Ngay từ thời Edo (thế kỷ 17–19), “đất nước mặt trời mọc” đã hình thành một xã hội ổn định với nền tảng kỷ luật chặt chẽ, tinh thần coi trọng tri thức và ý thức duy trì trật tự xã hội. Sau Thế chiến II, trong bối cảnh đất nước sụp đổ, trì trệ về mọi mặt vì chiến tranh, người Nhật lại một lần nữa cho thế giới thấy sức mạnh nội sinh phi thường. Bằng nghị lực và tinh thần tái thiết kiên cường, họ nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, vươn lên trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Bước vào thế kỷ 21, dù đối mặt với những thách thức mới như già hóa dân số và thiên tai liên tiếp, Nhật Bản vẫn duy trì sự phát triển ổn định, tiếp tục vươn lên, hướng đến một tương lai tích cực, bền vững. Bên cạnh đó, đằng sau lối sống giản dị đầy chiều sâu ấy là những triết lý sống được hun đúc qua thời gian, không chỉ giúp họ vươn lên trong công việc mà còn tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.
Dưới đây là 7 triết lý sống của người Nhật sẽ giúp bạn luôn thành công trong cuộc sống!
1. Wabi-Sabi – Vẻ đẹp của sự không hoàn hảo
Wabi-Sabi là triết lý sống tôn vinh những gì chưa trọn vẹn, vô thường và giản dị trong văn hóa Nhật Bản. Hiểu và áp dụng được Wabi-Sabi sẽ giúp bạn nhẹ nhàng buông bỏ những kỳ vọng phi thực tế do xã hội hay chính bạn áp đặt lên bản thân. Khi đó, bạn không còn gồng mình để trở nên hoàn hảo, ngược lại, bạn biết trân trọng vẻ đẹp riêng những điều còn dang dở, chưa được hoàn thiện. Bởi đôi khi, những điều ấy sẽ dẫn đường cho bạn nhận thấy vẻ đẹp thực sự của cuộc sống, đó còn là tiền đề cho bạn yêu thương chính mình và trở thành phiên bản tốt hơn trong tương lai.Sự phổ biến của Wabi-Sabi không chỉ dừng lại trong phạm vi văn hóa Nhật Bản. Ngay cả Elon Musk – tỷ phú công nghệ nổi tiếng của nước Mỹ, đã từng bày tỏ sự quan tâm tới Wabi-Sabi qua những dòng chia sẻ ngắn trên mạng xã hội. Cụ thể, vào ngày 2 tháng 5 năm 2022, Elon Musk đã đăng trên nền tảng X (trước đây là Twitter) dòng chia sẻ: “the elusive beauty of imperfection 侘寂” (tạm dịch: vẻ đẹp khó nắm bắt của sự không hoàn hảo – Wabi-Sabi). Sau đó, vào ngày 20 tháng 11 năm 2024, ông tiếp tục đăng một bài viết ngắn chỉ gồm hai ký tự tiếng Nhật: “侘び寂び” (tạm dịch: Wabi-Sabi).
Bạn có thể áp dụng thực hành Wabi-Sabi bằng cách bắt đầu trân trọng những điều nhỏ bé và chưa hoàn hảo trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là việc giữ lại một món đồ cũ với những vết trầy xước thay vì vội thay mới, là việc biết ơn một mối quan hệ không hoàn toàn suôn sẻ nhưng đầy chân thành, hay chấp nhận chính mình với những giới hạn, thất bại và những vết sẹo quá khứ. Thực hành Wabi-Sabi còn là học cách tận hưởng những khoảnh khắc bình dị nhưng không bị cuốn vào guồng quay của kỳ vọng và tuyệt đối hóa mọi trải nghiệm. Khi bạn mở lòng đón nhận sự bất toàn của mọi thứ xung quanh, bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, sâu sắc hơn.
2. Ikigai – Lý do để thức dậy mỗi sáng
Ikigai là một trong những triết lý sống nổi tiếng và có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất của người Nhật Bản. “Ikigai” trong tiếng Nhật có thể tạm dịch là “lý do để sống” hay “động lực mỗi sáng thức dậy”. Đó là hành trình đi tìm kiếm và sống trọn vẹn với giao điểm của bốn yếu tố cốt lõi: điều bạn yêu thích, điều bạn giỏi, điều thế giới cần và điều bạn có thể được trả công xứng đáng.
Nếu chỉ làm điều bạn yêu thích nhưng không ai cần đến, đó là đam mê đơn lẻ. Nếu chỉ làm điều thế giới cần nhưng bạn không giỏi, bạn dễ cảm thấy áp lực và mất phương hướng. Nếu chỉ làm điều mình giỏi nhưng không yêu thích, cuộc sống sẽ dễ rơi vào guồng máy lặp lại, thiếu cảm hứng. Và nếu chỉ làm điều mang lại tiền bạc nhưng không kết nối với đam mê hay giá trị xã hội, sớm muộn bạn sẽ rơi vào cảm giác trống rỗng.
Ikigai chính là điểm hội tụ nơi cả bốn yếu tố ấy gặp nhau. Khi tìm thấy Ikigai, bạn không còn cần phải ép buộc mình rời giường mỗi sáng, thay vào đó, có một nguồn năng lượng tự nhiên thôi thúc bạn muốn bắt đầu ngày mới. Công việc không còn là gánh nặng, mà trở thành một phần tự nhiên của đời sống, mang lại niềm vui, sự phát triển cá nhân và cả giá trị cho cộng đồng. Tìm ra Ikigai không phải là điều dễ dàng. Đó là một hành trình đòi hỏi sự tự vấn liên tục, lòng kiên nhẫn và cả sự dũng cảm để thử nghiệm. Nhưng một khi bạn chạm được vào Ikigai của mình, cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn, và mỗi ngày mới sẽ bắt đầu bằng niềm vui sống từ bên trong.
BÀI LIÊN QUAN
3. Kaizen – Từng chút tiến bộ, cả đời thay đổi
Kaizen là một triết lý sống và làm việc nổi tiếng của người Nhật, được hình thành từ hai chữ Hán: “Kai”(改)nghĩa là “thay đổi” và “Zen”(善)nghĩa là “tốt đẹp”. Gộp lại, Kaizen mang nghĩa “cải tiến liên tục vì sự tốt đẹp hơn”.
Không giống như những quan điểm thành công kiểu “bước ngoặt lớn”, Kaizen nhấn mạnh vào sức mạnh của những thay đổi nhỏ, đều đặn mỗi ngày. Theo đó, chỉ cần mỗi ngày ban tiến bộ một chút, bạn sẽ đạt được những thành tựu bền vững hơn bất kỳ phép màu nào.
Trong cuộc sống cá nhân, Kaizen có thể hiện diện ở bất kỳ đâu, như là: dậy sớm hơn 10 phút, gấp chăn ngay sau khi thức dậy, đi làm bằng xe buýt để bảo vệ môi trường, hay chỉ đơn giản là dành vài phút mỗi ngày cho một sở thích cá nhân. Chính sự kiên trì từng chút một trong triết lý sống này sẽ là chìa khóa bền vững cho sự trưởng thành.
4. Gaman – Kiên nhẫn là một dạng sức mạnh
Trong tiếng Nhật, Gaman có nghĩa là “chịu đựng”, “kiên nhẫn” hay “vững vàng trong nghịch cảnh”. Nhưng đối với người Nhật, Gaman không chỉ đơn thuần là nhẫn nhịn, mà là một triết lý sống sâu sắc, tượng trưng cho sức mạnh nội tâm âm thầm nhưng bền bỉ nhất.
Sẽ có những ngày bạn cảm thấy mình như đang vật lộn giữa bão giông, khi mọi nỗ lực dường như vô nghĩa, khi thất bại nối tiếp thất bại và không có lấy một ánh sáng nhỏ để bám víu. Chính trong những khoảnh khắc đó, Gaman xuất hiện như một chiếc neo lặng lẽ nhưng vững chắc, giữ cho tâm hồn bạn không bị cuốn trôi bởi sóng gió.
Triết lý Gaman dạy rằng sức mạnh thực sự không phải là chiến thắng bằng mọi giá, đó là khả năng bạn đứng vững trong nghịch cảnh, không đánh mất phẩm giá của chính mình. Ví dụ, sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011, thế giới đã chứng kiến những hình ảnh cảm động về người Nhật xếp hàng dài trong trật tự để nhận hàng cứu trợ, không chen lấn, không la hét, không tuyệt vọng. Dù mất mát, đau thương và hoảng loạn bủa vây, họ vẫn kiên cường giữ vững sự bình tĩnh và kỷ luật đáng kinh ngạc – đó chính là tinh thần Gaman thấm sâu trong mỗi con người Nhật Bản.
Gaman là lời nhắc về sức mạnh của sự chịu đựng, của lòng kiên nhẫn và sự điềm tĩnh trong nghịch cảnh. Nó không khuyến khích ta trốn tránh nỗi đau, ngược lại, nó dạy chúng ta chấp nhận mọi thứ đến trong đời với sự vững vàng và bảo toàn phẩm giá. Theo triết lý này, đôi khi, bạn không cần phải chiến thắng mọi thứ, chỉ cần bạn đứng vững đã là một dạng dũng cảm.
Xem thêm
•Cách tận dụng năng lượng của các chu kỳ Mặt Trăng để thu hút năng lượng tích cực vào cuộc sống
•12 loại đá quý phong thủy tượng trưng cho từng tháng sinh
•Viên đá trang sức nào kích hoạt sự quyến rũ trong từng cô gái?
5. Shoshin – Giữ cho tâm luôn mới mẻ
Shoshin (初心) là một trong những triết lý đẹp đẽ và khiêm nhường nhất, nó nhắc nhở chúng ta rằng dù đã đi xa đến đâu, dù đã đạt được bao nhiêu thành tựu, bạn hãy luôn bước tiếp với tâm thế trong trẻo của những ngày đầu tiên.
Khi còn là người mới, chúng ta học hỏi với sự tò mò, hồn nhiên, không ngại mắc sai lầm, không e dè thử nghiệm và chưa bị ràng buộc bởi thành kiến hay nỗi sợ thất bại. Shoshin khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng tinh thần ấy suốt đời, bằng sự cởi mở, háo hức khám phá, dám thừa nhận điều bản thân chưa biết và sẵn lòng học hỏi từ bất kỳ ai, bất kỳ trải nghiệm nào.
Giữ một tinh thần cởi mở và tò mò có nghĩa là luôn mở lòng học hỏi, không để cái tôi, sự tự mãn hay những kinh nghiệm đã có cản bước bạn trưởng thành. Bởi đôi khi, chính sự tự tin hay lòng kiêu hãnh thái quá sẽ trở thành bức tường vô hình ngăn chúng ta tiến xa hơn.
6. Omoiyari – Thấu cảm để sống đẹp hơn
Người Nhật không chỉ được biết đến bởi kỷ luật và tinh thần làm việc nghiêm túc, mà còn khiến thế giới kính trọng bởi sự tử tế và thấu cảm trong đời sống thường ngày. Đó chính là tinh thần của Omoiyari. Triết lý này nhắc nhở mọi người sống chậm lại một nhịp, lắng nghe nhiều hơn và đặt mình vào vị trí người khác trước khi vội phán xét hay phản ứng.
Ví dụ, khi đi tàu điện đông đúc, một người có thể âm thầm nhường chỗ cho người lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai dù không ai yêu cầu. Hoặc một nhân viên có thể suy nghĩ trước về những điều sẽ làm đồng nghiệp khó xử để tránh gây ra sự bất tiện không đáng có cho đối phương. Những hành động nhỏ bé, không phô trương ấy chính là dấu hiệu cho thấy tinh thần Omoiyari đang hiện diện trong đời sống.
7. Kintsugi – Những vết nứt luôn có thể sáng
Kintsugi là một bộ môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản, nó bao gồm việc dùng vàng, bạc hoặc bạch kim để hàn gắn những món đồ gốm bị vỡ. Thay vì cố giấu đi những vết nứt, Kintsugi làm nổi bật chúng, biến những đường nứt vỡ thành một phần của vẻ đẹp mới. Tuy bắt nguồn từ kỹ thuật phục hồi đồ vật, Kintsugi đã vượt xa ý nghĩa ban đầu, trở thành một triết lý sống nhân văn sâu sắc.
Kintsugi cho rằng những tổn thương, mất mát hay thất bại trong cuộc đời không phải là điều cần xấu hổ hay chối bỏ. Ngược lại, chúng chính là một phần không thể thiếu trong hành trình trở thành một con người sâu sắc hơn, vững vàng hơn. Vết nứt không còn là dấu vết của sự hỏng hóc, mà trở thành minh chứng cho quá trình hồi phục và sức mạnh nội tâm.
Trong đời sống, mỗi người đều từng trải qua những khoảnh khắc vụn vỡ như thất bại trong công việc, đổ vỡ trong tình cảm, mất mát trong gia đình hay những biến cố cá nhân tưởng như không thể vượt qua. Vì thế, triết lý Kintsugi đã nhắc nhở chúng ta rằng thay vì gắng sức che giấu những tổn thương ấy, bạn có thể học cách trân trọng chúng, từ đó tự tay hàn gắn chính mình, trở thành một phiên bản mới đầy đẹp đẽ và tự hào.
Nhóm thực hiện
Bài: An Khang
Tham khảo: Times of India