THONG DONG GIỮA ĐẤT TRỜI
Thời tiết ở Hội An mùa nào cũng mang đến cảm giác khoan khoái cho những kẻ ưa thích lang thang. Những hôm thời tiết đẹp, ta có thể đi bộ loanh quanh trong phố hoặc chạy xe dọc theo đường biển cả ngày không chán. Mùa nắng gay gắt hoặc mưa dầm dề, chỉ cần rúc vào một góc nào đó, ngồi yên lặng ngắm ngày trôi cũng đủ gặp một phiên bản chính mình hiền hòa, trong trẻo, muốn cất lời yêu thương tất thảy mọi thứ trên đời. Mùa nước nổi ở đây vui khủng khiếp. Không biết những người dân bản địa có cảm thấy bất tiện không khi những con đường ngập lênh láng nước, nhưng với du khách chúng tôi, đó lại là kiểu du lịch độc lạ có một không hai. Tóm lại, về Hội An, cứ thong dong mà thưởng thức cảnh quan trước đã, từ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này cho đến vẻ đẹp trong kiến trúc do bàn tay con người tạo nên.
Càng tuyệt vời hơn khi thức giấc ở một nơi hội tụ đủ hai yếu tố trên. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác kinh ngạc khi kéo vali qua một con hẻm nhỏ là lối vào Rêu Boutique. Cứ tưởng những bước chân tiếp theo sẽ buớc qua nhiều con hẻm chằng chịt chi chít như trong phố cổ, nhưng một không gian bao la mở ra. Trước mắt chúng tôi là một công trình kiến trúc nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa bao la. Thiết kế của Rêu vừa hiện đại vừa phảng phất không khí Hội An, nơi những mảnh thuyền đánh cá, mảnh sứ và ngói đỏ tìm thấy cuộc sống thứ hai của chúng. Gam màu xanh lá và cam đất vừa tương phản với nhau lại vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên xung quanh. Buổi sáng, từ trên phòng khách sạn nhìn xuống bên dưới, tôi lại choáng ngợp trước khung cảnh nên thơ của cánh đồng lúa trải rộng mướt mắt. Vào tháng Ba, lúa lên cao ngút sẽ còn đẹp gấp nhiều lần. Khung cảnh buổi tối đặc sắc hơn với những vì sao lấp lánh trên bầu trời đen thẫm. Chúng tôi men theo con đường nhỏ ra giữa ruộng lúa, ngẩng mặt lên trời, thấy mình bé nhỏ và vô lo.
Một nơi chốn khác cho chúng tôi cảm giác tương tự chính là một quán cà phê nhỏ ở làng rau Trà Quế. Tôi nhớ rõ hôm ấy, vừa ăn xong tô mì Quảng ở một quán gần phố cổ thì trời bất chợt đổ mưa, chúng tôi rủ nhau đi ngắm mưa ở Slow Cafe. Cà phê ở đây ngon nổi tiếng. Không gian thiết kế xinh xắn với một gian nhà gỗ có mái hiên, hồ nước, lối vào băng qua vườn rau, đúng như vẻ đẹp bình dị đặc trưng ở làng. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên, chậm rãi thưởng thức tách cà phê. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Tôi thấy mình cũng như những giọt mưa từ trời rơi xuống, lắng đọng và thưởng thức trọn vẹn khung cảnh ở đây. Sau cơn mưa, không khí trở nên trong lành hơn hẳn, những suy nghĩ của chính mình cũng như được mưa gột rửa mà trở nên trong vắt.
Loa phát thanh của xã đang phát chương trình radio. Nếu ở thành phố náo nhiệt, có lẽ ai nấy sẽ cảm thấy rất phiền vì mọi công việc như bị âm thanh cứa ngang, nát vụn. Nhưng ở làng rau Trà Quế vào mùa mưa, chương trình radio không thể ảnh hưởng đến bầu không khí bình yên vốn có. Một người chạy xe đạp trên con đường đất ngang qua trước mặt, một em cún nằm thẫn thờ ngắm mưa, một tập thơ đọc dở, một tách cà phê đã nguội, một ngọn đèn ấm áp… tất cả bình đẳng với nhau. Không thứ gì lấn át thứ gì trong một chiều mưa! Cả cảm xúc vui hay buồn, cả nỗi nhớ cũng không cần thiết bon chen tìm chỗ đứng.
BÀI LIÊN QUAN
Đi tìm chút an bình tại Hội An
THĂM XƯỞNG GỐM
Đương nhiên, đến Hội An chỉ để ngắm cảnh thiên nhiên thì chưa đủ! Còn phải thưởng thức những món quà mà tự nhiên trao tặng cho con người và gặp gỡ những người đã gắn bó với nơi đây, lắng nghe câu chuyện của họ, để thấy những món quà ấy quý giá đến nhường nào.
Vốn yêu thích những món đồ gốm mộc mạc nên đi đến bất cứ nơi nào có làng gốm, cơ sở sản xuất gốm sứ, chúng tôi cũng dành thời gian ghé thăm. Nhiều năm trước, chúng tôi từng đến làng gốm Thanh Hà – làng nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi ở Hội An, được chiêm ngưỡng dòng gốm mộc, không phủ men với màu cam đất đặc trưng. Các xưởng sản xuất nằm san sát nhau trong làng, lang thang ngắm nghía thật vui, nhưng thú thật, vẫn thấy chưa thực sự… đã mắt lắm vì ngôi làng thiếu vắng những không gian chỉn chu để tôn lên vẻ đẹp của các sản phẩm, tác phẩm gốm. Lần này, quay lại Hội An, bước vào công trình kiến trúc Lê Đức Hạ Terra Cotta, chúng tôi thực sự mê mẩn.
Trú ngụ bên bờ sông Thu Bồn, gần Trà Kiệu – kinh đô của vương quốc Chăm Pa từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 7, thiết kế của xưởng gốm lấy cảm hứng từ nghệ thuật của nền văn hóa Chăm Pa. Ấn tượng nhất phải kể đến chính là không gian sáng tạo của nghệ nhân Lê Đức Hạ với một chiếc bàn lớn đặt ngay chính giữa nơi chú ngồi sáng tác. Từ chỗ chú ngồi nhìn lên là vòm trời với những đám mây lững thững trôi nhờ vào ô sáng hình tròn thông từ tầng trệt lên tầng hai. Lối cầu thang từ tầng trệt lên tầng một, tầng hai cũng thú vị vô cùng. Bạn phải di chuyển hết một vòng tròn mới gặp cầu thang để lên tầng cao hơn. Các tác phẩm được trưng bày trên những chiếc kệ lớn, cao vút, chia thành nhiều ngăn hình chữ nhật. Các sản phẩm quà lưu niệm được sản xuất và trưng bày ở những khu vực khác cũng đẹp không kém.
Trèo lên trên đỉnh của lò nung sẽ phát hiện ra một vòm sáng tuyệt đẹp, hay len vào giữa các hàng gạch sẽ tìm thấy những vệt nắng long lanh. Riêng không gian sáng tác này chỉ có mỗi mình chú Hạ sử dụng mà thôi. Chúng tôi nán lại nói chuyện với chú khá lâu. Chú nói: “Tuổi này ngẫm lại chú có gì đâu, chỉ có mấy đứa con, có cỏ cây, có cơm ngày ba bữa, có một chỗ để thỏa sức sáng tạo, vậy thôi!”. Chú Hạ đặc biệt yêu thích dòng gốm mộc không tráng men, có lẽ vì con người của chú vốn giản dị, mộc mạc và chân tình như thế. Để giữ cho nơi đây vẻ thô mộc như chính những tác phẩm gốm, chú không trồng các loại hoa có màu sắc sặc sỡ trong khuôn viên mà chỉ thích màu xanh của cỏ, của lũy tre, của bầu trời. Đuôi mắt hằn những vết chân chim nhưng tâm hồn người nghệ sĩ cứ như không có tì vết của thời gian. Đến đây, chúng tôi không chỉ được chạm vào văn hóa, vào tâm hồn của người nghệ sĩ, mà còn cảm nhận được tình yêu gia đình, tình yêu quê hương của các thế hệ. Mong rằng nơi đây sẽ mãi là nơi sản sinh và cất giữ những tình cảm quý giá ấy!
NHẤP NGỤM TRÀ THƠM
Chia tay chú Hạ, theo lời giới thiệu của một cô bạn, chúng tôi tìm đến La.Kao Teahouse, một tiệm trà chuyên các loại trà Việt Nam. Bước vào tiệm trà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở phố cổ, tôi như lạc vào một thế giới khác, nơi thời gian dường như ngừng trôi. Không gian được bài trí đơn giản, tinh tế với một quầy bar dài, vài bộ bàn ghế gỗ, những cuốn sách và vật dụng trang trí màu nâu, cam đất, xanh lá, vừa ấm áp vừa tạo cảm giác mát mắt. Cửa chính và cửa sổ đón ánh sáng tự nhiên, tạo nên một bầu không khí gần gũi, không hề tách biệt với không gian bên ngoài.
Đón tiếp chúng tôi là một người phụ nữ trung tuổi dáng người nhỏ, phong thái điềm đạm. Khi nhìn chị pha trà, tôi cảm nhận được sự tỉ mỉ và tận tâm trong từng động tác. Chị đã làm việc ở tiệm trà khoảng hai năm. Tìm hiểu về trà Việt, chậm rãi pha những tách trà thơm và kể chuyện cho khách thưởng trà đến từ khắp nơi trên thế giới mang lại cho chị một niềm vui bền bỉ không phô trương. Khi ly trà Bạch Mẫu Đơn sẵn sàng để thưởng thức, hương thơm dịu nhẹ của những búp trà non được hái bằng tay và phơi khô dưới nắng Xuân ấm áp lan tỏa. Tôi nhấp một ngụm và cảm nhận vị ngọt thanh, mát lạnh, trong trẻo lâng lâng trong khoang miệng. Dư vị kéo dài thật lâu như gợi nhắc đến sự hùng vĩ và trù phú của núi rừng Tây Bắc. Được biết, trước đây, trà Việt không có tên trên bản đồ trà thế giới, mãi đến những năm gần đây, nhờ nỗ lực của những người yêu trà mà trà Việt Nam được phổ biến rộng rãi hơn. Anh chủ tiệm trà La.Kao là một trong số đó. Anh thường xuyên dành thời gian đi thăm những cây trà cổ thụ ở các vùng núi cao.
Chúng tôi chọn thực đơn gồm năm loại trà khác nhau. Trà Đuôi Rồng là loại trà được làm từ búp non của giống trà quý Camellia Crassicolumna, sinh trưởng tự nhiên ở dãy núi Tây Côn Lĩnh, Hà Giang, có tuổi đời già đến nỗi rêu và dây leo mọc lên từ thân cây. Hương trái cây trong trà rất sắc nét, ngọt ngào, sâu lắng. Một loại trà khác từ Tây Côn Lĩnh có hình thức khá lạ. So với các loại trà thường thấy với các lá rời nhau, trà được bó lại thành từng bó nên được gọi là “trà bó hoang dã”. Điểm đặc biệt là người nghệ nhân sẽ chọn búp trà bị sâu ăn và tự lành từ rừng trà Shan Tuyết cổ thụ hoang dã nghìn năm tuổi, sau đó lên men trong điều kiện tự nhiên, nên nước trà có màu nâu nhạt, thơm hương cô đọng từ những sắc độ thời tiết của đất trời. Hồng trà Shan Trà ở thôn Lùng Vài, xã Phương Độ, Hà Giang sau khi thu hái bằng tay được rang sao và lên men toàn phần nên thành phẩm không có vị chát đắng, chỉ còn hương thơm và vị ngọt sâu lắng của ca cao, râu ngô và khoai lang mật nướng. Nước trà có màu hồng trong và để lại hậu vị ngọt ngào kéo dài tạo cảm giác thư giãn. Còn một loại trà ở Mộc Châu, Sơn La được đặt cho cái tên lãng mạn là “Nụ hôn của mùa Thu” bởi mang hương thơm quyến rũ của hoa Hoàng Lan. Nhấp một ngụm trà, ta cảm giác như đang len lỏi qua những con phố Hà Nội xưa.
Lần lượt thưởng thức và nghe kể về từng loại trà, cầm trên tay những tác phẩm đất nung hay hòa vào những chuyển động rất nhỏ của đất trời, chúng tôi cảm nhận niềm hân hoan và tự hào về Việt Nam dâng lên trong lòng, cảm nhận sự kết nối trong DNA của chính mình với bản sắc Việt. Và có lẽ, chẳng nơi nào gợi lên những cảm xúc này rõ ràng hơn như Hội An, bởi bản sắc ấy vốn đã thấm đẫm trong từng viên gạch, từng nhành cây ngọn cỏ, từng hơi thở của những người quyến luyến và gắn bó với Hội An. Chắc hẳn, chúng tôi sẽ còn trở lại Hội An thêm nhiều lần nữa để vui niềm an giữa phố hội.
Nhóm thực hiện
Bài: Nhà có hai người
Ảnh: Nhà có hai người, Tư liệu