“Thuyết tâm trí” và tầm quan trọng của năng lực thấu hiểu

Đăng ngày:

Để phát triển kỹ năng giao tiếp với xã hội, bất kỳ ai cũng cần sở hữu “Thuyết tâm trí”. Vậy thì chính xác, Thuyết tâm trí là gì?

Thuyết tâm trí (Theory of Mind) là một kỹ năng nhận thức xã hội quan trọng, liên quan đến khả năng suy xét, đánh giá các trạng thái tinh thần – bao gồm cảm xúc, ham muốn, niềm tin và kiến ​​thức. Ngoài ra, nó còn đề cập đến khả năng thấu hiểu sự khác biệt về suy nghĩ, niềm tin giữa người này và người kia; nhận thức được các yếu tố dẫn đến những trạng thái tinh thần đó.

nguồn gốc của thuyết tâm trí

Theo các nhà tâm lý học, niềm tin của chúng ta về những điều đang diễn ra trong đầu của người khác chỉ mang tính trừu tượng. Dù có thể đưa ra dự đoán, chúng ta vẫn không biết chính xác họ đang nghĩ gì. Cơ sở niềm tin duy nhất chính là những lý thuyết được phát triển dựa trên cách đối tượng đó nói năng, hành động, những gì bạn biết về tính cách của họ và những suy luận về ý định của họ.

thuyết tâm trí của cô gái

Tại sao thuyết tâm trí quan trọng?

Sự xuất hiện của Thuyết tâm trí có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển. Trẻ nhỏ thường không thể đánh giá, xem xét trạng thái tinh thần của người khác, nhưng khi mọi người già đi, kỹ năng này bắt đầu xuất hiện và tiếp tục phát triển.

Thuyết tâm trí cho phép tất cả chúng ta suy luận ý định của người khác, cũng như dự đoán về những gì đang diễn ra trong đầu họ, bao gồm cả niềm vui, nỗi sợ hãi, niềm tin, hy vọng… Các tương tác xã hội thường phức tạp và sự hiểu lầm có thể khiến chúng trở nên nặng nề hơn. Bằng cách phát triển ý tưởng chính xác về những gì người khác đang nghĩ, chúng ta sẽ giao tiếp tốt hơn và biết cách giải quyết mọi mâu thuẫn giữa các cá nhân.

sự Phát triển của thuyết tâm trí

Sự phát triển mạnh mẽ nhất của Thuyết tâm trí chủ yếu diễn ra trong độ tuổi từ 3 đến 5. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng giới tính và số anh chị em trong nhà có thể ảnh hưởng đến việc kỹ năng này xuất hiện như thế nào.

Thuyết tâm trí phát triển khi trẻ tương tác xã hội nhiều hơn. Chơi đùa, giả vờ, những câu chuyện, mối quan hệ với cha mẹ và bạn bè cho phép chúng có cái nhìn sâu sắc hơn về một thực tế: cách suy nghĩ của người khác có thể khác với suy nghĩ của chính mình. Kinh nghiệm xã hội cũng giúp chúng hiểu thêm về cách suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động.

Sự phát triển của Thuyết tâm trí có xu hướng cải thiện dần dần theo thời gian. Trẻ em dưới 3 tuổi thường trả lời không chính xác các câu hỏi liên quan đến kỹ năng này. 4 tuổi, chúng bắt đầu nhanh nhạy hơn trong việc hiểu biết tâm trí. Ví dụ, chúng biết rằng những người khác có thể có niềm tin sai lệch về đồ vật, con người hoặc tình huống. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 8 vẫn đang phát triển những kỹ năng này.

thuyết tâm trí trong giao tiếp

Các giai đoạn của thuyết tâm trí

Một nghiên cứu cho thấy, trẻ em thường tiến bộ thông qua 5 mức độ của Thuyết tâm trí, bao gồm khả năng tư duy, lý giải các vấn đề sau:

  • Những mong muốn của người này thường khác với người kia.
  • Mọi người có thể có niềm tin khác nhau về cùng một sự việc hoặc tình huống.
  • Mọi người có thể không hiểu hoặc không biết rằng một điều gì đó là đúng.
  • Mọi người có thể giữ niềm tin sai lệch về thế giới.
  • Mọi người có thể sở hữu những cảm xúc ẩn giấu, đồng thời có thể hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mình cảm nhận.

Các nhà tâm lý học cũng phát hiện ra rằng Thuyết tâm trí có thể không ổn định. Nói cách khác, trẻ em có thể thấu hiểu trạng thái tinh thần trong một số tình huống, nhưng vẫn có khả năng phản bác lại ở những trường hợp khác. Đồng thời, sự khác biệt cá nhân trong kỹ năng này có liên quan đến năng lực xã hội của trẻ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những đứa trẻ tinh thông hơn trong việc hiểu tâm trí người khác thường giao tiếp xã hội tốt hơn.

Các nhà tâm lý học kiểm tra thuyết tâm trí như thế nào?

Vậy chính xác, các nhà tâm lý học đã làm thế nào để đo lường cách chúng ta nhận thức về suy nghĩ của chính mình và suy nghĩ của người khác? Một trong những phương pháp được sử dụng phổ biến chính là nhiệm vụ nhận thức niềm tin sai lầm.

Mục tiêu của nhiệm vụ: yêu cầu một đứa trẻ suy luận về những việc ai đó đã làm hoặc những gì họ đang nghĩ, khi mà niềm tin của họ về tình hình thực tế mâu thuẫn với những điều nó đang biết. Nói cách khác, đứa trẻ biết điều gì đó là đúng, nhưng sự nhận thức về niềm tin sai lầm đòi hỏi chúng phải hiểu rằng những người khác có thể không biết được sự thật này.

đứa trẻ được kiểm tra thuyết tâm trí

Chúng ta có thể hiểu rõ cơ chế hoạt động của nhiệm vụ này thông qua “Thử nghiệm Sally – Anne”. Những đứa trẻ sẽ được xem hành động của hai con búp bê tên là Sally và Anne: Sally có một cái giỏ trong khi Anne có một cái hộp. Sally đặt một viên bi vào giỏ của mình và rời khỏi phòng. Sau đó, Anne lấy hòn bi từ giỏ và đặt nó vào hộp của mình. Khi Sally trở lại, những đứa trẻ được hỏi nơi đầu tiên mà chúng nghĩ Sally sẽ tìm viên bi.

Bọn trẻ sẽ vượt qua bài kiểm tra nếu chúng nói rằng Sally chắc chắn nhìn vào giỏ. Điều này chứng tỏ, chúng hiểu rằng Sally giữ một niềm tin sai lầm về vị trí của viên bi. Điều kiện để vượt qua thử thách chính là chúng phải có khả năng dự đoán những gì Sally nghĩ và tin tưởng. Còn những đứa trẻ chọn phương án Sally tìm viên bi trong chiếc hộp sẽ không vượt qua bài kiểm tra, bởi chúng không hiểu rằng kiến ​​thức của Sally khác với kiến ​​thức của chúng (Sally không hề biết chuyện Anne đã bỏ viên bi vào chiếc hộp).

một số bệnh liên quan đến thuyết tâm trí

Sự yếu kém về Thuyết tâm trí có thể làm xuất hiện một loạt các biến chứng nghiêm trọng. Khi mọi người đấu tranh để hiểu các trạng thái tinh thần, các mối quan hệ xã hội và tương tác có thể bị ảnh hưởng.

Tự kỷ

Nhà nghiên cứu Simon Baron-Cohen và các đồng nghiệp của ông cho rằng những vấn đề của Thuyết tâm trí là một trong những đặc điểm nổi bật của bệnh tự kỷ. Trong một nghiên cứu, họ đã xem xét cách trẻ em mắc chứng tự kỷ thực hiện các nhiệm vụ tâm trí so với trẻ em mắc hội chứng Down và các bệnh thần kinh.

Họ phát hiện ra rằng trong khi khoảng 80% trẻ em mắc bệnh thần kinh hoặc hội chứng Down có thể trả lời chính xác các câu hỏi về tâm trí, thì chỉ có khoảng 20% ​​trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ trả lời đúng các câu hỏi đó.

Tâm thần phân liệt

Trong một cuộc khảo sát có hơn 1.500 người tham gia, sự suy yếu đáng kể của Thuyết tâm trí xuất hiện ở những người bị tâm thần phân liệt. Họ gặp khó khăn trong việc nhận thức niềm tin sai lệch cũng như khả năng suy luận ý định của người khác.

cô gái bị tự kỷ

Tóm lai, Thuyết tâm trí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển toàn diện trong kỹ năng giao tiếp của một cá nhân. Do vậy, bạn nên học cách đặt mình vào vị trí của người khác khi xem xét, nhìn nhận, đánh giá thái độ hoặc hành vi của họ. Có như vậy, chúng ta mới có thể dễ dàng chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và tương tác với nhau tốt hơn.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Verywellmind

Ảnh: Unsplash

Lược dịch: Thu Trang

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more