Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 12/2016] Năm 2002, một kênh truyền hình Mỹ từng “gây bão” với chương trình có tên I Bet You Will (tạm dịch: Tôi thách bạn dám làm).

Những người tham gia đi tới những địa điểm công cộng, nơi có nhiều thanh thiếu niên tụ tập, bày ra các thử thách và thách thức mọi người thực hiện. Giải thưởng là tiền mặt, không nhỏ.

Ví dụ bạn dám cho đổ đầy gián vào giày và xỏ vào chạy một vòng – bạn giành được 100 đô la. Sau đó bạn tháo giày ra và cho chính những con gián ấy vào miệng, mỗi con sẽ mang về cho bạn thêm 20 đô. Nhiều ý kiến, trong đó không ít là của người thế hệ trẻ, cho rằng các thử thách chương trình đưa ra hạ thấp nhân phẩm con người, nhất là khi nó được treo giải bằng tiền. Cuối cùng, sau 5 năm, “I bet you will” ngừng phát sóng vĩnh viễn dù có lượt người xem kỷ lục.

Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng - ELLE VN

Chương trình I bet you will đã ngừng phát sóng sau 5 năm

Nổi tiếng, hay ít nhất là nổi bật, trở thành khát khao ngày càng lớn với mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay – nhất là khi internet ngày càng phát triển, đỉnh cao là mạng xã hội. Tuy nhiên, rõ ràng không phải ai cũng có thể trở thành một ca sĩ hay một diễn viên điện ảnh. Phần đông chúng ta có một diện mạo bình thường, và sống cuộc đời bình thường. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta không muốn chấp nhận cuộc đời bình thường ấy, điều đó cũng rất hợp lý.

Mạng xã hội Việt Nam mới bùng nổ hơn 6 năm và đã ghi nhận không ít cá nhân “thành danh” với việc tự tô vẽ bản thân. Một thiếu gia K. sang chảnh, diêm dúa mở miệng ra là nói đến “quý tộc”, “hoàng gia”, “tiêu tiền như nước”. Một “Bà Tưng” đóng vai cô giáo sexy, nói bất tận về sự giải phóng phụ nữ và phản đối các quan điểm cổ hủ về tình dục. Một ca sĩ “bà tám” úp mở người tình đồng giới mua tặng hết xe sang tiền tỉ đến biệt thự triệu đô. Để rồi, phần lớn sau đó họ hoặc bị vạch mặt, hoặc tự mình thú nhận, tất cả chỉ là chiêu trò để tạo scandal, để nổi tiếng.

Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng - ELLE VN

Giới trẻ ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội

Trên mảnh đất màu mỡ thị phi nhưng lại cạn kiệt ý tưởng đó, trào lưu “Tuyên bố và Thực hiện” nổi lên, và nhanh chóng thành công một cách tất yếu. Bởi lẽ, công chúng đã quá chán ngán với những lời quảng cáo quá lố, rồi sau đó chẳng có gì. Bất kỳ ai, chỉ cần tuyên bố, và sau đó thực hiện, ngay lập tức sẽ được tung hô.

Tháng 6/2015, ca sĩ T. H tuyên bố trên Facebook nếu đội tuyển bóng đá Việt Nam thua Thái Lan anh sẽ cạo đầu. Sau đó chàng ca sĩ này làm thật. Cũng liên quan đến đầu tóc, tháng 4/2015, một chàng trai tên T. Đ tại Hà Nội hùng hồn nếu được 2.000 like, sẽ cắt và nhuộm tóc hình… quả dứa. Cư dân mạng nhanh chóng đưa con số like lên hơn 2.000, và T. Đ đã ra hiệu làm đầu biến mái tóc thành một quả dứa xanh đỏ có một không hai.

Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng - ELLE VN

Nhưng định danh trào lưu thành cái tên “Việt Nam nói là làm”, là N. T, một thanh niên mới lớn sống tại TP.HCM. Tuyên bố “nếu được 40.000 like trên Facebook sẽ tự thiêu và nhảy xuống kênh Tân Hóa” của T gây ra một cuộc náo loạn thực sự, khi hàng nghìn người đổ đến địa điểm trên xem. Anh chàng sau đó không xuất hiện nhưng vẫn tự thiêu và nhảy sông, ở một khu vực vắng người. Sau sự việc này, một chương trình truyền hình đã mời tôi đến trò chuyện, và hỏi trào lưu tiếp theo sẽ diễn biến thế nào? Tôi đáp rằng, khi người ta, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, đã chọn sự điên cuồng để nổi tiếng, thì chỉ có một cách để duy trì sự chú ý là hành động sau phải điên cuồng hơn hành động trước. Quả thật, sau đó ít ngày, chàng trai “Việt Nam nói là làm” N. T đi xăm hình ngay vào giữa trán, và kế đó là tự lấy dao đâm vào cánh tay.

Thế hệ trẻ và căn bệnh thèm khát sự nổi tiếng

Tinh thần “Việt Nam nói là làm” xuất hiện ở thế hệ trẻ không phải đến bây giờ mới có, và đương nhiên không có xuất phát điểm méo mó như vậy. Quang Trung Hoàng đế cưỡi voi hiệu triệu ba quân đại phá quân Thanh. “Ðánh cho nó chích luân bất phản. Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” là những gì đã diễn ra năm 1789. Chủ tịch Hồ Chí Minh cương quyết: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”, và dãy Trường Sơn sừng sững đã phải cúi đầu trước bước chân của những đoàn quân Nam tiến. Đó chính là “Việt Nam nói là làm”.

Đặt ra một mục tiêu và cương quyết thực hiện, điều đó chính là ý chí. Sự khác biệt giữa hai trạng thái tích cực, hay tiêu cực, chỉ là tính đúng đắn của mục tiêu đó mà thôi. Suy cho cùng, những người có tuyên bố lớn lao nhiều khi lại không thể thực hiện những lời hứa nhỏ bé, chẳng hạn như tự kiểm soát thời gian lướt Facebook mỗi ngày một nhiều hơn của chính mình.

Xem thêm

Sống thử – Lối sống của giới trẻ hiện nay

Văn hóa chỉ trích, nói xấu nhau trên mạng xã hội

Khắc phục bệnh tâm lý đa tính cách trong xã hội hiện đại

Nhóm thực hiện

Phạm Gia Hiền (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more