6 xu hướng chăm sóc sức khỏe đáng chú ý trong năm 2023
Nếu bạn đã bỏ lỡ nhiều mục tiêu cải thiện sức khỏe trong năm 2022, hãy tham khảo những xu hướng chăm sóc sức khỏe trong năm 2023 để hướng đến mục tiêu hoàn thiện bản thân một cách toàn diện trong năm mới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều xu hướng chăm sóc sức khỏe liên tục được cập nhật để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Và năm 2023 cũng không ngoại lệ khi một loạt xu hướng chăm sóc sức khỏe mới vừa xuất hiện trong lĩnh vực self-care.
Tuy nhiên, thay vì tập trung vào những phương pháp nổi trội trên TikTok, Facebook, Instagram, tại sao chúng ta không ưu tiên sử dụng các giải pháp toàn diện, bền vững và được nghiên cứu dựa trên khoa học? 6 xu hướng dưới đây được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe dự đoán sẽ tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trong năm 2023.
1. Ăn tối sớm
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng ăn tối trong khoảng thời gian 5-6h chiều có thể giúp bạn cải thiện giấc ngủ, cải thiện hệ tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất, điều hòa huyết áp và giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, thói quen ăn tối sớm chỉ được người lớn tuổi áp dụng và duy trì lâu dài.
Colette Dong, CEO kiêm Founder của Trung tâm thể dục thể hình Fitness & Dance – The Ness cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy xu hướng phục vụ bữa tối sớm hơn trong ngành khách sạn. Ngoài ra, trên các vòng theo dõi thể lực hoặc smartwatch, mọi người được thông tin nhiều hơn về ảnh hưởng của bữa tối muộn đối với sức khỏe: ngủ không ngon giấc, dễ mắc sỏi thận, khả năng hồi phục kém, gia tăng nguy cơ bị béo phì…”.
Mặc dù sau một ngày dài mệt mỏi, việc bạn muốn tận hưởng một bữa ăn thịnh soạn với nhiều món ăn ngon để cảm thấy thoải mái hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, bữa tối có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và cân nặng của chúng ta. Vì vậy, hãy ăn tối sớm hơn và tiêu thụ lượng thức ăn vừa phải để cung cấp nhiều thời gian hoạt động cho hệ tiêu hóa, đồng thời thiết lập thói quen ngủ lành mạnh.
2. Tập luyện cường độ thấp
Trong tất cả hình thức tập thể dục, đi bộ được xem là bài tập đơn giản, dễ thực hiện và được nhiều người áp dụng nhất. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua, khi các phòng gym, studio hay lớp học tập luyện đều đóng cửa, nhiều người nhận ra rằng họ có thể chuyển động cơ để cảm thấy dễ chịu hơn chỉ với việc làm đơn giản là đi bộ thay vì các bài tập cường độ cao gây mệt mỏi và mất sức. Do đó, trong khoảng thời gian sắp tới, các hình thức vận động cường độ thấp như đi bộ đường dài, yoga, pilates sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi và trở thành thói quen tập thể dục của nhiều người.
3. Làm đẹp tại nhà
Thói quen chăm sóc da tại nhà với mong muốn sở hữu làn da luôn tươi trẻ của mọi người đang ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm gần đây. Nhiều lớp học trực tuyến về chăm sóc da tại nhà xuất hiện, các chuyên gia, influencers về skincare cũng đã chia sẻ các kiến thức làm đẹp của mình thông qua các nền tảng mạng xã hội, giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận các phương pháp làm đẹp tại nhà một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ đã cho ra đời các thiết bị hỗ trợ chăm sóc da tại nhà như máy phun sương chăm sóc da mặt, mặt nạ đèn LED… từ đó, việc skincare trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết.
Xem thêm:
• 5 bí quyết chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện cuộc sống từ người Ý
• Gợi ý những món quà ý nghĩa cho mùa Tết 2023
• 16 gợi ý du lịch kết hợp các trải nghiệm tâm linh và chăm sóc sức khỏe tinh thần
4. “Detox” công nghệ và mạng xã hội
Đối với nhiều người, việc thường xuyên tạm ngưng sử dụng mạng xã hội nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung không chỉ là phương pháp điều trị tâm lý trong y học, mà còn được thực hiện như một mục tiêu chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Những phương pháp đơn giản như bật chế độ không làm phiền, tắt thông báo mạng xã hội và sử dụng đồng hồ báo thức truyền thống để hạn chế tối đa thói quen sử dụng điện thoại vào ban đêm đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người cho rằng, họ cảm thấy dễ chịu hơn khi tận hưởng cuộc sống không smartphone, đồng thời có khả năng thiết lập ranh giới giao tiếp lành mạnh hơn với mọi người.
5. Tập luyện trong một tập thể
Hiện nay, mọi người có xu hướng thích tập luyện tại phòng gym, studio hay lớp học thể dục thể hình hơn để tự thúc đẩy động lực và giúp bản thân dễ dàng đạt được các mục tiêu về sức khỏe. Mặc dù tập luyện tại nhà vẫn được nhiều người ưu tiên lựa chọn vì nhiều ưu điểm như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, lịch trình linh hoạt… Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhiều nền tảng ứng dụng hỗ trợ rèn luyện sức khỏe tại nhà có khả năng sẽ tích hợp thêm chức năng Live Camera hoặc Dual Camera để tiếp thêm động lực, năng lượng và tinh thần cạnh tranh lành mạnh cho người dùng.
6. Movement Snacks (Những bài tập vận động nhỏ trong ngày)
Ngày càng có nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng, “movement snacks” không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích hơn so với các bài thể dục cường độ cao đẫm mồ hôi. Đây là chìa khóa quan trọng giúp thay đổi suy nghĩ chung của nhiều người về việc tập thể dục: mệt mỏi, gắng sức, đau đớn và nhanh nản.
Thay vào đó, những bài vận động nhỏ có khả năng giúp mọi người tìm thấy niềm vui trong công cuộc chăm sóc sức khỏe, hạn chế áp lực về thời gian tập luyện. Ngoài ra, việc vận động nhiều lần trong ngày với những bài tập đơn giản giúp sản sinh endorphin (chất dẫn truyền thần kinh được giải phóng khi tập thể dục) liên tục để tạo cảm xúc tích cực và cải thiện tâm trạng của bản thân.
Bài: Phương Hy
Tham khảo: Forbes