Vẻ đẹp của Lãnh Mỹ A là vẻ đẹp của thời gian. Ngay trong quá trình tạo nên Lãnh, thời gian đã là một bí quyết: thời gian để trái mặc nưa chín, để nhuộm, ủ, ngâm, phơi… và thời gian để Lãnh bước ra khỏi vùng huyền thoại, để sống đời đương đại. – ELLE Việt Nam
KILOMET109
Lãnh Mỹ A (LMA) vốn được làm trên nền vải satin – thứ vải tơ tằm có độ óng cao nhất trong các loại vải tơ tằm. Sợi để dệt ra LMA được tuyển chọn kỹ càng. Mủ mặc nưa không chỉ hoạt động như thuốc nhuộm mà còn làm tăng thêm độ dày, độ khít của ganh vải. Công đoạn ngâm với bùn sau khi hoàn tất nhuộm mặc nưa cũng bổ sung rất tốt cho độ sâu, độ bền của sắc tố. Bùn sông chứa rất nhiều khoáng chất, trong đó có sắt, hỗ trợ cầm màu cho vải.
Nhưng bước làm cho LMA có vẻ láng, sắc đanh như da thuộc lại nhờ vào cán. Một trục sắt có đầu gỗ đặc được gắn vào máy có mô tơ, và người nghệ nhân sau khi vẩy nước đều lên tấm vải đã nhuộm đen thì cuộn lại thành cuộn, bọc kín bằng bao tải và đặt dưới trục để cán. Lực ma sát phát sinh từ cán làm lì hơn mặt vải và tăng độ kết dính giữa các xơ sợi. Chính vì những tính chất đặc trưng này nên LMA không có độ đàn hồi, khó may đẹp, hay nói cách khác là rất dễ lộ lỗi vải, lỗi may, lỗi khâu và gần như không thể sửa vì để lại lỗ kim.
BÀI LIÊN QUAN
Để thực sự hài lòng với một thiết kế bằng vải LMA, cả NTK đến thợ thủ công phải chuẩn bị kỹ lưỡng từng khâu, từ phác thảo cho đến dựng mẫu, cắt, may và trang trí. Khi làm việc với LMA, tôi có xu hướng tạo ra các thiết kế có hình khối đơn giản, giảm các đường may phức tạp, bớt các chi tiết rườm rà và tránh các đường cắt chéo (vì LMA ít tiêu). Các yêu cầu khắt khe như cữ may, cỡ kim, chân vịt chống trượt đều cần phải tuân thủ để đạt được chất lượng gia công hoàn hảo nhất. Tay nghề của người chế tác là tối quan trọng, phải là “cao thủ”, có kỹ năng, kinh nghiệm và tính cầu toàn.
Sự khó tính của Lãnh Mỹ A cũng là lẽ đương nhiên, tựa như người tu hành đạt đến cảnh giới thì không dễ gì thỏa hiệp trước những thứ tầm thường. – NTK Vũ Thảo
Tôi là người thích thách thức những giới hạn, lại có chút kiến thức về nhuộm tự nhiên nên thấy trái mặc nưa chỉ dùng để làm ra Lãnh thì tiếc quá. Vì vậy, khi nghệ nhân thử nghiệm rộng hơn trên các chất liệu tơ tằm khác như đũi, gấm, cát hay áp dụng các kỹ thuật nhuộm khác như shibori (nhuộm khâu), tie-dye (nhuộm buộc), ombre (nhuộm nhúng), block printing (in con dấu)… tôi rất sung sướng và ủng hộ tuyệt đối.
Tôi đặc biệt sùng ái vẻ đẹp của đũi nhuộm mặc nưa. Vải đũi được làm từ sợi tơ mộc nên hấp thụ sắc tố tự nhiên rất đằm. Ganh vải nổi vân to nhỏ nhưng chắc khỏe. Nhuộm với mủ mặc nưa càng làm cho đũi có vẻ tĩnh lặng mà không lồ lộ như Lãnh. Độ lì của bề mặt đũi mặc nưa có khả năng hấp thụ ánh sáng chứ không phản quang như Lãnh, vì thế mà nó hút mắt chứ không lóa mắt.
Ba BST gần đây của tôi đều dùng đũi nhuộm mặc nưa. Thứ vải quý giá này luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các chuỗi thiết kế của KILOMET109. Dù ít hay nhiều, màu mặc nưa chắc chắn sẽ là sắc tố có mặt vĩnh viễn trong các sản phẩm của tôi. Tôi chỉ cầu giời khấn Phật cho nghề chế tác chất liệu có một không hai này, bằng cách nào đó, được tiếp tục sống và sống khỏe.
FALVAON
NTK trẻ Lưu Việt Anh, người đứng sau thương hiệu Falvaon, tìm đến Lãnh Mỹ A vì luôn yêu vẻ đẹp văn hóa Việt. Từng bước một, từng chút một, những cảm hứng từ giá trị Việt khiến Việt Anh mê mẩn. Lãnh Mỹ A là chất liệu truyền thống được đặt ở hàng đầu, truyền cảm hứng để NTK có thể khai phá và sáng tạo. Đối với Lưu Việt Anh, Lãnh Mỹ A như một cô tiểu thư đỏng đảnh. Ngay từ lúc thiết kế đã cần một sự tập trung cao độ để bám sát đặc tính vải. Đến các bước sau đó, khi đến tay những người thợ may, để hoàn thiện nên một sản phẩm đòi hỏi người thợ phải có tính tỉ mỉ cao, cẩn thận tuyệt đối khi bắt tay vào việc. Một mũi kim khi đã may vào sẽ không được phép tháo sửa, vì khi tháo rồi may lại sẽ làm thay đổi bề mặt vải. NTK cần phải kiểm soát từ khi lên rập cho đến từng mũi may, vì nếu không cảm nhận được tổng thể, đường may rất dễ bị nhăn.
Lưu Việt Anh chia sẻ: “Lần đầu khi thấy Lãnh Mỹ A, tôi đã ấn tượng bởi vẻ óng ánh đen mượt của nó. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn sẽ không nghĩ đây là lụa mà tưởng rằng đây là vải da, cho đến khi được chạm và sờ vào mới bất ngờ về sự mềm mại, nhẹ nhàng và cảm giác thoáng mát mà Lãnh mang lại. Chính sự đánh lừa thị giác đó khiến tôi có cảm xúc mãnh liệt với chất liệu truyền thống này, bởi nó mang hơi thở và ký ức của vẻ đẹp xưa cũ, nhưng lại đem đến cảm giác đương đại ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Do đó, khi bắt đầu thử thách với Lãnh, tôi đã chọn cái nhìn khác biệt để áp dụng trên sản phẩm túi xách khiến người xem bị đánh lừa thị giác: trông như một chiếc túi da nhưng lại nhẹ hơn da, chạm vào thì mềm mại mà chẳng hề khô cứng như da. Và ở lần chinh phục tiếp theo, tôi cũng muốn ứng dụng phương thức thực hành đó trên phom áo jacket thanh lịch và mạnh mẽ.”
Hiện tại và cả trong tương lai, những điều đẹp đẽ và cả đầy thử thách từ Lãnh Mỹ A vẫn là một đam mê lớn của Lưu Việt Anh. – NTK Lưu Việt Anh
BÀI LIÊN QUAN
HANOIA
Hanoia vinh dự là một phần trong hành trình lưu giữ và phát triển Lãnh Mỹ A. Từ năm 2010, Openasia (tập đoàn mẹ của Hanoia) đã đồng hành cùng gia đình bác Tám Lăng — gia đình duy nhất còn giữ nghề làm Lãnh tại Tân Châu, An Giang — cùng xây dựng lại chuỗi giá trị sản xuất bền vững cho một loại vải từng đứng bên bờ mai một.
Năm 2016 chứng kiến BST đầu tiên hợp tác cùng NTK Nguyễn Công Trí. Hành trình đi tìm chỗ đứng cho Lãnh Mỹ A đã trải qua nhiều năm vất vả nhưng cũng đầy trân trọng và cảm hứng. Đó là hành trình không chỉ nhằm khôi phục một chất liệu, mà còn để tìm cho nó một tiếng nói riêng trong thế giới thời trang và thủ công đương đại. Suốt chặng đường ấy, Lãnh đã nhận được sự đồng hành quý báu cùng nhiều NTK trẻ như Tom Trandt, Lưu Việt Anh — những người tin vào giá trị của chất liệu này và góp phần đưa nó đến gần hơn với công chúng.
Một trong những điểm đặc biệt khiến Lãnh Mỹ A trở nên cuốn hút chính là vẻ đẹp tự nhiên: đen tuyền, có chiều sâu và luôn gợi cảm giác tĩnh lặng, sang trọng. Chính vì vậy, khi thiết kế với Lãnh, Hanoia luôn chủ động tiết chế để không làm mất đi tính thuần khiết vốn có của chất liệu. Thay vì can thiệp quá nhiều bằng các kỹ thuật trang trí bên ngoài, Hanoia tập trung khai thác các kỹ thuật xử lý vải thủ công như smocking, đan sợi, xếp ly… để tạo điểm nhấn tinh tế và làm nổi bật cấu trúc chất liệu. Không dừng lại ở thời trang ready-to-wear, Hanoia hướng tới việc phát triển Lãnh Mỹ A như một chất liệu nền tảng trong nhiều nhóm ngành khác nhau: từ phụ kiện như túi, khăn, mũ, cho đến những sản phẩm ứng dụng gần gũi với đời sống hiện đại hơn như túi đựng laptop, pouch, ví hay các dòng phụ kiện du lịch.
Lãnh Mỹ A cũng là một chất liệu khó tính, đòi hỏi cao cả trong sản xuất lẫn thiết kế: nguồn nguyên liệu tự nhiên – trái mặc nưa ngày càng khan hiếm, quy trình sản xuất kỳ công và phụ thuộc nhiều vào nắng mưa, độ nặng của vải sau nhuộm đòi hỏi kỹ thuật dựng phom và cắt may chuẩn xác; bề mặt dày, khó khâu, không cho phép bất kỳ khuyết điểm nào. Hanoia đã tự mình trải nghiệm những thử thách ấy và không ngừng học hỏi, từ gia đình bác Tám Lăng, từ các NTK đồng hành và từ chính những người thợ rập, thợ thêu, thợ may – những đôi tay kiên nhẫn âm thầm chỉnh sửa từng mũi kim, đường chỉ để hoàn thiện sản phẩm.
Với tôn chỉ tôn vinh và nâng tầm các giá trị thủ công truyền thống Việt Nam, Hanoia không chỉ dừng lại ở Lãnh Mỹ A, mà còn kiên trì gìn giữ những di sản khác như sơn mài, mây tre đan, gốm, đá tự nhiên… Mỗi chất liệu đều mang một câu chuyện, một tinh thần lao động cần mẫn, được Hanoia tiếp cận với sự tôn trọng và nghiên cứu sâu sắc, để từ đó tạo ra những giá trị mới, gần gũi hơn với đời sống hiện đại.
Trong tương lai, Hanoia tiếp tục phát triển các dòng accessories thời trang, đồng thời mở rộng sang home accessories sử dụng chất liệu Lãnh Mỹ A. Song song đó, Hanoia sẽ không ngừng tìm kiếm những hợp tác sáng tạo trong và ngoài nước cho các BST ready-to-wear, nhằm lan tỏa câu chuyện của Lãnh, để Lãnh được sống tiếp và sống trọn vẹn đúng như những giá trị tốt đẹp Lãnh mang trong mình. – Hanoia
Xem thêm:
“Búp bê sống” Anya Taylor-Joy gây sốt với thiết kế mới nhất từ CONG TRI
Triệu Lộ Tư khoe sắc vóc ấn tượng trong trang phục của thương hiệu Việt
Jennie (BLACKPINK) “chốt đơn” thiết kế của thương hiệu Việt FANCì Club trong MV “You & Me”
Nhóm thực hiện
Mỹ thuật: Dương Đức Tiến
Nhiếp ảnh: An Bảo
Stylist: Chris Vũ
Người mẫu: Linh Chi
Trang điểm: Ruan Dang
Làm tóc: Shi Shi
Ánh sáng: Harry Nguyên
Trợ lý: Trần Trường
Tổ chức chuyên đề: Thùy Trang