Vì sao chúng ta hay tự nói chuyện một mình?

Đăng ngày:

Có bao giờ bạn bắt gặp bản thân đang tự lẩm bẩm một mình? Đừng nghĩ rằng hành động này kỳ quặc bởi nói chuyện với chính mình đã được chứng minh đem lại nhiều lợi ích bất ngờ về mặt tâm lý.

Trên thực tế, có rất nhiều người thường xuyên tự nói chuyện một mình. Hành động này bắt đầu khi chúng ta còn nhỏ và đối với một số người, nó trở thành thói quen khó bỏ khi chúng ta lớn lên. Mặc dù đôi lúc, chúng ta cảm thấy ngại ngùng khi bị người khác nhìn thấy mình đang lẩm bẩm một mình nhưng không thể phủ nhận rằng, thói quen này đặc biệt hữu ích trong đời sống hàng ngày.

Nói chuyện với chính mình có lợi ích gì? Làm thế nào nếu thói quen này vô tình ảnh hưởng đến những người xung quanh? Hãy cùng ELLE tìm hiểu nhé.

Lợi ích khi nói chuyện một mình

Giải quyết vấn đề hiệu quả

lợi ích của việc nói chuyện một mình

Ảnh: Pexels/ cottonbro

Nói chuyện với chính mình không chỉ giúp não bộ tập trung vào vấn đề cần giải quyết mà còn giúp chúng ta nhìn nhận sự việc một cách khách quan, lý trí. Đó là lúc chúng ta nghiêm túc suy ngẫm về những gì đã xảy ra, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, tự đặt câu hỏi cho bản thân để nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Phương pháp này giúp bạn dễ dàng theo dõi tiến trình công việc, đồng thời giảm thiểu cảm xúc tiêu cực ở thời điểm hiện tại, góp phần cải thiện năng suất làm việc.  

Ghi nhớ tốt hơn

Bạn có hay tự nói một mình khi đi mua sắm hoặc tự lẩm nhẩm khi tìm kiếm một đồ vật bị thất lạc? Đừng quá lo lắng bởi các nhà nghiên cứu cho rằng tự nói chuyện giúp chúng ta ghi nhớ tốt hơn từng mục trong danh sách của mình. Khi bạn liên tục lặp lại tên đồ vật, những gì bạn đang nói sẽ liên kết chặt chẽ với mục tiêu mà thị giác đang tìm kiếm, giúp bạn hình dung rõ hơn và dễ dàng chú ý đến nó hơn là chỉ nghĩ trong đầu. 

Tự động viên bản thân

nói chuyện một mình để tự động viên

Ảnh: Unsplash/ Benigno Hoyuela

Thử nhớ lại những lần bị rơi vào tình huống khó khăn, bạn có từng tự động viên bản thân rằng: mình sẽ làm được, nhất định mình sẽ vượt qua được, mình đã làm rất tốt… Trên thực tế, những câu nói ấy luôn có tác động tích cực đến tinh thần của chúng ta vào những lúc bế tắc nhất, đặc biệt là khi chúng ta nói to thành tiếng thay vì giữ chúng trong suy nghĩ. Một cuộc nghiên cứu cho thấy khi các cầu thủ bóng rổ tự nói với chính mình những lời động viên, thành tích của họ đã được cải thiện đáng kể. Những lời nói ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có tác dụng thúc đẩy tinh thần, tiếp thêm sức mạnh, giúp chúng ta vượt lên chính mình, tự tin đối diện với thử thách. 

Điều chỉnh cảm xúc

tự nói chuyện để điều chỉnh cảm xúc

Ảnh: Unsplash/ Elise Wilcox

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chia sẻ cảm xúc của mình với người khác, cho dù đó là những người gần gũi, đáng tin cậy nhất. Đôi khi, cách tốt nhất để giải tỏa tâm trạng là cho bản thân một không gian riêng, yên tĩnh để thoải mái nói ra suy nghĩ trong lòng. Thành thật với chính mình giúp chúng ta học cách chấp nhận những gì đã xảy ra, đồng thời quản lý hiệu quả những cảm xúc tiêu cực.

Cách tận dụng tối đa lợi ích của việc nói chuyện một mình

Chỉ nói những điều tích cực

tập nói chuyện một cách tích cực

Ảnh: Unsplash/ Eddy Billard

Mặc dù tự phê bình bản thân là cách giúp bạn nhận thức rõ trách nhiệm của mình để cải thiện trong tương lai, nhưng không phải lúc nào phương pháp này cũng hiệu quả. Nếu bạn liên tục đổ lỗi cho bản thân vì nguyên nhân khách quan, điều đó chỉ khiến cho tinh thần của bạn ngày càng bị suy sụp. Thế nhưng, điều đó cũng không có nghĩa là bạn nên nói những lời tự động viên phi thực tế. 

Ví dụ, nếu có một việc bạn làm chưa tốt, đừng nói “Mình làm tệ quá, chẳng bao giờ khá lên được”, cũng không nên tự lừa dối bản thân rằng “Công việc này mình đã làm tốt lắm rồi”. Thay vào đó, hãy nói rằng “Mặc dù công việc này hơi quá sức, nhưng mình đã học được rất nhiều từ trải nghiệm này. Lần tới mình sẽ nỗ lực hơn nữa”.

Tự đặt câu hỏi

lợi ích khi nói chuyện một mình

Ảnh: Unsplash/ Kate Hliznitsova

Đặt câu hỏi cho bản thân về ý nghĩa của một việc nào đó hoặc về những điều bạn đã học được là cách để bạn củng cố thông tin trong trí nhớ của mình. Tự đặt câu hỏi còn giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng mới mẻ, đồng thời có một cái nhìn đa chiều hơn về những gì đang diễn ra để lên kế hoạch cho dự định tiếp theo. 

Để ý những điều mình nói

Nói chuyện với chính mình đặc biệt hữu ích khi bạn thực sự chú ý và lắng nghe những gì mình đang nói. Phương pháp này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về bản thân bởi khi chúng ta chú tâm vào lời nói của mình, điều đó có nghĩa là chúng ta đang tự kiểm tra cảm xúc của bản thân hoặc những kiến thức đã được tiếp thu. 

Sử dụng ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ ba

Khi nói chuyện một mình, thay vì sử dụng ngôi thứ nhất, bạn hãy thử chuyển sang góc nhìn của người khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng, dùng ngôi thứ ba khi tự nói với chính mình giúp chúng ta kiểm soát hiệu quả cảm xúc cá nhân, đặc biệt là vào những lúc căng thẳng. Khi sử dụng ngôi thứ ba, bạn sẽ cảm thấy mình đang quan sát suy nghĩ của người khác chứ không phải của chính mình. Do đó, bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn với vấn đề trước mắt. Ví dụ, thay vì nói “Tôi có thể vượt qua nỗi sợ này”, hãy tự nói với chính mình “Bạn chắc chắn sẽ vượt qua được nỗi sợ này”.

Làm thế nào nếu thói quen này ảnh hưởng đến người khác?

Mặc dù tự nói chuyện với chính mình giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề nhưng nếu điều đó gây cản trở đến công việc của người khác, ảnh hưởng không gian chung, có lẽ bạn sẽ muốn từ bỏ thói quen này. Làm thế nào để kiểm soát thói quen nói chuyện một mình?

Viết nhật ký

viết nhật ký thay vì nói chuyện

Ảnh: Pexels/ Kevin Malik

Thay vì nói, bạn có thể viết ra suy nghĩ, cảm xúc của mình hoặc bất kì điều gì bạn muốn vào một cuốn sổ nhỏ. Viết nhật ký không chỉ giúp chúng ta thuận tiện theo dõi những gì đã xảy ra mà còn là cách chúng ta lưu giữ lại kỷ niệm hoặc những ý tưởng bộc phát ở thời điểm hiện tại. 

Trò chuyện với mọi người

nói chuyện với mọi người

Ảnh: Unsplash/ Hannah Busing

Người ta vẫn nói rằng “Hai cái đầu thì tốt hơn một”. Điều đó có nghĩa là dù bạn có khả năng vượt qua khó khăn hiện tại nhưng nếu có sự trợ giúp của mọi người, vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng và nhanh chóng hơn. Không những vậy, bạn còn có cơ hội nhận được đánh giá, lắng nghe ý tưởng từ những người có kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ của mình.

Tự đánh lạc hướng 

Nếu bạn đang ở một nơi yên tĩnh như trong thư viện, hãy thử ngậm kẹo, nhai kẹo singum hoặc nhấp một ngụm nước mỗi khi bạn có ý định lên tiếng. Những mẹo này sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn đang ở một nơi cần phải giữ im lặng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đeo tai nghe và bật bài nhạc yêu thích như một cách đánh lạc hướng suy nghĩ của mình.

Mặc dù nói chuyện một mình là một hành động hoàn toàn bình thường nhưng nếu bạn luôn có những suy nghĩ tiêu cực hoặc thường nghe thấy âm thanh vang lên trong đầu, có thể bạn đang mắc phải một số căn bệnh như trầm cảm, tâm thần phân liệt…  Những lúc này, hãy tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để có phương án điều trị phù hợp.

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: yourtango, verywellmind, healthline

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more