“Cú đêm” hay “chim sâu dậy sớm” – Thói quen ngủ nào tốt hơn?

Đăng ngày:

Một giấc ngủ ngon hằng đêm là điều mà ai cũng cần để có thể duy trì lối sống lành mạnh và cân bằng. Tuy nhiên, tùy vào thói quen ngủ của mỗi người mà giấc ngủ lại đem tới những tác động nhất định khác nhau.

Có những người thích được tận hưởng không khí trong lành và tiếng chim hót thảnh thơi mỗi buổi sáng. Họ được gọi là kiểu người “chim sâu dậy sớm” (early bird) – những người thường đi ngủ sớm và thức dậy sớm. Nhiều người thì hoàn toàn ngược lại, họ thường thức rất khuya và tỉnh giấc muộn hơn – những “cú đêm” (night owl) đích thực – vì họ yêu thích sự tĩnh lặng của đêm tối. Mỗi thói quen ngủ đều có những tác động nhất định tới sức khỏe, vậy thói quen nào sẽ tốt hơn?

Chim sâu buổi sớm

thói quen ngủ cô gái vươn vai Damir Spanic / Unsplash

Ảnh: Damir Spanic/Unsplash

Những người thuộc kiểu này có nhiều năng lượng hơn vào ban ngày, vì thế, họ dễ dàng thực hiện công việc một cách hiệu quả theo giờ hành chính. Theo một nghiên cứu vào năm 2012, nhóm người này có chỉ số cảm xúc tích cực cao hơn nhóm “cú đêm”. Điều này được giải thích bởi khi ngủ đủ giấc vào buổi tối, họ có thể điều chỉnh sinh hoạt của mình cùng nhịp độ với mọi người và hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của cộng đồng.

Tuy nhiên, vì họ sẽ cạn kiệt năng lượng vào buổi tối nên những chú chim sâu sẽ khó theo đuổi các mối quan hệ khác và có thể bỏ lỡ cuộc sống sinh động về đêm.

Cú đêm thức khuya

Người thuộc nhóm cú đêm có thể gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những công việc truyền thống theo giờ hành chính vì họ thường cảm thấy uể oải khi dậy sớm. Theo kết quả một nghiên cứu vào năm 2019, những người có thói quen thức khuya phải đối mặt với nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và sự trao đổi chất.

thói quen ngủ cô gái bên cửa sổ Unsplash / Adrian Infernus

Ảnh: Unsplash/Adrian Infernus

Tuy vậy, lối sinh hoạt này lại phù hợp với các nhóm người, nhóm công việc nhất định. Tiêu biểu như những người hoạt động lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo. Có lẽ, khi màn đêm buông xuống, họ có thời gian và không gian riêng tư để tập trung suy nghĩ và làm việc, tạo điều kiện cho cảm xúc và nguồn cảm hứng tuôn trào. Điều quan trọng là bạn phải biết cân bằng thời gian để cơ thể vẫn được ngủ đủ giấc, cũng như phải xây dựng những thói quen lành mạnh khác.

Điều gì tạo nên “cú đêm” hay “chim sâu dậy sớm”?

thói quen ngủ cô gái làm việc trên giường Unsplash / Meghan Lamle

Ảnh: Unsplash/Meghan Lamle

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng yếu tố di truyền phần nào giải thích việc bạn ưa thích bình minh hay hoàng hôn. Bên cạnh đó, đồng hồ sinh học cũng đóng vai trò lớn trong việc quyết định thói quen ngủ của bạn. Cũng từ nghiên cứu trên, phụ nữ có xu hướng dậy trễ hơn nam giới. Những người có mục tiêu rõ ràng, nhiệt huyết và tham vọng thường dậy sớm.

Kết quả từ một nghiên cứu khác vào năm 2020 cho thấy, những người dậy sớm thường có nhiều hoạt động thể chất hơn nhóm còn lại, đặc biệt là nam giới.

Nhận diện “trường phái” của bạn

thói quen ngủ

Ảnh: Mathilde/Unsplash

Cách thức đơn giản nhất là để cơ thể tự thức dậy mà không cần sự trợ giúp của đồng hồ báo thức. Có thể bạn sẽ mất vài ngày để cơ thể điều chỉnh đồng hồ sinh hoạt về chế độ vốn có. Nếu bạn có thể dậy sớm và cảm thấy hoàn toàn sảng khoải thì bạn thuộc nhóm “chim sâu dậy sớm”. Ngược lại, nếu bạn chỉ thấy thoải mái khi thức dậy muộn và mệt mỏi vào ban ngày, bạn chính là những chú cú đêm bẩm sinh.

Thói quen ngủ có thay đổi theo thời gian hay không?

Câu trả lời là có! Theo kết quả của một báo cáo khoa học năm 2021, con người hoàn toàn có thể kiểm soát thói quen ngủ và đồng hồ sinh học của mình. Tất nhiên, việc này đòi hỏi rất nhiều sự quyết tâm, kiên nhẫn trong thời gian dài để tạo lập thành công. Bạn chắc chắn không thể biến từ một cú đêm chính hiệu trở thành người tràn trề năng lượng khi dậy sớm chỉ trong một một ngày.

Ngoài ra, thói quen ngủ cũng thay đổi theo tuổi tác của chúng ta. Khi thanh xuân qua đi và bước vào những năm tháng trung niên, bạn sẽ dễ dàng thức dậy sớm hơn.

thói quen ngủ cô gái Pexels / Stephan Louis

Ảnh: Pexels/Stephan Louis

Những bí quyết nho nhỏ cho giấc ngủ

  • Bám sát lịch trình đi ngủ của bạn, dù là ngày trong tuần hay cuối tuần.
  • Ăn uống điều độ và đúng giờ.
  • “Tự thưởng” cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa hoặc chiều muộn khi cảm thấy cần thiết.
  • Có thể sử dụng thực phẩm chức năng (melatonin) hoặc tham vấn bác sĩ khi muốn ngủ sớm hoặc khi bị khó ngủ.
  • Những âm thanh êm ái hay một bản nhạc dịu dàng có thể giúp vỗ về tinh thần để bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.
Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Healthline

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more