Gucci đã chính thức giới thiệu BST Cruise 2026 tại Palazzo Settimanni – tòa nhà thế kỷ 15, đồng thời là trụ sở lưu trữ di sản của thương hiệu tại Florence. Buổi trình diễn đánh dấu cột mốc cuối cùng của giai đoạn chuyển tiếp trước khi Demna, nhà thiết kế từng định hình lại Balenciaga, đảm nhận vai trò Giám đốc Sáng tạo vào mùa Thu năm nay. Lấy bối cảnh Florence – nơi Gucci được thành lập vào năm 1921, BST Cruise 2026 trở thành một chuyến du hành về nguồn, một lời hồi đáp đầy dụng ý về mối quan hệ giữa di sản, đổi mới và bản sắc.
BÀI LIÊN QUAN
Thành phố Florence, với bề dày văn hóa Phục Hưng và lịch sử dệt may lâu đời, chính là nguồn cảm hứng xuyên suốt của BST. Từ cách xử lý chất liệu cho đến thiết kế phụ kiện, mọi yếu tố đều gợi nhắc tới tay nghề thủ công Ý tinh xảo, sự xa hoa được tiết chế bằng tinh thần “sprezzatura” – một kiểu “xuề xòa có tính toán”. Trình diễn trong không gian đậm chất salon thay vì sân khấu rực rỡ, Gucci tái hiện một bức tranh thời trang gần gũi hơn với thực tế đời sống. Kết thúc show, thay vì đi vào cánh gà, người mẫu lặng lẽ bước ra quảng trường, hòa vào nhịp sống thành phố. Một động tác đơn giản nhưng gợi nên thông điệp: thời trang không tách biệt với cuộc sống và Gucci luôn thuộc về nơi này.
BST Gucci Cruise 2026 là một bản hòa phối khéo léo giữa chủ nghĩa tối giản và tối đa, giữa cổ điển và đương đại. Các chất liệu như brocade, jacquard, lụa và nhung, vốn là biểu tượng của nền công nghiệp dệt Florence thời Trung cổ, được xử lý theo nhiều kỹ thuật khác nhau: thêu tay, đính đá, đắp ren và lông thú tầng lớp. Những lớp trang trí tạo nên hiệu ứng chiều sâu như chính lịch sử được xếp chồng qua thời gian. Phom dáng chủ đạo là silhouette dài, mềm mại nhưng không mất đi cấu trúc – đặc biệt ở phần vai, nơi được xử lý phóng đại với đường cắt dứt khoát. Đó là một loại ngôn ngữ hình thể tôn lên quyền lực, đồng thời giữ lại sự linh hoạt để dễ dàng chuyển dịch từ trang phục ngày sang đêm. Gucci đã thể hiện khả năng kết nối các thập kỷ thời trang với nhau, từ những ám chỉ của thập niên 70 đến sự thanh lịch của những năm 90, tạo nên một bức tranh patchwork mang tính thời đại.
Di sản của Gucci tiếp tục được nhấn mạnh qua cách thương hiệu tái tạo các biểu tượng thị giác. Logo GG Monogram, một phần không thể thiếu trong ADN của nhà mốt, xuất hiện xuyên suốt: từ khóa thắt lưng, gót giày đến các chi tiết inlay trang trí. Đặc biệt, chữ G đơn được làm mới với kiểu đồ họa hiện đại, xuất hiện tinh tế như một dấu ấn cá nhân. Về phụ kiện, túi xách vốn là di sản nguyên thủy của Gucci từ những năm 1920, được giới thiệu với diện mạo mới: mẫu half-Horsebit với khoá bán phần biểu tượng, vanity bag mang cấu trúc hình khối tinh gọn. Nổi bật nhất là túi Gucci Giglio lấy cảm hứng từ loài hoa lily – biểu tượng từ thời Trung Cổ của Florence. Mẫu túi mang tên gọi “Giglio” này được ra mắt song song với show, mở đầu cho chiến lược kết nối trực tiếp giữa runway và thị trường.
Một điểm nhấn bất ngờ trong show lần này là sự xuất hiện của bộ trang sức cao cấp hợp tác cùng Pomellato với tên gọi “Monili” (có nghĩa là “trang sức” trong tiếng Ý). Lấy cảm hứng từ thiết kế lưu trữ năm 1984 của Pomellato, BST kết hợp giữa da, vàng và kim cương pavé, thể hiện sự giao thoa giữa nghệ thuật kim hoàn và tay nghề da thuộc – hai thế mạnh thủ công lâu đời của Ý. Với chi tiết chế tác công phu và tinh thần đương đại, “Monili” mở rộng khái niệm di sản theo hướng vật lý và cảm xúc, như một minh chứng cho khả năng kết nối giữa các lĩnh vực xa hoa dưới cùng một triết lý thẩm mỹ.
BST Gucci Cruise 2026 không công bố bất kỳ định hướng cách tân rõ ràng nào nhưng đó chính là điểm đáng lưu tâm. BST này như một khoảng lặng cần thiết trước cơn sóng sáng tạo mới mang tên Demna. Không quá phô trương, không vội vàng tiên đoán tương lai, Gucci chọn cách tôn vinh quá khứ như một điểm tựa vững chắc. Với một thương hiệu gần trăm năm tuổi, trở lại nơi khởi nguyên không phải là hành động hoài niệm, mà là cách để làm mới mình từ trong cốt lõi.
Nhóm thực hiện
Bài: Belle
Ảnh: Tổng hợp