Phạm Toàn Thắng – Sống đã rồi hãy viết nhạc

Đăng ngày:

Phạm Toàn Thắng từng chia sẻ rằng nếu anh và một nhạc sĩ bước vào cùng căn phòng, chờ được chọn trao cho cơ hội, người được chọn hiếm khi nào là anh…

ellevn-pham-toan-thang

…Lý do có lẽ là vì vẻ bề ngoài của Thắng không giống như bạn vẫn hình dung về một nhạc sĩ. Nếu tình cờ gặp Thắng ở đâu đó, bạn có lẽ cũng chẳng thể nhận ra ngay lập tức đây là chàng nhạc sĩ trẻ đã tạo ra những bài hit lớn như Cô bé mùa Đông, Dấu mưa, Bốn chữ lắm… Phạm Toàn Thắng trông rất giản dị, khuôn mặt thậm chí có phần ngây thơ so với tuổi của mình, và cách nói chuyện thì cũng mộc mạc khiến người ta dễ lầm tưởng đây là cậu sinh viên mới ra trường.

Thế nhưng, từ gần 10 năm trước, khi vẫn còn là học sinh, Thắng đã viết ra được một tác phẩm, mà sau này trở thành hit trong thị trường âm nhạc Việt Nam: Cô bé mùa Đông. “Tôi không phải người học nhạc, tôi cũng chẳng có kiến thức âm nhạc, bỗng nhiên giai điệu xuất hiện trong đầu và tôi viết lời cho nó”, Thắng nhún vai và kể về chuyện viết ra tác phẩm này.

Viết nhạc là một hoạt động thường ngày của Thắng, từ khi còn nhỏ xíu. “Tôi cứ lân la ngồi cạnh, đòi hát bài mình tự nghĩ ra cho mẹ nghe. Tôi từng trả bài bằng việc hát lại bài thơ cần đọc thuộc và được cô cho điểm 10”. Con đường đến với âm nhạc của Thắng là từ các nhà văn hóa thiếu nhi, tới các ban nhạc trong trường trung học. Cuộc sống của Thắng là âm nhạc, nhưng cũng chẳng tách khỏi đời thường, và có lẽ điều ấy đã góp phần tạo nên một tác giả Phạm Toàn Thắng như hiện nay.

Sau cú “hit” đầu đời, ai cũng nghĩ từ đây Thắng sẽ mau chóng bước chân vào con đường chuyên nghiệp. Thế nhưng, không như học sinh khác, Thắng vào đại học, chẳng cho ra mắt tác phẩm nào. “Tôi nghĩ rằng đó chỉ là sự ăn may. Một ca khúc thành công, nhưng mình vẫn chưa có nền tảng, tôi cần một khoảng lặng để học tập, để có vốn sống”, Thắng nói. Những người tìm đến Thắng khi đó đều bị chàng nhạc sĩ trẻ măng từ chối, anh vẫn sáng tác đều đặn, nhưng không công bố tác phẩm nữa. Thay vào đó, Thắng chọn sống cuộc đời sinh viên giản dị, tham gia vào các hoạt động đoàn hội, làm người đi đạp xe quảng cáo, tình nguyện, hòa lẫn vào thế giới của những người trẻ vô danh.

“Tôi phân biệt rõ ràng chuyện học và âm nhạc. Nhiều bạn trong câu lạc bộ âm nhạc của tôi đã bỏ học để đi theo âm nhạc, còn tôi thì không muốn lãng phí tiền bạc của bố mẹ”, Thắng khẳng định. Chỉ đến khi tốt nghiệp đại học, được phép bố mẹ cho nghỉ ngơi hẳn một năm, chưa đi làm, Thắng mới quay trở lại với “ánh sáng sân khấu”. Bài Uống trà được chú ý và công nhận trong giải Bài hát Việt khiến người xem kinh ngạc, không thể tin nổi tác giả của Cô bé mùa Đông kẹo ngọt năm nào giờ lại có thể viết một tác phẩm vừa phức tạp về kỹ thuật, vừa trưởng thành và triết lý trong ca từ như vậy. Thắng được chú ý, nhưng âm nhạc chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự mở ra cánh cửa với anh.

Bữa tiệc chào mừng giải thưởng cũng diễn ra đúng ngày đi làm đầu tiên của Thắng. Chàng sinh viên ra trường một năm khi ấy đã không ngăn được cảm xúc thổn thức trước mặt bạn bè trong bữa tiệc, vì anh muốn thực sự dành toàn tâm toàn ý cho âm nhạc, nhưng hoàn cảnh đã không cho phép anh làm vậy. Thế nhưng, giờ đây, Thắng biết ơn cha mẹ vì đã buộc anh phải bước chân vào môi trường công sở. Anh nhận ra rằng, không đâu khác, chính cuộc sống lo toan, bươn chải với cơm ăn áo mặc này là chất liệu cho các sáng tác của anh. Âm nhạc của Thắng không đến và đi đâu xa, nó bắt nguồn và lan tỏa chính trong cuộc đời.

ellevn-pham-toan-thang-3

Sau Uống trà, sự quay trở lại mạnh mẽ, Thắng giới thiệu tiếp những ca khúc khác, mềm mại hơn, nhiều xúc cảm hơn. Anh tìm ra được cách trung hòa giữa cá tính của mình với nhu cầu của thị trường, và từ đó, anh có thể sống được bằng sáng tác âm nhạc. Lạc, Dấu mưa, Bốn chữ lắm… lần lượt trở thành những ca khúc ăn khách. Bất ngờ ngay, Thắng cho biết anh đã sáng tác những bài hát ấy từ lâu. Anh không vội công bố những bài hát của mình, vì anh chờ một ai đó phù hợp. Chuyện kiếm sống cũng quan trọng, nhưng không phải ai cứ muốn hát nhạc của Thắng thì hát. Anh nghĩ mỗi bài hát là dành cho một ca sĩ, và anh chờ người đó xuất hiện. Thắng vẫn chọn “sống” là chính.

“Cho đến giờ tôi vẫn thấy mình chưa phải là một người có chuyên môn giỏi. Nhưng tôi muốn tiếp xúc với nhiều mặt của cuộc sống, hiểu nhiều về con người hơn, và nhờ đó âm nhạc của tôi có những câu chuyện của cuộc sống”, Thắng thành thật nói. Anh tìm kiếm cảm hứng từ mọi điều. Có khi, đó chỉ là việc để đầu trần đi xe máy dưới cơn mưa, để được quan sát người ta tất bật chạy trốn những giọt nước, và rồi sau đó Chạy mưa ra đời. Hoặc có khi phụ bạn hoàn thiện việc trang trí một quán cà phê chợt thấy một người bạn đang mải mê hoàn thành bức tranh tường và nhận ra rằng “người ta trông thật hạnh phúc khi được làm điều họ yêu, đó là bức tranh đẹp nhất”, Thắng đã viết ra bài Vẽ.

Vẽ sau này cũng đã được chọn lấy làm tên chung cho mini album, tập hợp những bài hát nổi bật của Thắng. Đó là bởi, như Thắng nói: “Cuộc sống của chúng ta là một bức vẽ, có những nét tươi sáng, có những nét tăm tối, đôi khi ta chọn màu sai. Ngày nào ta cũng phải vẽ bức tranh đó. Và điều quan trọng là ta phải vẽ ra nó bằng tất cả lòng say mê và sự chân thực của mình. Và tôi vẽ cuộc đời mình bằng âm nhạc”.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy – Ảnh: Trọng Đức

Stylist: Đinh Thành Long – Trang điểm: Kent Nguyễn

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more