Uống gì trong lúc uống trà

Đăng ngày:

(Phái đẹp – ELLE) Có thể thưởng thức thú uống trà mà không có cả một tách trà. Bởi cái ý vị của một tách trà khởi từ tâm thế của người thưởng thức.

-000

Không biết bà nội tôi có phải người sành trà không, nhưng bà là người có thú uống trà.

Từ lúc 5 tuổi, tôi thường phụ chị gái khi tách “hạt gạo” trong hoa sen, khi hái nhài, ngâu, sói… để bà ướp trà. Loại trà ngon nhất thì không ướp.

Lớn hơn chút nữa, thỉnh thoảng tôi được bà sai pha trà. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác hơi hồi hộp mỗi sáng mời trà bà, nín thở nhìn bà nâng chén lên uống ngụm trà đầu tiên. Nếu bà khẽ gật, uống tiếp ngụm nữa mà không mắng mỏ gì nghĩa là tôi “tạm thoát”. Khi ấy mắt bà lim dim, gương mặt sáng lên thư thái. Trong thoáng chốc, bà và tách trà như đã thuộc về một thế giới trong suốt nào đó mà tôi không thể chạm tới.

Ở nơi suối vàng, chắc bà tôi phiền lòng lắm khi biết cái thú uống trà của bà truyền đến tôi giờ đây đã biến tướng thành thú ngồi lê la trà xu vỉa hè, ôm những chiếc cốc thủy tinh to vật, bên trong đựng một thứ nước màu nâu vàng cẩu thả, rất xa với thứ nước trà bà dạy tôi pha năm xưa. Không những thế, gần đây các hàng trà vỉa hè chuyển sang bán trà chanh, thêm chút đường và một lát chanh để kiếm cớ nâng giá cốc trà lên gần chục lần, thì tôi cũng đổ đốn hay tặc lưỡi uống thứ trà đó. Trà loãng, cốc thủy tinh, lại còn chanh với đường! Trời ơi, hẳn bà sẽ giận uất lên được.

Nhưng có lẽ bà sẽ nguôi giận nếu biết là chính nhờ những buổi lê la trà xu vỉa hè, vừa áp cốc lên má vừa nhẩn nha ngắm cây, ngắm phố, ngắm người xe lại qua mà tôi hiểu được một điều: Những buổi trà sáng xưa kia không hẳn bà đã uống những tách trà tôi pha, mà là uống – những – khoảnh – khắc – cùng – trà.

Thời sinh viên, tôi bắt đầu mê Kawabata từ khi đọc Ngàn cánh hạc, có đoạn tả buổi chiều trong trà thất, người phụ nữ nâng chén trà lên rồi dừng mắt lại ở miệng chén, nơi màu men in một vết sẫm thầm kín như thoáng dấu son môi bí ẩn. Giờ đây, đã mấy năm sống ở đất nước của trà đạo, nhưng chưa chén trà Nhật nào đưa tôi đến gần được cảm xúc của cô gái Nhật thưởng trà trong Ngàn cánh hạc. Lòng tôi chỉ thương nhớ đến thèm khát những buổi trà xu vỉa hè Hà Nội. Với tôi, chén trà Nhật đẹp, nhưng là chén trà “của người khác”.

Duy nhất một lần trên đất Nhật, tôi đã tìm được chén trà “của mình”. Cả ngày hôm đó, tôi đưa một người bạn đi vãn cảnh Kamakura, thủ phủ của Samurai thời Mạc Phủ. Chiều muộn, chúng tôi ngồi dưới mái hiên sau một ngôi chùa cổ, ngắm nắng tan dần trong vườn. Khu vườn được làm theo phong cách Zen, vô cùng giản dị, tự nhiên, mô phỏng lại một miền quê Nhật bao la với cây cầu đá tượng trưng bắc ngang một dòng sông tượng trưng uốn khúc hiền hòa giữa những tảng đá. Cảm giác có thể nói hết mọi điều nhưng chẳng có gì cần nói, chúng tôi ngồi tựa vách gỗ cũ kỹ ngắm thời gian nhẩn nha, thầm thì trôi cho đến khi trời xẩm tối. Khi đó, tôi thấy mình gần gũi kỳ lạ với bà tôi trong buổi trà sáng năm xưa, với người thiếu phụ Nhật trong tiểu thuyết Kawabata, và với chính tôi khi chiếm một cái ghế nhựa nhỏ, ôm khư khư một cốc trà to, tự biến mình thành một cái cây trên vỉa hè Hà Nội mà ngắm cuộc sống con người chảy trôi.

Vậy đấy, người ta có thể có một người ở bên, trong một phút giây riêng tư đến vậy, mà không thấy phiền.

Và có thể thưởng thức thú uống trà mà không có cả một tách trà. Bởi cái ý vị của một tách trà khởi từ tâm thế của người thưởng thức.

Tôi thường nhớ đến trải nghiệm này khi ai đó nói nếu có được ngôi nhà lớn ở quận X, hay thành đạt nhiều tiền như ông Y, hay được sống cùng chàng/nàng Z, họ mới có thể yên tâm thưởng thức cuộc đời. Nếu thực sự muốn thưởng thức cuộc đời của chính mình, làm sao có thể cứ vin dựa vào những điều ngoài bản thân? Làm sao cứ chần chừ trông đợi ở tương lai khi từng hơi thở đang tan đi không lặp lại?

Uống trà, một chiếc tách sạch còn quan trọng hơn trà ngon. Vì một ấm trà ngon được rót vào một cái tách chưa sạch chẳng thể sánh được với một ngụm nước trắng trong một chiếc tách không ô tạp.

Có ai sống mà tránh được mất mát, tổn thương hay đơn giản là những điều không như ý? Nhưng điều quan trọng nhất là lòng mình vẫn giữ được sự trong sáng, khiêm nhường như một chiếc tách sạch sẵn sàng thu nhận mọi hương vị đắng, ngọt của từng giây phút sống…

Nhà thơ Dạ Thảo Phương

Phái đẹp ELLE
ELLE.VN

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more