Thành kiến tiềm ẩn ảnh hưởng thế nào đến hành vi của chúng ta

Đăng ngày:

Thành kiến tiềm ẩn là sự liên tưởng, niềm tin, thái độ vô thức đối với một thành phần hoặc một cộng đồng trong xã hội. Với thành kiến tiềm ẩn, mọi người thường có xu hướng quy chụp hay mặc định về tính cách, phẩm chất và các đặc điểm khác cho tất cả các thành viên của một cộng đồng.

Trong một số trường hợp, mọi người có thể hình thành nên những liên tưởng tích cực hoặc tiêu cực liên quan đến chủng tộc, tôn giáo, giới tính… Những thành kiến này không chỉ tạo ra sự rập khuôn trong suy nghĩ mà còn ảnh hưởng đến các hành vi của chúng ta. 

thành kiến cô gái và hoa hồng

Ảnh: Pexels

Nguyên nhân của thành kiến tiềm ẩn

Trong khi nhiều người tin rằng họ không dễ bị ảnh hưởng bởi định kiến xung quanh, nhưng thực tế là họ đều bị tác động bởi những định kiến này một cách vô thức. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn sẽ có thành kiến và thái độ phân biệt đối xử với người khác. Bộ não của bạn lúc này chỉ đơn giản là đang hoạt động theo cách liên tưởng và khái quát hóa sự việc. 

Chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi môi trường mình được sinh ra và nuôi dưỡng cũng như những khuôn mẫu đã tồn tại từ lâu trong xã hội. Dựa trên những thông tin được tiếp nhận, bộ não của bạn sẽ trải qua một quá trình sàng lọc, sắp xếp và phân loại thông tin về thế giới xung quanh. Khi này, thành kiến tiềm ẩn được hình thành. 

định kiến hình thành bởi môi trường

Ảnh: Pexels

Dưới đây là ba khuynh hướng chủ yếu dẫn đến việc hình thành thành kiến tiềm ẩn trong mỗi chúng ta:

  • Chúng ta có xu hướng tìm kiếm những khuôn mẫu: Não bộ của chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm các mẫu hình nhất định để tạo sự liên tưởng. Sự nhận thức xã hội, khả năng lưu trữ, xử lý và áp dụng thông tin của chúng ta trong các tình huống xã hội đều phụ thuộc vào khả năng hình thành liên tưởng về thế giới xung quanh. 
  • Chúng ta thích đi đường tắt: Giống như những thành kiến có chủ đích khác, thành kiến tiềm ẩn chỉ đơn giản là kết quả từ việc đơn giản hóa thế giới của não bộ. Bởi vì chúng ta luôn phải tiếp nhận nhiều thông tin hơn mức nó có thể xử lý, các lối tắt tinh thần khiến việc sắp xếp và xử lý trở nên nhanh hơn và dễ dàng hơn.  
  • Kinh nghiệm và hoàn cảnh xã hội: Thành kiến tiềm ẩn bị ảnh hưởng bởi kinh nghiệm và môi trường sống của các cá nhân. Đặc biệt, gia đình và trường học chính là những môi trường có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thế giới quan và mẫu hình liên tưởng của từng người.

Thử nghiệm liên tưởng ngầm

Cụm từ “Thành kiến tiềm ẩn” lần đầu tiên được nhắc đến bởi nhà hai nhà tâm lý học xã hội Mahzarin Banaji và Tony Greenwald vào năm 1995. Theo đó, họ đề xuất rằng những hành vi xã hội phần lớn bị ảnh hưởng bởi các liên tưởng và phán đoán vô thức. Năm 1998, cả hai nhà tâm lý học đã xuất bản mô hình Thử nghiệm liên tưởng ngầm rất nổi tiếng hiện nay để kiểm chứng cho giả thuyết của họ. 

trắc nghiệm thành kiến tiềm ẩn

Ảnh: Clearer Thinking

Bài kiểm tra này đưa ra một loạt lựa chọn bao gồm hình ảnh và từ ngữ, từ đó xác định một người mất bao lâu để đưa ra lựa chọn. Các đối tượng có thể là hình ảnh của các khuôn mặt có chủng tộc khác nhau, còn các từ ngữ sẽ bao gồm từ ngữ tích cực hoặc tiêu cực mô tả hình ảnh đó. Nếu họ chọn từ ngữ tiêu cực mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của ai đó, điều này thể hiện họ có thành kiến tiêu cực ngầm đối với cá nhân hoặc tổ chức đó. Lựa chọn càng diễn ra nhanh càng cho thấy người đó có liên kết vô thức rất mạnh mẽ. 

Ngoài kiểm tra về thành kiến đối với chủng tộc, bài thử nghiệm còn được sử dụng để đánh giá thành kiến vô thức liên quan đến giới tính, ngoại hình, tình dục và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên điểm số trong bài có thể chênh lệch giữa các lần đánh giá, cho nên bài thử nghiệm này không nhất thiết hoàn toàn tương quan với hành vi cá nhân hay cách họ phản ứng đối với các thành viên của một cộng đồng.

Liên quan đến sự phân biệt đối xử

Trước hết, thành kiến tiềm ẩn và phân biệt đối xử không phải là một. Phân biệt đối xử là những thành kiến có ý thức đối với một chủng tộc, giới tính, hoặc cộng đồng và bị ảnh hưởng bởi thành kiến có ý thức và vô thức. Trong đó, những hình thức phân biệt đối xử này đều bị ảnh hưởng bởi thành kiến vô thức là tuổi tác, giới tính, LGBT, người khuyết tật. Do đó, việc nhận thức được tác động của những thành kiến xã hội tiềm ẩn sẽ đóng vai trò tích cực giúp bạn vượt qua những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội.

thành kiến và phân biệt đối xử

Ảnh: Pexels

Ảnh hưởng của thành kiến tiềm ẩn

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những thành kiến xã hội như trên đều gây ra tác động không nhỏ đến một số môi trường như trường học, nơi làm việc, các chế độ chăm sóc sức khỏe… Chẳng hạn, các bé gái dễ bị ảnh hưởng bởi niềm tin lệch lạc rằng phụ nữ thích ngôn ngữ hơn toán học. Về lâu dài, những niềm tin vô thức này sẽ ngăn cản phụ nữ theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học… Bên cạnh đó, thành kiến tiềm ẩn cũng là một trở ngại lớn đối với các dân tộc da màu trong con đường sự nghiệp khi cạnh tranh với người da trắng.

định kiến vô thức và trẻ em

Ảnh: Pexels

Làm thế nào để giảm thiểu thành kiến tiềm ẩn

Trước hết bạn hãy nhìn nhận mọi người như một cá thể độc lập trong xã hội và không thuộc về bất kỳ một nhóm người nào cả. Nếu bạn nhận ra rằng phản ứng của bạn với một người có thể bắt nguồn từ thành kiến, hãy cố gắng điều chỉnh phản ứng một cách có ý thức và tăng cường chánh niệm để nhận thức rõ hơn về suy nghĩ của mình. 

xóa bỏ định kiến vô thức

Ảnh: Pexels

Dành thời gian để suy ngẫm trước khi phản xạ, thay thế những thành kiến tiềm ẩn bằng suy nghĩ tích cực. Bên cạnh đó, bạn có thể điều chỉnh quan điểm của mình và nhìn mọi thứ theo góc nhìn đa diện hơn. Ngoài ra, việc thường xuyên tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau cũng sẽ đem đến cho bạn cái nhìn cởi mở hơn và góp phần xóa bỏ các thành kiến tiềm ẩn trong bạn.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Verywellmind

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more