Long thần tướng và phép thử của truyện tranh Việt

Đăng ngày:

Người viết được nghe một câu chuyện về giới làm truyện tranh ở Việt Nam: Anh chàng họa sĩ chỉ ăn rau trong 6 tháng và trốn mình trong phòng để hoàn thành cuốn truyện tranh với kinh phí ít ỏi. Truyện được in ra, anh ta lại phải tự giao bán. Mỗi cuốn bán được mấy chục ngàn lại nhảy cẫng lên: “Hôm nay được ăn thịt rồi!”.

ellevn-long-than-tuong-5

Đó là một câu chuyện có thật. Mà dù không thật thì nó cũng được cộng đồng truyện tranh trong nước thừa nhận như một minh chứng về thực trạng đáng buồn của truyện tranh Việt: Không có một sự kết nối giữa người sáng tạo, các NXB và bạn đọc dẫn đến một thị trường hoàn toàn bị bỏ ngỏ cho truyện nước ngoài. “Chúng ta cần một phép thử để định vị liệu có một hướng ra nào cho truyện tranh Việt? Liệu bạn đọc có chờ đợi những bộ truyện tranh của Việt Nam? Và các họa sĩ trẻ, độc lập có thể có cơ hội tiếp cận trực tiếp được với bạn đọc để bán được truyện và sống được với nghề? Long thần tướng chính là phép thử đó”, họa sĩ Thành Phong chia sẻ.

Cách đây 10 năm, Phong cùng Khánh Dương, người bạn thân từ cấp 3 thực hiện bộ truyện Long thần tướng đăng 18 kỳ trên ấn phẩm Truyện tranh trẻ của NXB Trẻ. Đây có thể coi là tác phẩm đầu tay của người tạo nên hiện tượng Sát thủ đầu mưng mủ, ngay ở thời điểm đó bộ truyện cũng được cộng đồng yêu truyện tranh đón nhận nồng nhiệt nhưng tiếc nuối cũng thật nhiều vì Long thần tướng dừng lại khi còn dang dở. Và 10 năm sau, với sự tham gia của họa sĩ trẻ 9X Mỹ Anh, bộ truyện này được hồi sinh với hình hài mới mà đầu tiên là hình thức kêu gọi vốn cộng đồng – crowd-funding mà nhóm thực hiện dự án triển khai từ ngày 01.04 và dự kiến kết thúc vào 31.05.

 

Ba tác giả của bộ Long thần tướng: Khánh Dương, Thành Phong và Mỹ Anh

Ba tác giả của bộ Long thần tướng: Khánh Dương, Thành Phong và Mỹ Anh

“Với uy tín của Thành Phong và dấu ấn chưa hề phai nhạt của bộ truyện trong cộng đồng yêu truyện tranh 10 năm qua, chúng tôi có thể và thực tế đã nhận được lời đề nghị từ các NXB. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn phương án kêu gọi vốn cộng đồng vì nó sẽ đem lại hiệu quả cao hơn nhiều chuyện một bộ truyện được in ra”, Khánh Dương giải thích.

Thực ra kêu gọi vốn cộng đồng là hình thức không quá mới mẻ. Trên thế giới, đây là cách để các nhà sáng tạo, nghệ sĩ độc lập tiếp cận được nguồn vốn từ cộng đồng để họ có thể hiện thực các dự án của mình. Ở Việt Nam, cũng có một số dự án dạng này được triển khai, với loại hình truyện tranh cũng từng có người thử nhưng quy mô và cách làm chuyên nghiệp như Long thần tướng thì chưa hề.

ellevn-long-than-tuong-1 ellevn-long-than-tuong-2“Thực tế là hiện nay các họa sĩ trẻ ở Việt Nam rất ngại tiếp cận thẳng với NXB mà đôi khi chi cần đưa truyện lên mạng, có người vào khen, với họ thế là đủ… Ngược lại, các NXB ở Việt Nam cũng chỉ nhận bản thảo của họa sĩ nếu thấy ổn mới ký hợp đồng hợp tác. Trong khi đó, để ra được một bản thảo phải mất hàng tháng trời, cả quá trình đó họa sĩ không có hỗ trợ gì. Như vậy, con đường kết nối giữa tác giả – tác phẩm với bạn đọc qua kênh NXB đang gần như bị… tắc”, Thành Phong giải thích. Và theo nhóm của Phong, kêu gọi vốn cộng đồng chính là một giải pháp để kết nối hai đối tượng trên.

“Thứ nhất, để kêu gọi anh phải có một dự án đủ độ tin cậy và cuốn hút với cộng đồng. Điều thứ hai là để người ta góp vốn, mình phải làm cẩn thận và nghiêm túc từng khâu, từ giao diện của trang web tới những hạng mục thông tin về dự án. Và một lợi thế không kém phần quan trọng nữa là hiệu ứng truyền thông cho dự án hay tác phẩm là rất tốt, kể cả trước khi nó ra đời”, Khánh Dương phân tích.

ellevn-long-than-tuong-3

Thực tế sau khi đi được nửa chặng đường kêu gọi, dự án đã có được một nửa số tiền đầu tư là 300 triệu đồng. Đó là một con số khả quan mặc dù 300 triệu hẳn không phải quá nhiều so với một khoản đầu tư kinh doanh. Người viết đặt câu hỏi cuối với nhóm dự án Long thần tướng, nếu đến ngày 31.05 các bạn không có đủ con số 300 triệu thì sao? “Chúng tôi sẽ hoàn lại tiền cho tất cả mọi người đã đóng góp như đúng với cam kết ban đầu”, Khánh Dương khẳng định.

Nhưng nếu không đạt được điều mình mong muốn, họ có cho đó là một thất bại? “Không hề. Chúng tôi chỉ muốn khởi động dự án này theo cách này, nếu không đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ chuyển hướng khác vì chắc chắn Long thần tướng sẽ ra mắt. Không có thất bại nào nếu crowd-funding không thành công. Vì sự tiên phong và sự đón nhận của cộng đồng đã là một khởi đầu thành công của bộ truyện rồi!”.

Quả thực, trên một phương diện khác, khi những người họa sĩ trẻ này quyết tâm tìm ra con đường để không phải mừng là bữa cơm tối nay có thịt, họ đang mở đường cho cả một thị trường văn hóa còn bị bỏ phí ở Việt Nam.

ellevn-long-than-tuong-4

Bộ truyện tranh Long thần tướng

Tác phẩm dã sử lấy bối cảnh lịch sử là cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 2 của nhà Trần năm 1284. Bộ truyện dự kiến sẽ có 5 tập với dung lượng mỗi tập từ 120 tới 150 trang và sẽ hoàn thành trong khoảng 1 năm. Theo nhóm tác giả, Long thần tướng hướng tới đối tượng bạn đọc trên 16 tuổi vì “các nhân vật sẽ không xây dựng theo hình tượng Thiện-Ác rõ rệt mà để cho bạn đọc tự có nhận định về từng nhân vật”. Để đảm bảo độ chính xác và thú vị của các chi tiết lịch sử, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức được mời làm cố vấn lịch sử của bộ truyện.

Nhóm thực hiện

Bài: Độc Cầm

Hình ảnh và minh họa: Nhân vật cung cấp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more