Tự thú của một “tín đồ” sống tối giản nửa mùa

Đăng ngày:

Các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tối giản vẫn cần thiết và quan trọng với những ai muốn xây dựng lối sống có ý thức và sáng suốt hơn. Nhưng vẻ đẹp của lối sống tối giản nằm ở chỗ mỗi người sẽ có cách nhìn nhận, hiểu và thực hành nó hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cố hết sức làm những gì mình có thể, nhưng đừng quên một lối sống hợp lý còn phải mang đến cho chủ nhân của nó niềm vui và sự bình tâm.

Điểm xuất phát: “Tín đồ” trung thành tuyệt đối

Tôi biết đến lối sống tối giản vào năm 2016, sau khi xem bộ phim tài liệu Minimalism: A Documentary About the Important Things (tạm dịch: Chủ nghĩa tối giản: Phim tài liệu về những điều quan trọng) trên Netflix. Thời đó, dù nhiều bạn bè cảm thấy bộ phim quá quyết liệt và phi thực tế, tôi vẫn bị mê hoặc bởi cảm giác giản dị và bình yên mà lối sống tối giản mang đến cho cuộc sống con người, cụ thể là cuộc sống của những nhân vật trong phim.

Chỉ một ngày sau khi xem phim, tôi quyết tâm tiến hành một cuộc “đại cách mạng” tủ quần áo, chất đầy xe các túi lớn đựng quần áo cũ mang đi quyên góp. Số quần áo được giữ lại treo vừa trên một chiếc giá nhỏ, tất cả giày dép xếp gọn gàng ngay bên dưới. Tủ quần áo lúc này gần như trống không, chỉ còn để lại vài chiếc áo khoác đi mưa. Tôi đã cắm đầu cắm cổ đùng đùng lao vào lối sống tối giản như thế, và không hề có ý định quay đầu lại.

giá treo quần áo tối giản

Ảnh: Unsplash

Tiếp nối bộ phim tài liệu, tôi nghiền ngẫm cuốn Do Less: A Minimalist Guide to a Simplified, Organized, and Happy Life của Rachel Jonat (tựa tiếng Việt: Làm ít hơn, được nhiều hơn) để học phương pháp áp dụng nguyên tắc tối giản vào công việc, cuộc sống cá nhân và quản lý tài chính. Tôi học cách lên một “danh sách 30 ngày” – phương pháp chờ 30 ngày trước khi quyết định mua một món đồ nào đó – để giảm thiểu số đồ dùng, hàng hóa chất đầy nhà do những cơn hứng thú mua sắm bốc đồng.

Sống tối giản gần như trở thành một phần tính cách con người tôi. Tôi luôn miệng kể về những ngôi nhà bé tí đáng mơ ước và những thứ nằm trong “danh sách 30 ngày” của mình. Chủ nghĩa tối giản dạy tôi rằng chất lượng quan trọng hơn số lượng, tư duy này ảnh hưởng sâu sắc đến các quyết định mua sắm theo xu hướng thời trang. Đáng tiếc, nhiệt huyết quyết tâm theo đuổi lối sống tối giản của tôi thật quá ngắn ngủi.

Vài năm sau: Biến hóa thành “tối giản nửa mùa”

Tua nhanh đến 3 năm sau, trong đám bạn bè, tôi vẫn giữ được danh hiệu “cô nàng tối giản”. Dù đúng là vẫn có tủ quần áo nhỏ hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa, tôi đã đi xa, quá xa khỏi tầm nhìn và quyết tâm sống tối giản của bản thân khi mới bắt đầu. Chiếc giá treo quần áo nhỏ xinh đã bị bỏ đi, thay bằng tủ đứng và các ngăn kéo mà quần áo bên trong bị nhét chật cứng đến sắp tràn ra ngoài. Giày dép thì xếp chồng lên nhau trên kệ dưới chân tủ, chỉ một hai đôi thường dùng được ưu ái đặt gần cửa ra vào. Tôi chẳng còn “danh sách 30 ngày” nào, và thật lòng hoàn toàn không còn muốn sống trong một ngôi nhà nhỏ xíu như ước mơ ngày trước nữa.

Dù ngừng chạy theo các xu hướng thời trang đã giúp giảm đáng kể số quần áo trong tủ, tôi lại mắc phải một “cơn nghiện” mới thay cho thói quen mua sắm cũ: mua quần áo second-hand giá cực rẻ, chỉ mặc một vài lần rồi tiếp tục mang đi bán lại. Mua đi bán lại quần áo cũ trở thành vòng luẩn quẩn không có điểm dừng.

cô gái cầm bó hoa trắng

Ảnh: Unsplash

Tôi nhận ra mình hoàn toàn làm mất đi ý nghĩa của lối sống tối giản thực sự. Tôi lại rơi vào cái bẫy mua sắm theo trào lưu như ngày trước, dù bây giờ là mua hàng second-hand: mua sắm để trở nên hợp thời và sành điệu, chứ không phải mua quần áo bền và chất lượng mình thực sự yêu thích.

Khi bắt đầu lên kế hoạch cho tủ quần áo Xuân – Hè, tôi hy vọng có thể trở lại với lối sống tối giản mà mình tâm huyết nhiều năm trước, phần nào. Tuy nhiên, tôi muốn theo đuổi một hướng tiếp cận thực tế hơn. Mục tiêu lần này không phải là trở thành một “tín đồ tối giản” hoàn hảo, quyết liệt theo đúng nghĩa đen mà là điều chỉnh thói quen mua sắm với tư duy, tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa tối giản.

Điều quan trọng nhất của lối sống tối giản nói riêng và cách sống tỉnh táo, ý thức nói chung là sự trung thực. Tôi bắt đầu thành thật thừa nhận một số thói quen mua sắm không có lợi cho bản thân và môi trường. Cộng đồng những người sống tối giản cũng nên cởi mở chia sẻ những khó khăn mà họ gặp phải trong thực tế, thay vì cứ cố gắng dựng nên hình ảnh cuộc đời hoàn hảo dường như chỉ tồn tại trong mơ mà lối sống này mang đến.

Hiện tại đến tương lai: Sống máy móc không hạnh phúc, hãy linh hoạt!

“Tôi thích hệ giá trị của chủ nghĩa tối giản: chất lượng hơn số lượng, chú ý bảo quản đồ đạc để sử dụng được lâu dài, tránh bừa bộn, chỉ giữ lại trong nhà những đồ mang đến niềm vui (cảm ơn Marie Kondo). Tôi còn yêu cả bảng màu tối giản với các tông màu đơn giản, tự nhiên, yêu các bộ trang phục lấy cảm hứng đơn sắc và phong cách vintage denim. Tôi chỉ không thích cái mác “minimalist” (người sống tối giản), khiến người ta cảm thấy bị hạn chế và buộc phải tuân theo bộ quy tắc, chuẩn mực nào đó. Tôi cở mở và linh hoạt, những gì phù hợp với giá trị sống và tốt cho bản thân, cho cuộc đời, tôi sẵn sàng hoan nghênh. Dù rất cố gắng theo đuổi những giá trị tốt đẹp đó, tôi cũng chỉ là con người, và con người thì chẳng ai hoàn hảo. Nhiều người đang biến chủ nghĩa tối giản thành một lối sống mẫu mực hoàn hảo, vô tình khiến nó trở thành một thử thách cho rất nhiều người khác”, cô bạn Courtney Jay Higgins của tôi chia sẻ.

bàn làm việc tối giản

Ảnh: Unsplash

Tổng biên tập của trang The Good Trade, Emily Torres, đã thực hành lối sống tối giản nhiều năm nay. Trong quá trình dọn dẹp, cắt giảm để tập trung vào những điều cơ bản cần cho cuộc sống, cô thừa nhận mình đã đi quá xa: “Tôi ngừng nấu những bữa ăn cầu kỳ, thịnh soạn mà mình yêu thích, ngừng sử dụng các sản phẩm chăm sóc da khiến mình thoải mái, bỏ đi các bộ quần áo đủ màu sắc từng mang đến bao nhiêu niềm vui. Cuối cùng, tôi đã khiến lối sống tối giản có hại nhiều hơn có ích. Có lẽ việc triệt để thực hành chủ nghĩa tối giản không phù hợp với tôi. Tôi vẫn sẽ sống và tiêu dùng tỉnh táo, thận trọng, nhưng sẽ không bao giờ hạn chế bản thân thái quá như ngày trước nữa”.

Có rất nhiều yếu tố khiến việc hiện thực hóa lối sống tối giản ta thấy trên phim, đọc trong sách khó khăn hơn nhiều so với mong đợi. Với nhiều người, đó là thử thách về tài chính: các sản phẩm chất lượng cao, bền vững thường không hề rẻ; suy nghĩ “biết đâu sau này mình lại cần nó” và phải tốn tiền mua lại món đồ khiến người ta ngại bỏ đi hoặc quyên góp. Cũng không dễ nghiêm khắc tuân thủ lối sống tối giản nếu gia đình và bạn bè xung quanh không ủng hộ: quà tặng thường xuyên nhận được từ người thân, những người sống chung dưới một mái nhà thích mua sắm tất-cả-mọi-thứ để trang hoàng nhà cửa…

cô gái cắm hoa trong căn bếp tối giản

Ảnh: Unsplash

Những bài đăng của người khác trên mạng xã hội khoe khoang về cuộc sống giàu sang, sung túc của họ; những cuộc đời hào nhoáng trên báo đài, phim ảnh, sách vở; nền văn hóa “lậm” chủ nghĩa tiêu dùng không ngừng khuyến khích con người hãy mua hàng nhiều hơn, chi tiền nhiều hơn… tất cả đều đang khiến việc theo đuổi lối sống tối giản trở thành một thách thức thực sự.

Dù vậy, giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tối giản vẫn cần thiết và quan trọng với những ai muốn xây dựng lối sống có ý thức và sáng suốt hơn. Vẻ đẹp của sống tối giản nằm ở chỗ mỗi người sẽ có cách nhìn nhận, hiểu và thực hành nó hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cứ hết sức làm những gì mình có thể, nhưng đừng quên một lối sống hợp lý còn phải mang đến cho chủ nhân nó nhiều niềm vui và sự an tâm.

 

Nhóm thực hiện

Bài: Celeste M. Scott/The Good Trade

Lược dịch: Thùy Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more