Xuyên rừng chinh phục đỉnh Sừng Trâu

Đăng ngày:

Ba tháng Hè giãn cách rồi những ngày mùa Thu ngắn ngủi vội vã trôi qua, tôi mới kịp nhận ra mùa Đông đã về và thèm muốn phút giây trốn khỏi thành phố đông đúc. Mùa Đông đến cũng là lúc những nẻo đường Tây Bắc lại nhộn nhịp bước chân của dân phượt đi săn mây, săn hoa và cả băng tuyết.

Nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, đỉnh núi Nhìu Cồ San cách Sa Pa khoảng 60km và cách Hà Nội hơn 350km. Đỉnh núi này là cái tên quen thuộc trong giới trekking, leo núi nhưng lại là điểm đến rất mới với một tay mơ thích đi rừng như tôi. Trong tiếng dân tộc H’Mông tên núi có nghĩa là sừng trâu. Núi có hai đỉnh chĩa ra giữa trời, uốn cong như chiếc sừng trâu và đỉnh cao nhất ở 2.965m so với mực nước biển. Nhìu Cồ San cũng là nơi phân chia ranh giới giữa hai xã Sàng Ma Sáo và Y Tý của huyện Bát Xát. Thời tiết ở đây có sương mù giăng lối từ chân lên đỉnh và mây kéo về thường xuyên từ tháng 10 đến hết tháng 4.

Rời phố về rừng

Từ Hà Nội, chúng tôi đón chuyến xe giường nằm ngủ một giấc ngon lành đến 6 giờ sáng đã thức tỉnh giữa thị trấn mờ sương. Ai nấy dù đang ngái ngủ xuống xe cũng phải tươi cười vì nhận ra mình đã rời xa phố thị xô bồ và khói bụi. Mọi người rủ nhau thưởng thức một tô phở nóng hổi trước khi lên xe trung chuyển tiếp đến Sàng Ma Sáo, còn tôi kịp gặp gỡ và nhìn kỹ hơn những người bạn đồng hành mới của mình.

Sau hơn một tiếng giao lưu trò truyện sôi nổi trên ô tô trung chuyển chúng tôi dừng ở bản Dền Sáng. Do đoạn cuối cùng từ Dền Sáng vào đến bản Nhìu Cồ San là đường off-road rất xấu nên chỉ còn cách thuê dân địa phương chở vào. Chưa đến 10km nhưng đường đầy đá hộc ngổn ngang, nhiều đèo dốc lên xuống quanh co uốn lượn, thường xuyên bị hỏng do mưa và nước suối chảy, nếu là ngày mưa sẽ mất rất nhiều thời gian hơn ngày nắng. Nếu ngày thường làm công việc đồng áng thì cuối tuần đến mùa leo núi, thanh niên ở Dền Sáng lại có thêm chút thu nhập với những chuyến chở khách vào Nhìu Cồ San.

Sau nửa buổi sáng đi từ Sa Pa, chúng tôi cũng đến cổng vào bản Nhìu Cồ San để bắt đầu chuyến trekking với cung đường đi qua thác Ong Chúa tới đỉnh núi và trở về qua bãi thả dê của dân. Đoàn chọn đi thác Ong Chúa trước vì sẽ có nhiều cây cối lớn che bóng mát và chỗ nghỉ chân bên suối thác. Trong khi đó, đường bãi thả dê ngắn hơn và đa phần là cây bụi, cỏ thấp thích hợp cho chặng trở về khi cơ thể đã mệt nhoài.

đỉnh núi vách đá thác Ong Chúa

Trước đây trên vách đá cheo leo có những tổ ong khoái, ong mật khổng lồ nên người dân đặt tên là thác Ong Chúa.

đỉnh núi thác Ong Chúa hùng vĩ

Thác Ong Chúa hùng vĩ trông xa nhưng một tổ ong khổng lồ.

“Tắm” rừng

Từ điểm xuất phát chúng tôi nhập đoàn với các porter và người dẫn đường, gặp cả lũ trẻ H’Mông thân thiện hiếm khi thấy khách du lịch. Chúng vừa vui đùa vừa thẹn thùng nghịch ngợm sau gấu váy những bà mẹ đang ngồi thêu thùa bên bờ rào đá. Vẫy tay tạm biệt lũ trẻ chúng tôi đeo ba lô lên và bước đầu tiên vào hành trình leo lên ngọn núi cao thứ 9 Việt Nam. Lối trekking ngoằn ngoèo đi qua những nếp nhà gỗ của người H’Mông và thửa ruộng bậc thang mùa cạn nước chỉ còn trơ gốc rạ dưới cái nắng đầu Đông, nhưng trước mặt là màu xanh của núi và rừng đang chào đón chúng tôi. Thong dong chừng 2 giờ mọi người dừng lại bên một dòng suối, rửa tay và ăn bữa trưa đầu tiên rồi nhanh chóng lên đường. Tiến sâu vào rừng già, bỏ lại bờ rào đá và ruộng bậc thang sau lưng, giày của chúng tôi dần chạm đến thảm thực vật phong phú hơn với vô số cây thân gỗ cao lớn. Men theo dòng nước nhỏ và con đường mòn nhiều đoạn được xếp đá khá gọn gàng, chúng tôi băng qua vài con suối lớn hơn và thực sự đặt chân đến thác Ong Chúa. Đứng từ dưới nhìn lên sẽ thấy vô số ụ đá to chừng đầu người phủ rêu xanh ẩn hiện trên vách núi như tổ ong khổng lồ. Nước chảy như mưa từ đỉnh thác cao hàng trăm mét xuống chia thành nhiều dòng va đập vào những khối đá như được tách lớp và xếp chồng lên nhau. Dưới chân thác, dòng chảy tự nhiên qua hàng trăm năm tạo nên những bể tắm tự nhiên, trong xanh mát lạnh.

đỉnh núi những em gái HMong

Những em gái người H’Mông thân thiện.

Mỗi góc ở quanh thác Ong Chúa đều là một điểm chụp ảnh lý tưởng. Chúng tôi thích thú bước qua những cây cầu gỗ đơn sơ nhưng khá chắc chắn, tiến gần hơn để ngắm nhìn rõ hơn và tận hưởng giây phút nghỉ ngơi ít ỏi. Đâu đó tôi bắt gặp một vài nhóm khách khác từ gia đình đến bạn bè đang trải thảm để trò chuyện, chụp hình hay ăn uống nạp năng lượng cho chặng kế tiếp. Theo dân địa phương, vào mùa Hè và đặc biệt là cuối tuần, thác Ong Chúa nhộn nhịp hơn với những đoàn khách không quản đường xa vào đây vui chơi, tắm táp.

Rời thác Ong Chúa, trời chiều lạnh hơn, chúng tôi vượt qua cung đường có một không hai, dốc chồng dốc và càng lúc càng hẹp đến mức chỉ vừa vặn đặt một chân sát mé vách núi. Vì khu vực quanh thác luôn có nước, nền đất ẩm và dễ trơn trượt, giày đi trek chuyên dụng dù có độ bám vẫn cộm lên vì bùn lầy mỗi lúc một nhiều. Cố gắng cúi người, bám cây và gậy đi qua đoạn đường khó, tôi mới có thể ngẩng lên nhìn xung quanh và thấy xuất hiện nhiều hơn những cây phong lớn đang vào mùa thay lá. Tôi mải mê ngước mắt nhìn tán lá phong đang chuyển sang màu vàng, đỏ nổi bật giữa màu xanh đại ngàn. Nếu có cơn gió nào thổi qua, hàng trăm chiếc lá rụng rơi như cơn mưa đẹp chẳng kém gì Hàn Quốc hay Nhật Bản. Dưới chân chúng tôi chuyển dần từ những thảm cỏ sang thảm lá phong khô xen lẫn rêu xanh cùng vô số loại hoa lá dại lung linh dưới ánh nắng.

đỉnh núi thảm thực vật trong rừng

Thảm thực vật phong phú trong rừng sâu.

 đỉnh núi hoa dại rực rỡ

Hoa dại nhiều màu sắc lung linh dưới nắng.

đỉnh núi lá phong chuyển màu

Lá phong chuyển màu trông lãng mạn như những thước phim.

Đi trong nhóm được trò chuyện cùng mọi người rất vui nhưng đôi khi tôi thích tự mình “đi lạc” giữa chặng, phía trước và sau đều cách xa mọi người. Rừng cây cổ thụ cao vút bao trùm bầu trời khiến hiếm khi tôi thấy ánh mặt trời lọt xuống tới chân. Những đoạn đường rừng đó chỉ có tôi và cây cỏ, chim muông, vừa bước đi vừa nghe rõ mồn một tiếng giày đạp trên thảm lá và cành cây khô, tiếng chim hót thánh thót từ xa và cả tiếng gió lùa qua xôn xao từng tán lá dày. Những âm thanh của rừng hòa quyện vào nhau tựa một bản nhạc không lời nhẹ nhàng mà tươi mát tưới tắm cho tâm hồn con người.

Quãng đường gian nan nhưng cảnh vật bên đường thay đổi liên tục suốt chặng lại không phụ bạc chúng tôi chút nào. Nhiều đoạn dốc dựng đứng vừa hun hút sâu giữa rậm rạp cỏ cây nhưng cũng có đoạn đường thơ mộng hơn khi hai bên lúc là rừng trúc lúc là rừng thảo quả lá to bản và xanh mướt. Trời vào Đông cuối chiều thường có sương lạnh và tối nhanh hơn, chẳng ai bảo ai, chúng tôi dù mỏi gối chùng chân cũng phải bước nhanh hơn để đến lán trước 6 giờ chiều. Hoàng hôn buông xuống thung lũng bên dưới với những ráng đỏ hồng rực rỡ nhưng không còn nhiều thời gian, ai nấy chỉ kịp dừng vài phút rồi tiếp tục.

 đỉnh núi trên đường lên núi

Âm thanh của rừng tưới mát cho tâm hồn con người.

Khi mọi người đều đã tới lán, nhóm porter đi trước đã dựng lều và nấu cơm canh nóng sốt. Bữa tối quây quần bên chiếc bóng tích điện và bếp lửa bập bùng đầy khói. Đêm đó, lán đông người nên nhóm chúng tôi ngủ lều ngoài trời cạnh các lán gỗ. Gió rít bên vách lều, sương rơi dày, nhiệt độ về đêm chỉ còn 1 – 2ºC. Co ro ngắm trời sao một lúc rồi ai cũng phải chui vào túi ngủ và thiếp đi để sáng hôm sau dậy sớm leo tiếp tới đỉnh núi đón bình minh.

đỉnh núi màu lá cỏ rực rỡ

Màu lá cỏ rực rỡ trên lối đi.

Bình minh trên vách núi

Đúng 4 giờ 30 sáng bốn bề còn tối đen như mực và phủ sương giá, chúng tôi bật đèn pin sửa soạn đồ gọn nhẹ nhất và ăn sáng xong là 5 giờ 30 lên đường tới đỉnh núi Nhìu Cồ San, nơi đặt chóp 2.965m. Đi trong ánh sáng lập lòe của đèn pin, tôi chỉ biết nhìn người đi trước là porter để lần theo từng bước lên đỉnh.

Chặng đường này dường như ai cũng mệt vì nửa ngày trước đã liên tục leo trèo dốc cao và chắc chắn không gặp biển mây, không ai quá vội vàng mà vừa đi vừa nghỉ lấy sức. Tuy nhiên, chính sự chậm rãi đó lại giúp mọi người có cơ hội tận hưởng một khung cảnh bình minh tuyệt vời. Đang vượt dốc giữa um tùm cây cỏ thì người trước gọi người sau dừng chân ngoái đầu lại. Sau lưng chúng tôi lúc đó là bầu trời rộng hơn bao giờ hết. Không còn những cây cổ thụ chắn tầm nhìn, không cả những dãy núi cao ngất, mà chỉ có khoảng không và mặt trời lấp ló đằng xa. Khoảnh khắc bình minh lên thuần khiết đến mức khiến mọi ánh nhìn đều hướng về thứ ánh sáng lung linh và thơ mộng đó. Không ai bảo ai chúng tôi đứng lại thật lâu, hít những hơi sâu vào lồng ngực và chăm chăm hướng về phía mặt trời như thể chỉ cần chớp mắt thì khung cảnh kỳ diệu sẽ biến mất.

đỉnh núi khoảnh khắc bình minh

Khoảnh khắc mặt trời mọc trên đỉnh Nhìu Cồ San.

đỉnh núi khoảnh khắc bình minh thơ mộng

Khung cảnh bình mình thơ mộng và thuần khiết.

Và sau 2 giờ đi từ lán trại chúng tôi đặt chân tới vị trí cao nhất của đỉnh núi Nhìu Cồ San, nơi có thể phóng tầm mắt nhìn thấy cả đỉnh Lảo Thẩn và nóc nhà Đông Dương Fansipan. Theo lời porter ở Nhìu Cồ San có nhiều cây đỗ quyên cổ thụ cứ đến tháng 3 – 4 sẽ nở màu đỏ tím, còn khoảng tháng 1 trên đỉnh núi thường xuyên có băng giá bao phủ và thậm chí tuyết rơi.

Để nhường chỗ cho những đoàn sau đang lên, chúng tôi rủ nhau leo xuống. Tuy ít mệt hơn nhưng con đường về cũng không kém phần nguy hiểm vì lúc này một số người đã gần như kiệt sức sau các quãng dốc dài. May mắn thay, porter trên đường về kịp lấy thêm vài chai nước suối trong vắt để lại sức. Tới lán trời đã gần trưa, mọi người tranh thủ ăn bữa cơm cuối trên núi, cất lều và dọn đồ. Xuống núi chúng tôi sẽ đi qua bãi thả dê, đường ngắn hơn và đương nhiên sẽ dốc hơn, nhưng bù lại khung cảnh nên thơ không kém vì được dừng chân ở những bãi cỏ rộng mênh mông như thảo nguyên.

đỉnh núi cây đỗ quyên

Những cây đỗ quyên cổ thụ trên đỉnh núi.

Hành trình chinh phục đỉnh núi Nhìu Cồ San của chúng tôi cuối cùng đã kết thúc sau hai ngày một đêm băng rừng, lội suối. Cung đường không quá khó với dân chuyên nhưng cũng là thử thách đáng nhớ với những người sợ độ cao và ít đi trek. Chuyến đi đã khép lại vài tuần nhưng những thanh âm trong lành của núi rừng và khoảnh khắc bình minh diệu kỳ vẫn còn đọng lại nguyên vẹn trong tâm trí tôi.

Nhóm thực hiện

Bài & Ảnh: Hương Chi
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more