Nhiều người thường lầm tưởng rằng tiết kiệm là sống kham khổ, từ bỏ mọi thú vui hay tiêu xài hạn chế đến mức tối thiểu. Tuy nhiên, tiết kiệm thực chất là quản lý chi tiêu một cách có chiến lược, ưu tiên cho điều cần thiết và những mục tiêu lâu dài hơn là chi tiêu cảm tính.
Dưới đây là 6 thói quen đơn giản nhưng hiệu quả, có thể giúp bạn khởi đầu hành trình tiết kiệm một cách bền vững.
1. Kiểm tra số dư mỗi ngày
Bạn sẽ không thể kiểm soát được thứ mình không nhìn thấy. Trong bối cảnh các hình thức thanh toán, chi tiêu ngày càng trở nên tiện lợi và nhanh chóng, việc theo dõi dòng tiền mỗi ngày là một cách thiết thực để giữ cho tài chính cá nhân được ổn định.
Bạn chỉ cần dành ra vài phút vào mỗi buổi sáng để mở điện thoại và xem qua số dư trong tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc ví điện tử. Hành động này nhằm nhắc bạn nhìn lại khả năng chi tiêu trong ngày, đồng thời phát hiện sớm các khoản trừ tiền bất thường có thể đang âm thầm ảnh hưởng đến tài chính của bạn.
Khi bạn thấy số dư giảm xuống, dù chỉ là một khoản nhỏ, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang chi tiêu vượt mức. Nó khiến bạn cân nhắc kỹ hơn trước những quyết định tiêu dùng tưởng chừng như vô hại, chẳng hạn như gọi đồ ăn đêm, mua sắm theo cảm hứng hoặc gia hạn một ứng dụng không còn sử dụng.
Bạn có thể hình dung việc kiểm tra số dư mỗi sáng giống như soi gương trước khi bước ra ngoài. Về lâu dài, thói quen đơn giản này sẽ trở thành một cơ chế phòng vệ hữu ích, giúp bạn chủ động hơn với tài chính và tránh cảm giác bị động khi các hóa đơn bất ngờ xuất hiện.
2. Chuyển tiền hoàn vào tài khoản tiết kiệm
Mỗi khi bạn nhận được khoản hoàn tiền từ việc hủy đơn hàng, trả vé máy bay hoặc nhận lại học phí, phản ứng phổ biến của nhiều người là xem đó như một khoản tiền dư có thể sử dụng ngay. Tuy nhiên, nếu bạn đang hướng đến một nền tảng tài chính ổn định và khả năng tích lũy lâu dài, cách làm hiệu quả hơn là chuyển ngay số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm. Vì khoản tiền này vốn không nằm trong kế hoạch chi tiêu ban đầu, nên khi bạn gửi vào tiết kiệm, bạn sẽ không cảm thấy mất mát hay tiếc nuối.
Việc tách riêng số tiền này khỏi tài khoản sinh hoạt hằng ngày còn giúp bạn tránh tiêu nhầm hoặc sử dụng vào các cuộc vui không cần thiết. Theo thời gian, những khoản nhỏ được tích lũy đều đặn sẽ trở thành nguồn lực để bạn thực hiện những mục tiêu tài chính quan trọng như mua nhà, đi du lịch hoặc dự phòng cho các tình huống khẩn cấp.
BÀI LIÊN QUAN
3. Ghi lại chi tiêu để không “vung tay quá trán”
Nếu bạn thử ghi lại toàn bộ các khoản chi tiêu trong một tuần, từ những ly cà phê mang đi cho đến món đồ mua theo cảm hứng, bạn có thể sẽ bất ngờ vì số tiền đã chi ra.
Khi bạn nắm rõ mình đang tiêu bao nhiêu và vào những mục đích gì, bạn sẽ dễ dàng xác định được đâu là khoản cần thiết và đâu là chi tiêu có thể cắt giảm. Nhờ đó, bạn có thể điều chỉnh thói quen tiêu dùng để tiến gần hơn đến các mục tiêu tài chính đã đề ra.
Ngược lại, nếu bạn chi tiêu mà không ghi chép hay theo dõi thường xuyên, bạn dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Không ít người đến cuối tháng phải chật vật xoay xở, thậm chí phải sử dụng đến khoản tiền dành cho các nhu cầu thiết yếu như tiền nhà hoặc tiền điện nước chỉ để chi trả các khoản mua sắm thay thanh toán khoản nợ do đã chi tiêu vượt mức.
Việc ghi lại chi tiêu không đòi hỏi quá nhiều thời gian, bạn chỉ cần dành vài phút mỗi ngày để thực hiện. Tuy nhiên, đây là một thói quen có giá trị lớn trong việc giúp bạn hình dung rõ ràng và thực tế hơn về tình hình tài chính cá nhân. Khi đã có cái nhìn đầy đủ, bạn sẽ có cơ sở để ra quyết định chi tiêu hợp lý hơn, tiêu dùng một cách có trách nhiệm và tiết kiệm tiền một cách thông minh.
4. Hoạt động khác mỗi khi có ý định mua hàng online
Ngày nay, việc mua sắm trực tuyến đã trở nên vô cùng thuận tiện. Chỉ với một cú nhấp chuột, đơn hàng đã được xác nhận. Mọi thao tác diễn ra nhanh chóng đến mức bạn có thể không nhận ra mình vừa chi tiêu một khoản tiền đáng kể. Vì quá trình thanh toán diễn ra nhanh và thiếu cảm giác cụ thể, bạn dễ dàng trở nên chủ quan trong quản lý chi tiêu.
Nếu bạn đang có mong muốn tiết kiệm hoặc đơn giản là muốn kiểm soát tài chính cá nhân tốt hơn, bạn nên cân nhắc áp dụng một phương pháp đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả là dành vài phút suy nghĩ về ba mục tiêu tài chính quan trọng mà bạn đang theo đuổi. Đó có thể là một chuyến đi, một thiết bị bạn thực sự cần hoặc một khoản tiết kiệm cho tương lai.
Bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều món đồ tưởng chừng cần thiết nhưng thực tế lại không thực sự quan trọng. Việc tạm dừng và cân nhắc trước khi mua hàng không chỉ giúp bạn tiết kiệm tiền, mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn về giá trị của từng quyết định chi tiêu và điều gì thực sự có ý nghĩa đối với bạn.
Xem thêm
•5 nhóm tính cách MBTI hiếm gặp nhất
•Bạn là người mang tính cách Mặt Trăng hay Mặt Trời?
•Thời điểm sinh trong ngày nói lên điều gì về tính cách của bạn?
5. Đặt tên cho tài khoản tiết kiệm
Một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả để duy trì động lực tiết kiệm là đặt tên cho từng khoản tiền theo đúng mục tiêu mà bạn đang hướng đến. Thay vì để khoản tiền đó mang tên chung chung như “tiền tiết kiệm”, bạn có thể đặt cho nó một cái tên cụ thể như “du lịch Hàn Quốc”, “mua nhà” hoặc “quỹ tự do tài chính”.
Việc gắn tên rõ ràng cho khoản tiết kiệm nghe có vẻ nhỏ, nhưng thực tế lại mang lại tác động lớn về mặt tâm lý. Khi bạn biết chính xác khoản tiền ấy phục vụ cho điều gì, bạn sẽ cảm thấy mình đang tiết kiệm vì một mục đích có ý nghĩa. Mỗi lần bạn định rút tiền để chi cho một món đồ không thực sự cần thiết hoặc một khoản tiêu dùng ngẫu hứng, chính cái tên bạn đã đặt sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Bạn sẽ tự hỏi lại bản thân: “Mình có đang đi lệch khỏi mục tiêu không?“. Và chính mục tiêu đó là lý do bạn chọn bắt đầu hành trình tiết kiệm ngay từ hôm nay.
6. Đừng vội cầm điện thoại khi thức dậy
Thay vì vội vàng cầm điện thoại và truy cập mạng xã hội ngay sau khi thức dậy, bạn nên tập thói quen trì hoãn hành động đó trong ít nhất 30 phút đầu buổi sáng. Mặc dù đây là một điều đơn giản, nhưng thay đổi nhỏ này có thể tạo ra tác động tích cực đáng kể đối với trạng thái tinh thần và cách bạn bắt đầu một ngày mới.
Buổi sáng là khoảng thời gian quan trọng để bạn thiết lập tâm thế và định hướng hành vi cho cả ngày. Nếu bạn khởi đầu bằng việc bị cuốn vào tin tức, mạng xã hội, các trang mua sắm hoặc các tin nhắn chưa đọc, bạn đang vô tình để những yếu tố bên ngoài chi phối cảm xúc và mức năng lượng của mình. Khi bạn còn đang trong trạng thái mơ hồ vì ngái ngủ, các chương trình giảm giá hấp dẫn hay thông tin thú vị về các sản phẩm độc đáo có thể khiến bạn rút hầu bao mà không suy nghĩ. Ngược lại, khi bạn dành vài phút yên tĩnh để hít thở sâu, suy nghĩ tích cực hoặc viết ra mục tiêu trong ngày, bạn sẽ cảm thấy mình chủ động và kiểm soát cuộc sống tốt hơn, từ đó tác động đến mục tiêu tiết kiệm của bạn một cách đáng kể.
Nhóm thực hiện
Bài: An Khang
Tham khảo: Yourtango