Tại sao cả trong tình yêu, chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn?

Đăng ngày:

Cô đơn không phải thứ cảm xúc dành riêng cho những người độc thân, sống một mình. Cả khi đang ở trong một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, dài hạn, vẫn sẽ có những lúc ta thấy mình sao lẻ loi, đơn độc quá.

Cảm xúc cô đơn trong tình yêu có thể là dấu hiệu cảnh báo điều gì bất ổn đang xảy ra với mối quan hệ của hai người. Hoặc, nó cho thấy bạn đang mong mỏi người ấy giúp mình khỏa lấp một khoảng trống trong tâm hồn bấy lâu nay, nhưng đối phương vẫn chẳng nhận ra.

Người ta thường nói, tình yêu là ngôn ngữ của trái tim. Có lẽ bởi thế, dù bạn là người giỏi lý lẽ, lập luận đến đâu, những vấn đề trong tình yêu vẫn sẽ là nỗi trăn trở, day dứt, khó tìm được câu trả lời. 

Dưới dây, các chuyên gia tâm lý sẽ giúp chúng ta lý giải một số nguyên nhân khiến con người cảm thấy cô đơn trong tình yêu. Hãy cùng ELLE tìm đến gốc rễ vấn đề để tìm lại sự cân bằng cho cuộc sống và mối quan hệ của mình nhé.

Tình yêu không còn tốt đẹp như xưa

Gần nhau về thân thể nhưng tình cảm thì xa cách, người ta sẽ thấy cô đơn.

cô gái tựa đầu lên vai người yêu

Cảm giác trống vắng xuất hiện khi một cặp đôi mất kết nối tình cảm. Ảnh: Unsplash.

Năm 2018, cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy có 28% những người không hài lòng với cuộc sống gia đình, hôn nhân thường xuyên cảm thấy cô đơn. Đồng thời, số người Mỹ không hạnh phúc với gia đình họ cũng đang tăng lên. Kết quả khảo sát xã hội của NORC, Đại học Chicago năm 2016 ghi nhận số cặp vợ chồng không hạnh phúc cao nhất trong lịch sử, kể từ năm 1974.

Theo Gary Brown – nhà tư vấn hôn nhân và gia đình tại Los Angeles, cảm giác cô đơn thường xuất hiện khi một cặp đôi đánh mất kết nối tình cảm. Ngay cả trong những mối quan hệ tưởng chừng hoàn hảo, bền vững nhất, chắc chắn vẫn sẽ có lúc một hoặc cả hai người trở nên xa cách, như có bức tường vô hình đang chắn sừng sững giữa tình yêu của họ. 

Không sẵn sàng chia sẻ phần yếu đuối

Trong quan hệ tình cảm, bạn sẽ cô đơn nếu không sẵn sàng cởi bỏ lớp “áo giáp” phòng thủ, để lộ cho đối phương thấy khía cạnh yếu đuối, dễ tổn thương hơn trong con người mình.

Tác giả cuốn sách How To Be Single And Happy (tạm dịch: Để sống độc thân hạnh phúc), nhà tâm lý học lâm sàng Jenny Taitz cho biết: “Một yếu tố góp phần gây ra cảm giác cô độc là việc bạn không chịu nói thành lời những cảm xúc của mình, cũng không chia sẻ những điều nằm ngoài vùng an toàn, nhiều rủi ro hơn. Hai người có thể rất gần gũi, nhưng người ấy lại chẳng được biết thông tin riêng tư, cá nhân nào của bạn cả”.

So sánh với các cặp đôi khác trên mạng xã hội

Mạng xã hội cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến cảm giác cô đơn trong tình yêu, bởi nhiều người có thói quen so sánh cuộc sống, tình yêu của mình với người khác. 

xem ảnh trên instagram

So sánh cuộc sống của mình với hạnh phúc của người khác trên mạng khiến ta thấy cô đơn. Ảnh: Unsplash.

Chẳng hạn, vào lễ tình nhân Valentine, bạn và người yêu đã có một bữa tối thân mật, vui vẻ bên nhau. Tuy nhiên, khi về nhà và lên Facebook, bạn lại thấy các cô gái khác hạnh phúc khoe về những món quà xa xỉ, ngọt ngào được người yêu tặng mà bạn không hề có, hoặc một buổi hẹn hò lãng mạn hơn hẳn bữa tối của hai người. Ngay lập tức, bạn sẽ thấy cô đơn. 

Theo Jenny Taitz, khi đem mối quan hệ của mình và người khác ra so sánh, cân nhắc thiệt hơn, chúng ta vô tình tạo ra một “khoảng cách không thoải mái” giữa mình và người yêu dấu. Chính từ khoảng cách này, cảm giác đơn độc sẽ bắt đầu nảy sinh.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, bạn sẽ càng cảm thấy cô đơn. Trong báo cáo nghiên cứu công bố trên tạp chí Y học dự phòng Hoa Kỳ năm 2017, những người dùng mạng xã hội nhiều hơn 2 giờ/ngày thường có cảm giác cô độc nhiều gấp đôi so với những người chỉ dùng nửa giờ/ngày.

Đôi khi, nỗi cô đơn đến trước mối quan hệ

Ở một số trường hợp, cô đơn có thể là do… di truyền. Nghiên cứu công bố trên Nature vào năm 2016 cho thấy sự cô đơn có thể là một đặc điểm di truyền. Nghĩa là, do ảnh hưởng của gen, một số người được định sẵn sẽ cảm nhận nỗi cô độc lớn hơn và thường xuyên hơn so với người khác, trong suốt cuộc đời họ.

cô đơn trên cánh đồng

Đôi khi, cảm giác đơn độc không thể biến mất đơn giản bằng cách ở bên người khác. Ảnh: Unsplash.

Bất kể lý do gì, việc sử dụng tình yêu và các quan hệ tình cảm như một công cụ “chữa trị” cảm giác cô đơn vốn tồn tại từ trước sẽ không bao giờ thực sự hiệu quả. Con người kỳ vọng một ai khác có thể thay họ lấy đi thứ cảm xúc khó chịu ấy, khỏa lấp nỗi trống trải, để họ không còn là một thực thể tồn tại đơn độc trên thế giới này. Nếu đó là tâm thế khi bước vào tình yêu, bạn chỉ đang tự chuốc lấy một kết cục thất vọng não nề.

Cô đơn là vấn đề của tình yêu, hay của bản thân mình?

Không dễ xác định rõ gốc rễ của cảm giác đơn độc, nhưng bước giải quyết đầu tiên của đa số vấn đề là hãy trò chuyện với người ấy về cảm xúc, suy nghĩ của bạn.

Nếu khi trò chuyện, bạn phát hiện đối phương thường cố làm nhiều việc vì muốn mình vui, muốn thỏa mãn cảm xúc của mình nhưng bạn vẫn cảm thấy cô đơn, có lẽ, vấn đề đến từ bên trong bạn, không phải từ tình yêu của hai người. Bạn có trải qua cảm xúc tương tự trong những mối quan hệ trước không? Cảm giác cô độc có thường đến ngay khi sự mới mẻ, hào hứng của tình yêu mới qua đi? Nếu câu trả lời là có, đã đến lúc bạn ngồi lại với bản thân, tìm kiếm trong mình xem lý do gì đã tạo ra khoảng trống tinh thần khó lấp đầy đến vậy.

Trường hợp còn lại, nếu đối phương chia sẻ họ cũng có cảm giác trống trải, đơn độc giống như bạn, một bất ổn chưa được phát hiện trong tình yêu đang khiến cả hai người cô đơn. Cảm giác cô đơn có trở nên mạnh mẽ hơn cả khi hai bạn ở cạnh nhau? Cảm xúc ấy có mãnh liệt hơn so với trước khi mối quan hệ bắt đầu, hay khi hai người mới đến bên nhau? 

hẹn hò lãng mạn dưới ánh nến

Hãy trò chuyện chân thành với người mình yêu thương. Ảnh: Unsplash.

Giải pháp hóa giải nỗi cô độc lạ lùng xuất hiện khi bạn đang có một tình yêu bền vững cũng tương tự như cách tìm ra nguyên nhân của nó: hãy trò chuyện với đối phương. Cố gắng nói ra những điều bạn nghĩ, bạn cảm nhận mà không đánh giá hay cáo buộc người ấy và lắng nghe ý kiến phản hồi. 

Đừng chạy trốn sự cô đơn, cũng đừng buộc mình phải ở bên người khác để xóa bỏ cảm giác ấy. Hãy cởi mở khi giao tiếp với chính mình và với người bạn yêu thương. Có thể, bạn sẽ dần nhận ra được những khía cạnh bất ổn, chông chênh để bắt đầu từng bước tìm lại an yên, viên mãn trong cuộc sống.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: TIME

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more