12 phương pháp dạy trẻ trở nên tự tin

Đăng ngày:

Những đứa trẻ tự tin, dạn dĩ thường luôn nổi bật và thành công hơn những trẻ nhút nhát. Nhưng sự tự tin của trẻ không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả quá trình dạy dỗ của cha mẹ từ khi còn nhỏ.

Sự tự tin là món quà vô giá mà cha mẹ có thể tặng cho con cái. Carl Pickhardt, nhà tâm lý học và là tác giả của 15 đầu sách được viết riêng dành cho các bậc cha mẹ, đã nhận định rằng: Những đứa trẻ thiếu sự tự tin thường sẽ né tránh việc tiếp nhận những cái mới hay chấp nhận thử thách, chỉ vì chúng sợ thất bại của chúng sẽ khiến người khác cảm thấy thất vọng.

Sự thiếu tự tin có thể khiến cho những đứa trẻ bị kìm hãm trong cuộc sống và cả con đường sự nghiệp sau này.

“Kẻ thù của sự tự tin chính là thiếu sự khuyến khích và nỗi lo sợ”, Pickhardt phát biểu. Chính vì vậy, trách nhiệm của cha mẹ là cho con cái sự khuyến khích và ủng hộ, để cho những đứa trẻ có thể vượt qua được những thử thách khó khăn mà chúng gặp phải.

Dưới đây là 12 phương pháp dạy trẻ để các bậc làm cha mẹ có thể giúp con mình trở nên tự tin hơn.

1. Thừa nhận sự nỗ lực của con kể cả khi chúng thất bại

phương pháp dạy trẻ

Trong sự phát triển của trẻ, quá trình luôn quan trọng hơn đích đến. Chuyên gia cho rằng, kể cả khi những đứa trẻ giành chiến thắng hay bị loại trong các cuộc thi đấu, hãy cứ khích lệ chúng. Từ đó, chúng sẽ luôn cố gắng thử sức mà không cảm thấy ngượng ngùng. Trong suốt quãng đường dài, việc liên tục cố gắng sẽ xây dựng được nhiều sự tự tin hơn là chỉ cố gắng trong chốc lát.

2. Khuyến khích trẻ thực hành

phương pháp dạy trẻ

Hãy khuyến khích trẻ làm những gì chúng thích và không được áp đặt áp lực lên chúng. Thần đồng piano Harmony Shu đã từng chia sẻ với Ellen DeGeneres rằng mình đã bắt đầu học piano từ năm 3 tuổi. “Nỗ lực luyện tập và thực hành sẽ cải thiện sự tự tin”, chuyên gia Carl chia sẻ.

3. Để trẻ tự mình tìm ra vấn đề

phương pháp dạy trẻ

Nếu các bậc cha mẹ luôn làm tất cả mọi thứ cho con thì chúng sẽ không thể phát huy năng lực cũng như tự tin chỉ ra vấn đề mình đang mắc phải. Việc bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ con cái không những ngăn cản sự tự tin mà còn hạn chế bản năng tự lực cánh sinh của trẻ. Nói cách khác, khi con trẻ nhận được vài điểm B hay C có khi tốt hơn việc chúng liên tục nhận điểm A, miễn là chúng có thể thật sự học được phương pháp tốt để giải quyết vấn đề.

4. Khuyến khích sự tò mò của trẻ

phương pháp dạy trẻ

Đôi khi những câu hỏi vô hạn của trẻ có thể khiến cha mẹ rất mệt mỏi, nhưng điều này lại cần được khuyến khích.

Paul Harris của Đại học Harvard nói rằng, việc đặt câu hỏi rất hữu ích trong việc phát triển của trẻ vì điều này giúp chúng chạm tới những kiến thức mà chúng chưa biết.  

Theo báo cáo của tờ The Guardian, khi đến tuổi đi học, những trẻ được cha mẹ khuyến khích đặt câu hỏi luôn có nhiều lợi thế hơn những đứa trẻ khác. Vì chúng đã được luyện tập phương pháp tiếp nhận thông tin từ cha mẹ nên khi đến lớp, chúng sẽ chuyển sang tiếp nhận thông tin từ giáo viên. Nói cách khác, những đứa trẻ này biết cách để tiếp thu hiệu quả và nhanh chóng hơn.

5. Tạo thử thách mới cho trẻ

phương pháp dạy trẻ

Hãy dạy cho con trẻ biết rằng chúng có thể thực hiện các mục tiêu nhỏ để đạt được thành tựu lớn hơn – như chạy một chiếc xe đạp mà không cần bánh xe hỗ trợ. “Cha mẹ có thể nuôi dưỡng sự tự tin bằng cách tăng tính trách nhiệm mà trẻ phải đáp ứng”, Pickhardt giải thích.

6. Không bao giờ phê bình cách thể hiện của trẻ

phương pháp dạy trẻ

Không có điều gì khiến trẻ nản lòng hơn việc bị nhận sự phê bình dù đã hết sức nỗ lực. Nên cho trẻ những lời khuyên và phương pháp hữu ích thay vì bảo chúng rằng chúng đang làm quá tệ. Nếu như những đứa trẻ luôn sợ hãi việc thất bại sẽ làm cha mẹ nổi giận hay thất vọng thì chúng sẽ chẳng bao giờ dám thử sức làm việc gì nữa. Chuyên gia Pickhardt nói: “Thường thì những lời chỉ trích của cha mẹ làm giảm giá trị bản thân và sự tự tin của đứa trẻ”.

7. Xử lý sai lầm để làm nền tảng cho sự học hỏi

phương pháp dạy trẻ

Chuyên gia Pickhardt nhận định: “Học hỏi từ sai lầm là cách để xây dựng sự tự tin”. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra khi cha mẹ xem lỗi lầm là cơ hội để con lớn lên và phát triển. Đừng quá bảo bọc con mình. Hãy cho phép chúng gây rối và sau đó giúp chúng hiểu cách làm tốt hơn trong lần sau. Nhà tâm lý học cũng chỉ ra rằng, phương pháp này giúp cha mẹ dạy trẻ không sợ hãi khi đối diện với sai lầm của mình.

8. Sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới

phương pháp dạy trẻ

Là cha mẹ nên có trách nhiệm làm tăng sự tiếp xúc và kinh nghiệm cuộc sống để đứa trẻ có thể phát triển một cách tự tin trong việc đối phó với một thế giới lớn hơn. Hãy để cho con trẻ biết được rằng chúng có thể sợ hãi và cảm thấy khác biệt đối với thế giới nhưng rồi chúng vẫn sẽ chiến thắng tất cả.

9. Nói cho trẻ biết bạn sẽ làm gì

phương pháp dạy trẻ

Trong mắt những đứa trẻ thì bố mẹ chúng là những người hùng và suy nghĩ này sẽ kéo dài đến khi chúng trở thành những thiếu niên. Cha mẹ hãy sử dụng thế mạnh này để dạy cho con nên suy nghĩ, hành động như thế nào. Hãy là tấm gương, hình mẫu lý tưởng để con cái có thể học hỏi theo. Nếu con bạn có thể quan sát cách bạn hoàn thành một công việc, chúng sẽ tự tin hơn khi thực hiện lại những điều đó.

10. Cổ vũ chúng khi trẻ gặp khó khăn

phương pháp dạy trẻ

Cuộc đời vốn không công bằng và những đứa trẻ phải học được điều này. Khi chúng gặp khó khăn, chuyên gia Pickhardt nói rằng cha mẹ nên cho trẻ biết những thách thức này sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi của chúng như thế nào. Điều quan trọng là phải để cho con trẻ biết được rằng trên con đường thành công sẽ có rất nhiều thất bại mà chúng phải vượt qua.

11. Khen ngợi nỗ lực thử thách những điều mới lạ của con

phương pháp dạy trẻ

Kể cả khi đó là lần đầu tiên những đứa trẻ tham gia vào đội bóng rổ hay thử chơi trò chơi tàu lượn siêu tốc, cha mẹ luôn cần khen ngợi trẻ. Một số lời khen mà cha mẹ có thể sử dụng đó là “Con phải dũng cảm lắm mới dám làm điều này!”. Nhà tâm lý cũng nói thêm: “Sự thoải mái bắt nguồn từ việc gắn bó với sự quen thuộc và lòng dũng cảm sẽ giúp trẻ dám đương đầu với những điều mới lạ và khác biệt”.

12. Khen ngợi khi trẻ thích thú học hỏi

phương pháp dạy trẻ

Những đứa trẻ luôn quan sát cách cha mẹ chúng phản ứng với mọi chuyện như thế nào. Do đó, nếu cha mẹ thật sự phấn khích khi con trẻ bắt đầu học bơi hay học thêm một ngoại ngữ khác, chúng cũng sẽ thêm kích thích để thực hiện những điều này. Nhà tâm lý học Pickhardt khuyên rằng, học hỏi là quá trình khó khăn nhưng khi đã hoàn thành sẽ tạo ra sự tự tin để học hỏi nhiều hơn. Vì vậy, cha mẹ nên cảm thấy thoải mái với sự sẵn sàng phát triển này của con.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Mia Thủy Tiên (Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Business Insider)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more