Kịch Phi Lý Của TheaFter Trở Lại TP.HCM Cùng Chuỗi Hoạt Động Kết Nối Về Sân Khấu Miền Nam

Đăng ngày:

Ra mắt khán giả TP.HCM lần đầu vào tháng 8 vừa rồi, Vở kịch phi lý “Họ Gọi Món và Lăn Dài Trên Cát, Sóng Biển và Đám Cỏ Lăn” đã mở ra những thảo luận tích cực về thực hành sân khấu, cũng như cách công chúng miền Nam đón nhận những thử nghiệm mới với những loại hình sân khấu ít được quan tâm ở thị trường này.

Trong lần trở lại của vở kịch vốn được hình thành tại Hội An này, Đạo diễn Chinh Ba cùng các nghệ sĩ của dự án sân khấu thể nghiệm TheaFter và Viện Goethe TP.HCM không chỉ mang đến 1 suất diễn tiếng Việt và 1 suất tiếng Anh cùng ngày 16.12.2023 tại Phim trường Nam Đông, 204 Nơ Trang Long, mà còn tạo ra một chuỗi sự kiện nhằm kết nối và thảo luận về thực hành sân khấu giữa những người làm nghề sáng tạo, cộng đồng khán giả trẻ yêu nghệ thuật và những nghệ sĩ đang vận hành và thực hành sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

kịch phi lý họ gọi món

Các sự kiện vệ tinh này sẽ đưa người tham gia vào thế giới của thực hành sáng tạo và cùng thảo luận về những xu hướng mới trong sáng tạo nghệ thuật như: thực hành liên ngành (interdisciplinary practice), workshop về kỹ thuật sáng tác tự động (automatism), workshop thực hành phê bình độc lập dưới góc độ cá nhân, nhằm “bình thường hóa” quá trình đánh giá và cảm nhận nghệ thuật từ phía bộ phận khán giả không chuyên, nhất là với những loại hình nghệ thuật mới. Chuỗi sự kiện được dẫn dắt bởi các nghệ sĩ thể nghiệm tiên phong với những thực hành nghiên cứu và đổi mới sân khấu gây chú ý gần đây tại Việt Nam, đó là Nghệ sĩ Chinh Ba và Nghệ sĩ Trà Nguyễn.

nghệ thuật sân khấu

Đặc biệt, sự kiện trao đổi về nghệ thuật sân khấu với sinh viên vào ngày 2/12 còn là nơi quy tụ các tên tuổi “gạo cội” của dòng kịch thể nghiệm tại TP.HCM như NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Sân khấu 5B, Nghệ sĩ – MC Trác Thuý Miêu, Đạo diễn Vũ Trần của Sân khấu 5B và bà Thái Mai Lan – Giám đốc Viện Goethe TP.HCM tham gia chia sẻ với tư cách khách mời, dưới sự dẫn dắt điều phối của Nghệ sĩ Chinh Ba.

Qua sự kết hợp này, khán giả trẻ và những người đam mê nghệ thuật sân khấu không chỉ được thưởng thức sự đa dạng của cả hai mô hình sân khấu truyền thống và hiện đại, mà còn có cơ hội nhìn nhận toàn cảnh nghệ thuật sân khấu thể nghiệm của Việt Nam trong sự chuyển biến, mở ra những cuộc đối thoại đa chiều và khám phá những tiềm năng mới của sáng tạo nghệ thuật trong tương lai.

Thông tin vở kịch

Vở kịch Phi lý của Đạo diễn/Biên kịch Chinh Ba Họ Gọi Món và Lăn Dài Trên Cát, Sóng Biển và Đám Cỏ Lăn lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của Nguyễn Du và vở kịch “Furtive Love” (tạm dịch: Mối tình vụng trộm) của Brian E. Turner, là một chuỗi sắp đặt mang tính vô lý (absurdity) của thị giác, video, ứng tác, múa, kịch… của những cuộc hội thoại, những hành vi, ứng xử, những cuộc rượt đuổi của tình yêu, bản dạng giới, bạo lực giới và không gì cả. Những cuộc hội thoại tưởng như vô lý lại được tạo ra bởi hiện thực, một hiện thực vô nghĩa/vô lý, mà trong hiện thực đó, những ngẫu nhiên được hình thành dưới “bàn tay vô hình” của các mối quan hệ. Trong vở kịch này, “bàn tay vô hình” đó chính là tác giả và những mẩu hội thoại được tạo ra trong quá trình hình thành từ những đoạn code (luật hội thoại).

thông tin sự kiện

Vở kịch phi lý này là một tác phẩm liên ngành (multi-disciplinary) kết hợp kịch, kịch ứng tác, kịch hình thể, múa, thị giác, nghệ thuật âm thanh và sắp đặt video. Không gian vở kịch được mở rộng, xoá nhoà dần ranh giới giữa diễn viên và khán giả. Sự có mặt của khán giả cũng chính là một thành tố của vở kịch.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more