Có ai từng cảm thấy “sợ gần gũi” với người mình yêu?
Sự gần gũi không đơn thuần chỉ là về mặt thể xác, đây còn là chất xúc tác vô cùng tuyệt vời trong tình yêu.
Trong tình yêu, sự gắn kết luôn hiện hữu. Bạn yêu càng lâu, mức độ gần gũi lại càng được thắt chặt. Thế nhưng, không phải tất cả mọi người đều cảm thấy dễ dàng trong việc thể hiện cảm xúc và đặc biệt hơn khi phải mở lòng mình cho một ai đó. Với một số người, đây là kết quả của nỗi ám ảnh tâm lý. Số khác vì trải qua tuổi thơ không mấy hạnh phúc nên họ dường như “lãnh cảm” với loại tình cảm thiêng liêng này. Cũng có trường hợp, vì họ từng là nạn nhân của nạn xâm hại từ thuở bé nên sự kết nối với người thương bỗng chốc khó khăn hơn bao giờ hết.
Xuất phát từ sự căng thẳng, lo âu
Hal Shorey, nhà tâm lý học đến từ bang Pennsylvania từng phát biểu trên tạp chí Psychology Today rằng có đến 17% số người phương Tây cảm thấy lo âu mỗi khi gần gũi với đối phương và họ chọn cách hạn chế tiếp xúc với người mình yêu nhiều nhất có thể. Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ tâm lý người Anh, Perpetua Neo cho rằng nỗi sợ hiếm gặp này có thể xuất phát từ suy nghĩ phải thật hoàn hảo trước đối phương và trong khi “vật lộn” với mớ cảm xúc hỗn độn trong đầu, họ không thể bày tỏ cảm xúc thật sự của mình. Cụ thể hơn, trong khi nghĩ rằng mình sẽ có những giờ phút vô cùng tuyệt vời cùng người yêu, trao nhau cái ôm ấm áp hay gửi cho nhau nụ hôn lãng mạn thì bên cạnh đó, một phần tâm trí họ lại cự tuyệt và cho rằng sẽ thật sai trái nếu mình bày tỏ tình cảm bằng phương thức ấy. Nói cách khác, họ có thể được xem là “nạn nhân” của chủ nghĩa hoàn hảo.
Bên cạnh đó, Perpetua cũng cho rằng quá khứ là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến nỗi sợ gần gũi của đa số người dân hiện nay. Đối với những ai từng trải qua thời thơ ấu bị đối xử tệ bạc hay bị lạm dụng, trong tâm trí họ thường có suy nghĩ “mình không xứng đáng có được tình yêu này” hay “mình không quen với việc được ai đó yêu thương”.
Nỗi sợ được hình thành từ nền giáo dục
“Luôn có một hình mẫu nhất định để chúng ta dựa vào đó và giao tiếp với những người mình thương yêu. Nếu bạn sống trong một gia đình hạnh phúc và tình yêu thương giữa các thành viên là điều tất yếu, thì bạn sẽ có cách đối đãi tương tự với đối phương. Ngược lại, nếu bạn bị xem thường và luôn trong tình trạng thiếu thốn tình cảm, tự khắc bạn sẽ trở nên rụt rè khi bước vào tình yêu thật sự” – Bác sĩ Perpetua lý giải. Sự gần gũi chúng ta đang đề cập không chỉ đơn giản là giao tiếp với nhau, đó là chuyện trò đúng nghĩa; không phải đơn thuần là sự đụng chạm xác thịt mà ý nghĩa và đặc biệt hơn khi bạn có thể thức dậy cùng người mình yêu thương.
Khi họ không được trân quý
Phụ nữ luôn là người yếu đuối và nhạy cảm trong tình yêu. Khi yêu, họ yêu hết lòng, trao cho người mình yêu tất cả những gì tốt đẹp nhất nhưng một khi “báu vật” của họ không được tôn trọng, cảm xúc của họ không được để tâm đến hay thể xác của họ bị chôn vùi dưới sự thô bạo của cánh đàn ông, họ sẽ nghiễm nhiên không thể tin vào tình yêu nữa.
Làm sao họ có thể gần gũi với ai khác khi tâm trí luôn hiện hữu mảng quá khứ tối tăm đó, làm sao họ có thể tin vào tình yêu lần nữa khi giờ đây vết thương lòng của họ chẳng ai màng tới?
Đâu là giải pháp tối ưu?
Shannon Thomas, nhân viên giám sát xã hội tại Texas cho biết hầu hết các trung tâm tư vấn tâm lý và tình yêu khi gặp trường hợp này đều sẽ lắng nghe và cố gắng tìm câu trả lời chính xác nhất cho việc không muốn gần gũi người yêu của các khách hàng. Chỉ khi tìm được lời giải thích đúng, bài toán này mới có thể xem là có đáp án. “Không ai ghét bỏ tình yêu, tất cả chỉ vì họ chưa tìm được con đường thích hợp để chạm tay vào hạnh phúc”.
Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng rất nhiều đến mong muốn được gần gũi đối phương. Ngoài việc bản thân họ phải cố gắng tránh xa phần ký ức không mấy đẹp đẽ, đối tượng của họ cũng nên trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực trong vấn đề này, bởi lẽ tình yêu sẽ là liều thuốc tâm lý hiệu quả nhất để chữa lành vết thương lòng của mỗi con người.
—
Xem thêm: