[ELLE Voice] Chúng ta sẽ thay đổi ra sao sau đại dịch?

Đăng ngày:

“Cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai”! – Yuval Noah Harari, nhà sử học Do Thái.

Sau hơn một năm chống chọi với đại dịch và những tuần giãn cách xã hội kéo dài, hầu hết chúng ta, dù muốn hay không, cũng sẽ phải đối mặt với những thay đổi trong nhiều phương diện cuộc sống. Đó có thể là cách chúng ta suy nghĩ, tư duy, cả về cách mà chúng ta phải thích nghi hay đương đầu với khó khăn, thất bại.

Bên cạnh những mất mát phải trải qua bởi đại dịch, việc phải ở yên một chỗ trong thời gian dài đã mang đến cho nhiều người cơ hội hiếm hoi để suy ngẫm về cuộc sống và khả năng để tái thiết lập chúng. Chúng ta có đang tự hỏi liệu công việc chúng ta đang làm thật sự có ý nghĩa hay những giá trị mà chúng ta từng theo đuổi có thật sự lý tưởng? Một số người nhận thấy rằng những điều khiến họ trông “thành công” thực sự cũng khiến họ cảm thấy đau khổ, bấp bênh hoặc dẫn đến hao mòn về tinh thần và thể chất.

đại dịch tương lai sau giãn cách

Ảnh: Unsplash

Có một sự thật rằng, đại dịch đã khiến chúng ta mạnh dạn thử nghiệm những thói quen và lối sống mới. Trong một cuộc khảo sát với bạn đọc ELLE toàn thế giới của ELLE Quốc tế về chỉ số Hạnh phúc và những thay đổi sau đại dịch, trung bình 63% bạn đọc cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, 44% người Nhật cho rằng cuộc sống của họ đã thay đổi chóng mặt, trong khi đó 14% người Brazil bày tỏ rằng họ cảm thấy vô cùng tiêu cực với những thay đổi này. Tương phản với sự bi quan của người Pháp vào tương lai, bạn đọc Trung Quốc và Thụy Điển lại tỏ ra khá lạc quan vào con đường phía trước.

ELLE Việt Nam cũng đã có một cuộc phỏng vấn nhỏ với những cô gái đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Với những trải nghiệm cá nhân riêng biệt, họ khiến chúng ta có một cái nhìn tổng thể hơn về những ưu tiên trong cuộc sống cùng niềm tin đầy khởi sắc về tương lai.

Bạn cảm nhận về cuộc sống như thế nào một lần nữa, sau tất cả?

Trâm Anh (Giáo viên tiếng Anh): Cuộc sống là vô thường, không ai nói được điều gì. Trong vô vàn điều tôi nghĩ trong đầu, chỉ có thể nói, hãy yêu thương và nắm chắc thực tại.

đại dịch chia sẻ của Trâm Anh

Trâm Anh (Giáo viên tiếng Anh)

Minh Anh (Diễn viên múa): Mọi chuyện rồi vẫn sẽ ổn theo cách mà con người chúng ta luôn có thể vượt qua được.

Hoàng Quyên (Bartender): Sau tất cả, cuộc sống chúng ta vẫn sẽ cứ tiếp diễn, cho dù có chuyện gì xảy ra thì chúng ta vẫn phải sống thôi, đúng không nào? Điều quan trọng là chúng ta đối mặt với chúng như thế nào.

Nhìn chung, khoảng thời gian đại dịch vừa qua đã mang đến cho bạn bài học gì?

Thanh Vân (Thiết kế trang sức): Cuộc sống vẫn tiếp diễn nhưng cách sống, nhu cầu của tôi đã thay đổi rất nhiều qua đợt dịch dài và nguy hiểm này. Tôi tập trung nhiều hơn cho những điều quan trọng với cuộc sống cá nhân như chăm sóc con cái, gia đình, xử lý tốt công việc trong bất kỳ tình huống nào, và bỏ qua những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội dễ ảnh hưởng đến tâm lý và thái độ sống.

Trâm Anh (Giáo viên tiếng Anh): Tôi hiểu hơn về giá trị của “nhà”. Đại dịch buộc ta phải ở nhà nhiều hơn, nhưng cũng cho ta thấy hóa ra trước giờ mình cứ đi tìm vui ở đâu đâu, không chăm sóc cho chính ngôi nhà và nội tâm của mình. Ở nhà nhiều nên tôi khám phá ra những nét đẹp mà trước giờ chưa để ý, như mùi thơm cây cỏ trên ban công, ráng chiều đẹp nao lòng từ cửa sổ phía Tây, ba mẹ ngồi uống trà trên sofa. Những điều này đủ làm tôi cảm thấy vui. Hạnh phúc nội tại là bài học lớn nhất tôi có được khi ở nhà nhiều hơn.

Minh Anh (Diễn viên múa): Bài học lớn nhất có lẽ là trân trọng và chia sẻ, đại dịch làm con người thêm nhạy cảm với nhau. Những điều tuy rất bình thường như đứng cách nhau vì lý do bất khả kháng vô hình trung cũng có thể làm chúng ta tổn thương. Nhưng đúng là cuộc sống này không thiếu những người tử tế viết nên những câu chuyện cổ tích ngoài đời, giúp tôi ngày càng tin yêu hơn và sống tích cực hơn. Mỗi người một việc nhỏ sẽ lan tỏa được yêu thương chữa lành mọi vết nứt tưởng chừng khó hàn gắn.

đại dịch chia sẻ của Minh Anh

Minh Anh (Diễn viên múa)

Hoàng Quyên (Bartender): Bài học lớn nhất của tôi chính là sự cân bằng trong cuộc sống. Do bản chất công việc làm đêm, hằng ngày tôi đều phải ra khỏi nhà lúc 3-4 giờ chiều và quay về khi trời gần sáng, nên tôi hoàn toàn không có đủ thời gian cho bản thân như tập thể dục, đọc sách, nấu ăn hay đơn giản chỉ là dọn dẹp phòng. Khi đại dịch xảy ra, các quán bar phải đóng cửa, tôi đã dành rất nhiều thời gian ở nhà để suy nghĩ, và làm tất cả những chuyện mà bình thường mình không có thời gian để làm. Và trong chính lúc đó, tôi nhận ra rằng chăm sóc nội tại bên trong của chính mình cũng vô cùng quan trọng. Chúng ta phải học cách cân bằng giữa công việc và bản thân ngay cả trong những lúc bình thường chứ không phải chỉ trong lúc cách ly ở nhà. Vì chỉ có một cơ thể khỏe mạnh và một tâm hồn mạnh mẽ, chúng ta mới sẵn sàng cho một cuộc sống hạnh phúc.

Nicky Trần (Photographer): Khoảng thời gian dịch vừa qua đã dạy tôi thêm một bài học, đó chính là “Thích nghi và Cân bằng”. Thích nghi hoàn cảnh hiện tại là cách duy nhất để có thể tự cân bằng được cuộc sống của mình. Thời gian đầu đại dịch diễn ra khiến mọi thứ trong cuộc sống của tôi bị đảo lộn, từ sinh hoạt đến kinh tế, cả những mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Vô hình trung, tôi cảm thấy bế tắc, thậm chí là căng thẳng, gần như không thể sáng tạo ra được những sản phẩm làm bản thân cảm thấy hài lòng. Tôi nhận ra nếu không thích nghi kịp thời và cân bằng đúng lúc, bản thân sẽ mãi chìm đắm trong những vòng lặp rối rắm.

Cuộc sống của bạn có thay đổi sau giai đoạn vừa qua?

Kaitlyn Nguyễn (Clinic Manager): Có thể nói rằng giai đoạn vừa qua là một trong những bước chuyển mình khá lớn trong cuộc sống của tôi, vì tôi thay đổi gần như 80% thói quen hằng ngày. Không những vậy, tôi còn thay đổi trong cách suy nghĩ, nhìn vấn đề và nhận ra được rất nhiều điều mình đã bỏ lỡ trong suốt quá trình trưởng thành cho tới nay. Mỗi người sẽ có những thời điểm khác nhau để tìm ra bản thân mình là ai và cách để trân trọng nó. Không ai có thể trở thành bạn cả vì vậy tại sao bạn lại phải thay đổi bản thân để giống người khác mà không nghĩ rằng bạn làm sao để biến mình thành một phiên bản hoàn hảo hơn quá khứ và hiện tại?

đại dịch chia sẻ của Khánh Linh

Kaitlyn Nguyễn (Clinic Manager)

Hoàng Quyên (Bartender): Có thể nói một phần nhờ giai đoạn đại dịch phải ở nhà này mà tôi đã có thời gian để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Tôi có thời gian đọc hết những quyển sách còn dang dở, học thêm một số kỹ năng hỗ trợ trong việc quay clip, chụp ảnh những sản phẩm của mình, và trau dồi ngoại ngữ. Do dịch kéo dài, tôi không đi làm tại quán bar được. Nhưng may mắn thay tôi lại có một số dự án nhỏ quay các video pha chế cocktail ngắn cho các thương hiệu nên vẫn đảm bảo được thu nhập cá nhân. Chỉ là bản thân chưa bao giờ tưởng tượng ra cảnh một bartender mà phải WFH như thế này. Nhưng thật sự là khá thú vị, đây cũng là cơ hội để tôi giới thiệu về đam mê cũng như các sản phẩm của mình tới nhiều người hơn.

Giang Linh (Doanh nhân): Tôi thay đổi suy nghĩ về cuộc sống, cách chi tiêu và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và những mối quan hệ chất lượng. Lâu lắm rồi, tôi mới thật sự vào bếp, và tự tay chăm sóc các con và gia đình từ A-Z. Bên cạnh những áp lực cuộc sống, tôi phát hiện ra những ưu điểm như vợ chồng con cái có nhiều thời gian bên nhau, yêu nhau và hiểu nhau hơn. Guồng quay cuộc sống vội vã bao năm nay giờ là lúc bánh xe chậm lại để mình quan sát và hoạch định: Điều gì quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi chúng ta?

Những thay đổi nào được gọi là khó khăn nhất mà bạn cần phải thích nghi?

Kaitlyn Nguyễn (Clinic Manager): Đối với tôi, thật sự không có bất cứ thay đổi nào là khó khăn cả, vấn đề khó hay dễ nằm ở cách bạn đón nhận và nhìn nhận nó ra sao. Chúng ta được tạo ra để chinh phục khó khăn, giải quyết rắc rối và ai trong cuộc sống này cũng gặp những khó khăn của riêng họ chứ không chỉ riêng gì bạn hay tôi. Mọi thứ xảy ra đều có mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy hãy tập nhìn nhận nó một cách tích cực nhất có thể. Không có bất cứ khó khăn hay trở ngại nào là bất khả thi, chỉ có ý chí yếu hay mạnh. Đơn giản chỉ vậy!

Minh Anh (Diễn viên múa): Bản thân là một diễn viên múa chuyên nghiệp, tôi rất cần không gian tập luyện, tôi nhớ sàn tập và sân khấu vô cùng. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần thật sự muốn tập luyện thì trong không gian nhỏ cũng đủ làm mình toát mồ hôi. Tôi tận dụng phòng khách, phòng ngủ hay bất cứ nơi nào có ánh sáng mặt trời để tập luyện thay thế cho phòng tập múa trong giai đoạn dịch.

Nicky Trần (Photographer): Thật sự cuộc sống của tôi phải luôn thay đổi để bản thân có thể phát triển. Tuy nhiên COVID-19 lại đem đến những biến động khá lớn. Đôi lúc, tôi có cảm giác đánh mất đi chính mình. Tôi nhận thấy mình cần phải thay đổi tư duy, tạo niềm vui và động lực cho bản thân để trở thành một phiên bản phi thường hơn. Ngoài ra, tôi cũng thay đổi cách làm việc và dành thời gian trau dồi thêm kiến thức về ngành sáng tạo nghệ thuật, giúp tôi cải thiện kỹ năng và thực hiện được những dự án quốc tế mà không lỗi nhịp so với đồng nghiệp.

đại dịch chia sẻ của Nicky Trần

Nicky Trần (Photographer)

Những mối quan tâm, lo ngại của bạn trong giai đoạn này là gì?

Thanh Vân (Thiết kế trang sức): Là đảm bảo sức khỏe của gia đình và cân bằng công việc. Tôi đang có con nhỏ nên sức khỏe của cả gia đình là điều quan trọng nhất. Tôi thường xuyên ép nước trái cây bổ sung vitamin, thay đổi thực đơn ăn uống theo chế độ Eat Clean của chuyên gia dinh dưỡng. Ngoài ra, tôi cũng đang điều hành một start-up nhỏ về thời trang do dịch mà gặp khó khăn hơn. Nhiều dự định đã phải gác lại, thay thế bằng những kế hoạch cấp bách hơn. Vì vậy, việc cân bằng công việc, đảm bảo hoạt động ổn định của thương hiệu cũng là ưu tiên hàng đầu của tôi lúc này.

Trâm Anh (Giáo viên tiếng Anh): Tôi lo lắng nhất về sức khỏe và tinh thần của gia đình. Trong nhà có nhiều người cao tuổi, vì sợ dịch bệnh nên tôi không tới thăm thường xuyên được nên ông bà rất buồn.

Khánh Linh (Clinic Manager): Tôi chắc rằng không chỉ có tôi mà vấn đề đa số mọi người quan tâm hiện nay không kém gì sức khỏe đó là về công việc. Có rất nhiều người đã mất việc trong giai đoạn này, một số khác may mắn hơn là họ có thể tiếp tục làm việc tại nhà. Đối với tôi đây là một cơ hội tốt để chúng ta cùng suy ngẫm và đặt cho bản thân những câu hỏi như: “Công việc này có thực sự phù hợp? Mình có vui hay có niềm đam mê với nó không? Cảm nhận thật sự về công việc cũng như môi trường làm việc…” Để rồi sau vô vàn những câu trả lời, bạn sẽ nhận ra được rằng công việc mình đang làm có phải là đam mê thực sự hay không.

Minh Anh (Diễn viên múa): Vì xa gia đình từ nhỏ, nên mọi sự quan tâm và lo lắng hàng đầu tôi luôn dành cho ba mẹ và anh trai, luôn nhắc nhở cả nhà tập luyện thể thao và uống vitamin C để nâng cao sức đề kháng. Bạn bè đều là những người trẻ nên có thể dễ dàng liên lạc thường xuyên, chia sẻ cho nhau những thông tin mới nhất, tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Mối quan hệ tình cảm của bạn chịu ảnh hưởng như thế nào trong suốt mùa dịch?

Hoàng Quyên (Bartender): Trong suốt mùa dịch, tôi và bạn trai đều phải làm việc tại nhà, nhưng đối với cả hai đây lại là một điều tốt. Bạn trai tôi cũng là bartender, nhưng ở một quán bar khác, nên bình thường rất ít có cơ hội làm chung với nhau. Hiện tại thì chỉ có hai đứa nên coi như có thêm cơ hội để hiểu nhau hơn ở khía cạnh công việc. Tôi và bạn trai đều có những thế mạnh khá đối lập, nên đây cũng là dịp để chúng tôi học hỏi lẫn nhau rất nhiều. Điều quan trọng nhất là cả hai luôn cố gắng động viên nhau để giữ vững tinh thần lạc quan, cùng vượt qua mùa dịch.

đại dịch chia sẻ của Hoàng Quyên

Hoàng Quyên (Bartender)

Nicky Trần (Photographer): Riêng về mối quan hệ tình cảm thì trong mùa dịch này lại là một điểm sáng khá tích cực với tôi. Chúng tôi có thời gian chia sẻ, quan tâm nhau nhiều hơn nên từ đó cũng thấu hiểu về cách sống, quan điểm của đối phương và hạn chế tối đa các vấn đề bất đồng. Tôi cảm nhận được sự đồng cảm, bao dung và gắn kết hơn bao giờ hết.

Giang Linh (Doanh nhân): Thời gian đầu của đại dịch từng làm cho gia đình tôi xáo trộn, ảnh hưởng đến mối quan hệ của tôi và chồng rất nhiều. Làm ăn kinh tế khó khăn, việc học hành thi cử của con cái cũng không suôn sẻ, dẫn đến cả hai vợ chồng lúc nào cũng ở trong trạng thái bí bách, bực bội. Chuyện nọ xọ chuyện kia làm cho không khí gia đình đôi lúc rơi vào trạng thái căng thẳng, ngay cả chuyện quan hệ vợ chồng cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi buộc phải tìm cách thích nghi. Đến thời điểm này, chúng tôi đã cân bằng hơn và đều tập trung vào điều mà chúng tôi cho là quan trọng nhất. Nói thì dễ nhưng để làm được, chúng tôi đã phải cố gắng rất nhiều.

đại dịch chia sẻ của Giang Linh

Giang Linh (Doanh nhân)

Nếu đang còn độc thân, hãy miêu tả tâm trạng của bạn trong thời gian này?

Kaitlyn Nguyễn (Clinic Manager): Hiện tôi đang rất hạnh phúc và quý trọng bản thân hơn bao giờ hết. Ở góc nhìn của tôi và dựa trên những gì tôi đã trải qua, tôi nhận thấy rằng mọi người xung quanh thường đánh giá những gì bạn đã và đang làm gì, lối sống thế nào, hoặc cách hành xử của bạn chứ không ai nhận xét việc bạn có đang hẹn hò hay không. Thay vì cứ chú tâm vào “tình trạng hẹn hò”, tại sao bạn không tập trung vào những điểm còn thiếu sót của bản thân? Hãy nhớ rằng, hạnh phúc không phụ thuộc vào việc bạn là ai hay bạn có gì, nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn nghĩ gì và làm gì cho bản thân.

Minh Anh (Diễn viên múa): Tâm trạng của mình cũng bình thường không có quá nhiều biến động, nhưng cũng khá mong chờ cảm giác được dặn dò hay vỗ về, chia sẻ. Đơn giản chỉ vậy thôi, không cần gặp nhau quá nhiều nhưng biết vẫn luôn có nhau trong suy nghĩ và trái tim.

Bạn có tự tin vào tương lai không?

Thanh Vân (Thiết kế trang sức): Tôi nghĩ sẽ cần một khoảng thời gian sau dịch để cuộc sống trở lại bình thường, nhưng chắc chắn tất cả chúng ta đều đã học được những bài học đáng quý trong thời gian khó khăn này, suy nghĩ tích cực làm thế nào để sống tốt hơn cho ngày mai. Riêng tôi chắc chắn mình sẽ vực lại những kế hoạch vẫn đang bị bỏ ngang từ trước dịch, tận hưởng tự do nhiều hơn, đi du lịch cùng gia đình nhiều hơn…

đại dịch chia sẻ của Thanh Vân

Thanh Vân (Thiết kế trang sức)

Trâm Anh (Giáo viên tiếng Anh): Tôi vẫn hơi mơ hồ. Có rất nhiều dự định trong tương lai của tôi phải thay đổi do dịch bệnh và vấn đề gia đình. Tôi phải suy nghĩ lại về hướng đi và những gì cần ưu tiên trong cuộc sống lúc này, nên nhiều lúc cũng cảm thấy hơi chơi vơi. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi chưa có gì là rõ ràng cả thì cảm giác bất an mạnh mẽ hơn.

Hoàng Quyên (Bartender): Tương lai là một điều không ai đoán trước được, cho nên tôi chỉ có thể tự tin vào chính mình và kế hoạch mà mình đặt ra. Cũng là một bài học khác trong mùa đại dịch, đó là bạn phải đặt ra một mục tiêu rõ ràng nhất có thể cho bản thân, thì khi đó cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, bạn vẫn sẽ biết được bản thân cần phải làm gì. Tôi tin rằng bên cạnh đam mê, kỹ năng và kiến thức, “một kế hoạch cụ thể” cũng là một yếu tố không thể thiếu để giúp bạn biến ước mơ của mình thành sự thật.

Giang Linh (Doanh nhân): Chắc chắn rồi. Tôi tin rằng sẽ có một tương lai tuyệt vời, phía trước. Vì tôi coi đại dịch này là sự thanh lọc thật sự, ít nhiều ai đó trong mỗi chúng ta cũng sẽ rút ra được bài học cho riêng mình. Người giàu có bài học của người giàu, người nghèo có bài học của người nghèo và từ những trải nghiệm đó chúng ta sẽ trưởng thành hơn, dám đối mặt với nhiều thử thách. Đó chính là nền tảng giúp rút ngắn thời gian thành công của chúng ta trong tương lai. Về sức khỏe doanh nghiệp cũng vậy, COVID-19 được đánh giá là cuộc khủng khoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ 2, nên chắc chắn đây là thách thức rất lớn. Điều gì không làm chúng ta gục ngã sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, phải không? Nếu vượt qua được tương lai sẽ là những trái ngọt.

 

Thách thức lớn nhất nào bạn cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt trong 6 tháng tới?

Thanh Vân (Thiết kế trang sức): Thứ nhất là chống dịch triệt để, ổn định tâm lý người dân. Thứ 2 là chính sách nào để hỗ trợ kinh tế vực dậy sau dịch? Đa số các khối ngành đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài, sức mua nội địa giảm, xuất khẩu khó khăn… Làm thế nào để thúc đẩy khách nước ngoài đến tiêu dùng ở Việt Nam nhiều hơn, thu hút nhiều người nước ngoài đến sống ở đây hơn; làm thế nào để người Việt Nam tiêu dùng nhiều hơn tạo sức bật cho nền kinh tế… Tôi nghĩ kinh tế tốt thì xã hội mới phát triển tốt được.

Hoàng Quyên (Bartender): Theo tôi thử thách lớn nhất Việt Nam phải đối mặt trong 6 tháng tới là phải kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo tiêm ngừa toàn dân song song với việc khôi phục kinh tế đất nước. Trong suốt thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn bé “chao đảo”. Đặc biệt là các nhóm ngành du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn… đã chịu những tổn thất không nhỏ. Nhưng ở một khía cạnh khác, đây cũng có thể trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp làm mới mình, tìm ra một định hướng mới phù hợp hơn với thời đại chẳng hạn.

Nicky Trần (Photographer): Theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy thách thức lớn cho Việt Nam trong 6 tháng tới chính là khôi phục cấp tốc nền kinh tế như thời điểm trước dịch và phải bứt phá vượt lên hơn nữa. Đại dịch đã để lại những tác động dài hạn đối với các hộ kinh doanh gia đình, các ngành sản xuất hướng xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa. Nhưng một tín hiệu đáng mừng là hầu hết các ngành đều chuyển hoá theo hướng công nghệ, tận dụng thương mại điện tử nên tốc độ phát triển có thể nói là khả quan. Nhưng song song đó, những ngành nghề truyền thống nếu không bắt kịp công nghệ sẽ tuột lại và khó để duy trì.

Nhóm thực hiện

Bài: H.Tôn
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more