự gần gũi và an toàn cho bản thân trong giao tiếp, vừa duy trì được mối quan hệ lành mạnh với đồng nghiệp.

1. Thông tin về mức lương và chế độ đãi ngộ

Cô gái công sở
Ảnh: Pexels/Andrea Piacquadio

Mức lương là vấn đề nhạy cảm và mang tính cá nhân cao. Dù bạn hài lòng với thu nhập cá nhân hiện tại hay đang cảm thấy chưa nhận được mức đãi ngộ xứng đáng, việc chia sẻ thông tin này với đồng nghiệp hiếm khi mang lại kết quả tích cực. Trong một môi trường nhiều cạnh tranh ngầm như công sở, con số bạn tiết lộ có thể vô tình tạo nên sự so sánh, đố kỵ hoặc những cảm xúc không thoải mái, dù đối phương không thể hiện ra.

Không chỉ vậy, một vài tổ chức còn coi thông tin về mức lương là bí mật nội bộ và việc lan truyền có thể vi phạm chính sách của công ty. Thay vì bàn luận về mức lương và chế độ đãi ngộ với đồng nghiệp, bạn nên trao đổi trực tiếp với phòng nhân sự hoặc cấp quản lý nếu có mong muốn điều chỉnh hoặc thắc mắc chính đáng.

Giữ kín mức lương đôi khi không có nghĩa là thiếu cởi mở, đây là cách để bạn bảo vệ sự chuyên nghiệp, công bằng và những mối quan hệ tốt đẹp nơi làm việc.

2. Tiền sử bệnh lý chi tiết

Sức khỏe luôn là một phần quan trọng trong cuộc sống, và đôi khi việc chia sẻ về những vấn đề sức khỏe cá nhân có thể giúp bạn cảm thấy được thấu hiểu, cảm thông. Tuy nhiên, trong môi trường công sở, việc tiết lộ quá nhiều về tiền sử bệnh lý, đặc biệt là các bệnh mãn tính, bệnh liên quan đến tinh thần hoặc những tình trạng sức khỏe đặc biệt có thể khiến người khác nhìn bạn dưới góc nhìn khác đi. Một số đồng nghiệp có thể vô tình lo lắng về khả năng làm việc lâu dài của bạn hoặc xuất hiện những suy đoán không cần thiết. Không ít trường hợp, các thông tin mang tính chất cá nhân như vậy được truyền tai nhau và trở thành chủ đề bàn tán dù bạn chỉ chia sẻ với một vài đồng nghiệp “thân thiết”.

3. Bàn tán về người khác

Cô gái mặc quần áo phong cách công sở
Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Những cuộc trò chuyện trong giờ nghỉ trưa hay hành lang văn phòng dễ dàng trở thành nơi khởi đầu cho những câu chuyện bên lề. Một vài lời nhận xét về đồng nghiệp, một mẩu tin chưa xác thực nghe được từ đâu đó tưởng chừng chỉ là chuyện phiếm vô hại, nhưng nếu không cẩn thận, bạn có thể vô tình trở thành “người mang chuyện” và điều đó chưa bao giờ đem lại hiệu ứng tích cực nơi công sở.

Bàn luận về ai đó, dù nhẹ nhàng hay gay gắt, đều dễ làm tổn hại đến uy tín của người bị nhắc đến, đồng thời làm xói mòn niềm tin người khác dành cho chính bạn. Bởi lẽ, khi bạn sẵn sàng nói về người khác sau lưng thì chẳng ai chắc chắn rằng bạn sẽ không làm điều tương tự với họ. Hơn thế nữa, những lời bàn tán thường không dừng lại ở mức độ tán gẫu, chúng có thể bị hiểu sai, bị thêm thắt những chi tiết không đúng sự thật và cuối cùng trở thành mồi lửa cho những hiểu lầm, rạn nứt không đáng có trong tập thể nội bộ.

Giữ một thái độ tôn trọng, trung lập và không tham gia vào các cuộc nói chuyện mang tính đàm tiếu không chỉ giúp bạn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp mà còn thể hiện sự trưởng thành và đáng tin cậy trong mắt đồng nghiệp. Ở nơi công sở, việc giữ im lặng đúng lúc có giá trị hơn rất nhiều so với những lời nói không cần thiết.

4. Than phiền quá nhiều về công việc

Cảm giác mệt mỏi, áp lực hoặc chưa hài lòng với một vài khía cạnh nào đó trong công việc là những điều vô cùng dễ hiểu đối với người làm công sở. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên than phiền về sếp, quy trình làm việc, đồng nghiệp hay chính công ty của mình thì điều đó rất dễ khiến bạn trở nên tiêu cực trong mắt người khác.

Những lời phàn nàn lặp đi lặp lại không chỉ làm giảm tinh thần làm việc chung mà còn có thể khiến đồng nghiệp cảm thấy nặng nề, ngại tiếp xúc hoặc dần xa lánh bạn. Tệ hơn, nếu những lời than vãn ấy đến tai cấp trên hoặc bị hiểu lầm, bạn hoàn toàn có thể bị đánh giá là thiếu tinh thần hợp tác hoặc không còn cam kết gắn bó với tổ chức.

Thay vì nói về những điều khiến bạn không hài lòng theo cảm tính, bạn có thể chọn cách góp ý mang tính chất xây dựng thông qua các kênh phù hợp như những cuộc họp nhóm, buổi phản hồi định kỳ hoặc trao đổi riêng với cấp trên. Đây là cách thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm và khát khao cải thiện môi trường làm việc một cách tích cực. Giữ thái độ cầu thị và tinh thần chủ động sẽ giúp bạn tạo dựng được hình ảnh của một người đi làm có bản lĩnh, biết lắng nghe, biết điều chỉnh và biết chọn đúng thời điểm để chia sẻ.

5. Giá trị của các khoản chi tiêu, mua sắm cá nhân

Việc vừa sắm được hoặc đầu tư một món đồ giá trị cho bản thân có thể khiến bạn cảm thấy hào hứng muốn chia sẻ. Tuy nhiên, môi trường công sở không phải lúc nào cũng là không gian phù hợp cho những câu chuyện liên quan đến tiền bạc, đặc biệt là những khoản chi tiêu mang tính cá nhân và có giá trị lớn.

Dù bạn chỉ muốn chia sẻ một cách vô tư, người nghe đôi khi vẫn có thể cảm thấy không thoải mái, nhất là nếu họ đang ở trong hoàn cảnh tài chính khó khăn hoặc có lối sống tiết kiệm hơn. Thậm chí, một số người còn có thể đánh giá bạn là người khoe khoang, sống hình thức hay không thực tế, dù bạn không hề có ý đó.

Tiền bạc vốn là chủ đề rất riêng tư, dễ tạo ra cảm giác so sánh và khoảng cách. Vì vậy, việc giữ kín những khoản chi tiêu cá nhân là một cách thể hiện sự tinh tế và tôn trọng không gian chung. Thay vì kể về giá trị của món đồ, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ niềm vui khi được sở hữu hoặc trải nghiệm chúng một cách nhẹ nhàng và ý nhị hơn. 


Xem thêm

Trắc nghiệm: Vị bánh Trung Thu yêu thích tiết lộ điều gì về tính cách của bạn ở chốn công sở?

5 phong cách lắng nghe giúp bạn giao tiếp hiệu quả nơi công sở

6 dấu hiệu “cờ đỏ” chốn công sở bạn nên biết


6. Những câu chuyện đời tư

Mỗi người đều có một cuộc sống riêng bên ngoài văn phòng với những câu chuyện tình yêu, gia đình, niềm vui lẫn những lúc khó khăn. Thỉnh thoảng chia sẻ một chút về cuộc sống cá nhân có thể giúp gắn kết và tạo cảm giác gần gũi hơn với đồng nghiệp. Tuy nhiên, khi những chia sẻ của bạn trở nên quá sâu sắc, quá riêng tư như chuyện tình cảm phức tạp, mâu thuẫn trong gia đình hay các vấn đề nhạy cảm về đời sống cá nhân, bạn nên cân nhắc thật kỹ.

Không phải ai cũng đủ thân thiết hoặc đủ tinh tế để đón nhận những điều bạn bộc bạch một cách trọn vẹn và không phán xét. Đôi khi, những thông tin bạn nghĩ chỉ là tâm sự đơn thuần có thể bị hiểu sai hoặc trở thành đề tài bàn tán sau lưng. Điều này vừa khiến bạn tổn thương, vừa làm giảm sự tôn trọng từ người khác.

Công sở không phải là nơi bắt buộc bạn phải giấu kín mọi điều, nhưng cũng không phải là nơi để “trút hết nỗi lòng”. Giữ cho mình một khoảng không gian riêng vừa đủ không chỉ giúp bạn cảm thấy an toàn hơn mà còn thể hiện sự khéo léo trong cách cư xử. Có những điều chỉ nên được chia sẻ ở những không gian đáng tin cậy hơn. Sự tiết chế đôi khi không khiến bạn trở nên xa cách, mà ngược lại, giúp bạn giữ được sự thanh lịch và đáng tin trong mắt người khác.

7. Quan điểm chính trị hoặc tôn giáo

Chính trị và tôn giáo là những chủ đề gắn liền với niềm tin cá nhân sâu sắc và cũng là hai lĩnh vực dễ chạm đến những khác biệt trong quan điểm, thế giới quan hoặc trải nghiệm sống của mỗi người. Việc bạn có chính kiến rõ ràng hay tín ngưỡng riêng là điều hoàn toàn bình thường và đáng trân trọng. Tuy nhiên, môi trường công sở không phải lúc nào cũng là nơi phù hợp để bày tỏ hay thảo luận sâu về những vấn đề này.

Bởi lẽ, dù bạn không có ý tranh luận, những ý kiến liên quan đến chính trị hoặc tôn giáo rất dễ làm nảy sinh sự bất đồng, khó xử hoặc vô tình khiến người khác cảm thấy bị phán xét hay không được tôn trọng. Đặc biệt, nếu cuộc trò chuyện diễn ra trước mặt nhiều người hoặc trong những không gian mang tính chất chuyên nghiệp, điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến không khí chung và sự gắn kết trong tập thể.

Tốt nhất, bạn nên giữ những cuộc trao đổi về chủ đề này trong phạm vi riêng tư, với những người thực sự thân thiết và cởi mở. Tôn trọng sự đa dạng trong suy nghĩ, niềm tin và lựa chọn sống của người khác chính là biểu hiện rõ nhất của sự văn minh và trưởng thành nơi làm việc.

8. Những thay đổi lớn trong đời sống cá nhân

Cô gái làm văn phòng
Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Cuộc sống là một hành trình không ngừng biến chuyển. Ai trong chúng ta cũng sẽ trải qua những cột mốc đầy cảm xúc như chuyển nhà, chia tay, kết hôn, có con, hay thay đổi lối sống vì lý do sức khỏe hoặc cá nhân… Những giai đoạn này đôi khi mang theo cả sự hứng khởi lẫn những chông chênh âm thầm. Và trong lúc cảm xúc còn đang ngổn ngang, việc chia sẻ với ai đó nơi công sở có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn, nhưng không phải lúc nào đây cũng là một lựa chọn an toàn.

Không phải đồng nghiệp nào cũng đủ gần gũi để thấu hiểu hoặc giữ kín điều bạn kể. Có người sẽ cảm thông, nhưng cũng có người vô tình đánh giá bạn qua lăng kính thiếu ổn định, cảm tính hoặc mất tập trung trong công việc. Thậm chí, những câu chuyện tưởng như cá nhân ấy có thể bị lan truyền và diễn giải theo nhiều chiều hướng khác nhau – điều chắc chắn bạn không mong muốn.

9. Hồ sơ mạng xã hội

Trong thời đại số, việc sở hữu một blog cá nhân, kênh TikTok hay hồ sơ mạng xã hội như Facebook, Instagram, X (Twitter)… là điều rất phổ biến. Đây là nơi để bạn thể hiện cá tính, chia sẻ suy nghĩ, sở thích và những lát cắt đời sống. Tuy nhiên, dù mạng xã hội là không gian của riêng bạn, những gì bạn đăng tải vẫn có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn nơi công sở, đặc biệt nếu nội dung đó có thể bị hiểu sai hoặc lan truyền trượt khỏi vòng kiểm soát.

Việc chia sẻ quá nhiều về các hoạt động cá nhân, các phát ngôn bộc phát hay quan điểm nhạy cảm lên mạng xã hội có thể khiến bạn trở thành đề tài bàn tán hoặc bị đánh giá là thiếu thận trọng, thiếu chuyên nghiệp. Một vài tổ chức còn có thể xem xét nội dung mạng xã hội của ứng viên hoặc nhân viên như một phần trong quá trình đánh giá.

Bên cạnh đó, việc mời đồng nghiệp hoặc sếp theo dõi tài khoản cá nhân cũng nên được cân nhắc kỹ lưỡng vì không phải ai cũng phù hợp để trở thành “bạn trên mạng” của bạn, đặc biệt là khi bạn muốn giữ ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống cá nhân.

10. Những cuộc vui bên lề công việc

Cô gái có gu thời trang công sở
Ảnh: Pexels/Tima Miroshnichenko

Ai cũng cần khoảng thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng. Việc bạn dành cuối tuần để đi chơi, tụ họp bạn bè hay tham gia tiệc tùng là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chia sẻ quá chi tiết về những cuộc vui “quá đà” như say xỉn hay những tình huống khó kiểm soát có thể khiến hình ảnh của bạn trong mắt đồng nghiệp trở nên thiếu nghiêm túc và kém chuyên nghiệp.

Mỗi môi trường công sở đều có một mức độ kỳ vọng nhất định về sự chỉn chu, đặc biệt là đối với những người làm việc trong vai trò có trách nhiệm cao hoặc vị trí ảnh hưởng đến người khác. Khi bạn chia sẻ về một vài trải nghiệm mất kiểm soát, điều đó không chỉ làm giảm niềm tin của người khác vào khả năng làm việc của bạn mà còn có thể vô tình tạo ra khoảng cách trong quan hệ đồng nghiệp.

11. Những lời nói nhạy cảm và mang tính phân biệt về giới tính, chủng tộc

Trong giao tiếp thường ngày nơi công sở, đôi khi một câu nói bông đùa, một lời nhận xét tưởng chừng vô hại lại có thể mang theo hàm ý gây tổn thương, đặc biệt là khi chạm đến những chủ đề nhạy cảm như chủng tộc, giới tính, ngoại hình, xuất thân hay quan điểm cá nhân. Dù bạn không cố ý, người nghe vẫn có thể cảm thấy không thoải mái, bị đánh giá hoặc thậm chí là bị xúc phạm.

Môi trường công sở hiện đại ngày càng đề cao sự đa dạng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, những câu nói mang tính phân biệt, hàm ý miệt thị hoặc đùa cợt về nền văn hóa, tôn giáo, xu hướng tính dục… không chỉ thiếu tinh tế mà còn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân và mối quan hệ đồng nghiệp. Trong một số tổ chức, những phát ngôn như vậy có thể vi phạm quy tắc ứng xử và dẫn đến hậu quả kỷ luật.

Nhóm thực hiện

Bài: Thiên Thanh

Tham khảo: Whatishumanresource.com

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)